3 phong cách làm cha mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ mà các bậc phụ huynh nên hiểu
3 phong cách làm cha mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ mà các bậc phụ huynh nên hiểu
Trong cuốn sách “Cái giá của đặc quyền”, TS. Madeline Levine đã nêu ra nghiên cứu về tác động của những phong cách làm cha mẹ khác nhau đối với sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu ấy luôn đặt trong tâm vào việc nhận diện các chiến lược nuôi dạy nhiều khả năng tạo ra những đứa trẻ tự chủ nhất, những đứa trẻ độc lập, có năng lực và biết yêu thương. Vậy có những phong cách làm cha mẹ nào? Hãy cùng Trạm Đọc tìm hiểu thông qua đoạn trích dưới đây từ cuốn sách. 
Cái giá của đặc quyền
(6 lượt)

 

1/ Hãy làm những gì mà bố mẹ bảo: Cha mẹ độc đoán

 

Kiểu phụ huynh độc đoán thường rất sát sao với con cái nhưng lại luôn dựa vào một bộ qui tắc khắt khe và cứng nhắc để vận hành gia đình. Họ không quan tâm đến việc giải quyết những khác biệt với con cái, và cũng không đặc biệt để ý đến quan điểm của con. Họ tin rằng kỉ luật, được thi hành lập tức và không cần bàn cãi, chính là cách nuôi dạy con hiệu

quả nhất và có khả năng kiểm soát cao. Cha mẹ độc đoán đòi hỏi nhiều ở con hơn là đáp ứng các nhu cầu của chúng. Họ thường không muốn ủng hộ sự phát triển năng lực tự chủ ở con vì điều đó có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong gia đình.

“Vì bố/mẹ đã bảo thể” là câu thần chú của những người chọn phong cách nuôi dạy con này. Những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình độc đoán thường bị phạt vì không làm theo các yêu cầu và kì vọng của cha mẹ. Dù luôn sát sao với con cái, các phụ huynh này thường lạnh lùng hơn là ấm áp. Họ đòi hỏi sự tuân thủ, thường có những kì vọng rất cao, và khi bọn trẻ còn nhỏ, đây là những gia đình tương đối nền nếp và ít xung đột. Tuy nhiên, tới tuổi vị thành niên, nhà của họ có thể biến thành vùng chiến sự khi những thiếu niên nổi loạn bị phạt rất nặng vì những chuyện mạo hiểm mà cha mẹ chúng không cho phép. Đó có thể là bất cứ thứ gì, từ quan điểm chính trị khác biệt cho đến chuyện thỉnh thoảng thử dùng ma túy hay uống rượu bia.

Đáng buồn là nhiều đứa trẻ lớn lên trong các gia đình độc đoán dù khá tuân thủ phép tắc và rất vâng lời nhưng lại có lòng tự trọng thấp, kĩ năng xã hội kém và có tỉ lệ mắc trầm cảm cao. Thêm vào đó, ở chúng còn thiếu vắng cả trí tò mò, cũng dễ hiểu vì “tư duy ngoài khuôn khổ” không phải là thứ được khuyến khích trong gia đình. Thường thì những đứa trẻ này sẽ luôn trông chờ quá mức vào người khác để được hướng dẫn và kiểm soát. Điều đặc biệt đáng lo ngại là theo các nghiên cứu, con cái của gia đình độc đoán thường hung hăng hơn những đứa trẻ đến từ các gia đình có phong cách nuôi dạy con khác. Gia đình độc đoán, nơi ưu tiên cho kiểu quyền lực một chiều, là môi trường lí tưởng sản sinh ra những kẻ bắt nạt.

 

2/ Cứ làm việc của con: Cha mẹ dễ dãi

 

Cha mẹ dễ dãi có xu hướng “làm bạn” với con mình. Họ coi việc nuôi dạy con là một nỗ lực hợp tác giữa cha mẹ và con cái, mối quan hệ giữa họ với con cũng rất nồng ấm. Những phụ huynh này thường đáp ứng con cái hơn là đòi hỏi, họ cũng không muốn kiểm soát con mình. 

Cha mẹ dễ dãi cực kì quan tâm đến con cái, nhưng họ thường không kiên quyết đòi hỏi chúng phải có các hành vi phù hợp. Để đáp lại lời phê bình đối với những hành vi không tốt của con mình, họ sẽ đưa ra lí do kiểu như “Tuổi này nó thế”. Thầy cô, huấn luyện viên, những người lớn khác, và cả những đứa trẻ khác đều có thể là đối tượng bị chỉ trích khi các phụ huynh dễ dãi cố gắng bảo vệ con họ khỏi hậu quả của các hành vi xấu mà chúng gây ra, hoặc những điều đáng thất vọng trong đời sống thực. Điểm thấp là do “giáo viên giảng bài không tốt” chứ không phải vì con họ học không chăm. Ít được ra sân thi đấu là do huấn luyện viên “thiên vị đứa khác” chứ không phải vì kĩ năng của con họ còn hạn chế.

Những phụ huynh này thường tránh đối đầu với con và không thể chịu đựng nỗi buồn của con. Ngoài chuyện gặp khó khăn với việc thiết lập kỉ luật, họ còn ngại đối đầu và không dám kiềm chế các cơn bột phát của trẻ. Qui định được họ áp dụng rất thất thường và con cái ở các gia đình này cũng có rất ít trách nhiệm. Chúng không mấy khi nhận thức được rằng bố mẹ mới là người nắm quyền trong gia đình.

Ở khía cạnh tích cực hơn, cha mẹ dễ dãi thường khuyến khích được năng lực sáng tạo và cá tính riêng của con. Con cái họ thường là những đứa trẻ khá dễ mến, hòa đồng và có lòng tự trọng cao. Mặt khác, chúng lại có xu hướng bốc đồng, non nớt và không hiểu được hậu quả của những hành động mình làm. Những đứa trẻ này thường hay thao túng người khác, thành tích học tập kém hơn và có tỉ lệ lạm dụng chất gây nghiện cao hơn những trẻ lớn lên trong các gia đình độc đoán hay quyết đoán. Đây là một kết quả đặc biệt đáng lo ngại của phong cách làm cha mẹ dễ dãi, xét về sự chênh lệch trong tỉ lệ lạm dụng chất gây nghiện ở nhóm thanh thiếu niên nhà giàu.

 

3/ Chúng ta có thể tìm ra cách: Cha mẹ quyết đoán

 

Cha mẹ quyết đoán là những ông bố bà mẹ ấm áp và biết chấp nhận, họ đồng thời cũng đặt ra những giới hạn và kì rất rõ ràng. Họ vừa đòi hỏi ở con, vừa đáp ứng con và nhìn chung ta có thể cảm thấy họ đang kiểm soát tốt gia đình mình. Thay vì chỉ trích hay trừng phạt, hỗ trợ là cách họ áp dụng để khích lệ con đáp ứng được các kì vọng.

Cha mẹ quyết đoán quan tâm đến các sự việc hơn là chuyện tuân thủ đơn thuần hay việc “làm bạn” với con. Họ đánh giá cao sự hợp tác, trách nhiệm xã hội và khả năng tự điều chỉnh bản thân, còn các con họ thường là những đứa trẻ giỏi giao tiếp xã hội và có tinh thần trách nhiệm. Họ cũng coi trọng thành tích và động lực tự thân của trẻ, nhưng không quá chú trọng cạnh tranh. Cha mẹ quyết đoán tạo điều kiện cho con phát triển năng lực tự chủ bằng cách khuyến khích chúng tìm ra cách để tự mình đón nhận thử thách chứ không can thiệp sớm và giải quyết vấn đề thay con.

Những phụ huynh quyết đoán hiểu rõ về vai trò làm cha mẹ của mình và không dùng con cái để bù đắp cho sự thiếu hụt kết nối hay tình bạn trong cuộc sống của chính họ, nhờ vậy họ có thể làm rất tốt nhiệm vụ đáp ứng các nhu cầu của con cái. Đối với bọn trẻ, điều này giúp chúng không phải bận tâm tìm cách đáp ứng nhu cầu của bản thân, bởi thế mà chúng có thể quan tâm đến nhu cầu của người khác. Khi trẻ biết quan tâm đến người khác, tình bạn và những kết nối sâu sắc sẽ có cơ hội phát triển. Kiểu nuôi dạy này hỗ trợ cho năng lực tự chủ đang lớn dần lên ở trẻ bằng cách tập trung cả vào sự tự lập và kết nối.

Làm cha mẹ quyết đoán không đơn giản chỉ là phong cách nuôi dạy con “trung lập”; đúng hơn, đó là một kiểu làm cha mẹ độc đáo và vô cùng tận tâm. Tiến sĩ Baumrind tin rằng chính những phụ huynh quyết đoán, những người ấm áp nhưng cũng biết áp dụng kỉ luật phù hợp, người luôn cam kết ủng hộ con phát triển năng lực tự chủ ở mức độ cao nhưng vẫn đòi hỏi ở con sự trưởng thành và thành tích tốt, sẽ là các ông bố bà mẹ nuôi dạy nên những đứa trẻ có khả năng điều chỉnh bản thân tốt nhất. Nghiên cứu của bà cho thấy con cái của những cha mẹ quyết đoán có cách nhìn nhận về thành tích cân bằng hơn, kĩ năng xã hội tốt hơn, điểm số cao hơn, tỉ lệ lạm dụng chất kích thích thấp hơn và ít bị trầm cảm hơn so với con của các gia đình dễ dãi hay độc đoán. Nói cách khác, đó là nhóm có nhiều khả năng nhất trong việc xây dựng được ý thức lành mạnh về cái tôi, hình thành những kĩ năng giúp tạo nên bộ ba yếu tố phát triển tích cực ở trẻ: khả năng sống độc lập, duy trì mối quan hệ yêu thương giữa người với người, và tận hưởng cảm giác làm chủ năng lực của bản thân. 

Tags: