Lý thuyết về tâm trí: Cờ vua và thế giới ngầm dạy ta điều gì về nghệ thuật thao túng
Lý thuyết về tâm trí: Cờ vua và thế giới ngầm dạy ta điều gì về nghệ thuật thao túng
Những chiến lược gia bậc thầy là những người luôn nghĩ xa trông rộng. Các đại kiện tướng cờ vua, những vị tướng tài ba, các nhà lãnh đạo kiệt xuất và cả những ông trùm mafia – tất cả đều có một điểm chung: họ luôn đi trước đối thủ nhiều bước.

Chúng ta ai cũng có khả năng suy nghĩ trước. Thật khó hình dung một con người có thể vận hành cuộc sống hàng ngày mà không nghĩ trước ít nhất đôi chút — chẳng hạn, bạn có thể đã lên kế hoạch cho buổi tối hôm nay, hay đã định sẵn con đường về nhà. Suy nghĩ trước là một dấu hiệu của trí thông minh. Thiếu nó, chúng ta chỉ hành động theo bản năng và phản xạ – giống như một cái cây, hoặc một đứa trẻ sơ sinh.

 

Khi việc "nghĩ trước" liên quan đến người khác

 

Một nghiên cứu gần đây từ Trường Y Mount Sinai đã khám phá sâu hơn về cách chúng ta vận dụng khả năng suy đoán này trong các tương tác xã hội – đặc biệt là khi cố gắng thuyết phục hay thao túng người khác.

 

Lý thuyết về tâm trí là gì?

 

Một trong những điều khó khăn nhất của cuộc sống là… phải đối mặt với người khác. Không giống bạn (tất nhiên rồi!), họ thường khó đoán, độc lập và cực kỳ khó nắm bắt. Chúng ta không thể đọc được suy nghĩ của họ. Nhưng vì con người là sinh vật xã hội, nên chúng ta đã tiến hóa để phát triển một cơ chế tinh vi giúp "đọc vị" người khác – hay ít nhất là suy đoán xem họ đang nghĩ gì.

Đó chính là “lý thuyết về tâm trí” – khả năng đặt mình vào vị trí người khác để hiểu cảm xúc, mong muốn và suy nghĩ của họ. (Với người tự kỷ, khả năng này có thể phát triển khác biệt.) Trẻ nhỏ bắt đầu nhận ra rằng người khác có suy nghĩ và cảm xúc riêng vào khoảng 15 tháng tuổi, nhưng phải mất thêm một thời gian dài mới học được cách phản ứng phù hợp. Ví dụ, nếu một đứa trẻ hai tuổi thấy ai đó buồn, nó có thể đưa món đồ chơi yêu thích của mình để an ủi – vì nó nghĩ rằng thứ khiến mình vui thì người khác cũng sẽ thích. Chúng nhận ra người khác có cảm xúc, nhưng chưa hiểu được người khác cần điều gì.

Đối với người trưởng thành, khả năng này trở nên tinh vi hơn rất nhiều. Giả sử bạn đang nói chuyện với ai đó và thấy họ liếc nhìn đồng hồ – bạn sẽ nghĩ gì? Họ đang chán à? Họ có việc gấp? Hay trên đồng hồ có con nhện? Người hay "nghĩ nhiều" thường mắc kẹt trong chuỗi suy đoán bất tận như thế. Bất kỳ thói quen trí não nào, dù tốt, cũng có thể trở nên độc hại nếu bị đẩy quá xa.

 

Luôn đi trước vài bước

 

Điểm nổi bật trong nghiên cứu của Na và các cộng sự là: khi muốn thuyết phục hoặc thao túng người khác, chúng ta sử dụng lý thuyết về tâm trí ở mức độ rất sâu.

Trong thí nghiệm, 48 người tham gia được đặt vào máy quét não và chơi một trò chơi gọi là “trò chơi tối hậu thư”. Họ được chia cặp và phải thỏa thuận chia nhau 20 đô la. Trong một phiên bản của trò chơi, không có bất kỳ quy tắc nào – họ có thể mặc cả, thương lượng, lôi kéo, thậm chí là chơi chiêu tùy thích.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hai điều thú vị:

Thứ nhất, khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng người chơi hành động như thể họ đang suy nghĩ trước hai, ba, thậm chí bốn bước so với đối thủ. Nếu chỉ phản ứng một cách đơn giản hay nghĩ từng bước một, kết quả đã hoàn toàn khác.

Thứ hai, các bản quét não cho thấy vùng vỏ não trước trán bụng giữa – nơi thường hoạt động khi chúng ta đưa ra các quyết định mang tính chiến lược – được kích hoạt mạnh mẽ trong suốt trò chơi. Điều này cho thấy về mặt sinh học thần kinh, việc thao túng người khác cũng giống như việc lập kế hoạch dài hạn cho chính mình.

 

Mỗi cuộc trò chuyện là một ván cờ

 

Trong một cảnh phim nổi tiếng của The Wire, nhân vật D’Angelo dùng thế giới thật của buôn bán m.a t.ú.y để giải thích luật chơi cờ vua. Và nó hiệu quả một cách kỳ lạ – giờ thì chúng ta có thể hiểu tại sao. Nghiên cứu của Na chỉ ra rằng khi cố gắng tác động đến người khác, bộ não chúng ta hoạt động tương tự như khi chơi cờ.

Thực chất, mỗi tương tác xã hội là một ván cờ – một trò chơi tâm lý mà ta cố gắng "đọc vị" người kia để đoán xem họ đang nghĩ gì, hoặc sắp làm gì. Đây chính là nguyên nhân gây căng thẳng trong nhiều mối quan hệ, và cũng là nguồn gốc của nhiều mâu thuẫn.

Vậy nếu chúng ta có thể chơi “ván cờ xã hội” này tốt hơn thì sao? Chơi cờ đã được biết là mang lại nhiều lợi ích – và có lẽ giờ ta có thể bổ sung thêm một lý do nữa để học cờ: giúp bạn đạt được điều mình muốn. Đã đến lúc phủi bụi bàn cờ rồi đấy.

- Theo Big Think

Tags: