Ta là sản phẩm của chính mình – Hành trình 5 giai đoạn của con người tự do
Ta là sản phẩm của chính mình – Hành trình 5 giai đoạn của con người tự do
Việc quyết định mình là ai và mình sẽ dùng cuộc đời vào việc gì hoàn toàn là tự do lựa chọn của riêng mỗi người, nhất là khi đã trưởng thành. Để dễ hình dung hơn, từ những nghiên cứu và trải nghiệm của bản thân, tôi đã đúc kết thành một mô hình “Ta là sản phẩm của chính mình” (còn gọi là mô hình “quản trị cuộc đời”, và đây cũng là hành trình của “con người tự do / tự trị”) gồm năm cấu phần.
Khi được dẫn dắt bởi “con người ở bên trong” (lương tri, lương tâm, đạo đức, phẩm giá, phẩm hạnh, giá trị, nhân cách, lẽ sống, lẽ phải,…), ta sẽ trở nên hướng thiện và hướng thượng hơn, và đặc biệt là mọi hành vi của ta sẽ không bị phụ thuộc bởi ngoại cảnh. Nói cách khác, ta có khả năng “tự trị” / “nội trị”  bởi lương tri và phẩm giá bên trong con người mình, hơn là “bị trị” / “ngoại trị” bởi ai đó hay bởi tiền tài, địa vị, danh vọng hay bởi cái gì khác bên ngoài con người mình. Và vì thế, ta là con người tự do, tự do với những chi phối từ bên ngoài trong những hành vi của mình.

Việc quyết định mình là ai và mình sẽ dùng cuộc đời vào việc gì hoàn toàn là tự do lựa chọn của riêng mỗi người, nhất là khi đã trưởng thành. Để dễ hình dung hơn, từ những nghiên cứu và trải nghiệm của bản thân, tôi đã đúc kết thành một mô hình “Ta là sản phẩm của chính mình” (còn gọi là mô hình “quản trị cuộc đời”, và đây cũng là hành trình của “con người tự do / tự trị”) gồm năm cấu phần.

Khai phóng bản thân

“Khai phóng”, hiểu một cách đơn giản nhất, là “khai minh và giải phóng bản thân để trở thành một con người tự do.” Ở đây, “giải phóng bản thân” và “tự do” không phải chỉ mang ý nghĩa là thoát ra khỏi một ách áp bức, một chế độ bạo quyền như cách chúng ta thường hiểu khi nhắc đến những từ ngữ này, mà là giải phóng bản thân khỏi những yếu tố nô lệ / bị trị / ngoại trị (bởi tiền bạc, quyền lực, danh vọng, sự sợ hãi…), và bắt đầu hành trình trở thành một con người tự do / tự trị / nội trị. Nói một cách rõ hơn, khai minh tức là hành trình nhận chân ra con người của mình và thấu hiểu nhân tình thế thái, rồi dẫn dắt bản thân thoát khỏi sự vô minh, u mê, giáo điều, ấu trĩ để có một cái đầu minh định và trái tim có hồn.

 

Ảnh Valentin Tkach - Behance

 

Và hành trình khai minh thường bắt đầu bằng sự tự ý thức rằng mình luôn có thể đã, đang hay sẽ mắc phải căn bệnh “ấu trĩ” với rất nhiều “điểm mù” về bản thân, về người khác và về mọi thứ, cũng như rèn luyện thói quen phản tỉnh (tự xét lại những tư tưởng và hành vi của mình, tự tra vấn bản thân để hiểu đúng về mình). Điều này nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Và có vẻ như khi càng bị bao vây bởi quyền lực, tiền bạc, danh vọng, sự sợ hãi… thì điều đó lại càng khó hơn.

Tìm ra chính mình

Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa con người chuyên môn của mình.

Ở khía cạnh con người văn hóa, đó là việc tìm ra được đâu là lương tri và phẩm giá của mình, đâu là lẽ sống và giá trị sống của mình; đâu là những giá trị làm nên chính mình, là những thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó, mình sẵn lòng hy sinh mọi thứ khác; đâu là “chân ga” (để giúp mình vượt qua bao đèo cao) và đâu là “chân thắng” (để giúp mình không rơi xuống vực sâu).

Ở khía cạnh con người chuyên môn (hay con người công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp), đó là việc tìm ra mình thực sự thích cái gì, mình giỏi cái gì, hiểu được mình giỏi đến mức độ nào để đặt mình vào một công việc phù hợp nhất với “cái chất” con người mình. Khi làm công việc mà mình giỏi nhất, mê nhất và phù hợp với “cái chất” con người của mình nhất thì khi đó con người chuyên môn cũng nằm trong con người văn hóa, và khi đó làm việc cũng là làm người, khi đó mình làm việc nhưng cũng là sống với con người của mình.

Cái ta phải chọn trước hết là chọn lẽ sống, giá trị sống của mình (tức là chọn cuộc đời để sống, mình phải biết rõ là mình muốn trở thành một con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao); và khi ta đã biết mình sống để làm gì và muốn dùng cuộc đời của mình cho mục đích gì rồi, ta mới chọn công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó.

Làm ra chính mình

Tìm ra chính mình rất quan trọng, nhưng để ta có được cái “chính mình” đó, để hình thành được “con người bên trong” đó thì phải cần đến cả một quá trình để làm ra nó, vì từ nhận thức đến hành động bao giờ cũng có khoảng cách.

Cuộc đấu tranh giữa “ta” (con người bản năng) và “mình” (con người lương tri) là một cuộc đấu tranh vô hình và âm thầm nhưng không kém phần giằng xé và khốc liệt so với bất kỳ cuộc đấu tranh hữu hình nào khác mà chúng ta từng biết.

Hành trình làm ra “chính mình”, một “chính mình” đủ lớn và đủ mạnh để đè bẹp “ta” bản năng (hay “ta” hoang dã) một cách dễ dàng trong những lựa chọn khó khăn của cuộc sống và cuộc đời, quả thật rất gian nan, nhưng không phải là không làm được. Có một câu nói rất hay của Samuel Smiles: “Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt bản tính, gieo bản tính gặt số phận.” Nghĩa là, cần bắt đầu từ những hành động nhỏ và biến nó thành thói quen của mình, cho đến khi thói quen ấy trở thành giá trị, thành bản tính của mình hay nói cách khác là trở thành con người của mình.

Sống với chính mình

Khi đã làm ra chính mình, ta chỉ việc sống đúng với con người ấy. Có lẽ, khó có niềm hạnh phúc nào lớn bằng niềm hạnh phúc này, hạnh phúc được sống đúng với con người của mình, như Mahatma Gandhi, nhà hiền triết vĩ đại và cũng là nhân vật đứng thứ hai trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 (theo bình chọn của tạp chí Time), từng nói: “Hạnh phúc, là khi những gì bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm nhất quán và hòa quyện với nhau.”

Ảnh Valentin Tkach - Behance

Và không chỉ Mahatma Gandhi, nhà tâm lý học trứ danh Abraham Maslow cũng chia sẻ trong “Tháp nhu cầu Maslow” nổi tiếng của mình rằng trong tháp nhu cầu của con người gồm năm mức thì mức cao nhất cũng có hàm ý nhu cầu “được sống đúng với con người của mình”. Đây cũng chính là nhu cầu đặc biệt nhất của con người tự do / tự trị / nội trị.

Giữ được chính mình

Thực sự, trong một thế giới ngày càng trở nên phức tạp với đầy những bất ổn, việc làm sao để “giữ được chính mình” đang là một trăn trở không hề nhỏ của không ít người. Làm sao để trung thành với những giá trị mà mình đã lựa chọn, làm sao để không phản bội lại chính mình? Làm sao để bảo vệ mình trước những tác động bên ngoài để không đánh mất cái “mình” mà ta đã dày công đi tìm và làm ra nó?

Chắc chắn đó là điều không dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Khó đến mức để tồn tại, nhiều người đã chấp nhận phải thỏa hiệp, đến mức ngay cả những người khó tính nhất cũng buộc phải chấp nhận vì không còn giải pháp nào khác.

Trên đây là năm cấu phần của mô hình "Ta là sản phẩm của chính mình”. Mô hình này có tên như vậy vì ta sẽ trở thành ai hay cuộc đời ta sẽ ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của chính ta: Lựa chọn của bạn, Cuộc đời của bạn/Your choices, Your life!

Vòng tròn trong mô hình ở trên không có điểm kết thúc, điều đó có nghĩa là quá trình: Khai phóng bản thân, Tìm ra chính mình, Làm ra chính mình, Sống với chính mìnhGiữ được chính mình có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Bởi những gì ta tìm thấy ngày hôm nay có thể sẽ không còn đúng ở ngày mai, vì cái dốt là mênh mông và chân lý cũng không hẳn vĩnh cửu mà sẽ tiến triển cùng với quá trình tự nhận thức, tự khai minh không ngừng nghỉ của con người.

Bài viết được trích dẫn từ cuốn sách Đúng việc của tác giả Giản Tư Trung. Giờ đây, độc giả có thể đón nghe bản audio của cuốn sách tại Voiz FM - Nền tảng nghe Sách nói Chất lượng cao, 100% Bản quyền lớn nhất Việt Nam. Truy cập ngay tại: Voiz.vn/download

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Kích hoạt tiềm năng - Bí ẩn bất ngờ từ ba cuộc trò chuyện - Trích đoạn Bạn là tiếng nói của chính mình

Ba Biểu Hiện Mất Thăng Bằng Cảm Xúc Ở Phụ Nữ

Bốn cảm xúc trong quá trình hàn gắn vết thương sau khi chia tay

Đừng nghĩ rằng có thể học cách yêu, mà phải đúng là loại bỏ những cách đánh mất tình yêu

9 bài học mà Đào thoát khỏi mê cung muốn bạn khắc ghi

Tags: