Hạnh phúc tự thân: Tình yêu đích thực, vốn chỉ cần một mình?
Hạnh phúc tự thân: Tình yêu đích thực, vốn chỉ cần một mình?
Tại sao “Tình yêu đích thực vốn chỉ cần một mình?”. Điều này không thể hiểu được bằng ngôn từ, điều này là một sự trải nghiệm.
Góc nhìn AQ
(17 lượt)
Trong quyển sách viết về tình yêu, Osho tiết lộ rằng từ “love” trong tiếng Anh bắt nguồn từ một từ tiếng Phạn “lobha” – nghĩa là sự tham lam. Osho cho rằng hẳn phải có một cái gì đó bí ẩn đằng sau điều này. Hẳn là khi lòng tham được đẩy lùi thì tình yêu xuất hiện. Nên người Anh dùng từ “love”. “Tình yêu là sự chia sẻ, lòng tham là sự tích trữ. Lòng tham chỉ muốn nhận lấy nhưng không cho tặng, tình yêu chỉ biết đến sự cho tặng và không bao giờ đòi hỏi bất kỳ sự đáp đền nào; tình yêu là sự chia sẻ vô điều kiện.” Chỉ khi lòng tham biến mất, thì tình yêu mới xuất hiện. 

Ấy thế mà trong trái tim tình yêu, nhân loại lại vẽ một mũi tên đâm xuyên qua cho trái tim rỉ máu. Lẽ nào tình yêu là phải đâm vào tim nhau, tổn thương nhau, ràng buộc nhau, hận thù nhau. 

Ấy thế mà người ta vẫn bảo “có yêu mới có hận, có yêu mới có ghen, vì yêu nên kiểm soát nhau”. Lẽ nào trái tim có thể chất chứa một lúc cả hận thù và thương yêu? Lẽ nào tình yêu là trói buộc, là nắm giữ khư khư? Lẽ nào tình yêu thật sự chỉ có thế thôi sao?

Tôi rất đồng thuận với nhận định của Osho về tình yêu:

“Tính sở hữu là chất độc giết chết tình yêu đôi lứa. Tính kiểm soát là ngục tù giết chết sự tự do. Tình yêu đích thực vốn chỉ cần một mình”

Tại sao “Tình yêu đích thực vốn chỉ cần một mình?”. Điều này không thể hiểu được bằng ngôn từ, điều này là một sự trải nghiệm. Khi trong ta đầy sự sống của hạnh phúc tự thân, ta biết yêu thương chính mình, biết sống cuộc đời tự do không bị ràng buộc bởi những định kiến hay suy nghĩ của người khác. Ta sẽ không lệ thuộc vào người khác, không nghiện cảm giác do người khác mang đến, không trói buộc hay giam cầm người khác trong ngục tù của mình. Hạnh phúc lúc này do chính ta quyết định, mà không phải do ai định đoạt. Dù người có tốt với ta, ở bên ta, quan tâm ta hay không, không quan trọng. Tình yêu trong ta vẫn như suối nguồn, cứ tuôn trào, tươi mát. Ta không mong cầu đáp trả.

Khi ta biết yêu thương chính mình rồi, ta sẽ biết yêu thương cả nhân loại, dù là những người thân hay những người ta không quen biết. Ta sẽ không phụ thuộc, bám víu vào bất cứ điều gì. Và thật sự tình yêu đích thực không phải là tình yêu chỉ biết có nửa kia. Tình yêu không phải là nắm giữ, tình yêu là sự sẻ chia. Bạn sẽ không biết đến tình yêu là gì, nếu bạn chỉ đối xử tốt với một người mà thờ ơ với cả thế giới. Đó là một sự ích kỷ. Đó chỉ là những cảm xúc. Điều này không nhằm chỉ thói trăng hoa, gặp ai cũng đắm say. Chúng ta không sống chỉ với nửa kia. Chúng ta còn nương tựa vào rất nhiều yếu tố khác. Thế nên người biết yêu thật sự sẽ đặt tình cảm của mình tổng hòa trong tình cảm chung của cả gia đình, hàng xóm, với những người quen biết hay cả người không quen. Một người có tình yêu thương thật sự, là một người có lòng trắc ẩn. Nếu không, đó chỉ là sự ích kỷ nhân danh tình yêu.

Ta tốt với người vì người tốt với ta, ta chăm sóc người vì người là của ta, ta cho người thì người cũng phải cho ta. Còn những kẻ khác, ta coi là người dưng, không việc gì phải tốt với họ, vì ta chẳng rút tỉa được gì từ họ. Đó chẳng phải là một cuộc đổi chác, trao đổi cảm xúc sao? Nếu như nửa kia không còn thương ta thì sao, không còn tốt với ta thì sao, không làm theo ý ta thì sao, không thỏa mãn được ta thì sao? Ta sẽ đi tìm những cuộc tình khác? Ta sẽ không yêu nữa. Ta sẽ nuôi hận thù. Lẽ nào tình yêu là sự so sánh, hơn thua? Lẽ nào tình yêu chỉ có thể thôi sao?

Con đường nào chúng ta đi rồi cũng đôi lần trắc trở. Cặp đôi nào rồi cũng gặp sóng gió, mưa giông. Liệu mỗi lần sóng gió nổi lên mình có đủ nhẫn nại, bình tĩnh, dũng cảm nhìn sự thật để sửa lỗi chính mình không? Không dễ.

 

Người biết tình yêu là người biết chân lý 

 

Socrates - một nhà tư tưởng vĩ đại đã nói gì về tình yêu?

“Người biết tình yêu cũng biết chân lý, bởi vì chúng chỉ là hai cái tên của một kinh nghiệm. Và nếu bạn còn chưa biết tới chân lý, nhớ rằng bạn vẫn còn chưa biết tới tình yêu đâu.”

Đa phần những bậc minh triết đều định nghĩa về tình yêu như vậy. Tình yêu ấy thiêng liêng hơn rất nhiều so với tình yêu mà chúng ta định nghĩa, chúng ta nhầm tưởng. Chúng ta thèm khát nhau, chúng ta thỏa mãn nhau, chúng ta si mê nhau, chúng ta rút tỉa nhau, chúng ta lệ thuộc vào nhau, chúng ta kỳ vọng ở nhau.

Chúng ta làm cho nhau đau đớn và rồi chúng ta cho rằng đó là tình yêu. Chính vì định nghĩa như vậy, nên chúng ta tưởng rằng không có tình yêu vĩnh cửu, tình yêu chỉ sớm nở tối tàn. Chính vì như vậy, nên chúng ta yêu nhau như đôi chim, đôi nhạn, như trò chơi bản năng của mọi loài thụ tạo.

Hãy một lần nhìn ngắm những tình yêu rất rộng lớn trong nhân gian, để thấy rằng tình yêu đâu chỉ gói gọn trong những rung động, sở hữu lứa đôi. Có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống của mình vì nhân loại – như Đức Giêsu trên cây thập tự giá. Có tình yêu nào vô lượng vượt qua không gian thời gian như lòng từ bi của Đức Phật khi Ngài đã thành đạo mà vẫn dành hơn 45 năm trời đi khắp bốn phương để giáo hóa cứu độ chúng sinh. Có tình yêu nào bao la quảng đại như tình yêu của Mẹ Teresa, mẹ đã dành trọn đời mình cho những người bất hạnh trên đời, từ những trẻ em mồ côi sống vất vưởng lang thang, cho đến những người khổ đau, bệnh tật, cùng cực ở khắp nơi,... Trên cuộc đời này, luôn có rất nhiều những tình yêu vĩ đại như thế. Tình yêu ấy chan chứa khắp cả hoàn vũ mà không phân biệt một đối tượng nào... Bạn có thấy những tình yêu đó đã làm khổ một ai chưa? Hay chỉ những tình yêu vị kỷ của chúng ta mới làm khổ mình khổ người?

Bạn sẽ hòa vào đám đông, rồi mất hút, ngụp lặn trong những thương yêu dang dở, hay tập nhìn sâu vào gốc rễ vấn đề? Bạn sẽ để cho tình yêu 3 độc nhấn chìm mình hay nỗ lực vun bồi sự hiểu biết, nghị lực và mở rộng trái tim để lòng mình rộng lớn, thênh thang?

Chỉ có bạn là người quyết định mà thôi.

Bài viết được trích lược từ cuốn Góc nhìn AQ - Những góc nìn khác về cuộc sống Đa chiều - Phản Biện - Sâu sắc của tác giả Trần Việt Quân.