“Những cuốn sách tôi yêu” là cuốn sách tập hợp những bài nói của bậc thầy này về chủ đề: Những cuốn sách nào có ý nghĩa với ông.
Được biết đến như một đạo sư Ấn Độ có ảnh hưởng rộng rãi toàn cầu trong thế kỷ 20, nhất là với đệ tử người phương Tây, Osho được thừa nhận là một bậc thầy có kiến thức rộng rãi về học thuật. Hàng loạt cuốn sách tập hợp những bài nói chuyện của ông về nhiều đề tài khác nhau đã chứng minh điều đó. Nền tảng kiến thức của ông bắt nguồn từ những năm tháng là giáo sư dạy triết tại một trường đại học ở Ấn Độ.Ông nói: “Có lẽ tôi đã đọc nhiều hơn bất cứ người nào trên Trái Đất; tôi đã đọc ít nhất một trăm ngàn cuốn, có thể nhiều hơn, nhưng không ít hơn, bởi vì sau con số một trăm ngàn, tôi đã dừng đếm”. Osho đam mê sách từ nhỏ, tới độ có thể nói là cuồng sách. Ông từng trả số tiền tương đương với 1 tháng lương để được sở hữu một cuốn sách quý.
Ông nói: “Tôi có thể nhớ lại cái tháng tuyệt vời đó: không thực phẩm, không quần áo, thậm chí không có nơi trú ngụ; bởi không thể trả tiền thuê phòng trọ nên tôi đã bị đuổi ra khỏi căn phòng trọ tồi tàn của mình. Nhưng tôi vui sướng với “Tertium Organum”. Tôi đã đọc nó dưới ánh đèn đường và tôi đã sống trong cuốn sách đó”.
“Những cuốn sách tôi yêu” có lẽ là cuốn sách duy nhất ông đề cập tới một loạt sách mà ông quan tâm, thích hoặc không, đồng ý hay không đồng ý với tác giả.
Đối với người yêu thích đọc sách, những chỉ dẫn của một bậc thầy như ông rất đáng chú ý trên hành trình chọn sách. Osho lựa chọn một số nhóm tác giả cực kỳ kinh điển. Ông rõ ràng là đọc rất rộng, từ văn học kinh điển tới triết học, tôn giáo, tâm linh. Và không chỉ đọc rộng, ông còn đọc sâu.
Hãy xem ông diễn giải giản dị mà cốt lõi về một trong những cuốn sách mà tôi yêu thích và cũng bị xếp vào loại “khó hiểu” nhất trong văn học - Cuốn Chờ đợi Godot (Waiting for Godot) của Samuel Beckett (nhà văn, nhà viết kịch Ireland – giải Nobel văn học năm 1969):
“Bây giờ, không ai biết Godot có nghĩa là gì, cũng như không ai biết God có nghĩa là gì. Thực tế, Beckett đã làm một việc đáng nể là phát minh ra từ Godot thay cho từ God – Thượng đế. Con người hàng ngàn năm chờ đợi God. Nhưng mọi người đều hoài công chờ đợi bởi vì Thượng đế thậm chí còn không tồn tại. Mọi người vẫn đang chờ, chờ, chờ và chờ … nhưng sẽ chẳng có gì xảy ra hết …”
Osho là vậy. Ông luôn đi thẳng vào cốt lõi trần trụi nhất.
Dưới đây là một số cuốn sách trong danh sách sách yêu thích của ông
“Zarathustra đã nói như thế” là cuốn được nhắc tới đầu tiên trong danh sách của Osho. Tiếp theo đó là “Anh em nhà Karamazov” của Dostoievsky. Tôi có nên xếp “Thơ Dâng” của Tagore vào phần sách này không nhỉ? Vì dẫu là một tác phẩm văn học nhưng cuốn sách này lại đẫm chất thiền, giống như cuốn “Ngôn sứ” (Kahli Gibran). Siddhartha của H.Hesse. “Chiến tranh và Hòa bình” của Tolstoi. “Cha và con” (Turghenhiev). “Người mẹ” của Gorki….
“Đạo Đức Kinh” của Lão Tử và “Ngụ ngôn” của Trang Tử được Osho lựa chọn ngay sau hai cuốn trên. Kinh Gita, “Thánh kinh” của Ấn giáo xếp sau “Bài giảng trên núi” (Kinh Thánh). “Tự do đầu tiên và cuối cùng” của Krishnamurti.
“Liệt tử Xung hư chân kinh” của Liệt tử; “Đối thoại của Socrates”; Rumi. “Thiền luận” của Suzuki. Ngụ ngôn của Aesop….
Danh sách lựa chọn của Osho kéo dài chừng hơn 100 cuốn, tập trung hầu hết vào những tác phẩm văn học và triết học, tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc tới ông.
Với những người yêu thích đọc sách, những thông tin về sách do Osho lựa chọn (cùng với những lời bình của ông) chắc chắn sẽ hữu ích, giúp cho chúng ta có thể tìm hiểu thêm về những cuốn sách hay, có giá trị.
Nhưng, như một thiền sư đích thực, sau hàng ngàn cuốn sách đã đọc, với ông, sự tĩnh lặng mới là ngôn ngữ tuyệt vời nhất.
Mei Ann
Trạm Đọc.