ĐỪNG BIẾN CON MÌNH TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA SỰ THAO TÚNG
ĐỪNG BIẾN CON MÌNH TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA SỰ THAO TÚNG
Những đứa trẻ bị thao túng tinh thần thường nghĩ mình có lỗi, trầm cảm, lo lắng, gặp vấn đề về ăn uống và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.

Trên nhiều mạng xã hội cũng như các diễn đàn cha mẹ, tôi thường thấy người ta chia sẻ những câu khẩu hiệu kiểu như, “Những quả nho cần được nghiền nát để làm ra rượu”, “Kim cương hình thành dưới áp lực lớn”, “Những quả ô liu được ép để tạo ra dầu”, “Những hạt mầm lớn lên trong bóng tối” ...

Người ta tâm đắc tung hô các khẩu hiệu ấy, coi đó là những bài học sâu sắc để dạy con về sự khổ công luyện tập. Thực ra, đây là những thông điệp tồi tệ, nguy hiểm và thiếu tính nhân văn. Đó chính là cách các quản lý, chủ doanh nghiệp thao túng nhân viên của mình. Nhiều ông bố bà mẹ cũng thao túng tinh thần con cái theo cách đó.

Rất tiếc, cả nho và ô liu đều bị phá hủy hoàn toàn trong quá trình nghiền hay ép, và lợi ích thu được không dành cho nho hay ô liu mà cho người sử dụng. Đây đúng ra phải là một huyền thoại về những nô lệ hi sinh bản thân vì người chủ.

Thao túng tinh thần là một vòng luẩn quẩn nguy hại cho tất cả những ai ở trong nó.

(Thực tế) Không ai có quyền nghiền nát ai cả, dù với niềm tin rằng điều này là vì lợi ích của người đó. Một người có thể tự quyết định chọn làm việc khó khăn, nhưng điều này không giống việc bạn bị buộc phải chịu áp lực.

Không ai có quyền lạm dụng người khác, dù nhân danh công việc hay tình yêu. Chúng ta là con người, không phải nho, ô liu hay hạt giống, vì vậy đừng coi nhân viên/con cái như những thứ cần được tạo hình hay chế biến, trừ khi họ muốn và tự nguyện. Đó là những quyền cơ bản của con người.

Khi con bạn đón nhận những lời khuyên như thế, tức là chúng đang mang tâm lý của nạn nhân. Khi con bạn không biết tại sao mình phải làm việc, học tập vất vả đến vậy, và chúng không chủ động chọn tham gia, không hài lòng với nó, thì đó là sự lạm dụng.

Nếu bạn đang làm việc trong một tổ chức, đừng để mình là nạn nhân của sự lạm dụng. Nếu bạn là người chủ hay quản lý, hãy dừng ngay việc coi nhân viên như nho, ô liu hay hạt giống.

Nếu là cha mẹ, bạn cần lập tức chấm dứt các hành động thao túng con mình. Điều này thực sự rất nguy hiểm, dù nạn nhân là ai đi nữa.

Những người bị thao túng tinh thần sau này cũng sẽ trở thành kẻ đi thao túng tinh thần người khác. Đó là một vòng luẩn quẩn nguy hại cho tất cả những ai ở trong nó.

Vậy thao túng là gì và nó để lại hậu quả như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu để có cái nhìn đầy đủ hơn về hình thức lạm dụng tâm lý nguy hại này. (Một số thông tin dưới đây do tôi tham khảo từ trang Goodtheraphy.org).

Thao túng là gì?

Thao túng là hành vi sử dụng các chiến thuật tâm lý để gián tiếp kiểm soát hành vi, cảm xúc của người khác trong một mối quan hệ. Người thao túng biết cách dùng lời nói, cử chỉ để “chơi” với cảm xúc của người khác một cách có chủ ý nhằm đạt được điều mình muốn.

Hầu hết mọi người ít nhiều đều có những hành vi thao túng người khác. Chẳng hạn, ai đó hỏi bạn có ổn không, bạn trả lời “Tôi ổn” trong khi bạn đang cảm thấy rất tệ. Về mặt kỹ thuật, đây là một hình thức thao túng vì nó kiểm soát nhận thức và phản ứng của người kia đối với bạn.

Đôi khi, một người có thể vô thức thao túng người khác mà không nhận thức đầy đủ về những gì mình làm, nhưng cũng có những người tích cực thực hiện các chiến thuật thao túng để đạt được mục đích của mình.

Động cơ đằng sau sự thao túng có thể thay đổi từ vô thức sang độc hại, điều quan trọng là chúng ta phải nhận diện được các biểu hiện thao túng đang diễn ra. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp về sự thao túng của cha mẹ đối với con cái:

  • Có hành vi hung hăng thụ động: gián tiếp biểu lộ sự giận dữ mà không thể hiện rõ ràng.
  • Đưa ra các mối đe dọa tiềm ẩn. Ví dụ, cha mẹ nói với con, “Hãy nhìn những đứa trẻ mồ côi xem chúng khốn khổ như thế nào”, “Nếu con không ngoan, bố mẹ sẽ buồn mà ốm, bố mẹ sẽ chết...”, hay “Con mà không nghe lời bố mẹ thì sau này sẽ...”
  • Không trung thực: nói dối, bịa chuyện để đạt được mục đích của mình. Ví dụ, “Cô giáo gọi cho mẹ nói dạo này con lười học, cô bảo con phải chăm chỉ hơn”, trong khi cô giáo không hề gọi.
  • Chơi trò nạn nhân (kể khổ). Ví dụ, “Bố mẹ đã hi sinh tất cả vì con, con phải...”
  • Giữ thông tin: không chia sẻ những thông tin cần để thay thiết để điều khiển hành vi của đối phương.
  • Lạm dụng bằng lời nói. Ví dụ, “Sao con người ta làm được mà con lại không?” “Đồ ngu dốt, ăn hại, sau này có ma nó lấy, học dốt thế sau này chỉ có đi hót phân...
Nhiều phụ huynh thường xuyên thao túng tinh thần con cái

Hậu quả của thao túng tinh thần

Thao túng là hành vi tiêu cực, đặc biệt khi nó gây hại cho sức khỏe thể chất, cảm xúc hoặc tinh thần của người bị thao túng. Nếu không được giải quyết, thao túng có thể làm sức khỏe tâm thần của những người bị thao túng kém đi. Trong một số trường hợp, nó có thể để lại tác động tương tự như chấn thương, nhất là khi nạn nhân bị thao túng cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ.

Nạn nhân của thao túng mãn tính có thể có những biểu hiện sau:

  • Cảm thấy thất vọng về bản thân
  • Tăng các biểu hiện đối phó không lành mạnh
  • Không ngừng cố gắng để làm hài lòng người thao túng
  • Nói dối về cảm xúc của mình
  • Đặt yêu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân.
  • Khó tin người khác
  • Trong một số trường hợp, nạn nhân bị thao túng có thể nghi ngờ về nhận thức của chính mình về thực tế.

Thao túng lâu dài có thể có tác động nghiêm trọng đến các mối quan hệ thân thiết như bạn bè, gia đình hay các mối quan hệ tình cảm. Thao túng có thể khiến sức khỏe tinh thần của những người trong mối quan hệ suy giảm, làm mối quan hệ đó xấu đi, thậm chí có thể tan rã.

Trong một cuộc hôn nhân hoặc quan hệ đối tác, thao túng có thể khiến một bên cảm thấy bị bắt nạt, cô lập hoặc thấy mình vô giá trị.

Những đứa trẻ bị thao túng tinh thần thường nghĩ mình có lỗi, trầm cảm, lo lắng, gặp vấn đề về ăn uống và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.

Các dấu hiệu thao túng trong mối quan hệ cha mẹ và con cái có thể bao gồm: khiến trẻ cảm thấy tội lỗi, hạ thấp thành tích của trẻ, tham gia vào mọi mặt trong cuộc sống của trẻ hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm làm cha mẹ.

Nếu bạn thấy mình đang bị thao túng, hãy lập tức tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh đó. Nếu bạn đang dùng các chiêu trò thao túng con cái hay người thân trong gia đình, hãy đọc kỹ những hệ lụy mà hành vi đó gây ra với nạn nhân để thay đổi. Tôi tin rằng cha mẹ nào cũng muốn con phát triển bình thường, tự tin và hạnh phúc, vậy hãy chấm dứt thao túng con cái ở mọi cấp độ.

Theo TS Cherry Vũ - Thế bây giờ mẹ muốn "cái giề"?

 

Tags: