PHẢI TRÁI ĐÚNG SAI - Chúng ta không đạo đức như mình tưởng
PHẢI TRÁI ĐÚNG SAI - Chúng ta không đạo đức như mình tưởng
Làm thế nào mà chúng ta có thể tìm ra con đường của mình qua vùng đất các mặt đối lập: công lý và bất công, bình đẳng và bất bình đẳng, quyền cá nhân và công ích? Cuốn sách này cố gắng trả lời câu hỏi trên.
PĐược xem là một trong những cuốn sách nên đọc cho những ai muốn bước vào con đường bình luận và tranh luận, phải nói cảm nhận chung và đầu tiên về cuốn sách này chính là: khó đọc. Nhiều người đọc phổ thông khi mới bắt đầu đọc cuốn sách của GS. Michael Sandel cũng không khỏi cảm thấy khó hiểu, thậm chí có phần khó chịu với những tình huống đạo đức oái ăm được đặt ra từ đầu cuốn sách. 

Chúng ta thường nghĩ mình biết rất rõ tiêu chuẩn đạo đức của bản thân và xã hội, chúng ta được dạy từ rất sớm rằng điều gì tốt và điều gì xấu. Nhưng Sandel luôn có cách để đẩy chúng ta đến giới hạn của phải - trái, đúng - sai, và buộc chúng ta phải lựa chọn một lần nữa. Tất nhiên không phải là lựa chọn dễ dàng rồi. Lấy ví dụ là tình huống chiếc xe điện bị đứt phanh và sắp tông vào một nhóm 5 công nhân đang sửa chữa đường ray, bạn có thể cứu mạng 5 người này bằng cách rẽ qua đường ray bên phải, nơi chỉ có 1 người công nhân đang làm việc, liệu bạn có dùng 1 mạng để đổi lấy 5 vì lý lẽ để hạn chế sự mất mát? Đạo đức của bạn có cho phép bạn hy sinh người này vì lợi ích chung? Đa số trả lời có. 

Lại hỏi tiếp, nếu bạn không phải là người lái xe mà chỉ là người qua đường, liệu bạn có đẩy một người to béo (vừa đủ để chặn chiếc xe điện) xuống đường ray để ngăn cản bi kịch sắp xảy ra không? Đa số trả lời không. Vậy thì, cũng là hy sinh một người để cứu 5 người khác, tại sao trong một trường hợp ta cho đó là điều nên làm, trường hợp khác thì đó là tội ác? Liệu có thể vi phạm quyền lợi của một người vì đám đông hay không, và vi phạm như thế nào?

Trên thực tế, rất ít người trong chúng ta phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt như tình huống chứng kiến xe điện mất phanh. Tuy nhiên, quá trình vật lộn với những tình huống khó xử này có thể làm sáng tỏ cách chúng ta lập luận về đạo đức, dù là trong cuộc sống cá nhân hay các vấn đề xã hội, chính sách. Cuộc sống trong các xã hội dân chủ vẫn đầy rẫy bất đồng về đúng và sai, công lý và bất công. Một số người ủng hộ quyền phá thai và những người khác coi phá thai là giết người. Một số tin rằng công bằng đòi hỏi phải đánh thuế người giàu, giúp đỡ người nghèo, trong khi những người khác tin rằng đánh thuế những người nỗ lực hết mình để kiếm tiền là bất công. Một số bảo vệ chính sách cộng điểm trong tuyển sinh đại học như cách sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, trong khi những người khác coi đó là một hình thức kỳ thị ngược không công bằng, gây bất lợi cho những người xứng đáng được nhận vào do chính thành tích của họ…

Tác giả Michael Sandel

Michael J. Sandel (1953) là một triết gia người Mỹ. Ông học tại Oxford và đã dạy triết học chính trị tại Harvard trong 3 thập kỷ. Ông cũng là thành viên trong ủy ban đạo đức sinh học của tổng thống Bush, và thường xuất hiện trên truyền thông về các vấn đề đạo đức (Sandel coi đó là chính trị). Ở Harvard và các trường đại học khác, tiết học của ông đã thu hút số sinh viên kỷ lục trong hơn hai thập kỷ. Còn bài giảng của ông về công lý đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi vé để được ngồi trong giảng đường của ông phải được phát ra theo kiểu xổ số. Ngày nay còn có một website để đăng các tiết học của ông online.

Cách giảng dạy của ông tại giảng đường cũng giống như cách ông triển khai tác phẩm của mình. Khán giả sẽ cảm thấy mình liên tiếp bị đặt vào các tình huống khó, phải chọn lựa và chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó. Tác giả đặt người đọc/nghe vào một chiếc xe điện mất phanh, đưa ra các lựa chọn và cung cấp các thông tin về khía cạnh lợi ích, tự do và đạo đức của mỗi lựa chọn và buộc bạn phải chọn. 

Nghe có vẻ ép người quá đáng phải không? Nhưng đừng tiếc công đọc và suy nghĩ, trải qua cuộc khổ luyện trí óc này, bạn sẽ có thói quen nhìn mọi việc ở nhiều góc độ khác nhau, và chấp nhận một sự thật rằng: muốn sống đạo đức hay công bằng đều không dễ!

Tư duy này cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Liệu chúng ta có thể bóp chết em bé Hitler để cứu hàng triệu người khác không? Những câu hỏi rất trớ trêu, những sự kiện lịch sử cũng thường xuyên được nhắc lại với nhiều phân tích và góc nhìn hơn từ tác giả. Cả thời cổ đại lẫn hiện đại, những nhà triết học đã thổi sinh khí vào cuộc sống công dân: công lý và các quyền, nghĩa vụ và sự đồng ý, danh dự và sự tôn vinh, đạo đức và pháp luật. Nhưng người ở thời nào cũng có những tình huống khó xử của riêng họ, mà cơ hội được xem xét lại những tình huống đó, với phân tích sắc xảo của Sandel là điều đáng quý. Dù là học giả nổi tiếng, Michael Sandel không áp đặt tiêu chuẩn của mình, mà đưa ra nhiều phân tích dưới góc nhìn riêng biệt của chính tác giả và của các triết gia nổi tiếng như Aristotle, Immanuel Kant, John Stuart Mill, John Rawls,... Nhìn chung, Sandel không cố gắng chứng minh triết gia nào nói đúng hơn, mục tiêu của quyển sách là mời gọi độc giả xem xét cẩn trọng những quan điểm về công lý và xem xét lại chính mình, để xác định mình nghĩ gì, và tại sao lại như vậy.

Hàng ngàn sinh viên các trường Đh Harvard, Princeton phải giành giựt nhau để vào lớp học Công lý của Sandel. Ảnh: Harvard University

Nghĩ đến cường độ của các cuộc tranh luận về vấn đề đạo đức ở quy mô đại chúng của chúng ta, đặc biệt ở trên mạng internet, chúng ta dễ nghĩ rằng niềm tin đạo đức của mình luôn luôn cố định, bởi sự giáo dục hay niềm tin của chúng ta. Nhưng thật khó để xác định khi đó là những thứ nằm ngoài tầm với của lý trí.

“Khi gặp phải tình huống mới, chúng ta trở tới trở lui giữa các phán xét và nguyên tắc của mình, xem lại từng thứ trong mối tương quan. Sự biến đổi của tâm trí - từ thế giới hành động sang địa hạt của sự suy lý và quay ngược lại - là mục đích của suy ngẫm đạo đức.”

Nếu mục tiêu của suy ngẫm đạo đức là tìm kiếm một sự phù hợp giữa phán xét chúng ta đưa ra và những nguyên tắc chúng ta khẳng định, thế thì làm cách nào mà suy ngẫm đạo đức có thể dẫn chúng ta đến công lý, hay chân lý đạo đức? Ngay cả nếu chúng ta thành công trong cuộc đời trong việc khớp trực giác đạo đức với nguyên tắc của mình thì liệu chúng ta có thể tự tin kết quả không phải là một mớ các thành kiến nhất quán với nhau?

Câu trả lời là suy ngẫm đạo đức không phải là nỗ lực theo đuổi đơn độc, mà là cố gắng của tất cả mọi người. Nó cần có một người đối thoại - có thể là bạn, hàng xóm, thậm chí là bạn bè quốc tế. Đôi khi có những cuộc đối thoại mang tính tưởng tượng hơn thực tế, khi chúng ta tranh luận với chính mình… Việc nắm được nhiều lý thuyết có thể giúp chúng ta mài giũa cảm nhận về công lý, lèo lái chúng ta tới chỗ đặt câu hỏi về những quan niệm cứng nhắc của mình, khám phá những cách tiếp cận mới với các vấn đề phức tạp, và nhìn chúng dưới một góc độ mới.

Thanh Trần

Tags: