Tại sao thời gian dường như trôi nhanh hơn khi chúng ta bắt đầu già đi?
Tại sao thời gian dường như trôi nhanh hơn khi chúng ta bắt đầu già đi?
Thời gian là một hiện tượng kỳ thú và đầy hấp dẫn.
Người ta tin rằng nó là một đặc tính cơ bản của vũ trụ, cùng với ba chiều không gian như chúng ta đã biết, tạo thành những gì mà Einstein nổi tiếng gọi là không-thời gian (spacetime). Hơn thế nữa, Einstein đã chứng minh rằng thời gian là tương đối và thực sự chậm lại do tác động của lực hấp dẫn và gia tốc. Vì vậy, thời gian là tương đối, tùy thuộc vào người quan sát, chứ không phải là một hằng số cố định không thay đổi trong toàn bộ vũ trụ.

Nhưng vượt ra ngoài các ứng dụng lý thuyết và thực tiễn thuyết tương đối của Einstein, hầu hết mọi người đều nhận thức một cách trực giác rằng thời gian là tương đối bởi vì nó dường như trôi qua nhanh hơn khi chúng ta già đi. Do đó, cách một chiếc đồng hồ đo thời gian và cách con người cảm nhận thời gian là hoàn toàn khác nhau. Hiện tượng thời gian chủ quan trôi nhanh hơn theo tuổi tác đã được ghi nhận rõ ràng, nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận về nguyên nhân gây ra điều này.

Lời giải thích điển hình cho cảm nhận này là một thực tế đơn giản rằng đối với một đứa trẻ 10 tuổi, một năm chiếm 10% toàn bộ cuộc đời của chúng và thậm chí là 15 đến 20% ký ức mà chúng còn nhớ được. Nhưng đối với một người 50 tuổi, một năm chỉ chiếm chưa đến 2% quãng đời mà họ có thể nhớ lại. Do đó, những ngày dài ở trường và những mùa hè gần như vô tận trong tuổi thơ của học sinh tiểu học trở nên đối lập với cảm giác thời gian trôi qua nhanh chóng trong các ngày, tuần, và tháng mà hầu hết người lớn trải qua.

Một giả thuyết thú vị khác xuất phát từ thực tế rằng trẻ nhỏ có nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn người lớn. Do đó, rất có khả năng các dao động và nhịp điệu điện sinh lý trong não bộ của chúng cũng diễn ra nhanh hơn. Tương tự như cách bộ điều hòa nhịp tim làm chậm nhịp tim khi trẻ lớn lên, có thể não bộ cũng sở hữu một “bộ điều hòa” tương tự, và nó chậm lại theo tuổi tác. Bộ điều hòa này có vai trò cung cấp cảm nhận bên trong về sự trôi qua của thời gian.

Thật vậy, nếu bạn yêu cầu một đứa trẻ ngồi yên lặng, nhắm mắt và nói khi nào một phút đã trôi qua, hầu hết trẻ sẽ báo rằng một phút đã qua chỉ sau 40 giây hoặc ít hơn. Thực hiện cùng thí nghiệm này với người lớn và người cao tuổi, họ thường sẽ báo rằng một phút đã trôi qua sau 60 đến 70 giây. Do đó, não bộ của trẻ em nhanh hơn so với não bộ của người lớn, từ đó cho phép chúng có nhiều trải nghiệm có ý thức hơn trong một đơn vị thời gian khách quan. Điều này dẫn đến sự cảm nhận về thời gian trôi qua chậm hơn đối với trẻ em.

Một lời giải thích hấp dẫn mở rộng lý thuyết về "máy tạo nhịp thần kinh" đã được Giáo sư Adrian Bejan đưa ra gần đây. Ông đưa ra lập luận dựa trên lý thuyết của quá trình xử lý tín hiệu thần kinh (Bejan, 2019). Bejan đưa ra giả thuyết rằng, theo thời gian, tốc độ mà chúng ta xử lý thông tin hình ảnh chậm lại, và chính điều này khiến thời gian dường như "tăng tốc" khi chúng ta già đi.

Điều này là do “thời gian đồng hồ” có thể đo lường một cách khách quan và “thời gian tâm trí” thuần túy chủ quan không phải là một và duy nhất. Không giống như số lần dao động của nguyên tử cesium (định nghĩa hiện tại về một giây được quốc tế công nhận), thời gian tâm trí hay ký ức không bao giờ chính xác tuyệt đối hoặc được thống nhất hoàn toàn. Đây là một quá trình tái dựng, liên quan đến việc sử dụng rất nhiều hình ảnh tâm trí (theo A. A. Lazarus, 1978). Bejan tin rằng thời gian mà chúng ta trải nghiệm chính là sự thay đổi được cảm nhận từ các kích thích thị giác. Chúng ta biết điều gì đó đã xảy ra vì chúng ta nhìn thấy sự thay đổi. Và mọi thứ luôn thay đổi theo một chiều duy nhất: từ nguyên nhân đến kết quả. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy một chiếc ly vỡ tự lắp ráp lại và trở lại bàn nơi nó đã rơi xuống.

Theo cách này, trải nghiệm về thời gian của chúng ta luôn là một quá trình nhìn lại, phụ thuộc vào ký ức và do đó mang tính tương đối, nhưng không chỉ theo cách mà Einstein đề cập. Tất nhiên, ký ức không chỉ đơn thuần là một chuỗi các hình ảnh; nó còn bao gồm các chiều và sự cảm nhận của các giác quan khác. Tuy nhiên, thị giác là giác quan chiếm ưu thế nhất, vì vậy một phần lớn ký ức của chúng ta mang tính trực quan.

Cũng giống như các khung hình trong một bộ phim, càng nhìn thấy nhiều khung hình trong một giây thì hình ảnh càng có vẻ trôi qua chậm hơn. Càng ít khung hình thấy được mỗi giây, hình ảnh càng có vẻ di chuyển nhanh hơn. Nói cách khác, chuyển động chậm tiết lộ nhiều khung hình mỗi giây hơn chuyển động bình thường hay chuyển động nhanh. Bejan khẳng định rằng khi chúng ta già đi, thiết bị hình thành ký ức thần kinh thị giác của não bộ chậm lại và đặt ít "khung hình mỗi giây" hơn. Tức là, nhiều thời gian thực tế trôi qua giữa việc nhận thức mỗi hình ảnh tinh thần mới. Trẻ em nhận thức và đặt nhiều khung hình ký ức hoặc hình ảnh tinh thần hơn mỗi đơn vị thời gian so với người lớn, vì vậy khi chúng nhớ lại sự kiện tức là sự trôi qua của thời gian chúng sẽ nhớ lại nhiều dữ liệu thị giác hơn.

Như Bejan đã nói: "Mọi người thường ngạc nhiên về việc họ nhớ được nhiều đến thế từ những ngày dường như kéo dài vô tận trong tuổi trẻ. Không phải vì những trải nghiệm ấy sâu sắc hơn hay ý nghĩa hơn, mà chỉ vì chúng được xử lý một cách nhanh chóng và liên tục."

Dĩ nhiên, hiện tượng thời gian dường như trôi nhanh hơn khi chúng ta già đi chỉ là một trong vô số bí ẩn của bộ não, những điều có thể mãi mãi không thể biết đầy đủ. Trong khi vật lý cổ điển đã tiếp thu và vượt qua những đóng góp mang tính bước ngoặt của Einstein để tiến vào lĩnh vực cơ học lượng tử, tương tự như vậy, có lẽ để hiểu được những hoạt động phức tạp và đa chiều của ý thức, chúng ta cần một lý thuyết lượng tử về ý thức.

- Trạm Đọc

- Tham khảo Psychology Today

 

Tags: