Chúng ta coi việc biết đọc là điều hiển nhiên.
Nếu bạn dùng điện thoại hoặc bật phụ đề khi xem phim, rất có thể bạn đã biết đọc từ khi còn nhỏ. Mặc dù việc đọc và viết phải được dạy bài bản, khoảng 87% dân số thế giới (tính đến năm 2022) được coi là biết chữ.
Tuy nhiên, dù khả năng đọc viết phổ biến như vậy nhưng đây lại không phải là thứ mà con người tiến hóa để làm, ít nhất là không một cách trực tiếp.
Thay vào đó, bộ não của chúng ta đã phát minh ra một phương pháp biểu đạt thông tin thông qua ký hiệu, cho phép chúng ta truyền tải tri thức qua khoảng cách rất xa, thậm chí vượt cả thời gian.
Nhưng, bộ não thực sự làm điều đó như thế nào?
Để trả lời, ta cần nhìn lại quá trình phát triển của việc đọc và viết, rồi đến cơ chế thần kinh phía sau hiện tượng này.
Lược sử của việc đọc
Con người đã có thể nói chuyện ít nhất từ 135.000 năm trước nhưng hệ thống chữ viết đầu tiên chỉ xuất hiện vào khoảng năm 3200 TCN, với chữ hình nêm của người Sumer.
Đặt trong bối cảnh: chúng ta chỉ mới đọc và viết chưa đến 4% trong toàn bộ chiều dài lịch sử tồn tại của loài người!
Vì vậy, việc tỷ lệ biết chữ bùng nổ trong vài nghìn năm gần đây gần như là điều kỳ diệu, nhất là khi đây là một kỹ năng do con người tạo ra, không phải thứ được tiến hóa ban tặng.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ đó lại đến từ một phần rất đặc biệt và phức tạp trong bộ não con người: hành vi xã hội.
Bạn thấy đấy, chữ viết ban đầu vốn thô kệch, rườm rà, và chỉ giới tinh hoa mới được tiếp cận. Việc văn bản khó hiểu từng được coi là “bình thường”, khiến cho ngôn ngữ viết trở nên phức tạp một cách không cần thiết suốt nhiều thế kỷ.
Ví dụ: ta cho rằng việc có dấu cách giữa các từ là đương nhiên, nhưng bạn có biết rằng hầu hết các văn bản cổ (từ tiếng Latin cổ điển đến Hy Lạp hay thậm chí Phạn ngữ) không hề có khoảng trắng không?
Quy ước viết này được gọi là scriptio continua (chữ viết liền mạch), và người đọc buộc phải đọc to thành tiếng để tách từ cho đúng.
Phải đến thế kỷ VII - VIII sau Công nguyên, một số bản Kinh thánh của người Ireland và Anglo-Saxon mới bắt đầu dùng dấu cách để giúp việc đọc trở nên dễ dàng hơn.
Tương tự, những thứ ta coi là bình thường như mục lục hay chỉ mục cũng là các phát minh khá mới, gắn liền với quá trình phát triển tư duy và văn bản Kitô giáo trong thời kỳ Trung cổ. Việc đánh số trang cũng ra đời cùng lúc với chỉ mục, và hầu hết các nhà sử học cho rằng cả hai được định hình vào khoảng năm 1470.
Dù có vẻ nhỏ nhặt nhưng điều này cho thấy một thay đổi lớn: xã hội dần trở nên phụ thuộc vào văn bản viết, và việc đọc viết không còn là hoạt động của riêng giới học thuật nữa.
Chỉ mục cho thấy rằng các tác giả bắt đầu viết với giả định rằng sẽ có rất nhiều người khác đọc tác phẩm của họ, không chỉ để giải trí, mà để tra cứu, nghiên cứu và tham khảo.
Dù vậy, việc biết chữ vẫn chưa phổ biến cho đến thời hiện đại. Vào năm 1820, tỷ lệ biết chữ toàn cầu chỉ khoảng 12%, so với con số 87% vào năm 2022 như đã đề cập.
Sự gia tăng này rõ ràng là một điều đáng mừng.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: việc đọc và viết xảy ra như thế nào trong bộ não?
Chúng ta không tiến hóa để biết đọc
Khả năng học ngôn ngữ nói là bẩm sinh. Một đứa trẻ có thể “hấp thụ” ngôn ngữ chỉ bằng cách nghe vài năm đầu đời. Không cần học chính quy.
Tuy nhiên, nếu không được dạy, một đứa trẻ sẽ không bao giờ tự biết đọc hay viết. Dù hiện nay chuyện này rất phổ biến nhưng sự thật là: biết chữ giống như chơi đàn hay học toán, là một kỹ năng không tự nhiên, cần phải được dạy.
Vậy nếu việc đọc viết không phải là tự nhiên, tại sao chúng ta lại làm được nó dễ dàng đến vậy? Tôi có thể đọc tiểu thuyết mà không cần để ý từng chữ, trong đầu cứ như đang xem một “bộ phim nội tâm”.
Câu trả lời đơn giản và có vẻ hiển nhiên là: cũng giống như người chơi đàn từ bé, chúng ta đã tập luyện và rèn giũa kỹ năng này đến mức nó có vẻ tự nhiên, dù thực chất không phải.
Nhưng ở cấp độ sâu hơn, cơ chế thần kinh phía sau việc đọc thực sự rất thú vị.
Các nhà nghiên cứu tại MIT gần đây phát hiện rằng hệ thống thần kinh chịu trách nhiệm cho việc đọc có liên quan mật thiết đến vùng não xử lý thông tin không ngẫu nhiên trong không gian.
Cụ thể, vỏ não thái dương dưới (inferior temporal cortex) là vùng não giúp ta nhận diện vật thể. Nó đặc biệt nhạy với các mẫu hình phi ngẫu nhiên.
Ví dụ, các đường thẳng, góc vuông, hình chữ Y đối xứng… những thứ hiếm gặp trong tự nhiên. Khi ta thấy những thứ này, bộ não hiểu rằng: "À, cái này quan trọng nè!"
Khi con người cổ đại bắt đầu dùng ký hiệu (ví dụ chữ tượng hình), họ thiết kế các hình này sao cho nổi bật với các đường thẳng, góc rõ ràng,… Vậy nên, vùng vỏ não này tự động nhận diện chúng là đặc biệt, giúp ta gắn biểu tượng với khái niệm.
Vì thế, dù quá trình phát triển chữ viết kéo dài hàng thiên niên kỷ, cơ chế nền tảng đằng sau việc đọc là nhận diện mẫu hình.
Khi ta quét mắt qua văn bản, não sẽ nhận diện những đường cong và nét nguệch ngoạc (chính là chữ cái, từ, v.v.), rồi lập tức kết nối chúng với ý nghĩa tương ứng.
Nói cách khác: chúng ta đã lừa não bộ học thuộc hàng chục nghìn mẫu hình nhỏ mà ta gọi là ‘từ’!
Việc bạn đang đọc những dòng này thực sự là một điều kỳ diệu.
Hãy nghĩ xem: một tin nhắn văn bản có thể khiến bạn bật cười, xúc động, hoặc rơi nước mắt. Một cuốn tiểu thuyết có thể đưa bạn đến những thế giới chưa từng tồn tại.
Chúng ta làm được điều đó bằng cách "hack" hệ thống nhận dạng mẫu hình của chính mình chỉ từ những nét chấm và đường kẻ mà ta mất hàng ngàn năm để phát triển.
“Một cuốn sách là điều kỳ diệu. Đó là một vật phẳng làm từ gỗ, có các phần uốn cong in đầy những nét nguệch ngoạc màu tối. Nhưng chỉ cần liếc qua, bạn đã bước vào tâm trí của một người khác, có khi là người đã chết từ hàng ngàn năm trước. Xuyên qua thiên niên kỷ, tác giả đang nói chuyện rõ ràng và thầm lặng trong đầu bạn, trực tiếp với bạn. Viết lách có lẽ là phát minh vĩ đại nhất của loài người, gắn kết những người chưa từng biết nhau, công dân của những thời đại xa xôi. Sách phá vỡ xiềng xích của thời gian. Một cuốn sách là bằng chứng rằng con người có thể làm phép thuật.” - Carl Sagan, “Vũ trụ”
- Trạm Đọc
- Theo Medium