Đời thường kì diệu: Vì sao được sống một Cuộc Đời Nhạt là điều tuyệt vời
Đời thường kì diệu: Vì sao được sống một Cuộc Đời Nhạt là điều tuyệt vời
Chúng ta đã và đang sống trong một thế giới quá chú trọng vào những điều hào nhoáng, vượt trội, mà quên đi dòng chảy lặng lẽ thực sự tưới mát cuộc sống của chính mình. Bài viết chỉ ra, "bình thường" cũng là một nét đẹp đáng trân trọng trong cuộc sống.
Chúng ta đang sống trong một thời đại ngưỡng mộ quá mức những cuộc đời phi thường, những cuộc đời mà hầu hết chúng ta chẳng bao giờ hướng đến. Các người hùng của chúng ta đã làm nên những vận may ngoại cỡ, xuất hiện trên những màn ảnh khổng lồ và chứng minh cho những phẩm hạnh và tài năng độc đáo. Thành tựu của họ vừa khiến ta lóa mắt vừa không ngừng khiến ta tự thấy hổ thẹn.

Vào cuối những năm 1650, họa sĩ người Hà Lan - Johannes Vermeer, đã vẽ bức tranh mang tên “Phố nhỏ”. Việc vẽ bức tranh là một việc làm thầm lặng nhưng thiết yếu và mang tính cách mạng với sự tác động thách thức những giá trị của chúng ta ngày nay.

 

 

Nó đã cho thấy chẳng có gì ấn tượng bằng một con phố bình thường ở quê nhà Delf của Vermeer. Người thì đang may vá, vài đứa trẻ đang chơi trên vệ đường, một người phụ nữ lại đang bận rộn trong sân nhà. Đó là một trong những bức tranh vĩ đại nhất thế giới.

Với quan điểm này, các tác phẩm văn hóa nổi tiếng nhất đều nhấn mạnh vào những phẩm chất xứng đáng và giá trị của dòng dõi quý tộc, quân đội cũng như tôn giáo, đó là những cuộc đời đầy ắp khoảnh khắc phi thường và lợi thế. Những nhà thơ đỉnh cao, như Homer và Virgil, đã có tác phẩm về những chiến binh anh hùng, các họa sĩ trong thời kỳ Phục Hưng đã tạo ra hàng loạt ảo ảnh kì diệu về các vị Thánh và thiên thần.

 

 

Và rồi cuộc sống đời thường của Vua, Hoàng Hậu cùng các Qúy tộc luôn không ngừng được chúc tụng và sự ngưỡng mộ luôn được duy trì trong những bức tranh uy tín nhất.

 

 

Thế nhưng Johannes Vermeer đã đi theo một con đường khác.

 

 

Ông cho chúng ta thấy những điều hấp dẫn và đáng được vinh danh từ các hoạt động rất khác biệt: giữ nhà cửa ngăn nắp, quét sân, trông trẻ, may vá hay giống như trong bức tranh đầy ý nghĩa của ông về một cô hầu gái đang chuẩn bị bữa trưa trong bếp.

 

 

Rất nhiều người Hà Lan trẻ tuổi đương thời đã tham gia vào cuộc cách mạng thầm lặng của Vermeer.

 

 

Một trong số đó, Pieter de Hooch, chú trọng vào những khoảnh khắc gần như ngẫu nhiên trong cuộc sống, khi chẳng có gì đặc biệt diễn ra: một buổi chiều bình thường ở nhà, trở về từ cửa hàng, có lẽ là với một túi rau. Có thể là cảnh người ta đang phơi đồ. Ai đó dựng một giá đỡ nhỏ trước cửa sau, có thể là để cho việc sửa chữa vào cuối tuần.

De Hooch là họa sĩ đầu tiên trong lịch sử nhân loại chỉ ra sức hấp dẫn của việc lắp ghép một cái tủ đựng đồ ăn. Ông đã vẽ bức tranh mô tả ngôi nhà của một thương gia khá giàu có, nhưng điều thực sự làm ông thích thú lại là giỏ quần áo cùng cách mà chủ nhà và người giúp việc gấp và cất khăn tắm cùng ga trải giường vào đúng chỗ. Điều này, de Hooch dường như muốn nói với chúng ta, chính là ý nghĩa của cuộc sống.

Một người theo bước Vermeer khác, Caspar Netscher, ngưỡng mộ những người làm các công việc bị coi là buồn tẻ và tầm thường như nghề làm ren - một công việc vớ vẩn và được trả công thấp. Tự thân Netscher không thể thay đổi số tiền mà người ta kiếm được, nhưng ông định thay đổi cách mà chúng ta nghĩ về những khoản tiền công khiêm tốn ấy.

Dù những họa sĩ này đều nổi tiếng, các tác phẩm của họ được bày trong những phòng triển lãm lớn nhất và có giá cực cao khi được đem ra đấu giá, thì cuộc cách mạng thử nghiệm của họ chắc chắn chưa hề đạt được thành công.

Ngày nay, quảng cáo và điện ảnh - một phiên bản hiện đại của loại hình nghệ thuật hào nhoáng, xa hoa và lộng lẫy mang đến cho chúng ta những hình ảnh hấp dẫn như xe đua thể thao đắt tiền, kỳ nghỉ mát trên đảo nhiệt đới, danh vọng, chuyến bay hạng thương gia hay căn bếp sang trọng được làm từ loại đá vôi đắt tiền. Sự lôi cuốn đó hoàn toàn có thật. Nhưng mục đích sâu xa của nó là hướng chúng ta đến suy nghĩ về một cuộc sống hoàn hảo được tạo nên từ những thứ mà chúng ta không thể chi trả. Và rồi sau đó chúng ta tự rút ra một điều rằng hoá ra cuộc sống của bản thân gần như chẳng có giá trị gì cả. 

Ngược lại, Vermer cho rằng cuộc sống bình thường của chúng ta cũng là một cuộc sống vô cùng cao quý. Bởi lẽ những thứ tưởng chừng rất tầm thường nhưng lại chẳng dễ gì có thể kiểm soát. Để có thể nuôi dạy một đứa trẻ trở thành một người trưởng thành tự lập và biết cân bằng mọi việc; hay có thể duy trì một mối quan hệ tình cảm tương đối tốt trong nhiều năm bất chấp những khi khó khăn, biết cách giữ trật tự trong gia đình; đi ngủ sớm mỗi tối; làm một công việc nhàm chán hay công việc lương cao một cách vui vẻ và đầy trách nhiệm; biết lắng nghe suy nghĩ của từng người; hay đơn giản, chỉ không bị sự nóng giận đánh bại hoặc đừng để bản thân nổi xung với những nghịch lý hay thoả hiệp liên quan đến việc sống còn cũng cần đến một kỹ năng tuyệt hảo và sự cao thượng đúng nghĩa.

Vermeer không khẳng định rằng mọi thứ bình thường luôn luôn ấn tượng. Ông chỉ đơn thuần dẫn dắt chúng ta một cách uyển chuyển, tới một ý tưởng rằng có rất nhiều điều mà chúng ta thường phớt lờ và nó xảy ra với cả hai mặt ấn tượng và bình thường của cuộc sống. Với tài năng phi thường, Vermeer thuyết phục chúng ta về một ý niệm rằng chúng ta phải dám giữ lấy, mặc cho những áp lực khổng lồ, những hình dung rằng chúng ta có thể sống một cuộc sống xứng đáng hơn: rằng luôn có sẵn nhiều điều để cảm kích và tôn trọng trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta học cách nhìn chúng mà không có thành kiến hoặc sự tự chán ghét bản thân.

 

Nguồn: http://www.thebookoflife.org/the-wonders-of-an-ordinary-life/

 

Tags: