Có thể dễ dàng nhận ra rằng, chưa bao giờ các tác giả Việt lại dễ dàng ra sách đến thế và trong đó phần nhiều là các tác giả trẻ, những cây bút trẻ với những cuốn sách tản mạn, chiêm nghiệm, tùy bút, tản văn, truyện ngắn và đâu đó là một số những cuốn sách dài hơi hơn một chút (những cuốn sách mang hơi hướm “light novel” chứ chưa thật sự là “tiểu thuyết”).
Văn học trẻ Việt Nam chưa thực sự khởi sắc hay có đột phá, nhưng sách vẫn ra đều và vẫn bán rất chạy, các tác giả vẫn có nhiều người ủng hộ và doanh thu của các Nhà xuất bản vẫn rất khá (Không khá sao xuất bản sách?). Điều gì tạo nên “Công thức thành công” cho Văn học trẻ hiện nay?
Các bạn trẻ 9x, 10x không còn quá đói khổ như thời bao cấp (ấy là tôi nói đến một đại bộ phận, còn những người nghèo thì thời nào cũng có). Các bạn có đủ điều kiện và cơ hội để tiếp cận với sách. Và thẳng thắn mà nói, là các bạn có tiền.
Nếu không có tiền, các bạn sẽ cực kì ngần ngại khi mua sách của một tác giả mới tinh, bất chấp người ta viết có hay hay không, tác phẩm có giá trị hay không. Vì giá trị là do thời gian kiểm chứng. Giống như ngày xưa, bố mẹ bạn sẽ mua xe đạp mini Nhật mà chẳng cần suy nghĩ vì họ chắc chắn là nó tốt, chứ không hề có ý định thử mua một chiếc xe đạp Tầu dù chất lượng thực tế có thể là tương đương (vì họ không nhiều tiền để thử).
Thời kì tự do và thoải mái, các bạn khát khao đọc, khát khao tìm hiểu và học hỏi. Sách văn học trẻ nói riêng và các sách khác nói chung cũng bởi thế mà có lượng tiêu thụ lớn hơn.
Hơn nữa, sách của tác giả Việt tương đối rẻ. Giá trung bình cho một cuốn sách 250 trang (cũng là độ dày trung bình của những cuốn sách hiện nay) là 100.000VNĐ, chỉ bằng hai cốc trà sữa loại thêm trân châu rau câu chứ chưa có kem chesse.
Trong một thế hệ nơi smartphone, mạng xã hội chiếm ưu thế, người ta thường nhìn vào những mặt rạng rỡ của nhau và gán đó là thế giới thực. Những bức ảnh trên Instagram lúc nào cũng vui tươi, xinh đẹp, được chải chuốt kĩ càng; những dòng trạng thái Facebook nói về những trải nghiệm, chuyến đi đầy thú vị. Dần dần, chúng ta có xu hướng coi đó là thế giới thực sự của những người xung quanh và tự cảm thấy mình thật kém cỏi. Các bạn trẻ gồng mình để tỏ ra vui vẻ cho thế giới xem và tối về lại nằm tự hỏi, mình có đang thua kém hay không. Chúng ta sợ bị lãng quên (Fear of missing out – FOMO).
Tôi gọi đó là một thế hệ buồn. Họ buồn mọi lúc. Mặc bộ quần áo mới mua ra đường cũng có thể buồn vì thấy đứa khác mặc bộ đẹp hơn. Buồn nhưng vẫn cố tỏ ra mình vui.
Ấy thế nên, khi mà những người thuộc thế hệ của họ, cũng với những nỗi buồn tương tự họ, dám viết ra những nỗi buồn ấy, những trăn trở không tên ấy, thành ra mọi thứ trở nên tâm đắc lắm. Cảm giác lạc lõng giữa đám đông nay được một người xa lạ “như cởi tấm lòng” là một cảm giác rất hạnh phúc. Ấy là cảm giác được thấu hiểu và được quan tâm.
Trạng thái tâm lý này không chỉ là sự ngộ nhận và phóng đại cảm xúc mà trực tiếp liên quan đến cấu trúc bộ não của mỗi người – những neuron phản chiếu. "Những neuron phản chiếu cho thấy chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của người khác", Marco Iacoboni, nhà khoa học thần kinh ở Đại học California nói. "Với neuron phản chiếu, chúng ta không cần phải tưởng tượng, mà thực chất có thể ở trong đầu của người khác. Chúng ta chia sẻ với người khác không chỉ ở cách họ hành động hoặc trải qua cảm xúc, mà cả mạch thần kinh tạo ra những hành động, cảm xúc và cảm giác đó”.
Tác giả trẻ sử dụng chính chất liệu hiện thực và những trải nghiệm thật của mình, kết hợp với khả năng ngôn ngữ để viết ra một cuốn sách với nội dung dễ dàng tạo dựng thiện cảm với người đọc, những cảm xúc đong đưa và dễ chịu.
Theo chính con số do Nhà xuất bản công bố, tổng lượng phát hành 5 cuốn sách của Anh Khang tính đến nay là 540.000 bản, của Phan Ý Yên đến nay gần 200.000 bản (3 cuốn) và của Jun Phạm (3 cuốn) đã đạt hơn 250.000 bản… Đó là những con số đủ làm giật mình và đáng mơ cho bất cứ NXB nào. Đây là 3 tác giả khá nổi bật trong dòng văn học trẻ Việt Nam hiện nay, với sản phẩm là các cuốn sách tản văn – truyện ngắn.
Có ba chủ đề được khai thác nhiều nhất và cũng “hot” nhất hiện nay: Tình yêu, thanh xuân và hạnh phúc.
….
Title sách thường là những cái tên rất “kêu” và gợi mở, bắt kịp các xu hướng hiện nay của giới trẻ. Kết hợp với bìa sách được thiết kế rực rỡ và nhiều màu sắc, khó có thể phủ nhận rằng những cuốn sách này thực sự thu hút. “Một phần ba việc ra quyết định của người tiêu dùng dựa trên thiết kế bao bì” theo nghiên cứu được trích dẫn bởi The Paper Worker, và “khách hàng cũng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm khơi gợi được sự gần gũi trong cảm xúc”.
Ngoài lề và chủ quan một chút, ngay bản thân tôi cũng không ít lần cầm những cuốn sách như thế lên xem dù biết chắc sẽ không mua vì nó thật sự quá bắt mắt, bạn bè cũng thường bảo: “Cuốn này trông có vẻ hay”.
Câu chữ được sử dụng trong các cuốn sách này cũng là ngôn ngữ bình dị, đơn giản, dễ đọc và dễ hiểu. Các câu văn được sử dụng thường là câu đơn hoặc câu phức nhưng tương đối ngắn, sử dụng nhiều tính từ và từ láy để tạo hình ảnh và cảm giác tò mò. Sách thường viết ở ngôi thứ nhất, gọi bạn/em, xưng tôi tạo cảm giác gần gũi, kể lể, tâm sự và tương tác với người đọc. Kết cấu cuốn sách cũng được chia làm các phần nhỏ không hoặc ít liên quan đến nhau, không đòi hỏi người đọc phải dày công nghiên cứu, đọc hiểu hoặc tư duy quá nhiều.
Hiện nay, hiếm có cuốn sách nào xuất bản mà không có sự can thiệp của truyền thông: từ nhà xuất bản, đơn vị phát hành, đơn vị phân phối,… với giới thiệu, họp báo, ra mắt sách, kí tặng, review, give away, trích dẫn sách,…
Bản thân chính tác giả cũng rất có ý thức xây dựng hình ảnh cá nhân của mình. Ví dụ như Phan Ý Yên, một trong ba tác giả “hot” kể trên, một cô gái từng quen thuộc với thế hệ học trò 8X qua những truyện ngắn được đăng tải trên báo Sinh Viên Việt Nam, Blog 360, Hoa Học Trò,… Nếu theo dõi kênh Facebook cá nhân của cô, có thể thấy đây là một cô gái xinh đẹp, hiện đại, thời trang, năng động và tích cực. Không chỉ viết lách tản mạn tâm sự, cô còn chịu khó chia sẻ các kiến thức thời trang, chăm sóc sức khỏe, du lịch khác.
Hoặc như Jun Phạm là thành viên nhóm nhạc 365, Hạ Vũ – tác giả của Hôm nay tôi thất tình lại chọn cách ẩn mặt trên mạng xã hội nhưng lại cực chăm tương tác với fan với các bài đăng cập nhật thường xuyên trên fanpage Facebook.
Xây dựng hình ảnh cá nhân và giữ tương tác với bạn đọc là các hiệu quả thường được các tác giả trẻ sử dụng để duy trì sức nóng cho mình và cho cuốn sách.
Nỗ lực viết, nỗ lực ra sách là một điều đáng ca ngợi và cổ vũ ở các tác giả. Có ai từng cầm bút rồi mới thấy, viết là một việc rất khó. Bạn có ý tưởng, nhưng trình bày ra thành con chữ, chắp nối mọi thứ thành một cấu trúc hoàn chỉnh lại là một vấn đề khác. Không có cách nào để viết hay, viết tốt được nếu không luyện tập, nếu không mang đứa con tinh thần của mình ra cho người đời ném đá, ném cho trầy da tróc vảy, ném cho xơ xác tan hoang và những gì còn lại sẽ là những gì giá trị nhất. Văn học không phải là thứ cất trong ngăn kéo, nếu viết không ai đọc thì bạn có thật sự là đang viết?
Dù rất “hot” là thế, văn học trẻ Việt Nam cũng nhận được không ít chỉ trích và chê bai. Ở phần tiếp theo, mời các bạn đón đọc bài phân tích các lý do tại sao Văn học trẻ Việt Nam lại bị “ném đá”.
Nhật Tùng.
Trạm Đọc đăng tải quan điểm của tác giả về vấn đề nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm đó. Hi vọng các bạn đọc bài với tinh thần khai phóng.