Nhà thơ Phong Việt: Phải viết, nếu không tôi sẽ bị stress, trầm cảm
Nhà thơ Phong Việt: Phải viết, nếu không tôi sẽ bị stress, trầm cảm
Là một trong những tác giả thơ ăn khách nhất hiện nay, nhưng Nguyễn Phong Việt coi thơ là nơi chuyển hóa cảm xúc, chứ không phải một nghề kiếm cơm.

Chỉ cần tin mình là duy nhất là tập thơ thứ bảy của Nguyễn Phong Việt, mới được NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành. Từ một "nhà thơ mạng xã hội", Nguyễn Phong Việt đã đi một chặng qua bảy năm, với bảy tập thơ, và là một trong những tác giả có thơ bán nhiều nhất hiện nay.

 

 

Thu nhập từ thơ rất nhỏ

 

 

Người ta nói nhà thơ Phong Việt sống tốt nhờ làm truyền thông?

 

Chính xác là như vậy. Tôi vẫn viết báo, làm truyền thông. Sắp tới tôi sẽ làm mạnh về mảng phim (PR, marketing, sản xuất điện ảnh). Nói về mưu sinh thì đó đúng là nguồn thu nhập chính cho tôi.

Còn thơ, tôi vẫn nghĩ thơ văn là niềm vui, thuộc về sự chia sẻ. Nhưng nó không thể là câu chuyện “sống được nhờ bán sách” tại Việt Nam, trừ những người đặc biệt như anh Nguyễn Nhật Ánh hay chị Nguyễn Ngọc Tư thôi. Đó là trường hợp cá biệt.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Phong Việt

Cuốn thơ đầu tiên của anh là một hiện tượng xuất bản. Hiện tượng đó đã mang về cho anh một khoản thu nhập khá chứ?

Đi qua thương nhớ tới nay đạt 80.000 bản trở lên rồi. Nhưng thật ra lúc đó, tôi chỉ nhận 8% nhuận bút trên giá bìa. Nhuận bút không đáng kể bao nhiêu. Trong những dịp đầu tiên tôi đi ra Hà Nội để giao lưu ra mắt sách, tôi đã dùng tiền nhuận bút đó để đi. Bởi vì bên nhà sách không hỗ trợ.

Nếu tôi dùng khoản nhuận bút ban đầu đó tiêu xài thì cũng hết. Nhưng tôi muốn gặp độc giả để biết tại sao mọi người lại thích thơ Nguyễn Phong Việt, mọi người chờ đợi, mong chờ gì ở mình tiếp theo nữa.

Đó là tập thơ thành công nhất của Phong Việt. Nhưng nói về thu nhập, nó không mang lại gì nhiều cho mình, nó là con số rất rất nhỏ.

Hiện tượng xuất bản thơ "Đi qua thương nhớ"

Tuy nhiên hơn 80.000 bản vẫn là con số đáng mơ ước của người cầm bút chứ?

Chắc chắn nếu nói về số lượng bản in. Và đến giờ đã là bảy mùa Giáng sinh trôi qua rồi, mọi người vẫn mua Đi qua thương nhớ. Có lẽ tôi sẽ viết thêm vài tập thơ trong đôi ba năm nữa, nhưng đó vẫn là tập thơ thành công nhất trong cuộc đời của mình. Điều đó có rất nhiều lý do. Có thể là “thiên thời địa lợi, nhân hòa” như mọi người nói.

Khi viết Đi qua thương nhớ, tôi đã viết bằng trải nghiệm hơi cực đoan. Tức là tôi viết vì bản thân mình, chứ không viết vì độc giả. Nhưng may mắn, tôi viết cho bản thân mình, không bị ràng buộc bởi ai, không phải thỏa hiệp với bất cứ điều gì trong cuộc đời này, thì nó lại chạm tới nỗi đau, sự đồng cảm của độc giả.

 

Anh có công thức nào để thơ của mình lan tỏa tới nhiều bạn đọc?

Điều đầu tiên, tôi phải cảm ơn mạng xã hội. Với người khác, khi viết điều gì đó họ chia sẻ rất ít, để dành những điều hay cho cuốn sách của họ. Nhưng với Đi qua thương nhớ, tôi đăng 95 - 97%, gần như trọn vẹn nội dung sách trên mạng xã hội rồi. Mọi người mua cuốn sách như một món quà thôi.

Còn những tập thơ sau, tôi đăng lên mạng trước khi tập sách phát hành cũng rơi vào 65 - 70% rồi. Nó không còn gì quá bất ngờ với mọi người khi cầm cuốn sách trên tay nữa.

Có lẽ, cái may mắn lớn nhất của tôi là tôi tìm thấy một chìa khóa về cảm xúc. Khi đặt chìa khóa xuống trang viết, nó tạo được tần số ở đó mọi người rung động về mặt cảm xúc.

Phong Việt là người viết vì cảm xúc

Thứ hai, tôi luôn là người viết vì cảm xúc. Tôi bỏ hẳn kỹ thuật ra, không viết do lý do nào từ bên ngoài. Tôi chọn lối viết vì cảm xúc, để ngòi bút viết ra những gì trái tim lên tiếng. Đó là điều tuyệt vời nhất trong những gì liên quan đến trang viết của tôi.

Cho đến hôm nay, đã là bảy cuốn sách rồi, trong mắt mọi người, Nguyễn Phong Việt không còn là độc đáo, hiện tượng nữa. Nhưng cho đến lần ra mắt cuốn sách gần đây nhất, sự đón nhận của mọi người vẫn cho tôi cảm giác như lần đầu tiên tôi phát hành cuốn sách vậy.

Đó là duyên may. Rõ ràng mọi người vẫn chờ đợi Nguyễn Phong Việt vào dịp cuối năm. Đó là hạnh phúc không gì sánh bằng của người viết. Đặc biệt là trong thời điểm thơ quá khó khăn tại thị trường Việt Nam.

 

Tại sao thơ khó khăn tại thị trường, nhưng tác phẩm của anh vẫn có bạn đọc riêng?

Tôi may mắn là một trong những người đầu tiên tận dụng mạng xã hội để đưa thơ của mình lan tỏa đến mọi người. Giọng văn và ngữ điệu của tôi là thứ hơi lạ, có lúc chính bản thân tôi cũng tự hỏi cái mình viết có phải thơ hay không. Vì tôi chọn cảm xúc để bắt đầu cho bài thơ của mình.

Tôi là người tiếp nhận nỗi buồn, không chia sẻ được với mọi người xung quanh. Nhiều lúc tôi phải vật vã với những nỗi buồn. Tôi rơi vào tình huống là phải tự chuyển hóa tất cả, bao gồm những nỗi buồn từ biến cố của mình, tới những thứ mà vô tình tôi gặp phải từ cuộc sống xung quanh.

Tôi tiếp nhận nó nhiều nên trải lòng trong trang sách. Tôi phải tự chịu tất cả những điều đó, giống như chưng cất vò rượu vậy.

Phần đời vừa qua, tôi đã tìm được ở trang viết một người bạn tri kỷ. Đến cuốn sách mới nhất Chỉ cần tin mình là duy nhất, tôi đã đi tới giới hạn bản thân, tôi phải cần tin tôi là duy nhất trong cuộc đời này, tôi là điểm tựa duy nhất cho mình để bước tiếp.

Phong Việt - Kẻ lưu giữ nỗi buồn và gửi gắm qua từng con chữ

Nhìn vào trang cá nhân của anh, có thể thấy anh là người vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực. Tại sao thơ của anh lại chuyển tải nỗi buồn, nỗi đau? Điều đó có mâu thuẫn không?

Trong công việc tôi là người năng động. Khi làm, tôi toàn tâm toàn ý, làm nó với trách nhiệm cao nhất. Không có lãng mạn, bay bổng, không có tính nghệ sĩ ở đó. Trong công việc tôi là người cực kỳ logic, nó không có cái gọi là “cảm thấy rằng”, “tôi nghĩ rằng”.

Nhưng với thơ, tôi đặt mình trong thế giới mà mình dùng cảm xúc để giải quyết tất cả câu chuyện, nó không có lý trí ở đó. Có những ngày tháng chính bản thân tôi xảy ra xung đột giữa hai cá tính đó. Nhưng sau này, tôi đủ sức mạnh nội tại để điều chỉnh hai thế giới đó. Nó như hai thế giới tồn tại trong một con người.

 

 

Thơ khó đột phá, vì tác giả lo mưu sinh

 

 

Trước đây, anh nói mình không phải nhà thơ chuyên nghiệp. Nhưng nếu không chuyên nghiệp, thì không thể đi một chặng đường dài bảy năm, năm nào sách cũng được đón nhận như thế. Giờ đây anh có muốn rút lại lời nói năm xưa?

 

Tôi không muốn rút lại. Tôi nghĩ, nhiều người coi viết là sứ mệnh, hướng tới trách nhiệm, sứ mệnh với xã hội, cộng đồng. Nhưng với tôi, ý thức trách nhiệm của tôi là làm tốt công việc của mình, cam kết với đối tác, xã hội.

Nhưng thơ văn là câu chuyện khác. Tôi không dám hứa sẽ còn tiếp tục với văn chương viết lách bao lâu nữa. Tôi xem đó là tổ đãi, duyên nghề. Khi tôi mang câu chuyện nào đó trong đầu mà không viết ra thì nó cứ luẩn quẩn trong tôi. Cho tới khi tôi trút vào trang viết, thì đầu tôi mới nhẹ lại.

Nó như một vòng lặp không có điểm dừng. Khi viết xong bài này, thì câu chuyện khác lại xuất hiện, và nó đẩy tôi vào tình huống phải viết, nếu không, tôi sẽ stress, trầm cảm vì những câu chuyện đó trong đầu.

Một tập thơ của Việt chỉ 60 bài, dung lượng không quá nhiều trong một năm. Với ai đó khác viết bài thơ nhẹ như trở bàn tay. Nhưng với tôi, quá trình viết là nung nấu, khi viết thì mọi thứ tuôn ra từ ngòi bút.

Có những câu thơ mình không hiểu tại sao mình viết được. Từ trong vô thức dòng thơ đó tự động tuôn ra.

Phong Việt không coi việc làm thơ là nghĩa vụ hay trách nhiệm

Anh đánh giá thế nào về thơ ca của các cây bút trẻ hiện nay?

Tôi rất tôn trọng Nguyễn Thiên Ngân, thích thơ các bạn Nồng Nàn Phố, Phan Thúy Nhân, Việt Anh… Tôi đọc các bạn khá nhiều. Bức tranh những người viết thơ ngày hôm nay, trong khoảng 5-7 năm nay tương đối sinh động, hiện đại hơn.

Có lẽ, đôi khi vì cuộc mưu sinh, cách bạn đến với thơ, nuôi dưỡng thơ không trọn vẹn. Các bạn có đủ năng lực đi xa hơn cái các bạn có, nhưng vì cơm áo khiến thơ văn mang tính cuộc chơi với các bạn. Vì thế, nếu chúng ta đòi hỏi có gì đột phá, đột biến ở thơ, thì khó.

 

Phong Việt là người đi đầu trong trào lưu sáng tác kiểu thần tượng. Anh có phải làm gì để chăm sóc độc giả?

Tôi có 3 page về thơ, tôi và độc giả đều có thể đăng bài lên. Khi làm tập thơ mới, tôi vẫn đăng thơ lên cho các bạn đọc trước như sự nuôi dưỡng niềm yêu thích bạn đọc, của mình.

Tôi không sống bằng xuất bản thơ, nhưng dù gì, khi nhìn cuốn thơ của mình phát hành số lượng nhiều mình vẫn vui. Một cuốn thơ cũng là một sản phẩm như bao sản phẩm khác trong thị trường.

Tuy nhiên nhìn ở khía cạnh chuẩn mực, nó là sản phẩm mang giá trị cho người dùng, như bàn ủi, kí rau, con cá, chiếc xe. Thơ ca mang giá trị nào đó tinh thần cho người đọc.

Nhiều người nói thơ tôi sến, tôi biết điều đó. Nhưng chỉ cần mình làm hài lòng những người yêu thích mình là tốt rồi.

Theo Zing News

Tần Tần

Tags: