Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách phi-hư-cấu tháng 11
Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách phi-hư-cấu tháng 11
Những cuốn sách phi-hư-cấu hay nhất trong tháng 11, do Ban biên tập Trạm đọc tuyển chọn.

 

 

1. Cuộc đào thoát vĩ đại

Tác giả Angus Deaton, Alphabook và NXB Thế giới ấn hành

 

 

Đâu là căn nguyên của nghèo đói, và cuộc vượt thoát khỏi nghèo đói đó có chắc chắn hứa hẹn một tương lai tươi sáng không.

Đó là câu hỏi mà bất kỳ cuốn sách về kinh tế phát triển nào cũng hướng tới, nhưng có lẽ chưa ai trả lời xuất sắc bằng Angus Deaton, nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2016.

Dẫn người đọc đi xuyên suốt lịch sử nhân loại, từ hiện tại đến quá khứ, tác giả chỉ ra đói nghèo là một căn bệnh mà con người phải đối phó từ thượng cổ, và đói nghèo là bạn đồng hành với rất nhiều hiểm họa tiềm tàng khác: dịch bệnh, bất bình đằng, xung đột vũ trang,… Dù cách đối phó với chúng có đa dạng thế nào theo chiều dài lịch sử thì câu hỏi trung tâm vẫn là: liệu đói nghèo có phải nền tảng của những vấn đề kia, giải quyết được đói nghèo là chúng ta có thể giải quyết được tất cả ?

Bằng cứ liệu đa dạng và sinh động, từ những vùng dịch bệnh ở Ấn Độ, hay những nạn đói của châu Phi, cho đến sự bất bình đẳng gia tăng ở chính nước Mỹ,… tác giả chỉ ra sự cần thiết phải giúp đỡ các nước nhỏ khó khăn mới có thể đảm bảo sự thịnh vượng chung, tránh những hậu họa tiềm tàng trong tương lai dành cho tất cả.

Cuộc đào thoát vĩ đại khỏi đói nghèo đã chứng kiến những thành tựu lớn, nhưng để duy trì sự thịnh vượng đó, thì viện trợ kinh tế không phải “giải pháp thần kỳ” như nhiều tổ chức quảng cáo. Nó có thể giết chết tương lai của những nước nghèo và đẩy họ lại hố sâu của nghèo đói bất kỳ lúc nào.

 

 

2. Tư duy pháp lý của luật sư

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, NXB Trẻ ấn hành

 

 

Bạn muốn rèn luyện tư duy của mình sắc bén nhất có thể? Bạn say mê những màn tranh luận nảy lửa của luật sư trên tòa? Bạn muốn tự giải quyết các vướng mắc pháp lý mình gặp phải?

Tư duy pháp lý dành cho luật sư là cuốn sách đáp ứng tất cả những mong muốn trên một cách sáng rõ và chặt chẽ nhất.

Tác giả là Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, người có nhiều năm kinh nghiệm trong hành nghề luật sư tại nước ngoài và có năm năm làm tư vấn viên cho Đoàn luật sư TP.HCM. Tâm huyết với việc phổ biến về tri thức về luật cũng như tư duy pháp lý, tác giả đã từ những vấn đề thực tế của Việt Nam cũng như lý thuyết luật nước ngoài, mà đúc rút một cuốn sách ngắn gọn và khúc chiết về việc làm sao chúng ta có thể nhìn mọi sự kiện một cách toàn diện, có kiểm chứng như một luật sư tại tòa.

Phần một: Giới thiệu với bạn về tư duy pháp lý và đưa ra các điều kiện bạn phải có, hay phải thay đổi so với trước kia để có thể có tư duy pháp lý. Tốt nghiệp trường luật xong bạn chưa có khả năng tư duy pháp lý để làm luật sư; vì trường luật đào tạo bạn làm cán bộ pháp chế (tức là soạn luật để cho người khác áp dụng, và giám sát việc thực hiện luật). Bạn sẽ biết về điều này rõ hơn khi đọc Chương 2 của phần này.

Phần hai: Trình bày cách tư duy pháp lý; gồm phương pháp thực hiện; các vụ án để bạn… luyện chưởng và biết tính chất của các câu hỏi pháp lý.

Phần ba: Đưa ra một số vụ án để các bạn tập làm một mình hầu kiểm tra mức độ sử dụng tư duy pháp lý..

Phần bốn: Một số bài đọc thêm để bạn mở rộng kiến thức.

 

 

3. 50 câu hỏi mỹ học đương đại

Marc Jimenez, dịch giả Phạm Diệu Hương, NXB Thế giới & Nhã Nam ấn hành

 

 

“Nghệ thuật đương đại thế giới – ngoài kia đang có gì?” luôn là câu hỏi gây tò mò và phấn khích cho độc giả và những người quan tâm nghệ thuật. “50 câu hỏi mỹ học đương đại” là một trong những cuốn sách ít ỏi về các xu hướng mỹ học đang diễn ra được dịch Việt, đưa ra nhiều kiến thức về mỹ học đủ khiến lôi cuốn người đọc.

Việc nhận biết một cách khái quát nhất gương mặt của nghệ thuật đương đại cho tôi hình dung việc đôi người dắt nhau trong sương mù, lần lối trong vô định tìm những quen lạ, chạm vào hơi lạnh làn sương và cùng chỉ cho nhau những mơ hồ chớp bắt. Vậy việc tìm ra các lý thuyết nào khả dĩ diễn giải được gương mặt nghệ thuật đó, trong hành trình nhận thức và tiếp biến của mỹ học, cũng như chăng thêm muôn vàn sợi dây tơ lóe sáng trong màn sương đó.

hưng ở đây, Jimenez đã đưa người đọc một sợi dây mạch lạc, lần theo xu hướng hình thành và phát triển mỹ học theo lịch đại, từ nguồn gốc của “mỹ học” như một nhánh tách khỏi cây triết học và phát triển thành một môn “triết học về nghệ thuật”. Người đọc có thể thấy lượng kiến thức nén chặt, khởi đầu từ thế kỷ XVIII, khi Alexander Gottlieb Baumgarten bắt đầu định nghĩa về mỹ học, tách mỹ học khỏi triết học nói chung, như là “khoa học của cách tri giác và biểu lộ cảm tính”, cho đến các hiện tượng nghệ thuật gần đây chưa được định danh thành các lý thuyết rõ ràng như triển lãm máy Cloaca của Wim Delvoye (2004) hay Body worlds của Von Hagens (2004, thời điểm in sách, và vẫn còn tiếp tục trình diễn các cơ thể người phanh da đến những năm 2012 tại Mexico).

Trong cách nhìn lịch đại mỹ học như một sự tiếp nối khôn cùng các phá cách và thách đố với giới thưởng ngoạn cũng như những nhà triết – mỹ học, Jimenez đã dẫn người đọc khám phá dần những quan niệm của các thực hành nghệ thuật đã trở thành các điển phạm của nghệ thuật tiền phong.

Trạm Đọc sẽ giới thiệu về cuốn sách thú vị này cũng như các trích đoạn đáng chú ý trong thời gian tới

 

 

4. Đàng Trong thời Chúa Nguyễn

Nhiều tác giả, Nguyễn Duy Chính tuyển dịch, NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam Book ấn hành

 

 

Đến nay chúng ta vẫn biết đến Đàng Trong (nhà Nguyễn) thông qua cuộc đối đầu của họ với Đàng Ngoài (vua Lê chúa Trịnh) mà ít biết tường tận về chính bản thân xứ sở mà cha ông mang gươm đi mở cõi này.

Cuốn sách này là tập hợp các bài dịch của Nguyễn Duy Chính nhằm cung cấp những tư liệu thú vị về việc người nước ngoài đã nhìn nhận xứ Đàng Trong ra sao. Thông qua đó, vẽ ra một bức tranh sinh động đời sống kinh tế xã hội của xứ Đàng Trong, cho thấy những phát triển vượt bậc của họ trong việc giao thương với nước ngoài và tổ chức hệ thống hành chính mới, đặc biệt là quan hệ giữa các sắc tộc đa dạng tại vùng này. Cuốn sách cũng ngầm bước đầu lý giải sự thành công trong tương lai của nhà Nguyễn trong cuộc nội chiến hai miền.

 

 

5. Kinh tế học cấm đoán

Tác giả Mark Thornton, NXB Lao động và Thái Hà Books ấn hành

 

 

Từ xưa đến nay, rượu và ma túy vẫn là những chất gây nghiện bị cấm đoán ở mọi nơi trên thế giới bởi những hệ lụy mà nó gây ra. Không chỉ tàn phá cơ thể con người, những chất cấm này còn là tác nhân gây ra vấn nạn buôn lậu, tham nhũng và những tác động gián tiếp đến thế hệ mai sau. Vậy, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao những hành động cấm đoán mạnh tay của chính phủ các nước trên thế giới vẫn không thể tiêu diệt được hoàn toàn các loại chất cấm này? Đầu thế kỉ XX, Mĩ đã từng ra Luật cấm rượu, có Liên minh bài trừ quán rượu và thậm chí là Đảng cấm rượu, thế nhưng những hành động mạnh mẽ đó lại chỉ tạo ra những tác dụng ngược. Thống kê cho thấy số lượng người phạm tội có liên quan đến rượu ngày càng tăng, tỉ lệ tham nhũng và buôn lậu cũng tăng cao chóng mặt. Chính những điều này đã khiến chính phủ Mĩ phải xem xét lại và hủy bỏ luật cấm kia. Vậy phải chăng chúng ta nên thay vì cấm đoán, hãy mở ra một lối đi khác để giảm bớt những hậu quả mà các quy định cấm đoán gây ra?

Cuốn sách Kinh Tế Học Cấm Đoán sẽ nói với bạn rằng về cơ bản rằng những cấm đoán, ngăn cản trong xã hội mà bạn vẫn cho là thật hợp lý về đạo đức, được luật pháp hay các phương tiện gần như luật pháp bảo hộ, hầu hết chúng đều không có tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Tức là chúng thường tạo thêm những điều tồi tệ hơn cho nhiều thành phần trong xã hội, hoặc làm phát sinh thêm những vấn nạn mới như tội ác khốc liệt hơn, dung dưỡng tham nhũng, đặc quyền và hình thành thêm các băng đảng.

Kinh Tế Học Cấm Đoán là một cuốn sách rất đặc biệt mà bạn phải đọc một cách cẩn trọng, đa chiều, cởi mở, và qua đó, hãy nhìn nhận các vấn đề dưới con mắt của một trí tuệ tự do - điều mà những người trong ngành kinh tế luôn tự nhủ phải giữ gìn. Có như vậy, bạn mới có thể tránh khỏi “chấn thương” khi tiếp nhận những thông tin thú vị mà cuốn sách đưa ra.

Bạn thích cuốn sách nào nhất trong số các sách Trạm Đọc giới thiệu tháng này?
Email:
Tư duy pháp lý của luật sư
Cuộc đào thoát vĩ đại
50 câu hỏi mĩ học đương đại
Kinh tế học cấm đoán
Đàng Trong thời chúa Nguyễn
 
 
 
Đừng quên để lại email để Trạm liên hệ tặng sách cho bạn nhé.
 

Trạm Đọc (Read Station)