5 cuốn sách giúp giải phóng không gian và đưa mọi thứ vào trật tự
5 cuốn sách giúp giải phóng không gian và đưa mọi thứ vào trật tự
Sách có thể mang đến chiến lược và sự hỗ trợ tinh thần khi chúng ta cố gắng tổ chức lại cuộc sống. Vì vậy, chúng tôi đã hỏi các chuyên gia sắp xếp nhà cửa và những người có kinh nghiệm để đề xuất những cuốn sách yêu thích của họ.

 

1/ "Sống thanh thản như người Thụy Điển" của tác giả Margareta Magnusson

 

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ rời khỏi thế gian – nhưng những đồ đạc của chúng ta vẫn sẽ còn ở lại. Cuốn sách năm 2017 này, được nhiều chuyên gia mà chúng tôi đã phỏng vấn yêu thích, là một lời kêu gọi mọi người hãy dọn dẹp và sắp xếp lại đồ đạc khi vẫn còn có thể.

“Không ai muốn nghĩ về sự hữu hạn của cuộc đời mình,” Patty Morrissey, giám đốc chương trình của KonMari Club – cộng đồng sắp xếp do Marie Kondo sáng lập, chia sẻ. Nhưng cuốn sách này giúp việc tổ chức và sắp xếp trở nên tích cực hơn – như một cách để “ôn lại cuộc đời,” cô nói.

Ví dụ, bà Magnusson khuyến khích mọi người tạo một hộp có nhãn “Vứt Bỏ” dành cho những món đồ mang giá trị kỷ niệm cá nhân – nhưng có thể không có ý nghĩa với ai khác. Khi bạn không còn nữa, những người thân yêu của bạn có thể dễ dàng loại bỏ chúng theo mong muốn của bạn.

 

2/ "Organizing from Inside Out" (tạm dịch: Sắp xếp từ trong ra ngoài) của tác giả Julie Morgenstern

 

Bà Morgenstern được biết đến là “một trong những người tiên phong trong lĩnh vực tổ chức sắp xếp,” theo lời của Matt Paxton, tác giả cuốn sách Keep the Memories, Lose the Stuff (tạm dịch: Giữ lại kỷ niệm, loại bỏ đồ đạc).

Trong cuốn sách xuất bản năm 1998 của mình, bà Morgenstern giới thiệu một chiến lược tổ chức có tên S.P.A.C.E., viết tắt của: Sort (Phân loại) – nhóm các món đồ lại với nhau; Purge (Loại bỏ) – bỏ đi những thứ không cần thiết; Assign a home (Chỉ định chỗ để) – quy định một vị trí cụ thể cho từng món đồ; Containerize (Chứa đựng) – sắp xếp đồ dùng với sự hỗ trợ của hộp, thùng và các vật chứa khác; và Equalize (Cân bằng) – kiểm tra định kỳ để điều chỉnh khi cần thiết.

Tuy nhiên, mô hình này không mang tính cứng nhắc. Cuốn sách giúp chúng ta tổ chức theo cách phù hợp nhất với bản thân, theo Gretchen Rubin, người dẫn chương trình podcast Happier. Chẳng hạn, bà Morgenstern khuyến khích những người thường xuyên đi trễ nên đặt các vật dụng thiết yếu như chìa khóa và ví gần cửa ra vào. Cuốn sách hướng dẫn thực tế này, với nhiều góc nhìn sâu sắc, cho thấy rằng không có một phương pháp tổ chức nào phù hợp cho tất cả mọi người, bà Rubin nhận xét.

 

3/ "Dọn dẹp tâm trí, thanh lọc cảm xúc" của tác giả KC Davis

 

Dọn dẹp có thể là một thử thách đối với bất kỳ ai, nhưng nó đặc biệt khó khăn đối với những người mắc chứng Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (A.D.H.D.) và các vấn đề sức khỏe tinh thần như lo âu và trầm cảm. Đối với những ai đang tìm kiếm sự hướng dẫn mà không bị phán xét, cuốn sách xuất bản năm 2022 này đưa ra một cách tiếp cận đơn giản.

Trong sách, bà Davis khuyến khích chia công việc thành những nhiệm vụ nhỏ, dễ quản lý, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quá khắt khe với bản thân, chẳng hạn như chạy máy rửa bát ngay cả khi nó chưa đầy.

Cuốn sách cũng được viết theo cách cho phép người đọc có thể chọn lọc và đọc phần họ cần, điều này đặc biệt hữu ích với những ai gặp khó khăn trong việc tập trung. Bà Morrissey khuyên dùng cuốn sách này cho những khách hàng không đặt mục tiêu đạt đến sự gọn gàng hoàn hảo, mà chỉ đơn giản là muốn vượt qua một ngày một cách nhẹ nhàng hơn.

 

4/ "What We Keep" (tạm dịch: Những gì đáng giữ lại) của Bill Shapiro with Naomi Wax

 

Cuốn sách này, được xuất bản vào năm 2018, không phải là một hướng dẫn về cách dọn dẹp bớt đồ đạc. Thay vào đó, các tác giả đã phỏng vấn hàng trăm người, bao gồm cả tài xế xe tải và nữ tu sĩ, để hỏi xem liệu những món đồ quan trọng có tượng trưng cho những khoảnh khắc bước ngoặt trong cuộc đời họ hay giúp họ nhớ về những mối quan hệ và những người đã không còn bên cạnh.

Mỗi câu chuyện trong sách đều mời gọi người đọc suy ngẫm về ý nghĩa của những món đồ mà chính họ đang giữ lại. Khi bạn bắt đầu nghĩ về “những gì bạn đã chọn giữ lại và tự hỏi tại sao – dù là vì công dụng hay vì gợi nhớ một kỷ niệm – thì đó thực sự là một điều đẹp đẽ,” ông Moore chia sẻ.

 

5/ "ADD-Friendly Ways to Organize Your Life" (tạm dịch: Những cách tổ chức cuộc sống thân thiện với người mắc ADD) của Kathleen Nadeau và Judith Kolberg

 

Cuốn sách xuất bản năm 2002 này cung cấp cho những người mắc chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (A.D.H.D.) những phương pháp linh hoạt để sắp xếp và tổ chức cuộc sống. Ví dụ, nhiều người gặp phải hiện tượng "khuất mắt, quên luôn", nghĩa là họ có thể quên mất những đồ vật không thường xuyên nhìn thấy. Tuy nhiên, các tác giả gợi ý sử dụng hộp đựng trong suốt hoặc kệ mở để giữ các vật dụng quan trọng luôn trong tầm nhìn.

Theo bà Morrissey, cuốn sách này "thậm chí được viết bằng ngôn ngữ thân thiện với người mắc A.D.H.D.", đồng thời còn có các biểu đồ và hình minh họa hữu ích. Bà cũng nhận xét rằng cuốn sách "là một công cụ tuyệt vời giúp những người gặp khó khăn trong việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ có thể kiểm soát sự bừa bộn của mình."

- Trạm Đọc

- Theo The New York Times

 

Tags: