10 cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về Ngày Giải phóng miền Nam 30/4
10 cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về Ngày Giải phóng miền Nam 30/4
Mùa xuân đại thắng 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và chủ nghĩa xã hội; là trang sử hào hùng trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử. Có lẽ không khó để tìm được khá nhiều cuốn sách viết về thành quả vĩ đại này. 10 cuốn sách dưới đây sẽ đem lại những góc nhìn toàn diện hơn về sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc.

1. Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy Mùa Xuân Năm 1975 (Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung)

Cuốn sách bao gồm hai phần: Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Cuốn sách được sưu tầm, tuyển chọn tập hợp, biên soạn ngắn gọn, chắt lọc từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, bố cục khá chặt chẽ, cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về các sự kiện lịch sử trọng đại trong suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng lực lượng, các chiến dịch, các trận đánh. Đặc biệt là diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

2. Nhớ Về Mùa Xuân Đại Thắng 1975 (Đại tướng Văn Tiến Dũng)

Cuốn sách “Nhớ về Mùa Xuân Đại Thắng 1975” tập hợp những hồi ức, những hình ảnh sinh động, những tư liệu, những mẩu chuyện người thật, việc thật góp phần làm nên cuộc đại thắng mùa xuân 1975.

Cuốn sách bao gồm những bài viết về kỷ niệm thời chiến, kỷ niệm chiến trường, kỷ niệm quân dân, đồng đội, đồng hương... gắn với sự nghiệp giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngoài ra, còn có một số bài dự thi viết về Đại thắng mùa xuân 1975 theo phát động của Hội Khoa học lịch sử thành phố. Song tất cả vẫn là những hồi ức từ sự thật, là ký ức của người trong cuộc.

3. Dương Văn Minh Tổng Thống Cuối Cùng Của Chính Quyền Sài Gòn (Nguyễn Trần Thiết)

Tiểu thuyết - kí sự "Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn" là tác phẩm Nhà văn Nhà báo Đại tá Nguyễn Trần Thiết ấp ủ thực hiện từ năm 1980. Tác phẩm được nung nấu nghiền ngẫm và viết 30 năm trời với mong muốn phác thảo chân dung một nhân vật cấp cao phía bên kia chiến tuyến cũng là nhân vật chính trong tác phẩm. .Qua đó bạn đọc hiểu thêm về Dương Văn Minh trong thái độ hành động vào thời khắc lịch sử làm Tổng thống với 48 giờ của chế độ ngụy quyền Việt Nam cộng hoà. Cũng qua tác phẩm người đọc hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chống đế quốc Mỹ vĩ đại của dân tộc ta với sự lãnh đạo sáng suốt thiên tài của Đảng Bác Hồ tinh thần bất khuất anh hùng trí thông minh của nhân dân và quân đội ta.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Trần Thiết, nhân vật Tổng thống cuối cùng Dương Văn Minh được thể hiện là một trí thức theo Nho học rồi Tây học; một viên tướng được đào tạo và trưởng thành trong quân đội Pháp, một nhà chính trị luôn hoạt động theo xu hướng trung lập, mềm dẻo. 

4. Chuyện Ít Biết Về Ngày Giải Phóng Sài Gòn 30.4.1975 (Nguyễn Hữu Thái)

Tác giả Nguyễn Hữu Thái là một “người trong cuộc” chứng kiến ngày sụp đổ và giải phóng Sài Gòn hơn 30 năm về trước. Nguyễn Hữu Thái nguyên là cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964) hoạt động trong phong trào nội thành. 

“Chuyện Ít Biết Về Ngày Giải Phóng Sài Gòn 30.4.1975” không dừng lại ở việc tác giả viết lại diễn tiến các sự kiện bản thân mình đã tham gia và chứng kiến mà còn ghi lại lời kể của những nhân chứng khác đến từ các phía đối nghịch với nhiều góc độ khác nhau. Câu chuyện ít người biết này được bổ sung và kiểm chứng qua một nguồn tư liệu rất đặc biệt và khá phong phú từ Hoa Kỳ khi tác giả nhận được học bổng nghiên cứu tại các đại học Hoa Kỳ cách đây mấy năm.

Cuốn sách có sức hấp dẫn người đọc bằng nhiều tư liệu phong phú, giúp ta nhìn lại toàn cảnh trận chiến cuối cùng và diễn biến các sự kiện dồn dập xảy ra trước, trong và sau ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn. Cuốn sách được trình bày mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu giúp bạn đọc trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh dễ đọc hơn. Tác giả đã thêm vào sách phần thuật ngữ, các bản đồ sử dụng vào thời điểm 1975 ở Sài Gòn cùng nhiều hình ảnh minh họa.

5. Saigon Sự Kiện Đối Thoại Của Một Gia Đình (Nguyễn Hữu Thái)

Hai tác giả của cuốn sách là Nguyễn Hữu Thiên Nga và Nguyễn Hữu Thái Hòa là thế hệ 7X, con trai và con gái của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hữu Thái và bà Trần Tuyết Hoa, đã cùng cha và mẹ mình viết cuốn sách “30/04/75 Sài gòn - Sự kiện và đối thoại” nhằm cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ những hồi ức cô đọng và các tư liệu ảnh có giá trị lịch sử.

Khác với các cuốn sách cùng đề tài, sách được thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu theo lối đối thoại và kể chuyện giữa những người trong cuộc đã tái hiện sự kết thúc của chính quyền Sài Gòn, đồng thời cũng là những chứng nhân của thời khắc lịch sử 30-4-1975. Ðiều đặc biệt là cuộc đối thoại đó được gói gọn trong những người gia đình. Họ kể về mình, kể về bạn bè, đồng chí và cả những người ở phía bên kia của chế độ Sài Gòn đã biết đứng về phía cách mạng, trong giờ phút lịch sử đứng về chính nghĩa, đặt lợi ích dân tộc lên trên tất cả. Cuốn sách 30.04.75 Sài gòn - Sự kiện và đối thoại có khổ 19 x 26,5 cm, dày 160 trang in trên giấy đẹp, thiết kế ấn tượng, hiện đại, có thể nói là một tư liệu quý, góp phần bổ sung và cung cấp một góc nhìn, làm sáng rõ hơn về các nhân vật và sự kiện của ngày chiến thắng 30-4 lịch sử.

6. Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” là hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến lược, sự sáng suốt và nhạy bén, tinh thần quyết đoán của Bộ thống soái tối cao, đặc biệt trong những thời cơ lớn, cũng như tinh thần làm việc toàn tâm, toàn ý, mưu trí, sáng tạo của các cơ quan Tổng hành dinh.

Cuốn sách gồm có mười chương, trong đó Đại tướng dành chín chương viết về các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc và chương cuối cùng trình bày những điều tâm huyết, đúc kết cuộc đời cầm quân quang vinh của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.

Đại tướng đã hồi tưởng lại những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh – Bộ thống soái tối cao – từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất. Trí tuệ của một tập thể tài năng thuộc lớp cận vệ đầu tiên chói sáng ở thời điểm lịch sử quyết định dẫn dắt dân tộc ta đi đến đích vinh quang. 

Đọc những dòng hồi ức hấp dẫn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ta càng thấy rõ vai trò chiến lược có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Bộ thống soái tối cao trong mùa Xuân lịch sử cũng như bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quét sạch quân thù.

7. Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập (Thiếu tướng Hoàng Đan)

Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003) là một trong những vị tướng tài năng của quân đội nhân dân Việt Nam; một cán bộ chỉ huy đã lăn xả qua bao chiến trường, từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ. Ông...

"Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập" là những trang hồi ức có giá trị như một tư liệu lịch sử sống động, một tác phẩm lý luận quân sự quý báu của Thiếu tướng Hoàng Đan. Ở đó, ông nhắc những kỷ niệm về các trận đánh mà ông và đồng đội trải qua, là những tư liệu quý về mùa xuân năm 1975 như: Thượng Đức, Huế, Phan Rang, Nước Trong, Thành Tuy Hạ, và cuối cùng là dinh Độc Lập, bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn để kết thức chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đặc biệt, Thiếu tướng Hoàng Đan không hề né tránh những sai lầm, thất bại… mà đối diện với nó, lột tả nó một cách khách quan để đưa ra những kết luận ngắn gọn, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu... Có lẽ bởi vậy mà giá trị học thuật, giá trị khoa học, giá trị chân lý của những trang hồi ký tự nó truyền sang khối óc, con tim của những ai một lần lật giở cuốn hồi ký này.

8. Bút Ký Lính Tăng - Hành Trình Đến Dinh Độc Lập (Nguyễn Khắc Nguyệt)

Nhắc tới sự kiện 30/4/1975, nhiều người thế hệ sau nhớ tới hình ảnh xe tăng tiến vào dinh Độc Lập. Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (chiến sĩ lái xe tăng 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, cùng đơn vị là những người đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập). Hành trình đến ngày chiến thắng được ông kể trong cuốn Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập.

Hành trình đến ngày chiến thắng chẳng hề dễ dàng như có người đã từng suy nghĩ: về không gian nó trải dài hàng nghìn cây số, về thời gian là nghìn ngày có lẻ cùng với bao mất mát, hy sinh, anh hùng và hèn nhát, cao thượng và thấp hèn, vinh quang và cay đắng…Nhắc tới sự kiện 30/4/1975, nhiều người thế hệ sau nhớ tới hình ảnh xe tăng tiến vào dinh Độc Lập. Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (chiến sĩ lái xe tăng 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, cùng đơn vị là những người đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập). Hành trình đến ngày chiến thắng được ông kể trong cuốn Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập.

Cuốn sách này của một chiến sĩ trong đại đội viết ra xin kể về hành trình đó, như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là món quà tặng cho những người đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời thường.

9. Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975) (Nguyễn Đức Hùng)

Trong suốt 30 năm đấu tranh vũ trang vì độc lập tự do, thống nhất đất nước có phần công sức lớn của lực lượng biệt động. Là chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, Đại tá Nguyễn Đức Hùng (1928-2012), thường gọi là Tư Chu, đã viết cuốn sách “Biệt Động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975)”.

Cuốn sách giới thiệu lịch sử 30 năm xây dựng và những chiến thắng vẻ vang của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (1945 - 1975). Trình bày kinh nghiệm xây dựng lực lượng và tổ chức chiến đấu của đội Biệt động trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

10. Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa 

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội đã ra mắt bạn đọc cuốn sách “Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa”. 

Cuốn sách được chia làm hai phần: Phần I gồm những tài liệu nguyên bản tuyệt mật do phía Hoa Kỳ giải mật vào năm 2015 với nội dung xoay quanh những toan tính, quyết sách và hành động của những người đứng đầu bộ máy chiến tranh của nước Mỹ trong những ngày sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Phần II gồm những bài viết, trang hồi ức không thể lãng quên của một số tướng lĩnh cấp cao của Mỹ trực tiếp có mặt và chỉ huy cuộc di tản trong những giờ phút sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.

Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ được biết tường tận về nội tình giới chức Mỹ trong những ngày tận cùng của cuộc chiến tranh, cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin, và đó là những thông tin gốc, từ nhiều góc độ, được lật đi lật lại, soi rọi các sự việc, các quyết định của giới chức Mỹ và những nhân vật liên quan trực tiếp tới chiến tranh Việt Nam trong phút sụp đổ cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa. 

Trạm Đọc tổng hợp

Tags: