Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội. Ông đã sáng lập ra nhiều diễn đàn mở và là không gian hoạt động của xã hội dân sự, đối thoại, phổ biến kiến thức và các cuộc thảo luận mang tính phản biện.
Đồng thời, ông cũng là một tác giả chính luận không còn xa lạ với độc giả Việt Nam. Ông khai thác những chủ đề gần gũi, hiển hiện giữa cuộc sống đời thường với góc nhìn trực quan, chính diện, thẳng thắn. Các tác phẩm của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đều có điểm chung là ngồn ngộn hơi thở của hiện thực, đó là những bức tranh thời sự về xã hội mà ta đang sống hay những góc khuất mà chúng ta chưa được thấy, hoặc đã thấy nhưng không đủ can đảm để đối diện. Ông dùng ngòi bút sắc sảo mà tinh tế của mình để đề cao những giá trị nhân văn, phá bỏ những định kiến và hướng về tương lai tốt đẹp hơn.
Hãy cùng Trạm Đọc điểm qua những tác phẩm đã gây tiếng vang của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” là cánh cửa dẫn dắt người đọc vào thế giới của những người trẻ trên dưới hai mươi, cái độ tuổi chông chênh/chênh vênh, đã qua thời niên thiếu nhưng chưa đủ trưởng thành để được gọi là người lớn. Không phải thế giới thanh xuân rực rỡ sắc màu, không phải thế giới của tuổi trẻ nồng nhiệt, mà là thế giới nội tâm ngổn ngang, đầy ắp tổn thương, bất an, với những hoang mang và băn khoăn hiện sinh, hay tác giả còn gọi là “thế giới hậu tuổi thơ”.
Để khắc họa một cách chân thật nhất, TS Đặng Hoàng Giang đã dành hai năm gặp gỡ những người trẻ, dành hàng trăm giờ đồng hồ lắng nghe, trò chuyện, và ghi chép lại những câu chuyện của họ. Hai mươi cuộc đời, hai mươi câu chuyện cá nhân. Khác nhau về tính cách, học lực, hoàn cảnh gia đình,... nhưng họ đều có điểm chung là mang trong mình nhiều tổn thương đến từ những người thân, máu mủ ruột rà, và những tổn thương từ thời ấu thơ ấy vẫn khiến họ trăn trở mỗi ngày, loay hoay với những câu hỏi và sự bất an vô bờ bến.
“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” có kết cấu gồm ba phần chính với những cái tên khiến người ta phải suy ngẫm: Thế giới vắng bóng người lớn, Những đứa trẻ nhầm vai, Trong ngục tù của tình yêu; xen kẽ là những khúc chuyển giao bằng lời tác giả, những phân tích dưới góc độ chuyên môn ở khía cạnh tâm lý và khoa học; và khép lại trong khúc vĩ thanh trên Hành trình chữa lành.
Sâu sắc mà không giáo điều, “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của Đặng Hoàng Giang được đánh giá như một liệu pháp tâm lý cho những con người ngỡ như đã lớn nhưng vẫn mang trong bên mình một đứa trẻ bị tổn thương. Cuốn sách đồng thời như một lời cảnh tỉnh dành cho những bậc làm cha mẹ, đánh thức sự đồng cảm và thấu hiểu, để họ học cách lắng nghe con em mình, học cách chữa lành và yêu thương đích thực.
Thiện Ác Và Smartphone là một cuốn sách lý luận, một công trình nghiên cứu cũng như phân tích về thời đại Internet, về cộng đồng mạng - nơi con người đánh giá nhau qua những chiếc ảnh đại diện không hơn không kém.
Cấu trúc cuốn sách được chia thành 6 phần, bao gồm những câu chuyện giàu chất thời sự mà có ý nghĩa bền vững:
Trong đó, ba phần đầu, tác giả cung cấp những ví dụ thực tế, khắc họa sắc nét bức chân dung của văn hóa làm nhục, sự xấu xí và sức tàn phá kinh khủng của nó lên đối tượng bị chỉ trích, bị lên án và dùng cái nhìn khách quan để khái quát và đi sâu phân tích những cảm xúc của nạn nhân trước những trò làm nhục, miệt thị từ mạng xã hội.
Ba phần tiếp theo phân tích thấu đáo sự khác nhau giữa phê bình và mạt sát, giữa lên án và sỉ nhục, giữa sự đánh giá của trái tim khoan dung và bản án của sự căm giận, giữa công lý thực thi bằng pháp luật và công lý của sự cuồng nộ… Người đọc như bừng tỉnh, giật mình nhận ra mình cũng là một phần của bức tranh hiện thực trần trụi này. Từ đó mà đối diện với bản thân mình và có ý thức cải thiện văn hóa sử dụng mạng xã hội.
Với ngòi bút lên án sắc sảo nhưng không gay gắt, giọng văn cá tính mà không dạy đời, Đặng Hoàng Giang đã thành công thể hiện quan điểm của mình với tinh thần xây dựng, mang tính nhân văn sâu sắc.
"Bức xúc không làm ta vô can" là một cuốn sách tổng hợp 26 bài viết của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thể hiện quan điểm, cách nhìn về nhiều chủ đề nhức nhối trong xã hội.
Nội dung cuốn sách được chia thành ba phần: Cái tôi cá nhân trong xã hội hiện đại; Các vấn đề phát triển như môi trường, công lý và phân biệt giàu nghèo; Thực trạng văn hóa – xã hội đương đại.
Tác giả bàn về các câu chuyện từ quen thuộc như thịt chó, ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện đến ngỡ như vĩ mô xa xôi nhưng lại ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống từng cá nhân như sự tàn phá của kinh tế thị trường, lí do khiến quốc gia thất bại, du lịch đại trà, hay các vấn đề văn hóa không bao giờ hết nóng như sính ngoại, truyền hình thực tế.
Ở mỗi bài viết, tác giả sẽ nêu lên những vấn đề đang tồn tại trong xã hội trước, sau đó cung cấp thông tin và góc nhìn của những người liên quan và cuối cùng mới đưa ra quan điểm cá nhân. Không chỉ phân tích khách quan và bình luận sắc sảo, tác giả còn đề xuất nhiều giải pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm.
Đây là cuốn sách chính luận mang tinh thần phản biện xã hội. Với lăng kính đa chiều, cách khai thác mới mẻ, ngòi bút châm biếm, sắc sảo mà sâu cay, tác giả Đặng Hoàng Giang mổ xẻ xuyên qua lớp lang văn hóa, xã hội, đời thường mà hầu hết tất cả mọi người đều biết, để tìm đến thực chất, ý nghĩa đích thực của hiện tượng.
Nhà báo Đinh Đức Hoàng nhận xét về “Bức xúc không làm ta vô can”: "Một góc nhìn thằng thắn và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng những con dao mổ sắc cạnh của tri thức. Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm."
“Điểm đến của cuộc đời” là những trải nghiệm cận tử đầy mất mát, đau thương nhưng cũng không kém phần tử tế, tình người được khắc họa dưới ngòi bút nhân văn của Đặng Hoàng Giang. Dấn thân vào “một thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hy vọng khôn nguôi, tóm lại, của tất cả những gì thuộc về con người, ở mức độ dữ dội nhất”, tác giả muốn đi tìm câu trả lời cho cách con người nên đối diện với cái chết, và ý nghĩa của cái chết đối với sự sống?
"Điểm Đến Của Cuộc Đời" không định nghĩa về cái chết, cũng không cố gắng lãng mạn hóa hay bi kịch hóa cái chết. Cuốn sách là bức tranh chân thực về cuộc đời, những số phận bình dị, những cảm xúc hiển hiện trong nội tâm mỗi người chúng ta. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng của chị Hà và con trai. Là hình ảnh cô sinh viên Liên trẻ trung, đầy nghị lực và hoài bão, lạc quan đến giây phút cuối cùng. Là trái tim nhân ái của Vân với mong muốn được cống hiến cho xã hội ngay cả khi đã trở về với cát bụi. Mỗi con người, mỗi nỗi đau, họ cũng mềm yếu, cũng có những lúc sợ hãi, và cũng hy vọng, khát khao được sống.
Tác giả không chỉ đơn thuần trần thuật lại câu chuyện hay cảm xúc của nhân vật một cách đơn điệu và máy móc. Ông còn lồng vào đó những triết lý sâu sắc của Phật giáo, những lập luận vô cùng sắc sảo và nhân văn giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời và con người. Ông viết bằng sự thông minh và tinh tế, bằng một trái tim tràn đầy yêu thương, bằng sự thấu cảm với tột cùng nỗi đau của đồng loại. Chính vì thế, từng câu từng chữ đều có sức lay động mãnh liệt đối với người đọc.
Là tiếng nói hiếm hoi với cộng đồng của người trầm cảm, là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, “Đại dương đen” đồng thời là công trình giáo dục tâm lý, cung cấp kiến thức căn bản về trầm cảm và phương pháp trị liệu căn bệnh này. Không quá hàn lâm hay khô khan, cuốn sách mô tả thế giới trầm cảm một cách chân thật và toàn diện, thông qua những câu chuyện dữ dội, những nỗi đau âm ỉ được chia sẻ bởi chính những người trong cuộc.
Họ là những người đến từ mọi độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, từ học sinh, sinh viên, người đi làm, thậm chí cả những người đã về hưu,... Có thể họ chính là những người thân quen xung quanh mỗi chúng ta. Vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của chính gia đình và xã hội, những số phận ấy đã bị tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc. Họ bị căn bệnh gặm nhấm, giằng xé từng ngày, từng khoảnh khắc đang tồn tại. Không dừng lại ở sự giãi bày đơn lẻ ở mỗi cá nhân, Đặng Hoàng Giang đã chỉ ra những căn nguyên có tính hệ thống của vấn đề. Bức màn định kiến đang phủ lên căn bệnh, "không chỉ là một vấn đề của y học và tâm lý học, nó là một vấn đề của đạo đức và công lý".
Quyển sách Đại dương đen được chia ra thành hai phần:
Đúng như tựa đề, người đọc có thể sẽ bị nhấn chìm trong sự tối tăm, nặng nề với những câu chữ sắc sảo, chân thật và ám ảnh đến vô cùng. Từ đó, tác giả cũng muốn cộng đồng có góc nhìn khác về trầm cảm, hiểu rõ hơn căn bệnh này để có thể đồng cảm, thấu hiểu với các bệnh nhân.
Nguyên Hạnh th