Tác giả :
Tác giả :
“Nghệ thuật đương đại thế giới – ngoài kia đang có gì?” luôn là câu hỏi gây tò mò và phấn khích cho độc giả và những người quan tâm nghệ thuật. “50 câu hỏi mỹ học đương đại” là một trong những cuốn sách ít ỏi về các xu hướng mỹ học đang diễn ra được dịch Việt, đưa ra nhiều kiến thức về mỹ học đủ khiến lôi cuốn người đọc.
Việc nhận biết một cách khái quát nhất gương mặt của nghệ thuật đương đại cho tôi hình dung việc đôi người dắt nhau trong sương mù, lần lối trong vô định tìm những quen lạ, chạm vào hơi lạnh làn sương và cùng chỉ cho nhau những mơ hồ chớp bắt. Vậy việc tìm ra các lý thuyết nào khả dĩ diễn giải được gương mặt nghệ thuật đó, trong hành trình nhận thức và tiếp biến của mỹ học, cũng như chăng thêm muôn vàn sợi dây tơ lóe sáng trong màn sương đó.
hưng ở đây, Jimenez đã đưa người đọc một sợi dây mạch lạc, lần theo xu hướng hình thành và phát triển mỹ học theo lịch đại, từ nguồn gốc của “mỹ học” như một nhánh tách khỏi cây triết học và phát triển thành một môn “triết học về nghệ thuật”. Người đọc có thể thấy lượng kiến thức nén chặt, khởi đầu từ thế kỷ XVIII, khi Alexander Gottlieb Baumgarten bắt đầu định nghĩa về mỹ học, tách mỹ học khỏi triết học nói chung, như là “khoa học của cách tri giác và biểu lộ cảm tính”, cho đến các hiện tượng nghệ thuật gần đây chưa được định danh thành các lý thuyết rõ ràng như triển lãm máy Cloaca của Wim Delvoye (2004) hay Body worlds của Von Hagens (2004, thời điểm in sách, và vẫn còn tiếp tục trình diễn các cơ thể người phanh da đến những năm 2012 tại Mexico).
Trong cách nhìn lịch đại mỹ học như một sự tiếp nối khôn cùng các phá cách và thách đố với giới thưởng ngoạn cũng như những nhà triết – mỹ học, Jimenez đã dẫn người đọc khám phá dần những quan niệm của các thực hành nghệ thuật đã trở thành các điển phạm của nghệ thuật tiền phong.