Những cuốn sách yêu thích của Chủ tịch Lê group Lê Quốc Vinh
Những cuốn sách yêu thích của Chủ tịch Lê group Lê Quốc Vinh
Với ông Lê Quốc Vinh, sách là nơi truyền cảm hứng, cung cấp kiến thức và tư duy mới cho ông. Đây cũng là lý do khiến ông Vinh sẵn lòng trở thành một trong những thành viên sáng lập chương trình “Người thành công đọc gì”.
Ông Lê Quốc Vinh hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies) với 4 công ty thành viên gồm: Công ty Le Media, Công ty Le Bros, Công ty Le Digital và Creativa, hoạt động trong lĩnh vực marketing, quảng cáo, PR, tổ chức sự kiện và xuất bản, báo chí, truyền thông. Le Bros là thành viên của mạng lưới các công ty quảng cáo và marketing độc lập toàn cầu Worldwide Partners, Inc. (WPI) vào năm 2013. Le Media là thành viên của Hiệp hội các nhà xuất bản tạp chí quốc tế FIPP từ năm 2012.

Ông Lê Quốc Vinh có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành báo chí. Đặc biệt, ông còn là người sáng lập và cải tổ cho rất nhiều báo và tạp chí tại Việt Nam như Tạp chí Đẹp, Thể thao Văn hóa & Đàn Ông, Doanh Nhân và đi tiên phong trong xu thế nhượng quyền thương hiệu xuất bản các tạp chí quốc tế tại Việt Nam như Autocar Vietnam và Stuff Vietnam. Ông được coi như một chuyên gia trong ngành truyền thông và marketing và là giảng viên thỉnh giảng ngành quan hệ công chúng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học RMIT. Ông cũng là người đồng sáng lập PR Elite School, một đơn vị đào tạo ngành quan hệ công chúng thực hành.

Tháng 12/2015, ông Lê Quốc Vinh được trường Đại học RMIT trao tặng bằng Tiến sỹ Danh dự vì những đóng góp của ông cho chương trình đào tạo cử nhân truyền thông của RMIT cũng như những cống hiến của ông cho ngành truyền thông và quan hệ công chúng Việt Nam.

Là một fan hâm mộ sách, ông Lê Quốc Vinh yêu thích sách văn học, song ông cũng thường xuyên đọc sách quản trị kinh doanh, sách chuyên ngành truyền thông, marketing để phục vụ công việc của mình. Với ông Vinh, sách là nơi truyền cảm hứng, cung cấp kiến thức và tư duy mới cho ông. Đây cũng là lý do khiến ông Vinh sẵn lòng trở thành một trong những thành viên sáng lập chương trình “Người thành công đọc gì”.

Dưới đây là chia sẻ của ông về những cuốn sách yêu thích của bản thân.


Sách kinh điển

Từ hôm qua đến giờ tôi ngồi lọc những cuốn sách mình thích trong cuộc đời và có ý nghĩa định hình tư duy, phong cách của mình. Có một số cuốn khá là kinh điển, ví dụ ngày bé tôi rất thích đọc sách Nga như cuốn “Sông Đông êm đềm” của Sô-lô-khốp chẳng hạn, là sách gối đầu giường của lứa thanh niên học dưới mái trường XHCN ngày xưa.

Hay là tôi mê sách của Jack London nên đã từng viết những tiểu luận về sách của Jack London trong thời kỳ học Văn học Anh, ví dụ như là cuốn “Martin Eden”. “Martin Eden” không phải là sách rất nổi tiếng của Jack London nhưng tôi lại thích nó, bởi vì nó viết về một nhà văn vật lộn tìm con đường đi của mình.  “Tiếng gọi nơi hoang dã” là một cuốn sách cho tôi thấy một giai đoạn lịch sử của nước Mỹ.

Tôi cũng yêu thích các cuốn sách tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc, trong đó “Tam quốc diễn nghĩa” là tác phẩm mà sau này khi càng hiểu hơn về lịch sử TQ, tôi càng thấy rằng nó là cuốn tiểu thuyết không hoàn toàn đúng với lịch sử, nhưng nó cho tôi tư duy về thiện và ác, về sự khốc liệt của Trung Quốc trong giai đoạn phong kiến cổ.

Có một cuốn sách nữa tôi cũng rất thích của Úc là “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết tôi đọc rất nhiều lần. Nó thơ mộng và nó là cuốn sách về tình cảm hiếm hoi tôi thích.

Sách văn học Việt Nam

Sách Việt Nam thì (tôi thích cuốn) “Đất rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi. Dương Thu Hương thì có cuốn “Bên kia bờ ảo vọng”. Đã từng sống trong thời kỳ gian khó nhất thời kỳ bao cấp, nên tôi thấy cuốn sách mô tả toàn vẹn những hình ảnh cuộc sống rất là bức bối của thế hệ đấy. Đây cũng là cuốn sách mà tôi say mê đọc đi đọc lại.

Rồi những tiểu thuyết của Chu Lai hay là Nam Cao. Chu Lai thì có cuốn “Ăn mày dĩ vãng” rất là hay nói về giai đoạn chiến tranh. Xa hơn nữa thì những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, đặc biệt là Nam Cao thì kể cả truyện ngắn (tôi) cũng thích. Tiểu thuyết thì là cuốn “Sống mòn”. Trong những cuốn tiểu thuyết này, tôi nhìn thấy hình ảnh của những người trí thức từ giai đoạn trước cách mạng cho đến cả sau này, hình ảnh của những người trí thức đấy đầy khó khăn nhưng vẫn muốn khẳng định vị trí của mình. Nó tất nhiên là sự bế tắc của cuộc sống, nhưng nó cũng là thứ để tôi suy ngẫm về con đường đi của mình. 

Sách quản trị kinh doanh

Còn sách kinh doanh thì cuốn sách mà tôi nằm lòng và trở thành định hướng của mình trong hoạt động tư vấn quản trị là “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins.

Những cuốn sách gọi là phải đọc và là định hướng cho công việc của tôi là những cuốn sách của Philip Kotler như: “Nguyên lý marketing”, “Marketing 3.0”, “Tiếp thị 4.0”, “Tiếp thị-5.0”,  “Nâng tầm dịch vụ” của Ron Kaufman, đấy là những cuốn sách định hình cho tư duy trong ngành marketing.

 

Mời các bạn theo dõi chia sẻ trực tiếp của anh Lê Quốc Vinh trong video sau

 

 

 

- Việt Hà ghi

Tags: