Chuyện đọc và những cuốn sách yêu thích của Phó Chủ tịch Tập đoàn EQuest Bạch Ngọc Chiến
Chuyện đọc và những cuốn sách yêu thích của Phó Chủ tịch Tập đoàn EQuest Bạch Ngọc Chiến
Trong bài viết dưới đây, ông Chiến sẽ chia sẻ với độc giả về chuyện đọc và những cuốn sách yêu thích nhất của mình.

Ông Bạch Ngọc Chiến - tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 1994 và lấy bằng Thạc sĩ về quan hệ ngoại giao tại Đại học Monash (Australia) năm 2000. Ông cũng tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội và năm 2021 ông đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại trường Kinh doanh Shidler của Đại học Hawaii (Mỹ).

Ông Chiến có quá trình công tác rất phong phú. Ông khởi nghiệp là giáo viên tiếng Anh và sau đó là hướng dẫn viên du lịch (1994-1996). Ông thi công chức Bộ Ngoại giao cuối năm 1996 và kể từ đó đã kinh qua các vị trí: Chuyên viên Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao; Tuỳ viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ; Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại Bộ Ngoại giao; Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam. Từ ngày 1/7/2020, ông Chiến làm việc tại Tập đoàn giáo dục EQuest.

Trong vai trò Phó UBND tỉnh Nam Định, cũng như vai trò Phó Chủ tịch Tập đoàn giáo dục EQuest hiện nay ông dành rất nhiều thời gian và công sức khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.  Bản thân ông cũng là người yêu thích sách và đọc nhiều.

Trong bài viết dưới đây, ông Chiến sẽ chia sẻ với độc giả về chuyện đọc và những cuốn sách yêu thích nhất của mình.

 

Chuyện đọc và những cuốn sách thời thơ ấu của tôi

Niềm say mê đọc sách của tôi bắt đầu từ khi tôi rất bé. Khi tôi mới đi học tiểu học, nhà tôi có hai cuốn sách là “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của cụ Vũ Ngọc Phan, “Lịch sử Việt Nam” của GS Hà Văn Tấn và Phan Huy Lê. Tôi nghiến ngấu đọc hết và thuộc đến mức vào cấp 2 gần như không phải học môn sử.

Vì vậy có thể nói việc đọc sách từ nhỏ rất quan trọng. Những gì tôi đọc được khi đó tôi đều rất nhớ, thậm chí nhớ đến tận bây giờ. Và kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ cùng với mọi người là: nếu muốn hình thành thói quen tốt, đặc biệt là thói quen đọc sách, thì nên tạo thói quen này cho các cháu từ lúc bé. Cứ biết đọc là có thể cho các cháu đọc sách được rồi.

Và rất may những cuốn sách tôi đọc từ thưở bé đều là những cuốn định hướng cảm xúc cho con người rất lớn. Nhờ cuốn sách “Lịch sử Việt Nam” tôi có rất nhiều cảm xúc như tự hào, tự tôn, yêu nước, kể cả những cảm xúc đau lòng, thất vọng, tuyệt vọng khi những cuộc khởi nghĩa của các lãnh tụ nông dân có kết cục là bị đàn áp, bị giết; hoặc những triều đại bị quân xâm lược phương Bắc lật đổ. Tất cả những cảm xúc bi hùng ấy rất cần thiết để xây dựng những cảm xúc lớn hơn cho con người.

Nhờ đọc cuốn sách của cụ Vũ Ngọc Phan mà tôi thuộc rất nhiều ca dao và tục ngữ, làm tăng thêm khả năng nói và viết của mình. Vào cuộc sống, khi mình biết trích dẫn những câu tục ngữ, ca dao vào đúng văn cảnh, thì nó làm cho câu chuyện của mình trở nên hấp dẫn hơn, có duyên hơn. Còn khi cần “tranh cãi” thì gọi vui là nó giúp mình sẽ trở nên “đanh đá” hơn. Tôi rất may đã được đọc những cuốn sách tốt ngay từ khi còn bé. Và có lẽ nhờ vốn liếng tiếng Việt khá tốt, nên tôi học ngoại ngữ cũng khá được.

Hàng xóm nhà tôi có một cô hay đọc “Nghìn lẻ một đêm”, tôi cũng mon men sang mượn đọc và cũng thuộc gần hết các câu chuyện trong đó. Phần thưởng thu được sau này chính là sự quý mến của các bạn cùng lớp cấp 2, vì mỗi khi lao động công ích hay có tiết học tự quản, tôi lại xung phong kể một câu chuyện và các bạn cứ “há mồm” nghe.

Nhưng cuốn sách mà tôi yêu thích nhất khi còn nhỏ là “Không gia đình” của Hector Malot mà tôi được một chị sinh viên cho mượn. Cuốn sách đã nuôi dưỡng trong tôi tình yêu thương con người, nhất là trong các hoàn cảnh khó khăn. Các con chó con ở nhà tôi đều được chúng tôi đặt là Capi, Dolce và Zerbino theo tên các con chó trong gánh hát rong của cụ Vitalis và Remi.

Nhìn lại tôi nhận thấy tôi được như bây giờ là nhờ cũng cuốn sách này. Vì vậy tôi nghĩ khi còn trẻ thì nên đọc những cuốn sách giúp xây dựng được những cảm xúc tốt, từ đó định hình tính cách cho cá nhân.

Nhưng thói quen đọc sách không dễ được duy trì, chỉ cần gián đoán là bị lãng đi. Và tôi rất xấu hổ là mình đã không giữ được say mê đọc sách khi sang năm cuối cấp hai. Sang cấp ba tôi cũng đọc ít mặc dù là học sinh chuyên văn (tất nhiên là có đọc các cuốn sách đình đám thời những năm 1980 như Bão biển, Đứng trước biển, Thời xa vắng… để phục vụ cho việc học).

Lên đại học tôi cũng không chịu đọc sách mà dành hết thời gian cho việc đi làm thêm. Đó là ân hận lớn nhất của tôi thời sinh viên vì đã không nạp được thêm tri thức từ sách vào đầu.

Khi đi làm, có tiền, tôi bắt đầu mua sách và mua rất nhiều sách để “trả thù” việc có ít sách thời còn bé và thoả mãn các đam mê tìm hiểu, nghiên cứu.

Tôi đã mua gần như tất cả những cuốn từ điển Anh-Việt có trong hiệu sách, mua rất nhiều sách về Trung Quốc, sách về văn hoá, lịch sử VN, sách luật, sách về quan hệ quốc tế, hồi ký tự truyện của các nhân vật nổi tiếng thế giới. Tổng cộng tủ sách của tôi giờ cũng hơn 2.000 cuốn. Đó là chưa kể đến hơn 300 cuốn mua trên Amazon để đọc trên Kindle.

Tất nhiên là tôi chưa đọc hết sách tôi có và chắn chắn không bao giờ đọc hết được. Nhưng tôi thích có nhiều sách để khi cần tra cứu hoặc nghiên cứu về vấn đề tôi yêu thích, thì tôi biết có thể tìm được thông tin ở đâu.

10 năm trở lại đây, tôi đọc sách nhiều hơn và càng đọc càng ân hận vì đã không đọc chăm và đọc nhiều sớm hơn nữa. Thực tế thời gian bỏ đọc sách tôi đã bỏ lỡ nhiều kiến thức, nhiều trải nghiệm hay, để có thể áp dụng trong cuộc sống. Bởi nếu có thể duy trì việc đọc đều đặn hơn, thì kiến thức học thuật của tôi sẽ khá hơn, chất lượng công việc được nâng cao hơn. Vì trong quá trình đi làm tôi đã tham gia tham mưu chính sách rất nhiều, nên kiến thức đầu vào càng phong phú rộng rãi, thì tham mưu càng có tính thực tế và giá trị hơn.

Tôi có thể hồi lại thói quen đọc sách cũng nhờ là có thời gian chiêm nghiệm nhiều hơn. Có rất nhiều vấn đề tôi đã nghĩ ngợi rất lâu, và nhờ đọc sách tôi đã tìm được câu trả lời, mà không phải mất quá nhiều thời gian để tìm tòi, suy nghĩ.

Và tôi đang đặt ra kỷ luật về việc đọc sách cho bản thân. Bởi lợi ích của việc đọc sách không phải là lâu dài mới thấy, mà nó có thể phát huy tác dụng ngay lập tức. Ví dụ năm 2017, tôi có tham gia buổi phát động phong trào hiến tạng và được mời phát biểu.

Rất hay là trước đó một tuần tôi đọc được một bài thống kê thú vị về cái chết. Trong đó người ta thống kê có bao nhiêu người chết vì già yếu trong các viện dưỡng lão - người ta gọi đây là những cái chết tẻ nhạt; nhưng bên cạnh đó có những cái chết có ý nghĩa khi người chết có thể cứu sống nhiều người khác bằng cách hiến mô, hiến tạng.

Tôi nghĩ: ôi bài này quá hay. Thế là tôi đã lấy ý của bài viết đó để viết bài phát biểu tại buỗi lễ phát động phong trào hiến mô, tạng. Một anh Phó chủ tịch của Hội chữ thập đỏ VN rất ấn tượng và xin bản quyền bài phát biểu để đi phát biểu tiếp. Sau khi phát trên tivi, thì có rất nhiều người gọi về cho anh Phó chủ tịch khen bài phát biểu hay, và anh ấy bảo đó là bài phát biểu của tôi.

Kể cả trong kinh doanh, nhiều kiến thức trong sách cũng có thể áp dụng được ngay vào trong cuộc sống… Rõ ràng, kiến thức, trải nghiệm giá trị tuyệt vời nằm ở sách báo, tạp chí, vì đó là tinh hoa trí tuệ của các tác giả; mình chỉ việc lượm về, tạo nguồn đầu vào, để tạo ra sản phẩm, giá trị mới cho bản thân. Nên tôi rất tiếc là lúc bé thì ít sách để đọc, và giai đoạn sung sức thì không dành thời gian cho việc đọc nhiều hơn. Nhưng thà muộn còn hơn không, hiện tại tôi vẫn tiếp tục đọc và tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục đem lại lợi ích cho tôi và những người khác nữa.

Những cuốn sách tâm đắc hiện tại của tôi 

Có tên giang hồ khét tiếng một thời luôn gối đầu lên cuốn “Bố già”, thì mấy năm qua tôi gối đầu khá nhiều cuốn sách tôi yêu thích như “Tại sao các quốc gia thất bại”, “Trên đỉnh cao chỉ huy”, “Homo Sapiens - lược sử loài người”; “Homo Deus, lược sử tương lai”, “21 vấn đề của thế kỷ 21”.

Hai cuốn sách đầu tiên, tôi đã mua không dưới 50 cuốn để tặng anh em, bạn bè và mọi người đều nhận xét là nó rất hay.

Ba cuốn sau tôi đã mua cả sách giấy và sách nói bằng tiếng Anh để đọc và nghe đi nghe lại. Có thể nói ba cuốn sách này của Yuval Noah Harari đã khai sáng và làm tôi thay đổi rất nhiều về cách suy nghĩ về cuộc sống, về công việc, đã trả lời cho tôi nhiều câu hỏi dằn vặt tôi nhiều năm qua.

Ba cuốn đó đề cập rất nhiều vấn đề, nói thì rất lâu mới hết được, nhưng có một số vấn đề tiêu biểu thế này.

Một là liên quan đến vấn đề về giáo dục, ông Harari có kể một minh họa rất thú vị là: con bò đẻ ra con bê, con bê ra đời một lúc là nó đứng dậy đi được. Con báo con thì sau một thời gian ngắn là nó tự chạy, tự nhảy, tự đi săn mồi thôi. Nhưng con người khi đẻ ra nếu không được dạy đi thì không biết cách đi, không được dạy nói thì không biết cách nói…. Con người mà không có giáo dục thì sẽ không bằng con vật, nên vai trò của giáo dục rất quan trọng.

Câu chuyện thứ hai là chúng ta khác con vật ở chỗ chúng ta có ngôn ngữ và có tổ chức. Ví dụ 100.000 người đứng ở Quảng trường Thời đại thì không sao, nhưng mà 100.000 con khỉ đứng ở Quảng trường Thời đại thì chắc chắn có vấn đề. Con người kiểm soát được là bởi vì mọi người đã tuân theo những chuẩn mực chung được thừa nhận.

Điều thứ ba tôi rút ra đó là: cuộc đời chỉ là kể chuyện và thuyết phục người ta tin vào câu chuyện của mình. Nên là có ai đó viện dẫn đến câu chuyện của Jesus, của Thích Ca Mâu Ni, của Mohammad, của Karl Marx hay Lenin… thì rõ ràng là những người đó đã kể câu chuyện từ góc độ của mình, và thuyết phục người khác. Vậy thì ai thích tin thì tin, thích theo thì theo, không theo thì thôi, và không theo ông này thì theo ông khác. Nên là đừng có tuyệt đối hóa cái gì cả, vì nó chỉ là câu chuyện thôi, tin vào nó thôi. Nhất là câu chuyện liên quan đến tâm linh là những thứ mà mọi người phải tự giải phóng mình ra. Tôi nghĩ đấy là bài học rất là lớn.

Những cuốn sách này khá kén người đọc, nhưng tôi cho rằng đây là những cuốn sách rất tốt cho tất cả chúng ta, kể cả thanh niên, để có thể có được mở mang tầm nhìn. Giống như con ếch ngồi đáy giếng, nếu nhảy ra khỏi giếng thì sẽ thấy bầu trời rất tuyệt vời. Đọc sách, đặc biệt sách của các tác giả lớn nước ngoài, sẽ giúp chúng ta nhảy ra được khỏi cái giếng đó.

Để nói thêm về vấn đề này, tôi lại càng khích lệ chuyện phải biết ngoại ngữ, học tiếng Anh, để tiếp cận được thế giới, tiếp cận tri thức. Như với Chap GPT, thì dữ liệu bằng tiếng Việt ít hơn tiếng Anh rất nhiều. Nhiều cuốn sách nếu đọc bằng tiếng Anh thì sẽ hiểu và thấm hơn rất nhiều so với đọc bằng tiếng Việt. Và google dịch không phải chìa khóa thần kỳ như nhiều người nghĩ.

Việt Hà ghi

Đọc thêm: Ông Bạch Ngọc Chiến: Tri thức mới là “trang sức” mang lại sự tự tin bền vững cho mỗi người

Tags: