5 cuốn sách yêu thích của Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa
5 cuốn sách yêu thích của Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa
Trong bài viết này Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa sẽ chia sẻ về 5 cuốn sách yêu thích và chị luôn đọc lại nhiều lần.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, sinh năm 1984, tại Ninh Thuận. Bắt đầu sáng tác từ năm 2009, chị là cây bút trẻ sung sức với nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện dài, tản văn...

Kim Hòa đã xuất bản hơn 15 cuốn sách gồm các tập truyện ngắn, truyện dài và tạo nên phong cách viết nhẹ nhàng nhưng nhân văn, sâu lắng trong từng tác phẩm: Tay chị tay em, Đỉnh khói, Con chim phụng cuối cùng, Cửa sổ phía đông, Chuyện kể ở Lớp Cây Me... Tác phẩm của Kim Hòa được dạy nhiều trong sách giáo khoa tiểu học (Bộ Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống).

Chia sẻ về việc đọc sách chị tâm sự:

"Trước khi là người viết, tôi là một người đọc. Sách mở ra cho tôi nhiều cánh cửa để bước vào vô số thế giới tôi chưa từng biết tới. Đọc sách thôi thúc tôi tạo ra câu chuyện cho riêng mình. Từ đó, tôi biết viết văn. Khi đã trở thành người viết, tôi càng thấy mình cần phải đọc nhiều hơn. Đọc nuôi dưỡng mạch văn cho tôi, giúp tôi tìm ra cách kể câu chuyện của mình theo cách ưng ý nhất."

Dưới đây là 5 cuốn sách yêu thích cúa nhà văn Kim Hòa và chị luôn đọc lại nhiều lần.

 

 

 

Trăm năm cô đơn

 

Đây là cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel năm 1982 của nhà văn Gabriel García Marquez (Colombia). Tác phẩm này ám ảnh tôi ngày từ lần đầu đọc bởi các nhân vật. Qua câu chuyện về dòng họ Buendía ở làng Macondo, ngôi làng được lập nên bởi hai con người chạy trốn ám ảnh loạn luân và tội giết người, Marquez đã xây dựng một hệ thống nhân vật khá đồ sộ.

Với khoảng 60 nhân vật, trải qua 7 thế hệ của dòng họ Buendía, những người tên gọi cứ na ná giống nhau và cuộc đời cũng lẩn quẩn giữa “cái án trăm năm cô đơn” như nhau, nhưng mỗi người vẫn có thể để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

7 thế hệ Buendía, làng Macondo cũng là ảnh chiếu của xã hội, lịch sử Mỹ La Tinh qua góc nhìn hiện thực huyền ảo. Sinh ra, phát triển, suy tàn, diệt vong. Mọi  hình thái xã hội, con người đều không thể ra khỏi vòng tròn quy luật ấy. Viết về nỗi cô đơn khốc liệt như Marquez có lẽ cũng là cách để nhà văn chống lại nỗi cô đơn của chính mình.

 

Tử tước chẻ đôi, Nam tước trên cây và Hiệp sĩ không hiện hữu

 

Đây là ba cuốn tiểu thuyết nằm trong bộ tác phẩm “Tổ tiên của chúng ta” viết về thời quá khứ của nhà văn Ý Italo Calvino.

Nhân vật chính ở cả 3 tác phẩm này được sáng tạo rất độc đáo. Họ có những trạng thái tồn tại đặc biệt: một chàng Tử tước với cơ thể bị chẻ đôi vì đạn thần công nhưng vẫn sống trở về quê hương sau chiến tranh; một Hiệp sĩ không hiện hữu, chỉ tồn tại ở hình dạng một bộ giáp rỗng nhưng vẫn tham gia vào đoàn quân Cơ đốc giáo; một Nam tước từ lúc còn là một cậu bé đã chọn sống trên cây, không bao giờ đặt chân xuống đất.

Từ những tồn tại khác thường ấy, với giọng kể lôi cuốn, hài hước và giàu triết luận, bộ ba quyển sách đưa người đọc đến những chuyến phiêu lưu trong thực tại và cả tâm tưởng để khám phá mâu thuẫn trong mỗi cá thể, chứng minh sự hiện hữu của bản thân và quyết tâm theo đuổi lựa chọn.  

 

Cô gà mái xổng chuồng

 

Đây là tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc của nhà văn Hàn Quốc Hwang sun mi. Chuyện kể về hành trình tìm tự do của một cô gà mái công nghiệp tên Mầm Lá. Đó cũng là hành trình của lòng dũng cảm, ý chí vượt thoát số phận và tình yêu thương.

Cả Mầm Lá hay mụ Chồn (nhân vật phản diện) đều được xây dựng là những người mẹ giàu yêu thương và hi sinh cho con. Những dòng văn đẹp giản dị, nhiều xúc cảm cùng câu chuyện  về hành trình tuyệt vời của cô gà công nghiệp không thể đẻ trứng Mầm Lá đã lay động trái tim nhiều người đọc.

Cuốn sách được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia, được chuyển thể thành phim hoạt hình và được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyến khích nên đọc.

VH ghi

Tags: