Kết quả trang bị tủ sách cho các vùng nông thôn của anh và các công sự là không thể phủ nhận. Nhưng tôi tò mò hơn về việc giải quyết thách thức duy trì, phát triển hoạt động đọc của tủ sách đó. Anh có công thức cho việc này không?
Với tủ sách trong lớp học tôi đã tài liệu hóa (hướng dẫn phát triển tủ sách và hoạt động đọc) và gửi về cho rất nhiều nơi. Tôi thường nói trên các phương tiện truyền thông đại chúng rằng: để trẻ em Việt Nam được đọc sách như trẻ em Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu, Israel.. thì chúng ta cần những chính sách vĩ mô bài bản ngay từ khâu thiết kế nền giáo dục nước nhà, chứ không chỉ là việc đưa sách về nông thôn của các nhóm dân sự như Sách hóa nông thôn hay nhiều nhóm khác đang làm.
Hiện nay chúng tôi vừa phải đưa sách về nông thôn vừa cố gắng vận động chính sách để thay đổi cấu trúc giáo dục. Điều này cần có tiếng nói của nhiều nhà chuyên môn, nghiên cứu, để việc thay đổi có thể diễn ra vừa sâu vừa rộng trên bình diện quốc gia.
Cụ thể cần thiết kế nền giáo dục như thế nào để văn hóa đọc thực sự phát triển tại Việt Nam thưa anh?
Năm 2017, 2018 tôi sang Mỹ để nhận giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ đồng thời nghiên cứu về khuyến đọc tại quốc gia này. Ở Mỹ có rất nhiều tổ chức phi chính phủ thực hiện việc khuyến đọc bằng việc đưa ra các phương pháp giúp nhà trường khuyến khích con trẻ đọc sách. Tôi đến trường tiểu học G.W ở Philadelphia, thư viện lớp học có 500 đầu sách khác nhau. Mỗi đứa trẻ ra khỏi lớp sẽ được đưa 3-4 cuốn sách đem về nhà. Các con cũng được đưa thêm phiếu đánh giá sách. Sau đó phiếu đánh giá đó được đưa lại cho cô giáo để cô giáo xem xét trẻ có đọc sách hay không, đọc như thế nào, quan điểm đứa trẻ như thế nào. Chính vì vậy trẻ em Mỹ đọc rất sâu, đọc nhiều. Trẻ đưa sách về nhà và cha mẹ đọc cùng.
Khi tôi đến trường cấp 3 Albany ở bắc California, họ có đến 12.000 đầu sách với lượng kiến thức từ thấp đến cao. Có những đứa trẻ đang học cấp 3 nhưng đã đọc sách của bậc đại học. Thư viện ở đây là nơi để con trẻ tự đến học tập và mượn sách về nhà. Trong khi đó, thư viện của mình gần như không hoạt động trong hàng chục năm qua, mà tôi dùng một từ là “chết lâm sàng”.
Tại Việt Nam đọc sách không phải là một cấu phần trong thiết kế giáo dục. Cho nên việc khuyến đọc ở Việt Nam vô cùng khó. Xây dựng tủ sách đã khó rồi, khuyến khích con trẻ đọc sách còn khó hơn gấp nhiều lần. Nền đọc của đa phần lớn trẻ em rất mỏng, khi lên đại học sinh viên không chịu đọc vì thói quen không được nuôi dưỡng từ nhỏ. Tôi từng làm quản lý thư viện một năm, để nghiên cứu về thư viện, về việc đọc. Trong các kỳ thi, bạn đọc đến thư viện rất đông, thi xong thì chỉ 1-2 người đến. Cả phòng đọc có sức chứa tới 50 người mà chỉ có 1-2 sinh viên đến đọc.
Năm 2010, tôi đã về xã An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình áp dụng Tủ sách Phụ huynh. Tủ sách được đưa đến từng lớp học, thầy cô đã cho trẻ đọc sách, cho trẻ giới thiệu sách ở lớp, tuyên dương những lớp có lượng sách đọc nhiều nhất. Đó là các cách khuyến đọc. Nhưng theo tôi cách đó mới chỉ tạo ra bề nổi thôi, chưa thể là chiều sâu được.
Đọc sâu và rộng cần có hệ thống đánh giá học sinh đa dạng. Khi ở trường học từ tiểu học đến trung học cơ sở mà con trẻ làm nhiều dự án, viết nhiều bài luận thì chắc chắn sẽ kích thích việc đọc sách rất mạnh. Ví dụ với một đề văn: phân tích về dòng văn học hiện thực phê phán dựa trên 10 tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố. Khi ấy chắc chắn các em sẽ đọc, vì phải đọc thì mới làm được bài luận ấy. Và trường nên có danh mục sách phải đọc trong năm.
Cho nên chúng ta phải thay đổi từ thiết chế giáo dục, và chúng ta phải làm thôi.
Vấn đề thay đổi giáo dục để thay đổi văn hóa đọc được đưa ra từ lâu, nhưng đến nay hầu như chưa có nhiều chuyển biến. Theo anh chúng ta sẽ cần chờ đợi bao lâu nữa để điều này xảy ra?
Thực ra chúng ta không nên chờ đợi mà chúng ta phải hành động. Bởi thế này: với Đất nước có hơn 2 triệu kỹ sư và cử nhân xuất thân từ nông thôn và các bạn ấy đều biết rằng sự thiếu sách trong năm tháng học trò đã khiến họ không hiểu nhiều biết rộng, năng lực ngoại ngữ không đủ tốt để hội nhập quốc tế; thì các bạn nên bù đắp những thiếu khuyết của tuổi thơ bằng cách đưa sách về lớp mầm non, tiểu học, THCS nông thôn. Thế hệ chúng tôi phần đa yếu kém, không có một phát minh, sáng chế, không đưa ra được ý tưởng giúp thay đổi xã hội hay nhân loại. Chúng ta không nên duy trì sự yếu kém ấy ở thế hệ trẻ nữa.
Anh đánh giá như thế nào về vai trò của những người làm giáo dục trong tiến trình này?
Ở Việt Nam, phần đa người làm giáo dục không thấy vấn đề (với việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường). Người thấy vấn đề thì có kêu nhưng không ai đủ sức mạnh và kiên trì để tạo ra sự thay đổi khiến ngành giáo dục phải làm theo. Tủ sách Phụ huynh/ Tủ sách Lớp em mà “Sách hóa nông thôn” nghiên cứu và ứng dụng được Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa thành Công văn gửi về các sở giáo dục khuyến khích nhân rộng bởi chúng tôi đã làm cho họ thấy rõ ràng việc đọc sách đă tăng lên như thế nào, sau đó họ mới làm theo. Cho nên chúng ta phải có những đội ngũ thực làm, nhóm họp với nhau, để đưa ra các khuyến nghị để ngành giáo dục thay đổi từ bên trong. Dần dần chúng ta sẽ không phải ngồi nói chuyện với nhau về vấn đề này nữa, vì nó đã trở thành vấn đề bình thường trong xã hội.
Anh có ý tưởng nào khác giúp thúc đẩy văn hóa đọc của nước nhà không?
Tôi vừa chia sẻ ý tưởng đưa 550 đầu sách của Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Do Thái, Ấn Độ đến từng lớp học từ mầm non đến cấp 3. Tôi đã tính toán nếu đưa cho tất cả các trường học trên cả nước thì sẽ hết khoảng 4,6 triệu bản. Tôi cũng đã làm việc với một vài nhà sách, một cuốn sách khoảng 35.000 đồng là họ làm được, cộng với 15% tiền lợi nhuận, như vậy một cuốn sách sẽ có giá khoảng 40.000 đồng. 4,6 triệu bản sẽ mất khoảng 192 tỷ. Nhiều thành viên trong xã hội mà tôi tiếp xúc đã sẵn sàng làm việc này. Có sách rồi chúng ta sẽ tiếp tục vận động ngành giáo dục thay đổi việc thi cử, đánh giá học sinh, sao cho khuyến khích trẻ đọc sách.
Tôi thật mong chờ đến thời điểm ý tưởng của anh trở thành hiện thực và xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Đọc thêm: 9 cuốn sách yêu thích của nhà hoạt động thư viện Nguyễn Quang Thạch
- Việt Hà thực hiện