Tôi chưa thấy ai thành đạt mà cuộc đời thiếu sách
Sách không chỉ là bạn mà là người thầy đáng kính nhất đối với tôi. Rất nhiều những câu hỏi, những thắc mắc trong từng giai đoạn cuộc sống và sự nghiệp của tôi đều có câu trả lời, sự dẫn dắt từ nhiều sách và nhiều tác giả. Tôi đọc nhiều thể loại sách, từ kinh doanh, quản trị, chuyên môn, đến văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, ẩm thực, lịch sử, triết học…. Có thể nói tôi sẽ không được như ngày hôm nay nếu thiếu sự hiện diện của sách trong cuộc đời mình.
Tôi chưa thấy ai thành đạt mà cuộc đời thiếu sách. Nhìn những nhân vật vĩ đại như Bill Gates hay Bill Clinton chẳng hạn, chẳng phải bạn đã từng đọc danh sách các quyển sách mà họ khuyên bạn đọc đó sao? Cũng nên nói rõ là người “trọc phú” tức giàu lên nhanh nhờ mánh mung mà thiếu cơ sở tri thức là những người chỉ giàu được 1 thời và nhờ cơ hội nào đó mà thôi.
Nếu sau đó không bồi dưỡng tri thức thì sớm muộn gì cũng mất đi cơ hội. Ngày nay, trong sự chuyển hướng của kinh tế thế giới theo cái gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4”, tri thức càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu muốn tiếp tục kết nối và thành công trong thế giới mới, bạn cần có khả năng tự học và do đó sách càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài lợi ích về sự nghiệp và kinh tế, sách là nguồn thông tin giúp bạn mở mang kiến thức xã hội, qua đó giúp bạn kết nối hiệu quả hơn với nhiều người khác trên thế giới. Đây là kỹ năng xã hội không thể thiếu của tương lai.
Nhận xét chung của tôi là các quốc gia phát triển có văn hoá đọc rất cao. Từ trẻ con đến người lớn đều đọc sách. Và đó là lý do vì sao người ta phát triển trong thế giới được gọi là thế giới tri thức hôm nay. Các quốc gia đang phát triển có khuynh hướng chạy theo vật chất nhiều hơn, xem nhẹ tri thức và do đó văn hoá đọc cũng không phát triển. Và cũng vì thiếu tri thức mà họ vẫn còn loay hoay trong cái tên “đang phát triển”. Tuy vậy, nhiều quốc gia đã và đang nhận thức được tầm quan trong của nguồn vốn “con người” và nguồn vốn tri thức, từ đó khuyến khích văn hoá đọc nhiều hơn từ trường lớp, điển hình như những chương trình nâng cao tri thức gần đây của Thái Lan hay Indonesia.
Sách “Nhượng quyền khởi nghiệp – Con đường ngắn để bước ra thế giới” là một cuốn cẩm nang về việc sử dụng mô hình nhượng quyền để phát triển doanh nghiệp và thương hiệu mà tôi viết riêng cho doanh nghiệp Việt. Sau một thời gian làm việc tại nước ngoài và nhất là tham gia vào chương trình phát triển thương hiệu quốc gia cho chính phủ Malaysia, tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt rất loay hoay và rất cần một sự chia sẻ thiết thực, cơ bản nhưng với tầm nhìn hoà nhập vào thế giới. Vì vậy, tôi đã kết hợp lý thuyết với thực tiễn làm việc của mình trên thế giới để gởi gắm nhiều thông điệp cho doanh nghiệp Việt Nam, với mong muốn phần nào giải đáp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quan trọng của Việt Nam vào kinh tế toàn cầu.
Sách “Quẩy gánh băng đồng ra thế giới” tôi viết dành riêng cho các bạn trẻ Việt Nam, với 3 thông điệp chính là tầm nhìn, sứ mệnh, và giá trị. Trong giai đoạn chuyển đổi và hội nhập của Việt Nam vào thế giới, các bạn trẻ tất yếu sẽ trải qua những khó khăn, thử thách trong việc tìm ra hướng đi để phát triển bản thân mình. Tôi mong rằng những câu chuyện, những con số, và cái nhìn của một người Việt Nam đã là công dân toàn cầu có thể truyền cảm hứng và phần nào định hướng cho các bạn trẻ Việt Nam vững tin bước vào tương lai. Tôi mong sẽ gặp nhiều người trẻ Việt Nam hơn nữa trong hành trình làm việc của tôi ở khắp nơi trên thế giới.
Tôi mong sẽ gặp nhiều người trẻ Việt Nam hơn nữa trong hành trình làm việc của tôi ở khắp nơi trên thế giới.
Thông điệp chính của tôi trong chương trình “Bật nút công dân toàn cầu” là gíúp bạn trẻ nhận biết mình đang ở đâu, mình mong muốn đến đâu, và làm như thế nào để đi đến đó. Đây có thể nói là sơ đồ, là bảng kế hoạch cuộc đời mà người trẻ ít được hướng dẫn tại Việt Nam. Tất cả chỉ đơn giản là có một kế hoạch cụ thể và thực hiện được về việc phát triển bản thân mình để đạt được ước mơ mà mình mong muốn.
Tôi nhấn mạnh thói quen đọc sách để làm phong phú nguồn lực tri thức của bản thân, từ kiến thức chuyên môn cho đến kiến thức xã hội, văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật, vv để gíup các bạn hiểu hơn về thế giới và con người trên thế giới. Nếu thiếu đi sự hiểu biết cơ bản này, người trẻ sẽ thiếu tự tin trong giao tiếp, trong công việc và mất đi cơ hội tiến thân.
Đọc là món ăn tinh thần không thể thiếu của tôi. Do đó, ở trên máy bay nhiều thì tôi đọc sách trong thời gian di chuyển trên máy bay, thời gian chờ ở sân bay, và trong những ngày nghỉ khi di chuyển giữa 2 điểm đến. Thường thì tôi chọn đọc những quyển sách có lien quan đến quốc gia mà mình sắp đến để làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình về văn hoá, xã hội, con người của những quốc gia này. Điều đó giúp tôi rất nhiều trong giao tiếp và kinh doanh trên thế giới.
Về franchise (nhượng quyền), tôi thích những cuốn sau:
- Franchise Your Business của Mark Siebert
- Profitable Partnerships của Greg Nathan
- The Franchise E-factor của Greg Nathan
Về khởi nghiệp, tôi đánh giá cao những sách sau:
- Startup Nation (Quốc gia khởi nghiệp) của Dan Senor & Saul Singer
- The Lean Startup (Khởi nghiệp tinh gọn) của Eric Ries
- The Startup of you của Reid Hoffman & Ben Casnocha
Trạm Đọc chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc chị luôn thành công với những dự định của mình và tiếp tục con đường truyền cảm hứng giúp người trẻ Việt Nam tự tin bước ra thế giới.
Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc