* PHÓNG VIÊN: Những tác phẩm trước đây của chị thường có những cái tên rất lạ và ấn tượng. Nhưng vì sao gần đây, từ Em rắc thính anh thả tình đến Yêu em bằng mắt giữ em bằng tim, dễ thấy tên tác phẩm của chị ngày càng có xu hướng “ngôn tình”?
- Nhà văn DƯƠNG THỤY: Nhiều độc giả quen cũng bày tỏ điều này, nhưng khi đọc sách, họ nhận ra nội dung không hề ngôn tình, mà ngược lại, mượn chuyện tình để có những thông điệp sống tích cực. Chẳng hạn, Em rắc thính anh thả tình là câu chuyện thời đại của những người Việt trẻ. Các bạn bị lối sống hiện đại cuốn đi khiến các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống bị mai một. Các bạn chú trọng về thành công mà quên đi hạnh phúc; các bạn dồi dào tiền bạc mà cô đơn; các bạn đề cao tình dục mà quên rằng tình yêu mới là điều chúng ta cần.
Đến Yêu em bằng mắt giữ em bằng tim, là thông điệp tích cực của các bạn trẻ hiện nay. Trước kia, mọi người luôn cho rằng đi du học, ra nước ngoài định cư hay mọi giá trị liên quan đến phương Tây đều đáng giá hơn ở Việt Nam. Hoặc những định kiến như đàn ông Việt Nam gia trưởng, khô khan, kém văn minh hơn đàn ông phương Tây đã được nhân vật tên Phương chứng minh ngược lại khi cô quyết định bỏ mọi thứ mình đang có ở Pháp để về làm vợ Trung, dù khi đó anh đang trong tình trạng rất khó khăn. Tình yêu đẹp của hai người, dù phải trải qua nhiều thử thách, là thông điệp chính: ở đâu không quan trọng, miễn chúng ta mở lòng ra nhìn nhận sự việc một cách tích cực và yêu thương, thử thách nào cũng sẽ vượt qua để giữ được tình
yêu quý giá.
* Ở đầu tác phẩm, chị đã có lời khuyến cáo: “Đây là truyện hư cấu, mọi nhân vật đều không có thực”. Chị từng gặp phải rắc rối gì khiến giờ phải “rào trước đón sau” như vậy?
- Trong những cuốn truyện dài trước đó của tôi, như Oxford thương yêu, rất nhiều người lầm tưởng tôi đưa họ vào truyện. Chỉ cần họ có các yếu tố hơi giống các nhân vật: có người yêu ngoại quốc, có chồng Tây, từng đi du học… là họ nghĩ tôi viết về họ. Để tránh phải phân bua đây là truyện hư cấu, mọi yếu tố đều từ trí tưởng tượng, tôi bắt chước các nhà văn nước ngoài để luôn dòng: “Đây là truyện hư cấu, mọi nhân vật đều không có thực”.
* Năm ngoái, độc giả khá bất ngờ khi lần đầu tiên nữ chính trong tác phẩm của Dương Thụy đã “lột xác”, bạo dạn hơn khi nói về tình dục. Tuy nhiên, đến Yêu em bằng mắt giữ em bằng tim, nhân vật Lan Phương lại trở về với sự dịu dàng, trong sáng như các nhân vật của chị trước đây?
- Hai cuốn sách ra đời sát nhau, khiến tôi phải suy nghĩ để tạo hình cho nhân vật mình khác nhau, kẻo độc giả sẽ bị nhàm chán. Bối cảnh của truyện cũng khác nhau hoàn toàn, và nhất là thông điệp đưa ra hoàn toàn không liên quan. Rất nhiều người thích nhân vật Vi và đối thoại “du côn” theo đúng bối cảnh xã hội ngày nay của giới trẻ Việt Nam. Nhưng cũng chính các độc giả đó, lại mềm lòng và khóc rất nhiều khi đọc Yêu em bằng mắt giữ em bằng tim.
* Phần lớn tác phẩm của chị đều viết về tình yêu lãng mạn của những người trẻ; thậm chí, chị còn được mệnh danh là “người kể chuyện tình xuyên biên giới”. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng không ai có thể sống thiếu tình yêu thương. Chúng ta có thể nỗ lực thành công, có được danh vọng tiền tài nhưng sẽ vẫn cảm thấy khuyết một điều quan trọng, nếu không có ai để ta yêu thương mỗi ngày. Lấy những câu chuyện tình làm cái cớ để dắt truyện, tôi để những nhân vật của mình phát ngôn về những vấn đề khác trong cuộc sống: mục đích phấn đấu, thoát khỏi sự cô đơn, tìm về những giá trị căn bản, cảm thấy mình có ích với đời…
Danh xưng “Người kể chuyện tình xuyên biên giới” làm tôi thấy vui, vì ít ra tôi có một dòng sách được người đọc gọi tên riêng.
* Gần 20 năm gắn bó với văn chương, chị đã có một số lượng tác phẩm xuất bản (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh) khá đồ sộ, chưa kể sách của chị còn liên tục được tái bản. Xin hỏi, chị có sống được với nghề văn không?
- Thú thật, với tôi, nghề văn không thể làm ra thu nhập cố định được. Có thể với mức sống khiêm tốn nào đó, tôi vẫn gọi là sống được với nghề văn. Nhưng như thế cũng hơi nhọc nhằn. Cho nên tùy mức sống hoặc tùy cách mình chọn, cá nhân tôi thấy thời giờ và công sức tôi bỏ ra để viết một cuốn sách chưa đủ hòa vốn cho tôi. Vì vốn sống của tôi còn bao gồm cả những chuyến đi đây đi đó, tôi phải có trải nghiệm sinh động, điều đó mới truyền được tinh thần vào sách.
* Vừa lo việc ở công ty vừa lo chuyện gia đình mà vẫn viết văn đều đặn. Thời buổi hiện nay, không hiếm người làm được như chị. Chị đã phải dung hòa
như thế nào?
- Văn chương có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Nhưng tôi muốn gọi đó là một sở thích. Người ta thích thể thao, thích khiêu vũ, thích đánh cờ… thì tôi thích viết. Tôi vẫn muốn vừa đi làm trong môi trường chuyên nghiệp của thế giới kinh doanh, vừa dành thời giờ để viết. Như vậy, cuộc đời tôi cân bằng hơn.
Viết lách là sở thích, nên tôi viết với tất cả niềm vui thích. Chính vì thế, tôi luôn tận dụng thời gian để viết. Giống như người thích thể thao thì mỗi ngày phải tập 30 phút, tôi thích viết thì mỗi ngày viết 30 phút.
Theo SGGP