MC Phương Mai sinh năm 1990, gây ấn tượng với khán giả bằng sự hoạt ngôn, vui vẻ cùng năng lực ngoại ngữ được đánh giá cao.
Phương Mai được nhiều thương hiệu 'chọn mặt gửi vàng' khi dẫn các sự kiện có yếu tố quốc tế. Với khả năng ngoại ngữ lưu loát không khác gì người ngoại quốc, cô tiết lộ có niềm đam mê với tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Hiện tại, nữ MC cũng thích đọc nhiều loại sách tiếng Anh để thu nhận thông tin, kiến thức.
- Là một MC song ngữ được đánh giá tốt, Phương Mai phải là 'mọt sách' thời đi học?
Sự thực là không. Tôi không phải là một người thích cắm đầu vào sách cả ngày. Tôi được trời phú cho trí nhớ tốt và khả năng tập trung cao nên học môn nào cũng tiếp thu rất nhanh. Hầu như cái gì cũng chỉ cần đọc một lần là nhớ. Riêng tiếng Anh, ngay từ nhỏ tôi đã dành sự đam mê đặc biệt và học vô cùng chăm chỉ. Nhưng bạn biết đấy, 'học' không thể chỉ dừng lại ở việc đọc sách - nó còn bao gồm cả nghe, gặp, nói, thực hành. Cái gì cũng vậy, môn gì cũng vậy.
- Chị nhớ và ấn tượng về những tác phẩm đã từng đọc. Chị thích nhất cuốn sách nào?
Khó có thể quyết định được quyển sách tôi thích nhất là gì. Trong việc đọc, tôi rất thực dụng - đối với tôi chỉ có sách hữu dụng chứ không có sách hay. Đọc để phổ cập kiến thức trong lĩnh vực quan tâm, vào những lúc mình cần chứ không đọc lan man cho vui. Chính thói quen đọc có mục đích này giúp tôi hấp thụ được nội dung quyển sách nhanh chóng.
Thời còn đi học, bộ truyện Harry Potter của J.K.Rowling thực sự mở lối cho trí tưởng tượng của tôi thêm bay bổng.
Lúc mới bước vào nghề biểu diễn, sách gối đầu giường của tôi là The Definitive Book Of Body Language (Cuốn sách hoàn hảo về ngôn ngữ cơ thể) của Allan & Barbara Pease hướng dẫn và phân tích cặn kẽ về ngôn ngữ cơ thể. Từ đó, tôi có thể ứng dụng vào công việc MC, diễn viên và người mẫu.
Hoặc trong độ tuổi đầu 20, tôi đọc rất kỹ quyển How To Win Friends & Influence People (Đắc nhân tâm) của Dale Carnegie, The Art Of Seduction (Nghệ thuật quyến rũ) của Robert Greene. Chúng dạy tôi giao thiệp khéo léo, thấu hiểu người khác, thậm chí cả cách viết email. Tiếp thêm bản lĩnh sống, tôi đọc những sách của Nick Vujicic như Life Without Limbs (Cuộc sống không có tay chân), Life Without Limits (Cuộc sống không giới hạn).
Gần đây, khi tham gia kinh doanh, tôi nghiền ngẫm The Intelligent Investor (Nhà đầu tư thông minh) của Benjamin Graham để thẩm thấu những bài học cơ bản trong tư duy đầu tư. Giai đoạn mới tập làm mẹ thì đọc sách Baby Whisperer (Đọc vị mọi vấn đề của trẻ) của Tracy Hogg giúp chăm sóc con cái.
Ngoài ra còn rất nhiểu tác phẩm khác như The Greatest Salesman In The World (Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới) của Og Madino, CEO Excellence của các lãnh đạo McKinsey & Company, Never Eat Alone (Đừng bao giờ đi ăn một mình) của Keith Ferrazzi…
Và để biết cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn, tôi tìm đến những quyển của thiền sư Thích Nhất Hạnh như Đường xưa mây trắng, Quyền lực đích thực, Giận.
Nhìn chung thể loại tôi thích nhất là sách cung cấp kiến thức. Nếu giải trí chọn sách giáo khoa, nhất là môn Lịch sử, Sinh học, Thiên văn học. Các tiểu thuyết cũng đôi khi đọc nhưng xong rồi sẽ xoá luôn khỏi đầu nhường bộ nhớ cho thông tin khác; mục đích là học tập cách hành văn vì vậy tôi thường lựa chọn những tác giả có lối viết hợp gu như Agatha Christie (tác giả của Murder On The Orient Express- Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông), Arthur Conan Doyle (Sherlock Holmes), Haruki Murakami (Rừng Na Uy).
- Chị có thể chia sẻ một vài triết lý, câu chuyện mình học được sâu sắc từ những cuốn sách ưa thích?
The Greatest Salesman In The World dạy ta bài học muốn đạt được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, cần xây dựng những thói quen và thái độ tốt như: tự tin, biết kiểm soát cảm xúc, bền bỉ và hào phóng.
Đường xưa mây trắng có rất nhiều triết lý hay, trong đó có lời dạy: “Dù quá khứ có sao đi nữa, ta vẫn có thể chuyển hướng và xây dựng cho tương lai. Áo quần dơ bẩn ta dùng nước sông để giặt giũ. Thân thể dơ bẩn ta tắm gội. Tâm tư vẩn đục chán chường ta lấy nước giải thoát mà gạn lọc. Bụt dạy: Ai cũng có khả năng tỉnh thức và thanh tịnh hóa thân tâm của mình”.
Hay tác phẩm Wonder (Điều kỳ diệu) của R.J.Palacio, tiểu thuyết về cậu bé August - người sinh ra với gương mặt dị tật độc nhất con mắt - có những triết lý rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và đáng học tập như “Khi được lựa chọn giữa trở nên đúng hay trở nên tốt bụng, hãy chọn tốt bụng” (When given the choice between being right and being kind, choose kind) hay “Đôi khi không cần phải cố tình làm tổn thương người khác mới là làm tổn thương họ” (Sometimes you don’t have to mean to hurt someone to hurt someone).
- Theo quan điểm của Phương Mai, đọc sách nhiều hay việc hiểu được những gì mình đọc mới là điều quan trọng hơn cả?
Tôi rất quý thời gian. Vì vậy, ngay cả đọc sách gì, khi nào, mục đích ra sao... đều cân nhắc. Một quyển sách dở có thể làm bản thân bực bội vì tốn thời giờ vô ích. Tôi từng thẳng tay bỏ cả 3 quyển sách của một tác giả vào thùng rác sau khi đọc mất nửa cuốn đầu tiên. Kể vậy để thể hiện quan điểm là không phải đọc càng nhiều càng tốt, không cứ bất kỳ sách nào cầm trong tay cũng cần đọc và không nhất thiết quyển nào cũng nghiền ngẫm bằng hết. Nhiều tác phẩm hay nhưng nếu thấy chưa sẵn sàng, tôi cất đi và đợi khi trưởng thành hơn sẽ quay lại. Bên cạnh đó, có những cuốn không còn đủ sâu sắc với bản thân ở thời điểm hiện tại, tôi cũng nhanh chóng lướt qua. Xin nhắc lại là tôi thực dụng: đọc sách là một trong những cách học - mà muốn học hiệu quả phải hiểu và thực hành được.
- Chị làm như thế nào để chọn được những quyển sách giúp thay đổi tư duy?
Tôi không dùng từ “thay đổi” mà thích từ “mở rộng” hơn. Tư duy trưởng thành theo chúng ta, nó được hình thành từ trong gia đình rồi nhà trường, môi trường làm việc, những cá nhân tiếp xúc thường xuyên… Đọc sách là một trong những cách giúp tôi tiếp nhận thông tin; là phương tiện để ta trò chuyện với tác giả và học tập họ. Chính vì vậy việc chọn sách nào, của ai rất quan trọng. Tôi muốn mở rộng tư duy của mình theo chiều hướng nào? Cụ thể là muốn mình trở thành người như thế nào? Đây là hai câu tôi luôn tự hỏi trước khi lựa chọn sách.
- Chị dự định việc rèn luyện văn hóa đọc cho con ra sao?
Khủng Long Henryk đang đọc sách mỗi ngày, hiện bé đã biết đọc chữ cái và con số. Ngoài ra, con cũng rất rõ về các loại xe ô tô, động vật…
Tôi không có ý định thúc ép hay “rèn luyện” gì bé trong việc đọc mà tôn trọng sự tự nhiên, tự giác. Nhà có nhiều sách và tôi để chúng ngẫu nhiên trên sofa, bàn ăn, giường tủ. Tôi luôn đọc một cái gì đó trong nhà. Nếu bé thấy thích hành động này của mẹ và muốn tham gia, tôi rất chào đón. Thực tế là mỗi khi thấy mẹ mở một quyển sách ra, bé cũng hào hứng đem truyện của mình ra ngồi cạnh. Tuy nhiên, nếu sau này Khủng Long không thích đọc sách nữa, tôi cũng chẳng phiền lòng. Kiến thức ở khắp mọi nơi chứ không chỉ nằm trong mỗi trang sách - chỉ cần ta chịu tìm là sẽ thấy.
Theo VNN