Tác giả Rosie Nguyễn: Cuộc đời tôi thay đổi là nhờ sách
Tác giả Rosie Nguyễn: Cuộc đời tôi thay đổi là nhờ sách
Tôi chọn cân bằng giữa việc đọc sách hư cấu và phi hư cấu. Cách đọc sách của tôi là mỗi khi đọc xong một quyển sách phi hư cấu, tôi lại đọc một quyển thuộc thể loại kia, để cân bằng giữa thực tế và tưởng tượng.

Đến với Café Sách số 6, Trạm Đọc mời bạn theo dõi cuộc trò chuyện thú vị với một tác giả trẻ, một blogger không xa lạ với những người đam mê du lịch bụi – Rosie Nguyễn. Nếu bạn là một độc giả thường xuyên của Trạm, có lẽ bạn đã có lần nhìn thấy tên của chị trong những bài viết thu hút rất nhiều sự quan tâm như “Nếu tôi biết được khi còn 20”, “Một nửa tâm hồn”, “Sách cho em tuổi thơ ngây”,…

 

Chị thường nói "Cuộc đời tôi thay đổi là nhờ sách", sự thay đổi này bắt đầu từ bao giờ và như thế nào?

 

Sự thay đổi đó bắt đầu sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Trước đây tôi học đại học Ngoại Thương. Trong quá trình học đại học, tôi mắc một sai lầm mà nhiều bạn trẻ đã và đang mắc phải, đó là xem việc học ở trường là tất cả của sự nghiệp học hành. Tôi chỉ cố gắng đi học ở trường đầy đủ, làm bài tập và trải qua các kỳ thi thật tốt. Nhưng tôi quên mất việc tự học, tự chủ động tiếp thu trau dồi kiến thức. Một trong những cách tốt nhất để tự học là đọc sách. Vậy mà suốt 4 năm đại học, số lượng sách tôi đã đọc chắc không quá các đầu ngón tay. Lý do chính là tiếc tiền mua sách. Nghĩ lại vẫn thấy đó là một điều rất dại dột.

 

Sau khi đi làm, tôi càng ngày càng thấy cuộc sống của mình nhàm chán và đơn điệu. Tôi hầu như chỉ biết về lĩnh vực mình đang làm, còn kiến thức xã hội thì rất lỏng lẻo, các kỹ năng cũng không lấy gì làm vững chắc, cảm thấy bản thân cũ kỹ và lạc hậu. Sau đó tôi quyết định thay đổi chính mình, bước vào hành trình tự học, tự phát triển bản thân. Hằng ngày tôi thức dậy sớm để đọc sách, biến việc đọc thành một thói quen, sở thích của bản thân. Càng đọc sách, tôi càng có nhiều kiến thức để trau dồi, bồi đắp bản thân, để học hỏi và trưởng thành. Càng đọc tôi càng thấy mình phát triển đến gần với những tiềm năng bên trong của mình hơn. Và càng đọc nhiều, tôi lại càng được truyền cảm hứng để có được quyển sách mang tên mình. Việc đọc sách khơi gợi lại đam mê viết lách từ thuở bé của tôi, tạo động lực để tôi thực hiện ước mơ. Và đến một thời điểm thích hợp, tôi đã có cơ hội xuất bản được quyển sách đầu tiên của mình. Hiện nay tôi là một tác giả sách, và là người viết tự do.   

 

 

 Việc đọc sách đã khơi gợi lại đam mê viết lách từ thuở bé, tạo động lực để thực hiện ước mơ

 

 

Nên quay trở lại ở xuất phát điểm, sách thực sự đã thay đổi cuộc đời tôi, biến tôi trở thành một con người tốt hơn, hiểu biết hơn, giúp tôi có được cuộc sống mà tôi từng mơ ước, và với công việc phù hợp với đam mê của mình.

 

 

Chị từng chia sẻ rằng chị đọc khoảng 60 cuốn sách mỗi năm, chị có cho rằng "đọc như thế là đủ"?

 

Đối với tôi việc đọc sách không có giới hạn bao nhiêu là đủ. Tôi luôn ở trong tình trạng có quá nhiều sách hay để đọc, nhưng lại có quá ít thời gian. Đôi khi tôi ước gì có thể dành cả một ngày dài để chỉ đọc sách mà thôi. Nhưng hiện tại tôi làm khá nhiều việc khác nhau, vừa viết sách, vừa thực hiện các dự án viết lách khác, vừa làm giảng viên các khóa học kỹ năng, giáo viên yoga… nên cần cân bằng những hoạt động này trong quỹ thời gian hàng ngày của mình. Tôi đang cố gắng giữ số lượng 60 cuốn/năm, tức là một tuần đọc hơn một quyển sách dày khoảng 300 trang. Chia nhỏ hơn nữa thì mỗi ngày đọc khoảng 50 trang sách. Đó là con số hợp lý đối với tốc độ đọc và lịch làm việc hiện tại của tôi.

 

 

Cùng với Đọc sách, Yoga và Thiền định là những sở thích trong cuộc sống hàng ngày của Rosie

 

Vậy theo chị đọc như thế nào sẽ là hiệu quả?

 

Việc đọc sách hay bất kỳ việc gì trong cuộc sống cũng vậy, vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng. Không phải là ta đọc bao nhiêu mà là ta rút ra được những gì, học hỏi được những gì từ những quyển sách mình đã đọc. Tuy vậy, nếu không đủ lượng thì sẽ không có sự biến đổi về chất. Nếu lựa chọn chỉ đọc những quyển sách thật hay, và đọc thật kỹ, nhưng chỉ đọc mỗi năm vài ba quyển thì cũng không tận dụng được hết lợi ích của việc đọc. Do vậy, đối với tôi mỗi tuần cần đọc tối thiểu một quyển sách để duy trì được thói quen đọc sách cũng như có thể liên tục học hỏi được nhiều điều mới và hay từ sách.

 

 

Cuốn sách "Ta ba lô trên đất Á" của chị phát hành năm 2015 đã được đông đảo độc giả đón nhận, chị có thể chia sẻ ý tưởng viết cuốn sách này?

 

Câu chuyện về “Ta ba lô trên đất Á” là một sự tình cờ đầy may mắn.

 

Tôi là một người thích đi du lịch bụi và cũng đi khá nhiều. Tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc đi du lịch bụi và đã ghé thăm được khoảng 20 quốc gia trên thế giới. Sau nhiều năm đi du lịch và chia sẻ về kinh nghiệm du lịch, tôi nhận thấy một thực tế là việc du lịch bụi, lữ hành đem lại rất nhiều lợi ích cho người trẻ. Hễ còn trẻ thì cứ càng nhiều, càng xa càng tốt vì khi lớn tuổi hơn thì sẽ không còn nhiều cơ hội làm điều đó. Hiện nay du lịch bụi là một trào lưu đang rất phát triển trong giới trẻ. Có nhiều bạn muốn đi nhưng không biết làm thế nào để đi, phải bắt đầu từ đâu, chuẩn bị những gì và tìm kiếm thông tin ra sao. Mặc khác, trên thị trường hiện có rất nhiều sách về du lịch nhưng đa phần là sách về du ký, kể lại nhật ký hành trình. Nên tôi đã ấp ủ ý tưởng viết một quyển sách hướng dẫn du lịch bụi, chia sẻ một cách cụ thể tỉ mỉ tất cả những kỹ năng, thông tin cần thiết để bắt đầu con đường đi du lịch bụi.

 

 

Rosie trong hành trình phượt Tây Bắc, một trong những cung đường đẹp nhất Đông Nam Á

 

Và quá trình “thành hình” của đứa con tinh thần đầu tiên này ra sao, thưa chị?

 

May mắn là những trang viết về du lịch của tôi sau một thời gian thì dần dần được nhiều độc giả biết đến và chia sẻ. Tôi trở thành một blogger về văn hóa và du lịch. Các đơn vị phát hành cũng theo dõi các bài viết của tôi. Vào cuối năm 2014, một số đơn vị phát hành liên hệ với tôi để bàn việc ký hợp đồng phát hành sách. Đã có sẵn ý tưởng trong đầu, tôi chia sẻ với họ, nhận được sự ủng hộ và bắt tay vào viết sách. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy vào 4 giờ sáng, đọc sách nghiên cứu tài liệu, viết lách, sau đó đi làm. Tối về lại tiếp tục đọc và viết. Ròng rã 6 tháng như thế thì hoàn thành quyển sách đầu tay. Quyển sách “Ta ba lô trên đất Á”, thường được mọi người gọi là “quyển sách hướng dẫn du lịch bụi đầu tiên của người Việt” được phát hành vào giữa năm 2015. Thật vui là sách được sự ủng hộ của độc giả, và tôi luôn cảm thấy được động viên rất lớn mỗi khi nhận được chia sẻ từ bạn đọc rằng sách đã tạo cảm hứng cho họ bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu hành trình khám phá thế giới.

 

 

Tác giả Rosie Nguyễn ký tặng sách “Ta Ba lô trên đất Á” tại Hội sách 

 

Chị và một nhóm người  trẻ đang thực hiện dự án "Chuyến xe tuổi trẻ", trong đó có hoạt động tặng sách hay cho những trạm dừng chân suốt dọc đường Nam Bắc. Điều gì đã khiến chị thực hiện dự án này?

 

Trong công việc tiếp xúc với nhiều người trẻ của mình, tôi nhận thấy rằng xã hội Việt Nam đang biến động và thay đổi rất nhanh, và người trẻ Việt là một nhân tố quyết định trong quá trình thay đổi đó. Do vậy, vai trò tiên phong và lãnh đạo của những người trẻ trong giai đoạn này càng trở nên quan trọng và cần thiết. Tiếng nói của người trẻ nên được coi trọng, và những người trẻ Việt nên đóng vai trò là động lực phát triển xã hội.

 

Tuy vậy, từ những quan sát trong một quá trình dài làm tư vấn hướng nghiệp, tôi nhận thấy rằng khá nhiều bạn trẻ Việt Nam đang sống rất thụ động và ỷ lại, không biết cách tự học, tự trau dồi kiến thức, không biết cách đọc sách, không phát huy được những thế mạnh của bản thân. Họ lãng phí thời gian và tài năng của bản thân, không ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội.

 

Do vậy, tôi và những người bạn đồng chí hướng của mình đã thành lập nên chương trình Chuyến Xe Tuổi Trẻ. Đây là một dự án phi lợi nhuận thông qua hành trình xuyên Việt, để trò chuyện và tặng sách cho các bạn học sinh sinh viên trên khắp cả nước về đề tài phát triển bản thân, khuyến khích niềm đam mê đọc sách và trải nghiệm cuộc sống.  Mục đích của chương trình là nhằm truyền lửa cho người trẻ, giúp các bạn trẻ định hướng được tương lai tốt hơn, gieo tạo hạt giống để bước ra khỏi “vùng an toàn”, vượt qua giới hạn của chính mình, phát huy tiềm năng của bản thân và từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội.

 

 

 

Chuyến xe Tuổi trẻ sẽ đến Hà Nội vào ngày 17/09 và tiếp tục chuyến hành trình lên các tỉnh phía Bắc

 

Theo chị, các bạn trẻ nên đọc những loại sách nào?

 

Mỗi người có một cách đọc sách riêng, tùy vào mục đích của việc đọc. Đối với tôi, đọc sách là một cách tự học. Nên tôi thường ít đọc các sách thuộc thể loại tiểu thuyết diễm tình hay dạng tản văn tình yêu. Không phải tất cả những sách thuộc các thể loại ấy đều dở, nhưng hiện nay các sách thuộc thể loại này nở rộ ở thị trường Việt Nam, mà lại chẳng chứa đựng bao nhiêu hàm lượng tri thức. Đọc quá nhiều thì sẽ gây tâm lý ủy mị hoang đường, xa rời thực tế, không ích lợi trên con đường tự học.

 

Khi đọc sách hư cấu, tôi thường chọn các tác phẩm văn học kinh điển và có chiều sâu, biểu hiện tâm lý con người hay phác họa bối cảnh lịch sử xã hội của một thời kỳ, và có giá trị lâu dài. Những quyển như Kiêu hãnh và định kiến, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió, Jane Eyre... thay vì các loại sách chỉ nói về tình cảm nam nữ yêu đương thuần túy.

 

Như vậy, chị chủ yếu đọc sách phi hư cấu?

 

Tôi chọn cân bằng giữa việc đọc sách hư cấu và phi hư cấu. Cách đọc sách của tôi là mỗi khi đọc xong một quyển sách phi hư cấu, tôi lại đọc một quyển thuộc thể loại kia, để cân bằng giữa thực tế và tưởng tượng. Tôi đọc nhiều sách về lịch sử, văn hóa, tinh thần, kinh doanh, rèn luyện kỹ năng và truyền cảm hứng… Mục đích để nâng cao kiến thức nền tảng và trau dồi khả năng của bản thân.

 

Thói quen khi đọc sách của chị là gì?

 

Khi đọc sách, tôi thường để bên cạnh một quyển sổ nhỏ để ghi chú những điều mình tâm đắc, cũng như suy nghĩ, quan điểm, cảm nhận của bản thân về sách. Đối với những quyển quan trọng, tôi có thói quen tóm tắt lại sau khi đọc xong để ghi nhớ tốt hơn những gì mình đã biết được qua sách, cũng là một cách củng cố lại kiến thức sau khi đọc xong.

 

 

Mỗi năm có hàng trăm ngàn cuốn sách được xuất bản trong nước và trên thế giới, chị đã chọn sách như thế nào?

 

Tôi thường chọn sách từ giới thiệu của những người bạn có gu đọc sách đặc biệt mà tôi tôn trọng. Hoặc xem nhận xét và đánh giá sách trên trang Goodreads.com. Đây là một cộng đồng đọc sách trực tuyến, tổng hợp những nhận xét, bình luận xếp hạng sách của người đọc khắp nơi trên thế giới, một công cụ khá hữu hiệu dành cho người ghiền đọc. 

 

 

Rosie Nguyễn thường sử dụng Goodreads.com như một công cụ gợi ý đọc hữu hiệu

 

Cuốn sách nào được chị yêu thích nhất?

 

Một trong những quyển sách mà tôi rất yêu thích là tác phẩm “Khuyến học” của học giả người Nhật Yukichi Fukuzawa. Tôi đọc quyển sách này khi vừa bước vào con đường tự học, lúc đang mày mò con đường đi lên. Và nó giúp tôi vỡ vạc được rất nhiều điều, trả lời nhiều câu hỏi mà tôi thấy bản thân và những người trẻ quanh mình đang băn khoăn. Ví dụ như ý nghĩa của sự học, năng lực hành động, danh tiếng và thực lực..., và cả những câu hỏi về chế độ xã hội, về mối quan hệ giữa chính phủ với quốc dân, và nên hay không nên có cách mạng nhân dân.

 

Khuyến học đề cao vai trò của việc tự giáo dục, nhắc mình nhớ rằng thực học là sự nghiệp cả đời, rằng kiến thức không phải để làm giàu cho bản thân mà để giúp đời, và rằng mỗi người dân ngoài chăm lo cho bản thân, gia đình thì còn có bổn phận với xã hội, với đất nước. Đối với tôi, đây là quyển sách mà mọi người trẻ Việt đều nên đọc. Đọc để biết người dân Nhật Bản đã xây dựng đất nước như thế nào để biến một quốc gia lạc hậu thành cường quốc năm châu chỉ sau ba mươi năm công cuộc duy tân. Đọc để biết vì sao sự học nên là một quá trình của cả đời người. Đọc để biết hổ thẹn, để ý thức được vai trò của bản thân mình, để phấn đấu xây dựng đất nước ngang bằng với láng giềng, sánh vai với phương Tây.

 

 

Được biết chị sắp xuất bản cuốn sách thứ hai của mình. Chị có thể chia sẻ về đứa con tinh thần này?

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” là quyển sách thứ hai của tôi, dự kiến sẽ được ra mắt độc giả vào cuối tháng 9/2016. Cảm hứng cho ra đời quyển sách xuất phát từ những quan sát và chiêm nghiệm của tôi trong nhiều năm làm việc với người trẻ.

Có một thực tế là rất nhiều bạn trẻ ngày nay không biết mình muốn gì, thích gì, đam mê của mình là gì, thường xuyên cảm thấy chán nản, lạc lối. Không phải không có lý do mà người trẻ Việt Nam ngày nay vẫn được các thế hệ đi trước gọi là “thế hệ lạc lối”. Đây cũng là lứa tuổi dễ rơi vào cái gọi là "quarter - life crisis" (tạm dịch là khủng hoảng tuổi đôi mươi, xảy ra ở những người có độ tuổi từ 18 - 30 tuổi), với những cột mốc cuộc đời quan trọng từ lúc rời trường học để bước vào trường đời. Họ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm túc về sự nghiệp và cuộc sống, trong khi không được gia đình, nhà trường và xã hội chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện cú nhảy vào đời.

 

 

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” là sự đúc kết tổng hợp những kinh nghiệm của tôi trong hành trình rèn luyện chính mình, những câu chuyện từ những người mà tôi gặp trên những nẻo đường khắp thế giới, hay những bạn trẻ tôi có dịp tiếp xúc trong các dự án tư vấn hướng nghiệp của mình. Độc giả sẽ tìm thấy trong sách những kỹ năng và kinh nghiệm thực tế về tự học, về tìm kiếm đam mê, về trải nghiệm thế giới, những cách thức rất cụ thể để thay đổi bản thân, cũng như những câu chuyện tràn đầy cảm hứng để bắt đầu.

Quyển sách này là câu chuyện của một người đã sắp đi qua thời tuổi trẻ của mình, về việc làm thế nào để sử dụng tốt nhất quãng đời quý giá này của mỗi người. Học gì, làm gì, đi ra sao để cân bằng giữa trải nghiệm và công việc, để chuẩn bị hiệu quả cho cuộc sống tương lai, và có những năm tháng thanh xuân rực rỡ.

Hy vọng độc giả của quyển sách này sẽ tìm thấy những điều hữu ích trong sách, hỗ trợ phần nào cho họ trên hành trình tìm kiếm con đường cuộc sống.

 

Trạm Đọc chân thành cảm ơn những chia sẻ bổ ích và thú vị từ chị Rosie Nguyễn. Chúc chị luôn nhiều sức khỏe và niềm vui trên hành trình của mình và truyền cảm hứng sống tới ngày càng nhiều những bạn trẻ hơn nữa.

 

Thông tin nhân vật

 

Rosie Nguyễn tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên, một tác giả sách, blogger/facebooker về văn hóa du lịch, giảng viên các khóa học kỹ năng và
huấn luyện viên yoga. Ngoài lúc viết lách hay giảng dạy thì là một ta ba lô hay lang thang trên những con đường lạ cùng với một quyển sách.
Facebook.com/rosienguyenvn"

 

 

 

Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc

Tags: