Anh Mai Quốc Bình là người sáng lập và điều hành Công ty CP Thế giới giấy (TGG) được thành lập năm 2009 với số vốn ban đầu là 30 triệu đồng. Tầm nhìn của TGG là trước năm 2025 trở thành nhà cung cấp giấy tissue hàng đầu Việt Nam, từ năm 2026 vươn tầm thế giới.
Năm 2020, TGG được đối tác Oita Paper Product Co., LTD từ Nhật Bản lựa chọn đầu tư. Với các sản phẩm như giấy vệ sinh cuộn lớn, khăn giấy lau tay đa năng… được các doanh nghiệp, tổ chức, bệnh viện lớn tại Việt Nam sử dụng thường xuyên… tham vọng trở thành công ty giấy tissue lớn nhất Việt Nam trước năm 2025 đang nằm trong tầm tay của TGG.
Anh Mai Quốc Bình đồng thời cũng là là founder của Sachi Farms - Nông trại trồng xoài, mít, sầu riêng… chất lượng cao với diện tích hơn 200 ha, chinh phục nhiều khách hàng khó tính. Ngoài ra anh Bình còn là cổ đông, co-founder của 14 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Anh Mai Quốc Bình cũng là người yêu thích sách, đọc nhiều, thậm chí anh còn vừa ra mắt cuốn sách chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân. Trạm đọc đã có cuộc trò chuyện với anh về chủ đề này.
---------
Khởi nghiệp ngay sau khi hoàn thành quá trình học cao đẳng và đại học liên thông, trong đó gần hai năm cuối cùng vừa học vừa làm với số vốn chỉ vỏn vẹn 30 triệu đồng khi ấy anh có tự tin không?
Tôi khởi nghiệp năm 2009, sau khi vừa hoàn thành chương trình đại học liên thông ngành quản trị kinh doanh. Trước đó trong 2 năm học đại học liên thông tôi cũng có thời gian vừa học vừa làm, cũng có được một số kinh nghiệm. Việc khởi nghiệp ở thời điểm đó tôi vừa tự tin vừa không, vì tôi biết thách thức khởi nghiệp kinh doanh rất lớn, không ai có thể dám chắc những kinh nghiệm, kiến thức mình đã có có đủ để đối phó với các khó khăn trong khởi nghiệp hay không.
Từ 30 triệu đồng đến 2020 Công ty TGG của anh đã được một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào với định giá tới 30 triệu USD, hành trình này quả thật rất ngoạn mục. Xin anh chia sẻ những suy nghĩ cô đọng nhất của anh về hành trình này.
Đi đến kết quả ngày hôm nay, bản thân tôi và TGG đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm. Thời gian đầu mới khởi nghiệp tôi chỉ có chiếc xe Dream được ông anh cho lúc mới tốt nghiệp. (Để có vốn kinh doanh) tôi phải tìm đến bố mẹ, người thân vay tổng cộng được 30 triệu. Khi ấy tôi không dám lấy tiền tiêu xài, ăn uống thì cũng làm sao tối giản nhất, để công ty có tiền hoạt động …
Công ty lúc đầu nhập sản phẩm của các đối tác khác về phân phối. Chúng tôi nhập rất nhiều loại, nhưng sau đó tôi mới biết đây là sai lầm của mình. Bởi khi chúng tôi có sản phẩm A thì khách hàng cần sản phẩm B; hoặc cần sản phẩm A nhưng chúng tôi lại không đáp ứng được số lượng khách hàng yêu cầu vì sản phẩm có nhiều, nhưng số lượng lại ít...
Rất nhanh số vốn 30 triệu đồng bị cạn kiệt. Tôi phải đánh liều gọi về cho bố mẹ nói công việc kinh doanh tốt lắm và nhờ cắm số đỏ để vay thêm vốn cho tôi. Khi ấy cả đại gia đình mới chỉ có bố mẹ tôi có nhà cửa, các anh chị em chưa ai có cả. Quyết định này vô cùng mạo hiểm, khiến tôi vô cùng lo lắng, đồng thời càng có thêm quyết tâm. Rất may sau này mọi việc thuận lợi dần lên. TGG cũng xác định tập trung vào sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực là giấy tissue để chủ động công việc của mình.
Rồi còn nhiều giai đoạn khác như thời gian công ty tôi bị đối tác chơi xấu đặt một đơn hàng rất lớn rồi “bỏ bom” không lấy hàng, khiến chúng tôi phải mất cả năm sau đó mới giải quyết xong lượng hàng đã sản xuất ra. Rồi dịch Covid 19 diễn ra khiến doanh số của công ty tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng và rơi thẳng đứng từ vài chục tỷ/ tháng xuống vài tỷ một tháng… Thời điểm đó, tôi đã phải xoay chuyển định hướng kinh doanh, chuyển đối tượng khách hàng từ các công ty, tổ chức sang khách hàng là các hộ gia đình sống trong các khu chung cư, đô thị. Thực tế đã chứng minh đây là một quyết định đúng đắn, TGG đã dần hồi phục trở lại. Và bây giờ khách hàng của chúng tôi có cả các doanh nghiệp, tổ chức lẫn khách hàng cá nhân.
Suy nghĩ cô đọng nhất của tôi về hành trình này là khi làm kinh doanh hay bất cứ thứ gì trong cuộc sống thì tư duy, mục tiêu sẽ dần dần cho ra con đường chúng ta đi. Ví dụ như chúng ta là công ty chúng ta sau này sẽ lớn lên, trở thành một tập đoàn, một đế chế nào đó, chúng ta sẽ IPO, sẽ lên sàn; thì chúng ta phải đặt lợi ích khách hàng lên trước, mang lại cái giá trị thật cho khách hàng, không có cái kiểu làm gian, làm dối hay gì đó. Với hệ thống của mình, đội ngũ của mình cũng vậy. Mình gắn bó, nuôi dưỡng làm sao đó để họ cảm thấy là hạnh phúc khi gắn đó với mình. Từ từ doanh nghiệp của chúng ta sẽ lớn lên, đi theo mục tiêu đó. Tôi cũng luôn chia sẻ với mọi người trong cái hành trình đó là chúng ta phải xác định cho mình cái đích đến trước, sau đó chúng ta mới chọn con đường và chọn cái phương tiện mà chúng ta đi sao cho phù hợp và tối ưu nhất với nguồn lực mình bỏ ra.
Những kiến thức quản trị kinh doanh anh được học tại nhà trường có đủ cho anh trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp không? Nếu chưa anh tìm kiếm những kiến thức đó từ đâu?
Nếu coi sự nghiệp hay thành công của một người là một ngôi nhà khang trang to đẹp, có đầy đủ cả nội ngoại thất; thì tôi cho rằng quá trình học tập tại nhà trường là thời điểm cho mỗi người xây dựng nền móng của ngôi nhà đó. Nó tạo cho chúng ta có cái nền tảng để chúng ta tự tin là có học hành bài bản, cũng như được hướng dẫn nên tìm kiếm bồi đắp thêm những kiến thức, kỹ năng gì cần thiết cho công việc của mình sau này.
Nhưng tôi cảm thấy những cái kiến thức mà mình học ở trên ghế nhà trường, ra đời đâu đó chúng ta chỉ sử dụng được tối đa một đến hai năm là hết, thậm chí là nó lỗi thời. Cho nên học ở trên trường đại học chỉ một phần nào đó thôi. Toàn bộ từ phần mặt đất trở lên của ngôi nhà là những gì chúng ta học ở trên trường đời. Với tôi, hồi mới lập nghiệp tôi học hỏi kiến thức đó từ các cuốn sách. Vài năm trở lại đây, tôi học hỏi nhiều hơn từ các doanh nhân đi trước, các chuyên gia.
Anh cho biết anh đã đọc hàng trăm cuốn sách, chúng tôi tò mò về việc đọc và các loại sách mà anh đã đọc, phải chăng chủ yếu là sách quản trị kinh doanh?
Tôi rất mê sách. Hồi sinh viên tôi ở trọ ở quận Gò Vấp, Tp HCM. Cứ sau giờ học hoặc giờ làm thêm là tôi ra phố sách cũ Nguyễn Văn Bình tìm những cuốn sách cũ, thậm chí là ngồi đọc ké. Khi có thời gian rảnh tôi sẽ ngồi phân loại đống sách giúp các chủ sạp… Lâu lâu có những cuốn sách rất thích nhưng không có tiền để mua, thì tôi sẽ dặn anh chủ sách là anh giữ lại cuốn đó cho em, cuối tuần này hoặc cuối tháng này có tiền thì em sẽ mua.
Nhiều chủ sách thấy tôi nhiệt tình, siêng đọc sách như vậy thì bảo: thôi anh tặng mày cuốn sách này. Nhiều người thì nói thôi: em cầm về đọc đi, khi nào có tiền rồi trả lại anh. Hoặc là: thôi bây giờ em mang về đọc đi, anh cho em đọc 3 tháng, xong 3 tháng sau mang ra trả cho anh, anh chỉ lấy 10 ngàn thôi, coi như thuê sách về để đọc.
Hồi sinh viên và những năm đầu mới lập nghiệp tôi đọc chủ yếu là sách quản trị kinh doanh. Sau này tôi đọc đa dạng hơn, như một số sách khoa học nền tảng, một số sách do các nguyên thủ quốc gia viết… đọc để mình có tư duy rộng hơn, mở hơn…
Nhìn lại anh đánh giá sách đã mang lại cho anh những điều gì?
Tác giả nào cũng vậy thôi, khi viết một cuốn sách thì tất cả những cái gì tâm huyết, tất cả những cái gì ruột gan của họ đều được đưa vào trong đó. Bởi ai cũng muốn cuốn sách mình viết ra có nhiều người đọc, nhiều người hưởng ứng… Vì vậy mỗi cuốn sách là kết tinh kinh nghiệm hàng chục năm lao động, trải nghiệm của các tác giả.
Cho nên theo tôi đọc sách là cực kỳ quan trọng, có thể giúp mỗi người rút ngắn hàng chục năm đó. Và tôi quan sát thấy những người thành công là những người rất hay đọc sách, thậm chí là họ tự đặt cho mình kỷ luật là phải đọc sách.
Đọc thêm: 5 cuốn sách yêu thích của doanh nhân Mai Quốc Bình
Điều gì thôi thúc anh viết cuốn sách “Khác biệt để vươn tầm”? Anh kỳ vọng gì khi xuất bản cuốn sách này?
Mục tiêu của tôi khi hệ thống và viết lại những gì mình đã trải qua là để mọi người có động lực, có niềm tin vượt qua nghịch cảnh khó khăn, rằng “Ông Bình đó ngày xưa nhà đông anh chị em, cũng nghèo như thế, mà từ dưới bùn ông ngoi lên được như vậy. Tại sao người tiếp theo không phải là mình? Tại sao người khác làm được chúng ta lại không làm được?”
Thứ hai tôi muốn truyền thông điệp: tôi cũng như nhiều người cứ phát triển đến một thời điểm nào đó, là cảm thấy bị đụng trần; thấy kiến thức, tư duy, nhận thức của mình không đủ. Lúc đó mình phải tìm các khóa học hay để theo, tìm những cuốn sách hay để đọc, để phá trần lên tầng tiếp theo. Chúng ta phải dám bước ra khỏi vùng an toàn, biết làm mới bản thân, để vươn tầm. Từ cuốn sách, tôi hy vọng một số người sẽ có động lực hơn để làm một cái gì đó khác biệt trong cuộc đời mình.
Dù chỉ được truyền thông trên trang facebook cá nhân, nhưng đến nay sau hơn 1 năm ra mắt “Khác biệt để vươn tầm” đã bán hết 10.000 bản, một con số không nhỏ so với dung lượng thị trường và sức đọc hiện nay tại VN. Anh đã làm gì để thực hiện được điều này?
“Khác biệt để vươn tầm” được tôi viết theo phong cách giản dị. Tôi chia sẻ kinh nghiệm theo đúng quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp của mình. Các kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh được tôi bình dân hóa cho thật dễ hiểu; và minh chứng cho những điều đó là thực tế áp dụng tại các doanh nghiệp của tôi và cả của anh em, bạn bè. Vì vậy nhiều người đọc cuốn sách và tiếp tục truyền tai cho những người khác. Tôi nghĩ đây chính là điều khiến cuốn sách được nhiều người tìm đọc dù sách mới chỉ được giới thiệu/ bán trên trang Facebook cá nhân của tôi và một phần trên Tiki.
Sau cuốn sách đầu tay “Khác biệt để vươn tầm” anh dự định viết sách nữa không? Anh đã có dự tính chủ đề hay thời gian ra mắt cho cuốn sách đó chưa?
Đối với những người mà chuyên viết sách, tôi không biết thế nào, nhưng đối với tôi, viết một cuốn sách cực kỳ vất vả, mất rất nhiều thời gian và năng lượng. Tôi viết “Khác biệt để vươn tầm” hết khoảng 1 năm rưỡi, cứ viết rồi sửa, sửa rồi viết. Nên đến thời điểm bây giờ tôi chưa có kế hoạch viết một cuốn sách mới. Nhưng nói về dự định thì cuốn sách tiếp theo tôi sẽ có nội dung về hệ thống hóa/ quy trình hóa từng công việc, hoạt động trong doanh nghiệp.
Phần lớn chủ doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, nhất là các doanh nghiệp start-up, thường thiếu tính chuẩn hóa, hệ thống hóa. Ví dụ nhiều người gọi là chủ doanh nghiệp nhưng thường tự làm hoặc tham gia vào hết mọi việc, từ bán hàng, kế toán đến sản xuất kho vận, marketing… Nói chung là làm hết mọi việc trong doanh nghiệp của mình, như tôi hay nói là “công ty TNHH một mình tao, làm tất ăn cả” ấy.
Một ngày ra khỏi doanh nghiệp là họ lo, không biết mọi người hoạt động, vận hành nó sao. Giống như một người vận hành một cái quán bún. 30 tuổi ngồi đó thái thịt, múc bún cho khách, 50 tuổi vẫn ngồi đó và bán kiểu đó, thì kiểu đó là khổ chủ hơn là chủ doanh nghiệp.
Và để hóa giải được điều đó, để người chủ có thể điều hành doanh nghiệp ngay cả khi đi xa hành tháng trời thì chúng ta phải hệ thống hóa và quy trình hóa. Đó là điều thiếu hụt của nhiều chủ doanh nghiệp. Ngày xưa tôi cũng vậy, chỉ khoảng hơn một năm trở lại đây, tôi mới ngồi viết chi tiết hệ thống hóa từng cái từng cái như vậy.
Nếu cần đưa ra một lời khuyên cho các bạn trẻ, anh sẽ khuyên họ điều gì?
Tôi có lời khuyên với các bạn thế này: Làm cái gì cũng vậy, chúng ta phải có khát vọng lớn, tầm nhìn xa, nhưng chúng ta phải làm xuất sắc từng việc nhỏ. Các bạn đừng nghĩ: mình đây là tốt nghiệp đại học trường tốp đầu, bằng giỏi này nọ là oách lắm; mà các bạn không chịu làm những việc đơn giản, việc nhỏ nhỏ. Bởi mọi việc lớn lao, vĩ đại cũng bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Tiếp theo là chúng ta không được nản chí. Chúng ta muốn thành công thì chúng ta phải làm được những việc mà người khác không dám làm, không chịu được; chúng ta phải dám ngồi cái chỗ mà người khác không dám ngồi. Chúng ta phải có bản lĩnh, sự lì lợm, khả năng chịu đòn nào đó, thì chúng ta mới thành công được.
Tiếp theo nữa chúng ta đừng kỳ vọng là mọi việc sẽ dễ dàng, đơn giản. Đó sẽ là một quá trình rất dài mà chúng ta phải khổ luyện, bầm dập, chúng ta phải lên bờ xuống ruộng, lên voi xuống chó thì chúng ta mới nghiệm ra được, mới có được những cái khởi đầu để thành công. Chứ còn nhiều bạn mới ra trường, thậm chí là mới đi học vài năm, giờ muốn làm một cái gì đó lớn lao thì không thực tế.
Cuối cùng, là việc đọc để lấy kiến thức. Đọc xong chúng ta phải áp dụng, chúng ta phải làm ngay. Làm sai cũng được, nhưng phải làm. Chúng ta làm sai thì biết cái sai để sửa, còn không làm thì chúng ta sẽ không biết mình sai chỗ nào mà sửa. Nếu cả cuộc đời chúng ta không bao giờ biết mình sai chỗ nào, đúng chỗ nào; chúng ta tưởng mình tiến bộ nhưng thực chất là chúng ta đang đứng tại chỗ hoặc thụt lùi.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Việt Hà thực hiện