Nhà hoạt động thư viện Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1975 tại Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, Đại học Vinh năm 1999. Anh Thạch từng làm việc cho các dự án ODA của ngành cầu đường cũng như các dự án của các tổ chức quốc tế như World Vision, Quỹ toàn cầu.
Mong muốn giúp trẻ em nông thôn, miền núi có cơ hội đọc sách, năm 1997, anh bắt đầu nghiên cứu tạo chương trình Sách hóa nông thôn. Năm 2007, anh thí điểm mô hình Tủ sách Dòng họ. Năm 2010, anh thí điểm Tủ sách Phụ huynh. Năm 2011, anh cùng khởi động Tủ sách Giáo xứ và thí điểm Tủ sách Hậu phương chiến sĩ, cũng như tham gia thúc đẩy Tủ sách Cô nhi viện, Tủ sách Nhà chùa, Tủ sách Nhà tù, Tủ sách Bác ái đến lớp học và gia đình.
Dù điều kiện sức khỏe không tốt (mắt trái bị mù, xương khớp không tốt) nhưng năm 2010 anh đi xe máy xuyên Việt; năm 2015 và 2016, anh đi bộ các chặng Hà Nội vào Sài Gòn và Sài Gòn đi Cà Mau. Chặng thứ hai, anh phải ngừng hành trình vì eo L5 cột sống bị gãy. Các chuyến xuyên Việt của nhằm mục đích tạo nhận thức xã hội về tầm quan trọng của sách đối với con trẻ và kêu gọi mọi người hành động để tất cả trẻ em được nghe sách và đọc sách.
Sau hơn 15 năm đi vào hoạt động, đến nay, những tác động xã hội của Sách hóa nông thôn không chỉ nằm ở hàng chục ngàn tủ sách được nhân rộng bởi hàng trăm ngàn người, mà quan trọng là xã hội đã xem trọng sách hơn. Rất nhiều người đã tặng sách cho con trẻ trong dịp tết, ngày lễ của trẻ em hay Noel.
Nhờ nỗ lực thực nghiệm và vận động chính sách của Sách hóa Nông thôn, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản 6841 ngày 31/12/2015 gửi các Sở giáo dục & Đào tạo nhân rộng Tủ sách Phụ huynh/Tủ sách Lớp học đến các lớp học trên toàn quốc.
Ngày 8/9/2016, Chương trình Sách hóa nông thôn được UNESCO trao giải mang tên Vua Sejong về xóa mù chữ/phổ biến tri thức. Năm 2017, Sách hóa Nông thôn được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ trao giải thưởng phổ biến tri thức cho phần Thực hành tốt nhất.
Chia sẻ về việc đọc sách cũng như lý do thôi thúc anh kiên định với con đường sách hóa nông thôn, anh Nguyễn Quang Thạch cho biết: “Cha và bác tôi có nhiều ngàn đầu sách báo. Tôi thấu hiểu về tầm quan trọng của những cuốn sách đã bổ sung tri thức cho mình. Tôi muốn làm tiếp những công việc thế hệ ông tôi đã làm là xây trường học dạy học miễn phí từ những năm 1930 và cha tôi dạy học miễn phí 20 năm . Tôi muốn mọi đứa trẻ Việt Nam đều có sách để đọc”.
Trong bài viết dưới đây anh Nguyễn Quang Thạch sẽ chia sẻ về 9 cuốn sách anh yêu thích và tạo ra những ảnh hưởng lớn tới anh.
Lực sĩ Ba Đang
Đây là cuốn sách tôi đọc từ hồi lớp 2, lớp 3. Trong cuốn sách khổ nhỏ nhưng dày dặn này, có một câu chuyện tôi ấn tượng là “Cậu bé thông minh”. Chuyện kể rằng ở một hòn đảo nọ cư dân thường xuyên bị cá kiếm tấn công khi xuống biển đánh cá. Cả vua, quân lính, triều thần… không ai làm được gì cả. Có một cậu bé bày ra cách chặt cây chuối vứt xuống biển. Khi cá kiếm đâm vào cây chuối, người dân diệt được cá, vừa có cá ăn, vừa tránh được hiểm họa từ cá kiếm.
Tôi thích cuốn sách, bởi nó nuôi dưỡng và kích thích tiềm ẩn nằm trong con trẻ, đó là việc luôn muốn giúp đỡ người khác. Khi đọc xong truyện ấy tôi cũng nghĩ mình phải làm gì đó cho ngôi làng của mình.
Các loại nhà máy phát điện
Đây là cuốn sách tôi đọc được khi lên lớp 4, trong đó có các nguyên lý xây dựng nhà máy thủy điện. Tôi đã đọc say mê và học cách chế tạo chong chóng chạy nước bằng mo cau. Tôi kể lại câu chuyện này để nói với mọi người rằng: Con trẻ có nhiều thứ rất tiềm năng. Một đứa trẻ đọc giáo trình dành cho người học đại học, nhưng khi biết cấu tạo thủy điện và có thể học được cách chế tạo được chong chóng chạy được nhờ sức nước.
Chong chóng chạy bằng sức gió thì rất dễ, nhưng chong chóng chạy bằng sức nước thì chế tạo rất lâu. Phải biết cắt mo cau kẹp bốn lại, làm hai cọc tre hai bên, rồi đưa xuống nước để cho chạm nước mà muốn nó chạy được thì phải cắt cánh cực kỳ đều, phải làm đi làm làm lại nhiều lần thì mới thành công. Và đọc sách rất hữu ích, chúng ta cần phải làm nhiều điều, cố gắng hơn nữa để trẻ em yêu sách, thích đọc sách.
Hồi ký Bớc-Sét
Đây là cuốn sách của nhà báo người Úc tôi đọc hồi lớp 6. Tôi biết được những vấn đề Xô Trung bị trục trặc trong thập niên 1960. Cuốn sách đó cũng liên quan đến Việt Nam, chiến tranh giữa Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Nhớ những thông tin trong cuốn này, khi lớn lên tôi hiểu sức mạnh của các nước lên trên trường quốc tế và tôi nghĩ nhiều về việc cá nhân tôi phải hành động để Đất nước mình mạnh lên.
Hổ trướng khu cơ
Tôi đọc cuốn này hồi cấp 2, trong đó một phần nó có Binh thư yếu lược do Đào Duy Từ biên soạn. Đào Duy Từ là người tư vấn cho Chúa Nguyễn xây dựng Lũy Thầy ở Quảng Bình để chống Đàng ngoài trong Trịnh Nguyễn phân tranh… Tôi biết trong trận Bát Môn kinh tỏa có đến 4 loại trận: nhất biến, nhị biến, tam biến, tứ biến là như thế nào. Là người thích làm thủ lĩnh từ nhỏ, bởi thế cuốn sách này rất hấp dẫn tôi.
Những tấm lòng cao cả
Đây là cuốn sách ảnh hưởng tôi về mặt giáo dục. Tôi đặt câu hỏi cho cha tôi là: tại sao ở trong nhà người ta lại viết thư cho nhau. Dần dần tôi thấy ở trong nhà nếu những lời dạy của cha rất dễ lời nói gió bay, mức độ nhớ sẽ không lâu. Nhưng người cha, người mẹ viết thư cho con những lời khuyên, trăn trở của cha mẹ, thì sẽ giúp con cái nhớ được lâu những bài học của cha mẹ, và cũng hình thành cho con cái cách viết trong tuần, trong tháng. Đó là cái cách nhà văn truyền tải cách giáo dục con trẻ rất tự nhiên.
Lũ trẻ đường ray
Đây là cuốn sách của nhà văn Anh thể hiện được tinh thần cao quý của tầng lớp trung lưu của nước Anh. Chuyện kể về một gia đình khá giả ở nước Anh. Người bố phá sản, bị bắt, gia đình có vấn đề; người mẹ phải đưa các con về sống ở làng. Khó khăn như vậy nhưng khi gặp một người Nga lưu lạc thì người mẹ sẵn sàng đưa về nhà, cho người ta ở trong nhà. Rồi những đứa trẻ đó tiếp tục cảnh báo để giúp tàu không bị lật, giúp đỡ đứa trẻ khác trong hỏa hoạn…. Những chuyện này có ý nghĩa rất quan trọng. Ngay cả khi gia đình có vấn đề, bị phá sản rồi nhưng họ vẫn giữ được tinh thần tương trợ người khác.
Đọc những cuốn sách này hồi nhỏ tôi thấy rất vui vì tôi thấy ở trên thế giới này, ở chỗ nào đó của nước Anh vẫn có những thứ rất tốt đẹp. Lớn lên tôi thấy đó là những bài học giáo dục vô cùng quan trọng. Con trẻ đọc những truyện này sẽ hình thành sự tử tế, sẵn sàng chia sẻ với những người khác. Người lớn trong truyện cũng dạy trẻ về tình yêu thương, trách nhiệm. Điều này cũng tạo ra bài học tổng thể về trách nhiệm của người lớn với con trẻ, con trẻ với đồng loại.
Túp lều bác Tôm
Để nói về tình bao dung của con người thì tôi chưa thấy cuốn nào hay như cuốn này. Bác Tôm là một người tin yêu Chúa.
Trẻ em học như thế nào
Đây là cuốn sách giúp bố mẹ hiểu những cơ chế lĩnh hội tri thức của con trẻ. Con trẻ là một tấm bảng trống và có rất nhiều tiềm năng nếu chúng ta biết dưỡng dục đúng cách.
Giáo dục con trẻ, không chỉ dựa vào nhà trường, mà cần giúp con học ở nhà để trẻ biết nhiều hơn, hỗ trợ tốt hơn cho việc học ở trường. Không những thế, cuốn sách cho thấy rằng giáo dục ở nhà là một lựa chọn khả thi nếu cha mẹ và các tác nhân xung quanh đủ tốt để giúp con trẻ phát triển đúng tiềm năng bản thân.
Khuyến học
Đây là cuốn sách giúp tôi thấy con đường đưa sách về nông thôn là đúng. Năm 2003 tôi đi Nhật, sang đó tôi thấy được rất nhiều thứ tốt đẹp của người Nhật, và tôi tìm hiểu rất nhiều về nước Nhật. Sau đó năm 2004 có một người bạn gửi cho tôi bản mềm của cuốn Khuyến học và tôi đọc một cách say sưa. Và thấy rằng xã hội Việt Nam năm 2004 chẳng khác gì nước Nhật giữa thế kỷ 19, có rất nhiều vấn đề về giáo dục, tinh thần công dân, tinh thần quốc dân. Ông Fukujawa đã chỉ trích người Nhật vào thời điểm đó rất mạnh. Quan trọng là nước Nhật khi đọc sách của ông và người Nhật đã thay đổi rất nhiều. Khuyến học đã góp phần khiến nước Nhật trở nên cường thịnh và cuốn sách này gây ấn tượng mãi với tôi.
- Việt Hà ghi