Vương quốc Anh trong thế giới quan của chàng trai trẻ hiện lên với bốn mùa xuân hạ thu đông không chỉ đậm chất cổ kính, thơ mộng mà còn đắm chìm trong tiếng nhạc du dương, êm ái nhưng đôi lúc ồn ào, sôi động của nhiều buổi trình diễn âm nhạc. Không những vậy, Hoài Sa còn chia sẻ cảm nhận của mình trước bao điều ngộ nghĩnh từ mã bưu điện đến các địa danh lạ lùng, nhiều câu chuyện thú vị về danh lam thắng cảnh nổi tiếng của xứ sở sương mù.
Điều đọng lại trong tâm trí anh sau quãng thời gian sống ở đây là cảm giác thích thú khi lần đầu tiên tận mắt ngắm nhìn tuyết rơi, đi tàu điện, đi nghe một buổi hoà nhạc hay tâm trạng lo lắng khi gặp phải các rắc rối trong chuyện sắp xếp chỗ ở, các mối quan hệ bạn bè, xã hội lẫn những căng thẳng chuyện bài vở.
Và chắc hẳn, Hoài Sa không muốn để bấy nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ ấy mãi trôi vào quá khứ nên anh quyết định viết cuốn sách này nhằm ghi lại những “điều mắt nhìn, tai nghe và tim cảm” ở Vương quốc Anh. Tác giả cũng mong rằng, sau khi đọc cuốn sách của anh, những bạn trẻ có ý định ra nước ngoài và nhất là nước Anh sẽ càng mạnh mẽ hơn khi theo đuổi dự định của mình.
Cuộc sống ở Anh hẳn có nhiều điều lạ lẫm đối với các du học sinh Việt Nam. Một trong những sự khác biệt được Hoài Sa kể tới là bạn cần phải nhớ mã bưu điện nơi bạn sống, địa điểm bạn muốn đến… Mã bưu điện ở Anh gồm hai phần: nửa đầu để định vị hướng, nửa sau để chỉ rõ khu dân cư. Nó giúp họ dễ dàng tìm thấy những ngôi nhà ở xa lắc hay lẩn khuất trong đồi một cách dễ dàng. Không những vậy, mỗi lần mua hàng, bạn phải điền đúng mã bưu điện thì bạn mới có thể thanh toán tiền hàng. Mã bưu điện giống như một lớp bảo vệ cuối cùng trong các giao dịch ngân hàng vậy.
Theo lời kể của Hoài Sa, chính con gái chú chủ nhà tốt bụng, người cho anh ở nhờ tại London trước khi tìm được nhà đã nhắc anh cần phải nhớ mã bưu điện. Cũng nhờ vậy, anh bắt đầu để ý đến những điều thú vị trong quy định ghi mã bưu điện ở Anh.
"Một lần nữa tôi đi học. Nhưng lần này không chỉ để học, tôi đi để sống những ngày mới mẻ mà không có lần thứ hai".
Một nét văn hoá khác để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng Hoài Sa là tình cảm người dân Anh dành cho Hoàng gia. Những ngày đầu đến xứ sở sương mù, Hoài Sa tự cho mình vào vai “khách du lịch cưỡi ngựa xem hoa” để khám phá mọi ngóc ngách nơi đây. Hai ngày sau lễ kỷ niệm 18 năm ngày mất của Công nương Diana, tác giả vô tình dạo bước đến công viên Hyde Park, nằm ở phía Tây trung tâm London. Anh thực sự bị choáng ngợp trước không gian rộng lớn với những hàng cây, thảm cỏ xanh mướt nơi đây.
Khi nhìn thấy vô số dải hoa tưởng niệm do người dân Anh đặt ở trước cổng cung điện hoàng gia Kensington, phía đông công viên Hyde Park, anh cảm nhận được tình cảm yêu mến mà người dân nước này dành cho không chỉ Công nương quá cố Diana mà còn với các thành viên hoàng gia. Như lời tác giả chia sẻ: “Nhiều khi con người cần một thứ gì đó để đặt niềm tin. Không phải là tôn giáo, thần thánh mà là một điều hữu hình”. Và điều hữu hình mà người dân Anh chọn đó là Hoàng gia Anh.
Vương quốc Anh muốn sử dụng hình ảnh hạnh phúc của vợ chồng Hoàng tử William - Công nương Kate, hoàng tử nhí George và công chúa nhí Charlotte xinh xắn để quảng bá văn hoá, cuộc sống của người dân nước họ. Sức cuốn hút từ trang phục thanh lịch, quý phái đến những hoạt động giúp đỡ người dân của các thành viên trong Hoàng gia khiến công dân nhiều quốc gia khác trên thế giới cảm thấy ngưỡng mộ và muốn tìm hiểu. Có lẽ vì thế, Giáo sư Mechelis tại trường Hoài Sa theo học cho rằng, nước Anh có thế mạnh về kinh doanh hình ảnh Hoàng gia.
Bằng giọng văn hài hước, Hoài Sa khiến người đọc mải miết dõi theo bước chân anh một cách hoàn toàn tự nhiên trên các nẻo đường mới lạ, thú vị ở xứ sở sương mù xa xôi. Và như mong muốn của chính tác giả, đừng chỉ đọc những gì anh viết, các bạn trẻ hãy tự tin đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình du học của chính mình.
Minh Phương