Mạng xã hội không thúc đẩy mà đang giết chết sự tranh biện
Mạng xã hội không thúc đẩy mà đang giết chết sự tranh biện
Bạn cho rằng trên Internet, con người có thể dễ dàng bày tỏ quan điểm, và cả những cá nhân dù là thiểu số nhất cũng có quyền nói lên suy nghĩ của mình và được lắng nghe? Một nghiên cứu gần đây của trường ĐH Rutgers, Mỹ đã chứng minh điều ngược lại.

Mạng Internet có thể là một công cụ hữu ích cho những nhà vận động xã hội, như ta có thể thấy những ví dụ điển hình qua trường hợp của Mùa xuân Ả Rập hay Ice Bucket Challenge. Tuy nhiên, theo như những số liệu mới nhất thì nhìn chung Internet làm hạn chế việc tham gia các hoạt động thảo luận xã hội hơn là góp phần thúc đẩy chúng.

 

 

Các mạng xã hội như Twitter hay Facebook đã đè bẹp những quan điểm trái chiều và ngăn cản việc tranh luận về các vấn đề xã hội. Theo như một báo cáo được các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, ĐH Rutgers công bố, mạng xã hội khiến người ta có xu hướng ngại bày tỏ quan điểm hơn, nhất là khi chúng ta nghĩ rằng góc nhìn của mình khác với góc nhìn chung của bạn bè.

 

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người sử dụng mạng xã hội thường xuyên có xu hướng dè dặt hơn trong việc thể hiện những quan điểm bất đồng trong thế giới thực.  

 

Có vẻ như mạng Internet đã góp phần chia tách người dân thành các cực, trong đó mọi người sẽ tập hợp lại thành từng nhóm có chung suy nghĩ với nhau và ngại nói ra góc nhìn khác của họ. Các hãng mạng, bằng cách sử dụng thuật toán để chọn hiển thị những nội dung thường được ưa chuộng, càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

 

“Mọi người sử dụng mạng xã hội để có thể tham gia vào chính trị dưới nhiều hình thức mới, nhưng giữa việc tham gia chính trị và phản biện chính sách là cả một khoảng cách lớn.”, Keith N. Hampton, giáo sư ngành truyền thông tại ĐH Rutgers và cũng là tác giả của nghiên cứu trên cho biết. "Mọi người ít có khả năng bày tỏ ý kiến hay có cơ hội tiếp xúc với phe đối lập, trong khi ở một nền dân chủ thì việc tiếp xúc đó là cần thiết.”

 

 

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm hiểu ảnh hưởng của Internet lên “sự im lặng theo hình xoắn ốc” (spiral silence), một lý thuyết chỉ ra rằng con người sẽ có xu hướng ít bày tỏ quan điểm hơn nếu như họ tin rằng quan điểm của họ khác biệt so với của bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp. Trong khi đó, nhiều người vẫn từng cho rằng Internet có thể kết nối cả những người xa lạ nhất và cho phép kể cả phe thiểu số cũng có thể cất tiếng nói có sức nặng tương tự.

 

Ngược lại, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng Internet thực ra cũng chỉ phản ánh lại thế giới thực, nơi mọi người có xu hướng tìm đến những người cùng tư tưởng với mình và tránh xa những quan điểm trái ngược. (Đó cũng là lí do mà ở những xã hội cũ, người ta thường tránh bàn chuyện tôn giáo hay chính trị tại bàn ăn tối.)

 

Internet chỉ khiến hố sâu ngăn cách đó càng thêm nghiêm trọng. Nó được sắp đặt để khiến người ta dễ dàng đọc được những ý kiến mà họ đồng tình. Nhiều khi, con người thậm chí không được phép tự lựa chọn cho bản thân. Tuần trước, Twitter cho biết họ sẽ bắt đầu cho hiển thị những tweets từ cả những người mà người dùng không follow, trong trường hợp những tweet đó đạt đủ lượng favourite nhất định từ những người mà người dùng đang follow hiện tại. Cũng mới đây nhất, Facebook cho biết họ sẽ ẩn những nội dung có một vài dạng headline nhất định. Trong khi đó, tình trạng quấy rối, đe dọa những người dám bày tỏ quan điểm trên mạng Internet vẫn tiếp tục diễn ra, đã và đang là một vấn đề gây nhiều rắc rối cho các trang mạng xã hội cùng phía người sử dụng.

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, con người vốn quen nhận được sự đồng thuận của người khác, bởi vậy liên tục tìm kiếm những căn cứ chứng minh rằng họ đang được đồng tình. Những người dùng mạng xã hội liên tục, thông qua việc đăng tải liên tục các dòng trạng thái, ảnh cập nhật, sẽ có khả năng nhận được nhiều tương tác đồng thuận hơn, bởi vậy họ lại càng ít có xu hướng phát ngôn quan điểm của mình.

 

 

Cũng trong quá trình thực hiện đề tài này, các nhà nghiên cứu đã khảo sát ý kiến của mọi người về vụ việc của cựu nhân viên tình báo CIA Edward Snowden, người đã làm rò rỉ những thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) – một vụ việc mà người Mỹ chia thành hai phe ủng hộ và phản đối tương đương.

 

Phần lớn những người được khảo sát nói rằng họ sẵn sàng bàn luận về vụ việc này trong bữa ăn tối cùng gia đình, bạn bè, một buổi mít tinh tập thể hay tại nơi làm việc; nhưng phần lớn đều từ chối việc bình luận về vấn đề này trên Facebook và Twitter. Và mức độ sẵn sàng nêu quan điểm về vấn đề trên mạng của những người sử dụng Facebook vài lần một ngày thì chỉ bằng một nửa.

 

Tuy vậy, nếu người dùng Facebook tin rằng bạn bè Facebook của họ sẽ đồng tình với quan điểm của họ về vấn đề thì mức độ sẵn sàng tham gia bàn luận của họ sẽ tăng 1.9 lần. Những người của quan điểm nhiệt thành, hoặc ủng hộ hoặc phản đối việc gài gián điệp của chính phủ, thì mức độ sẵn sàng tham gia bàn luận trên Facebook cao hơn 2.4 lần. Điều thú vị là, những người càng ít giáo dục thì lại càng thích thể hiện quan điểm trên Facebook; trong khi đó những người có học thức cao hơn lại thường giữ im lặng, nhưng sẽ chia sẻ góc nhìn của họ với nhóm gia đình hoặc bạn bè. 

 

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng trong những cuộc tranh luận trên mạng xã hội xung quanh vụ việc, phần lớn mọi người đều nói họ lấy thông tin từ TV và radio, trong khi Facebook và Twitter lại ít được lựa chọn làm nguồn tin chính

 

Những kết quả này còn nhiều hạn chế bởi những nhà nghiên cứu mới chỉ điều tra trên một sự kiện. Nhưng hãy nghĩ lại những sự vụ ồn ào trên mạng xã hội gần đây thử xem. Trong những bài đăng bạn đọc trên Twitter và Facebook từ những người bạn biết, bao nhiêu trong số đó trùng với quan điểm của bạn, bao nhiêu trong số đó là trái ngược, và liệu bạn có sẵn sàng bày tỏ tiếng nói của mình hay không?

 

Cam - Trạm Đọc (Read Station) dịch

Theo The New York Times

Tags: