Những nhà văn đương đại nổi bật
Những nhà văn đương đại nổi bật
Haruki Murakami, Margaret Atwood, Salman Rushdie... được xếp vào những tư tưởng lớn đại diện cho văn chương đương đại.

“Có những cuốn sách để chúng ta thấy tự do và có những cuốn giúp chúng ta được tự do”, triết gia, nhà thơ Mỹ Ralph Waldo Emerson nói về quan hệ giữa tư tưởng với sách vở, văn chương. Trong dòng chảy văn chương thế giới, mỗi thời kỳ, giai đoạn đều có phong cách, kỹ thuật, trào lưu đặc trưng.

 Càng lùi xa về lịch sử, các áng văn chương nổi bật đã được khẳng định, tiêu biểu cho những thời kỳ, giai đoạn như: Anh hùng và truyền thuyết, thời Phục hưng đến Khai sáng, trào lưu lãng mạn, hiện thực, văn học hậu chiến. Tuy vậy, với văn học đương thời, không dễ để nắm bắt tác phẩm nào là nổi bật, trào lưu nào đang nổi lên, nhà văn nào đại diện cho tư tưởng thời đại.

Cuốn Văn học trong bộ sách Khái lược những tư tưởng lớn đã lựa chọn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu từ năm 1970 đến nay. Trong đó, một số tác giả được dịch nhiều và được bạn đọc Việt yêu thích.

Tác phẩm tiêu biểu của Italo Calvino. Ảnh: Fb Nhã Nam.

Italo Calvino

Italo Calvino (1923-1985) là tác giả của Nam tước trên cây, Hiệp sĩ không hiện hữu, Cosmicomics, Những thành phố vô hình, Nếu một đêm đông có người lữ khách. Ông được lựa chọn như một đại diện tiêu biểu của văn chương siêu hư cấu.

Nếu một đêm đông có người lữ khách được nhận định là một trong những hiện thân hoàn hảo của tiểu thuyết siêu hư cấu, cốt truyện lôi cuốn, thách thức phương thức tự sự truyền thống, yêu cầu độc giả chất vấn quá trình đọc.

Một người “bạn” nhiều lần khởi sự đọc một cuốn sách, vì nhiều lý do mà “bạn” phải bỏ dở. Trong hành trình đọc xong cuốn sách, “bạn” gặp gỡ và phải lòng một người đọc nữ; anh ta cũng khám phá ra một âm mưu làm cho mọi sách vở trở nên vô nghĩa.

Tác phẩm của Calvino đan cài các trích đoạn từ những quyển sách tưởng tượng thuộc những thể loại hư cấu đương đại. Người đọc được dẫn vào một ma trận tự sự bởi lối kể chuyện bậc thầy.

Nhà văn Salman Rushdie. Ảnh: Getty.

Salman Rushdie

Sinh năm 1947 tại Ấn Độ, từ năm 2000 chuyển tới Mỹ, Salman Rushdie là tác giả của Ô nhục, Tên hề Shalimar, Nhà Golden… Những đứa con của nửa đêm được coi là cột mốc của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trên quy mô toàn cầu.

Trước Salman Rushdie, nhà văn Garcia Márquez là người đưa thể loại văn học hiện thực huyền ảo tới đỉnh cao. Đến Những đứa con của nửa đêm, hiện thực huyền ảo giao hòa với những đề tài hậu thuộc địa và những chất liệu Ấn Độ để làm nên dấu ấn của tác phẩm, đánh dấu hiện thực huyền ảo lan ra toàn cầu.

Saleem, nhân vật chính của tác phẩm, chuẩn bị đến sinh nhật thứ 31, tin rằng mình sắp chết. Bề ngoài, tiểu thuyết là lời của Saleem kể cho nhân vật Padma nghe về cuộc đời anh, cuộc đời cha mẹ, ông bà anh; song đây cũng là câu chuyện về cuộc tạo dựng Ấn Độ hiện đại.

Rushdie đặt bối cảnh tác phẩm một phần ở Bombay rộng lớn (nay là Mumbai), một thời là hòn ngọc của xứ thuộc địa Anh, nay đứng trước thời khắc then chốt của lịch sử; các sự kiện xảy ra cũng như biến động chính khi chính quyền Anh rời Ấn Độ sau khoảng 200 năm cai trị.

Kết hợp những yếu tố của hiện thực huyền ảo, Rushdie dệt nên tấm thảm khăng khít, rực rỡ của chính trị và những điều kỳ diệu để kể lại câu chuyện của Ấn Độ những năm đầu độc lập.

Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Murdo MacLeod/The Guardian.

Haruki Murakami

Trong thế giới phẳng, văn học cũng toàn cầu hóa. Ngày nay, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của nhiều người trên thế giới; các tác giả không bị bó buộc bởi bất cứ biên giới nào.

Với sự ảnh hưởng của văn hóa đại chúng, các nhà văn giải phóng sáng tác khỏi truyền thống địa phương, viết cho độc giả toàn cầu. Haruki Murakami được cho là đại diện của những cây bút viết cho thế giới với nhiều tác phẩm như Rừng Na Uy, Cuộc săn cừu hoang, 1Q84, Kafka bên bờ biển, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ

Tác phẩm tiêu biểu của ông là tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót. Tác phẩm chịu ảnh hưởng từ văn hóa Mỹ, châu Âu. Mở đầu tác phẩm là việc Toru Okada vừa nghe nhạc Rossini (nhà soạn nhạc lừng danh người Italy) vừa nấu pasta.

Cuốn sách là hành trình phức tạp bắt nguồn từ văn hóa phương Tây. Tuy vậy, về cốt lõi đây vẫn là câu chuyện Nhật. Trong tiểu thuyết, Murakami đã gợi lên sự xa cách của đô thị Nhật Bản hiện đại đồng thời tìm tòi lịch sử nước mình.

Nhà văn Margaret Atwood. Ảnh: Masterclass.

Margaret Atwood

Margaret Atwood (sinh năm 1939) là tiểu thuyết gia, nhà thơ, người viết tiểu thuyết người Canada. Một số tác phẩm chính của bà: Chuyện người tùy nữ, Mắt mèo, Dưới cái tên Grace, Oryx và Crake.

Với nhiều độc giả, Atwood nổi tiếng với dòng văn chương phản địa đàng qua Chuyện người tùy nữ. Song, với các tác giả của bộ Khái lược những tư tưởng lớn, bà là đại diện cho dòng văn học Gothic Nam Ontario.

Văn học Gothic vào thế kỷ 18 và 19 thường chứa đựng các yếu tố như lâu đài ma ám, kẻ phản diện bạo ngược, nhân vật nữ gặp nạn, chuyện huyền bí… Cuối thế kỷ 20, các nhà văn Canada, đặc biệt là vùng Nam Ontario, đã kế thừa và phát triển dòng văn học này.

Tay sát thủ mù là ví dụ tiêu biểu cho văn học Gothic Nam Ontario, xoay quanh ý niệm về hy sinh và phản bội, sự thật và dối trá, mưu mô và ái tình, những ranh giới giữa người sống và cái chết.

Tiểu thuyết là câu chuyện đa tầng qua lời kể cụ bà Iris Chase Griffen. Mạch truyện thứ nhất là hồi ký của Iris kể về cuộc đời mình và em gái Laura.

Mạch truyện thứ hai là một quyển tiểu thuyết khác cũng có tên Tay sát thủ mù, do Laura (em gái Iris) viết. Lồng trong tiểu thuyết của Laura là câu chuyện khoa học viễn tưởng về một tay sát thủ mù và một trinh nữ hiến tế câm.

Tác phẩm của Atwood có những đặc trưng của văn học Gothic, nhưng được cải biến: Lâu đài ma ám trở thành ngôi nhà của Iris, nhân vật nam phản diện tàn ác, nhân vật nữ bị hãm hại…

Theo Zing News

Tags: