Nhìn lại hành trình một năm đọc sách
Nhìn lại hành trình một năm đọc sách
Năm cũ qua đi, người thích đọc có dịp sắp xếp giá sách và nhìn lại những tác phẩm tâm đắc của mình trong năm 2021.

Buổi chiều cuối cùng của năm 2021, độc giả có tài khoản mạng Phùng Lâm dành thời gian để dọn dẹp tủ sách của mình. Dưới bức ảnh chụp giá sách của Phùng Lâm trên mạng xã hội, nhiều người để lại bình luận thống kê số sách mình đã đọc trong năm qua.

 Phùng Lâm cũng là một trong số gần 130.000 thành viên tham gia trong Hội yêu sách - nhóm những người thích đọc trên mạng xã hội. Mới đây, nhóm đã tổ chức minigame “Top sách hay của tôi trong năm 2021”.

Theo đó, bạn đọc có cơ hội trải lòng về những cuốn sách có ảnh hưởng bản thân trong một năm dịch bệnh vừa qua, đồng thời gợi ý cho các thành viên khác nhiều tựa sách hay và nên đọc thông qua những đoạn review sách.

Độc giả Phùng Lâm dành buổi chiều cuối cùng của năm 2021 để dọn dẹp, sắp xếp lại tủ sách của mình. Ảnh: P.L

Mỗi cuốn sách là một kỷ niệm

Nhiều bạn trẻ ngày nay có xu hướng đọc sách điện tử, sử dụng Kindle để đọc vì tính tiện ích của nó. Nhưng chính thời điểm giãn cách xã hội đã khiến một số người có sự thay đổi trong cách đọc.

Buổi chiều cuối cùng của năm 2021, độc giả Bình Ca chia sẻ trong Hội yêu sách: “Một năm đầy biến động sắp trôi qua rồi. Covid-19 đã đem đến quá nhiều sự thay đổi cho mỗi chúng ta. Từ một tín đồ của Kindle, mình đã bắt đầu trở lại với sách giấy trong những ngày giãn cách vì dịch bệnh”.

Độc giả có tài khoản mạng Truong Thu Hoai chia sẻ: “Năm nay, số sách đọc sụt giảm hơn nhiều so với các năm trước. Nhưng bù lại, mình đã đọc kỹ hơn và chọn lọc cẩn thận hơn”.

Tham gia “Top sách hay của tôi trong năm 2021”, cô liệt kê danh sách 10 tác phẩm hay đã đọc trong năm: Chiếc xe đạp mất cắpNgười mắt képChạy trời không khỏi đauBụi kíVà rồi núi vọngCuốn sách của PerleTháo gỡ phép màuOliviaKhi bố còn thơ và Hồ sơ tâm lí tội phạm.

Trong đó, có những cuốn sách được Hoài bắt đầu nghiền ngẫm từ đợt giãn cách xã hội. Thậm chí, có cuốn khi bắt đầu đọc chưa thấy có sự kiện gì đặc biệt, thế nhưng, cô cứ nhẩn nha đi đến cuối.

Đặc biệt, khi đọc Tháo gỡ phép màu (Julie Yip-Williams), Hoài chia sẻ bản thân đã “khóc ướt gối” với nhiều tình tiết trong truyện. Cuốn sách kể về người phụ nữ sinh ra với thị lực kém, suýt bị gia đình chấm dứt cuộc đời khi còn nhỏ. Nhân vật đã vượt qua gian khổ, nghèo đói, đến nước Mỹ học thành tài và trở thành luật sư, có một gia đình nhỏ ấm áp.

“Cuốn sách này là những ghi chép của chính người phụ nữ về cuộc đời mình với biết bao đau khổ lẫn hy vọng”, Truong Thu Hoai kể.

Trong danh sách 10 tác phẩm hay nhất này, Khi bố còn thơ đưa độc giả Truong Thu Hoai trở về kỷ niệm thuở ấu thơ với vui, buồn đan xen, bởi mỗi câu chuyện trong cuốn sách đều bắt đầu bằng câu nói “Hồi bố còn nhỏ”.

Sách là món ăn tinh thần

Trên nhóm Hội yêu sách, độc giả có tài khoản mạng Bùi Duy Thái cũng tham dự “Top sách hay của tôi trong năm 2021” với hình thức quay clip kèm lời viết. Với Bùi Duy Thái, minigame này đã tạo ra cột mốc và kỷ niệm đáng nhớ trên con đường đọc sách.

“Có thể nói, 2021 là năm thành công của mình trong những bước chập chững vào con đường đọc sách. Mình chọn danh sách này với tiêu chí là những cuốn sách cho bản thân những cái tát đau nhất”, Bùi Duy Thái viết.

Trong số 6 cuốn sách hay nhất năm qua, Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami) đến với độc giả Bùi Duy Thái vào thời điểm chông chênh cả về tâm trạng lẫn tình hình đời sống xã hội. Nhưng cuốn sách đã đem đến món ăn tinh thần thoải mái, hữu ích cho Thái trong suốt quãng thời gian đó.

Hay như cuốn Tôi là ai, là ai (Trịnh Công Sơn và nhiều tác giả khác), Bùi Duy Thái thấy ở đó “một tâm hồn thanh khiết nhưng vẫn rất người, rất da thịt".

"Quan điểm của người nhạc sĩ này thay đổi một cách ôn hòa hơn qua tháng năm. Qua đó, mình thấy rõ hơn về một thời tuổi trẻ, về cách ông nhìn nhận cuộc đời qua những lần trắc trở. Cuốn sách đã góp phần không nhỏ để xây dựng một nhân sinh quan nhỏ bé cho mình, giúp mình có niềm tin yêu cuộc sống đẹp đẽ này”, Bùi Duy Thái cho hay.

Bên cạnh những tác phẩm nước ngoài như Hiệu sách nhỏ ở Paris (Nina George), Mình nói gì khi mình nói chuyện tình (Raymond Carver) hay Hành trình về phương Đông (Blair.T. Spalding), “Top sách hay của tôi trong năm 2021” của Bùi Duy Thái còn có Người chết thuê (Cao Thái Cường).

Độc giả này chọn đọc tác phẩm trên vì trăn trở trước câu hỏi: “Không biết văn học đương đại Việt Nam bây giờ viết về điều gì? Các tác phẩm học ở trường đa số là những tác phẩm cũ”.

Thái kể khi lên lớp 10, phải đi xa, gặp bạn mới, ở môi trường mới với nhiều điều bỡ ngỡ. Thời gian đó, cậu học trò tranh thủ đọc lại Người chết thuê trong những giờ ra chơi, giờ sinh hoạt và những buổi trưa ở nhà trọ gần trường.

“Có thể nói, mình đến với cuốn sách này và đồng hành cùng nó là một cái duyên. Nó gắn bó với mình suốt hai năm qua. Cuốn sách có đầy đủ những gì mình đang trải qua, hoang mang, hỗn loạn, yên bình, nhớ nhung, ấm áp, tươi tắn... của một tuổi trẻ ngu ngơ”, Bùi Duy Thái tâm sự.

Cũng như Thái, nhiều cuốn sách đến với người ham đọc khác như một cái duyên. Những người phụ nữ bé nhỏ đến với độc giả có tài khoản mạng Trang Trang bằng sự tình cờ đó.

Điều khiến Trang Trang ấn tượng nhất trong cuốn sách này là chi tiết mỗi ngày, các thành viên trong gia đình đều ngồi lại với nhau. Mỗi người kể ra một bí mật hoặc một điều họ gặp phải, để tất cả cùng đưa ra ý kiến đánh giá hoặc cách giải quyết. Sau đó, mẹ sẽ là người cuối cùng đưa ra những lời khuyên đúng đắn nhất.

“Những ngày cuối cùng của năm cũ lạnh tê tái, mình nôn nóng kết thúc công việc để nghỉ lễ về đoàn tụ với gia đình. Thần giao cách cảm nào đó đưa đôi tay chọn đọc cuốn sách này, đúng chủ đề gia đình. Từng trang như dẫn lối trôi về thời niên thiếu, nơi ấy có ông bà, bố mẹ, các em, có những tiếng cãi cọ không dứt xen lẫn tiếng cười hết ngày này tháng khác”, Trang Trang chia sẻ.

Theo Zing News

Tags: