Apple đã hết thời
Apple đã hết thời
Nó đang trở thành Microsoft mới.

Tuần vừa rồi, Apple ra mắt iPhone 7.

Và nó không phải là điều gì đó quá ấn tượng, khi mà những nâng cấp mới nhất của iPhone 7 là màu sắc mới, chống nước và không còn jack cắm tai nghe. Không có gì chấn động.


Nhìn chung, iPhone 7 sẽ là một thiết bị di động tuyệt vời, nhưng đó không phải điều để nói, bởi các sản phẩm của Apple đều có chất lượng cao. Điều đó đã được trông đợi từ trước.


Điều đáng nói là Apple không còn tính đột phá sáng tạo. Yếu tố bất ngờ đã không còn. Liệu còn có ai xếp hàng qua đêm để chờ mua những chiếc iPhone 7? Liệu làm vậy có còn là thời thượng? Câu trả lời là không.


Tại sao ư? Vì Apple đã "chín".


Apple đã đạt tới ngưỡng của nó được một thời gian trước ngày ra mắt iPhone 7.

 

Quả táo chín (Peak Apple)


Những dấu hiệu cho thấy Apple đã đụng trần đã rải rác xuất hiện từ lâu.


Bạn có thể nhìn thấy từ doanh số, năm nay là năm đầu tiên đánh dấu sự sụt giảm trong lượng iPhone bán ra kể từ khi dòng sản phẩm của Apple ra mắt vào năm 2007.

 



(Theo BusinessInsider)

 

Hoặc có lẽ Apple đã đạt đỉnh khi mà nó bỏ ra 5 tỉ USD xây dựng trụ sở "Spaceship" với kích thước to như Lầu Năm Góc ở Cupertino. Charles Hugh Smith từng viết: “Khi mà các ngân hàng xây dựng trụ sở mới hoành tráng, đó thường là điểm đánh dấu thời kì thịnh vượng nhất mà nó đạt được. Trong đó có chút sự kiêu ngạo như là các công ti muốn gào lên rằng:"Chúng ta giàu nứt đố đổ vách rồi!".



The Spaceship, dự kiến mở cửa vào 2017

 

Có lẽ chúng ta nên nhận ra những sự thay đổi ở Apple khi mà con át chủ bài gần đây nhất của họ là Apple Watch, một sản phẩm kém xa những thiết bị mang tính cách mạng mà Apple từng tung ra trong quá khứ. Apple Watch tiện dụng nhưng không càn thiết và là một phụ kiện rườm rà của iPhone, không phải là một sự đổi mới đột phá độc lập mà chúng ta quen thuộc.

 

Apple sản xuất Apple Watch và xây dựng Spaceship là một công ti hoàn toàn khác với Apple của thập kỉ trước.


2001–2010: Cuộc Cách mạng Apple


Trong vòng chỉ 8 năm 3 tháng, Apple cho ra mắt 3 sản phẩm lớn đã thay đổi thế giới.


23 tháng 10, 2001: iPod, với khả năng chứa hàng ngàn bài hát, nó đã thay đổi hoàn toàn ngành âm nhạc. Nó dần dần loại bỏ ngành công nghiệp đĩa CD và mở ra thời đại số cho âm nhạc, ảnh và video. iPod không phải là máy chơi nhạc MP3 đầu tiên, nhưng nó là cái đầu tiên tạo ra sự khác biệt.

 

9 Tháng 1, 2007: Steve Jobs giới thiệu iPhone, đánh dấu buổi bình minh của kỉ nguyên smartphone. iPhone khuất phục mọi đối thủ như Blackberry, Nokia, Motorola, Palm hay bất kì công ti nào có ý định phát triển smartphone vào thời điểm đó. iPhone là thiết bị đầu tiên khiến cho màn hình cảm ứng hoạt động trơn tru, và mặc dù nó không phải là chiếc smartphone đầu tiên, nhưng nó sẽ là thứ đầu tiên được nhớ đến.

 



27 tháng 1, 2010: Dù điều kiện sức khỏe suy giảm rõ rệt, Steve Jobs vẫn lèo lái con thuyền Apple, công bố ra mắt sản phẩm iPad. Và thế là bỗng nhiên tất cả mọi người bị thuyết phục rằng họ cần máy tính bảng. Mặc dù iPad đạt ngưỡng doanh số vào năm 2013, và chưa bao giờ đạt được thành công lớn như iPhone, iPad là máy tính bảng đầu tiên mà hầu hết mọi người sở hữu mặc dù sản phẩm máy tính bảng đã xuất hiện trên thị trường từ năm 1989.

 


Khi mà Steve Jobs đem đến cho thế giới iPod, iPhone và iPad - cùng với Macbook và iMac - ông đang nói với thế giới công nghệ: "Các bạn làm sai hết rồi. Đây, hãy để tôi chỉ cho bạn sản phẩm nên được làm như thế nào."


Apple tiếp theo


Câu hỏi lớn là, làm thế nào để xác định xem thực hiện điều gì tiếp theo. Những sản phẩm đột phá trước đây của Apple nằm trong những thị trường đã có sẵn nhưng còn mới và chưa phát triển. Máy chơi nhạc, điện thoại và máy tính bảng đều là những sản phẩm tiềm năng, nhưng chưa bao giờ được thực hiện tử tế trước khi Apple bắt tay vào.


Chiến lược của Apple không phải là làm sản phẩm đầu tiên, mà là làm sản phẩm tốt nhất.


Với tinh thần đó, có lẽ sản phẩm đột phá tiếp theo của công ti là Apple Car, được đồn đoán là xe điện ("Project Titan") dự kiến ra mắt vào 2020. Liệu Apple có lên kế hoạch tái thiết ngành công nghiệp ô tô? Nếu Steve Jobs còn sống, tôi tin chắc rằng ông sẽ tìm được cách nào đấy. Nhưng tôi cũng chắc rằng Jobs sẽ rất thận trọng về việc có tham gia vào thị trường này hay không trước đã. Ý tưởng Apple thống lĩnh ngành công nghiệp ô tô nghe viển vông như chuyện Mercedes-Benz tái cấu trúc sản phẩm smartphone vậy.
iPhone khó lòng là nền tảng cho cú hích tiếp theo của Apple. iPhone đã to dần hết mức có thể, thứ gì mà còn lớn hơn thì sẽ biến thành máy tính bảng rồi.


Với mỗi năm trôi qua, smartphones sẽ có camera tốt hơn, màn hình vững chắc hơn, bộ xử lý nhanh hơn. Nhưng kể cả những nâng cấp lớn được dự báo như là bộ nhớ hàng Terabyte, pin dài hàng tuần, tích hợp máy chiếu… cũng không làm thay đổi các yếu tố cốt lõi của điện thoại di động như cái cách mà iPhone đã làm.


Sản phẩm đột phá tiếp theo của thế giới nhiều khả năng không phải là smartphone, và cũng khó mà là Apple Car. Vậy thì nó sẽ là thứ gì, và đến từ đâu?


Mong muốn đột phá tiếp theo? Hãy tìm kiếm ở chỗ khác


Tháng 1 năm 2017 sẽ đánh dấu 7 năm kể từ ngày cuối cùng Apple có sản phẩm ra mắt đột phá. Kết luận sau là không thể tránh khỏi: sẽ chẳng còn Sản Phẩm Đột Phá Lớn Tiếp Theo Của Apple nữa.


Điểm qua danh sách cho những sản phẩm đột phá tiềm năng, chẳng có cái nào là sự đầu tư của Apple, kể cả những vụ được đồn thổi.


Ứng viên tiềm năng sáng giá là sản phẩm thực tế ảo Oculus của Facebook, hay thiết bị tích hợp Google Glass.


Ai sẽ thuyết phục chúng ta về chíp điện thoại cấy vào não? Ai sẽ là người hoàn thiện công nghệ mô phỏng hình ảnh 3D?


Apple sẽ là người chơi trong một số ngành công nghệ của tương lai kể đến ở trên, khi mà nó vẫn đang là công ti lớn nhất và nổi tiếng nhất. Nhưng không có Steve Jobs, tôi không thể thấy Apple tạo ra sự cách mạng nào. Những bước nhảy đột phá trong các sản phẩm trên sẽ đến từ những công ti không mang tên Apple.


Đến một điểm nhất định, các công ti ngừng trở nên sáng tạo thật sự. Họ đánh mất lửa cạnh tranh và sợ mạo hiểm - họ mong muốn duy trì hơn là mở rộng. Khi bạn nghèo đói, bạn chấp nhận rủi ro. Khi bạn đã no bụng, bạn sẽ tránh mọi nguy cơ có thể. Với những sản phẩm cốt lõi đã được thực hiện và thị trường đã trở nên bão hòa, Apple chỉ có thể cải thiện chất lượng sản phẩm từng chút một và cố gắng giữ thị phần của mình; mua lại các công ti nhỏ là phương pháp thay thế cho việc tự sáng tạo.


Đó là Apple bây giờ - Microsoft mới.


Microsoft mới nghĩa là gì?


Microsoft là cục cưng của bong bóng công nghệ những năm 90. Cổ phiếu của nó tăng giá 9500% trong thập kỉ đó, một sự tăng trưởng thần kì cho công ti đã biến máy tính thành sản phẩm đại chúng. Vào đầu năm 2000 công ti của Bill Gates là lớn nhất thế giới, vượt qua các biểu tượng như General Electric, CocaCola hay IBM. Ở đỉnh cao, Microsoft trị giá đến 900 tỉ USD (tính thêm lạm phát đến thời điểm hiện tại), cao hơn cả 700 tỉ của Apple vào năm 2015.


Vào tháng 1 năm 2000, khi Bill Gates lùi xuống khỏi vị trí quản lí, cổ phiếu Microsoft ở mức 58USD, ngày nay nó là 57USD. Microsoft đã dậm chân tại chỗ đến 17 năm.


Bởi vậy một khi Microsoft đạt tới đỉnh cao, các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm một "Microsoft tiếp theo" với sản phẩm thay đổi thế giới. Các nhà đầu tư muốn các công ti đang phát triển chứ không phải các công ti đã hoàn thiện.


"Microsoft tiếp theo" thành ra là Apple, có lẽ là một trong những câu chuyện về thành công tuyệt vời nhất trong thế kỉ 21. Từ 2000 đến 2015, cổ phiếu của Apple tăng trưởng 12000%. Thế nhưng trong 4 năm trở lại đây nó chỉ tăng 11.6%. Mọi thứ Apple làm từ năm 2012 chẳng đáng kể gì đối với những nhà đầu tư.


Như Microsoft vào những năm 90, mọi hành trình vĩ đại cuối cùng rồi cũng đến một kết thúc.


Nhưng là Microsoft mới không phải là hoàn toàn tồi tệ. Microsoft vẫn giữ vị thế là một trong những công ti lớn nhất thế giới với giá trị thị trường 449 tỉ USD. Vấn đề là Microsoft thì trì trệ và chẳng tiến tới đâu. Tương lai giống như vậy đang chờ đợi Apple, giống như Microsoft vào năm 2000, không còn khả năng phát triển.


Dĩ nhiên, mọi người vẫn sẽ tiếp tục mua iPhone, nhưng Apple sẽ không còn là một thương hiệu mang tính văn hóa như nó từng là. Sản phẩm của nó đang trở nên quá phổ biến. Apple không còn là một biểu tượng đẳng cấp bởi vì giờ đây ai cũng có iPhone. Bạn từng được coi là chất nếu bạn sở hữu máy tính Windows vào năm 1996, cũng như bạn được coi là chất khi có iPhone vào năm 2010. Nhưng giờ thì không vậy nữa.


Điều làm Apple khác biệt với các đối thủ cạnh tranh trong quá khứ là Steve Jobs, và đến giờ không thể phủ nhận được sự ảnh hưởng của ông. Apple chỉ có thể kế thừa thành tựu và thương hiệu mà Jobs đã gây dựng, nhưng khó làm được gì hơn. Khi mà thời gian trôi qua và hào quang của Jobs mờ nhạt dần, Apple sẽ càng ngày càng tầm thường.


Jobs như là ngôi sao vụt sáng xuyên bầu trời đêm. Tài năng siêu việt của ông, đáng tiếc là lại ngắn ngủi. Hàng triệu người đã từng yêu thích sản phẩm của Apple vì sự cải tiến và biến chuyển thế giới mà nó đã từng đem lại, nhưng ngày đó đã qua. Giờ đây chúng ta phải nhìn về phía trước hướng tới những làn sóng đột phá mới.


Khi mà Bill Gates đem Microsoft đến cho thế giới, và Steve Jobs đem đến Apple, Microsoft và Apple sẽ không đem lại một Bill Gates hay Steve Jobs tiếp theo. Tương lai của giới công nghệ thuộc về những công ti khởi nghiệp non trẻ.


Họ, không phải Apple, sẽ cho chúng ta những đột phá lớn tiếp theo.

 

Nguồn: Hackermoon

Tags: