Đừng để mình
Đừng để mình "lạc trôi" vào những sáng Chủ nhật
Chủ nhật luôn là thời điểm được yêu thích nhất trong tuần vì đó không chỉ là lúc ta sạc pin cho tuần tới làm việc thật hăng say, hứng khởi mà còn là dịp để khám phá những khía cạnh ẩn sâu trong con người mình.

Nếu là ngày trong tuần thì có lẽ giờ bạn đã ra khỏi nhà rồi, nhưng hôm nay bạn vẫn đang nằm trên giường. Bạn có thời gian để chú ý tới những tia nắng xuyên qua khe hở trên rèm cửa sổ. Bên ngoài tĩnh lặng hơn thường lệ; tiếng xe cộ trên đường bỗng tắt. Cuối phố vọng lại tiếng sập cửa xe ô tô. Hôm nay không có nhiều việc lắm. Bạn có thể ngâm mình trong phòng tắm. Bình thường, bạn sẽ tranh thủ kiểm tra điện thoại khi đánh răng, nhanh chóng lướt qua các tin nhắn gửi tới từ tối qua, đầu óc nhanh chóng bắt kịp với những gì cần ưu tiên trong ngày khi đang vội vàng mặc nhanh quần áo để đi làm.
Sáng nay, những điều đó đã chẳng còn là vấn đề nữa. Trong chốc lát, bạn được giải thoát khỏi áp lực thời gian, không cần phải bắt kịp mọi thứ. Không ai chờ đợi bạn hoàn thành điều gì cho tới sáng hôm sau. Bên ngoài cửa sổ, những áng mây trôi chậm, thật chậm. Có lẽ chiều nay sẽ mưa. Kia là chiếc áo khoác bạn mua ở Edinburgh và đã lâu lắm rồi bạn không mặc nó. Bạn có thể tạt vào một quán cà phê, cầm theo một cuốn sách hay cuốn nhật ký của mình, ăn món trứng chưng với rau chân vịt; sau đó có lẽ sẽ thật tuyệt nếu vào công viên đi dạo và ngắm đàn vịt bơi lội ngoài hồ.

 


Bạn có thể ví bản thân như một quốc gia (mỗi khía cạnh tính cách tương đương một khu vực trong quốc gia đó). Có rất nhiều “khu vực” tạo nên con người bạn: con người của công việc, con người ở nhà, một con người khác khi trò chuyện với bố hay hình ảnh bản thân thoáng hiện trong bức hình về những con vịnh hẹp ở Na Uy. Bạn không cần tới “thăm” những khu vực đó đều đặn, thường xuyên. Thực tế, chúng ta thường có xu hướng chỉ tập trung chú ý vào một vài "khu vực" mà thôi còn những nơi khác gần như bị lãng quên hoặc không được phát triển. Một số khác còn không được biết tới: những khu vực tiềm năng chưa được khám phá, nơi con người có thể (nếu có cơ hội) trồng rau, học tiếng Ý, nhảy rumba hay là say mê những căn biệt thự do Le Corbusier* thiết kế. Đó là những “tỉnh thành xa xôi” trong mỗi người. Chủ Nhật là thời điểm của khám phá, là lúc ta phát hiện được những gam màu khác của bản thân mà chưa từng để ý đến. Chúng ta chú ý tới những phần ngoài rìa cuộc sống theo một lẽ tự nhiên và cũng theo kỳ vọng của mọi người.

 


Rất lâu trước đây, đặc biệt là trong xã hội phương Tây, ý tưởng về ngày Chủ Nhật được gắn liền với tôn giáo. Đó là cách những người theo Thiên Chúa giáo phỏng theo ngày lễ Sabbath của người Do Thái: một ngày dành cho Chúa. Sự thông thái của khái niệm tôn giáo truyền thống về ngày Chủ Nhật chính là tạo ra các giới hạn, các điều cấm kị nhằm đảm bảo rằng ngày Chủ nhật là ngày nghỉ. Doanh nghiệp đóng cửa; cửa hàng, nhà hát, và các quán bar cũng vậy; lịch tàu cũng bị cắt ngắn đi. Mục đích của điều này không phải khiến ngày Chủ nhật không còn vui vẻ nữa mà để chắc chắn rằng bạn có thời gian rảnh rỗi cho những việc khác ngoài những thú vui tiêu khiển. Những quy tắc tập thể như vậy phần lớn nay đã biến mất nhưng chúng vẫn mang tầm quan trọng nhất định: khoảng thời gian nghỉ ngơi cần được bảo vệ. Ai đó có thể chọn rút khỏi cuộc sống số, không đọc báo, không lấp đầy cả ngày với những việc hành chính thường lệ. 

Một khía cạnh khác của ngày lễ Sabbath truyền thống chính là những kỳ vọng “đấu đá nhau” quanh những điều bạn bận rộn làm trong khoảng thời gian 24 tiếng - một ngày dài, nhưng không vô tận. Chúng ta không được lãng phí và nên dùng thời gian đó cho việc đi nhà thờ, đến với các nghi lễ được tổ chức cuối tuần. Các nghi lễ này được được tạo ra để hướng con người tới những câu hỏi quan trọng nhưng thường bị cho là thứ yếu: Ta đang làm gì với cuộc đời mình? Các mối quan hệ của ta tiến triển như thế nào? Ta trân trọng điều gì và tại sao? Ý tưởng về ngày Chủ Nhật ban đầu chỉ được gói gọn trong phạm trù tôn giáo. Nhưng hóa ra, tầm cần thiết của nó lại hoàn toàn vượt ngưỡng.
Niềm vui thế tục của sáng Chủ Nhật không đơn thuần là thư giãn và tự do mà còn liên quan tới một cảm giác (có thể thường không rõ ràng lắm) là chúng ta có cơ hội kết nối với những tầm nhận thức rộng lớn hơn về cuộc sống.

 


Chúng ta hi vọng có thể quay lưng với những vấn đề hiện tại một lúc để hướng tới những điều cao quý, tĩnh tại và vĩnh hằng. Nói cách khác, chúng ta đang với tới tầm nhận thức cao hơn. Thường thì, con người hay chìm đắm trong những viễn cảnh thực tế, không có tính hổi tưởng, viễn cảnh mà được gọi là dấu hiệu nhận thức “thấp”. Vào những lúc như vậy, thế giới hiện ra với dáng vẻ thật khác : đó nơi của những nỗ lực sai hướng và đau khổ, đầy những con người cố gắng cật lực để được lắng nghe và chỉ trích lẫn nhau, nhưng đó cũng là nơi của tình người và khát khao, của cái đẹp và tính mong manh, xúc động. Câu trả lời hợp lý hơn cả chính là thế giới của tấm lòng tử tế và cảm thông với vạn vật. Chúng ta bớt coi trọng vật chất và dần trầm ngâm chiêm nghiệm. Chúng ta gạt những mối quan tâm đời thường sang một bên và hòa mình với thiên nhiên hay những điều chỉ xuất hiện trong chốc lát: cây cối, gió, một con thiêu thân, những áng mây hay những con sóng xô bờ. Theo quan điểm đó, địa vị không là gì cả, quyền sở hữu không quan trọng, việc than phiền không còn cấp bách nữa. Nếu có những người nhất định bắt gặp ta tại thời điểm đó, có lẽ họ sẽ ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi của chúng ta, với sự cảm thông và hào phóng mới mẻ chúng ta có.
Những trạng thái nhận thức cao hơn, tất nhiên là ngắn ngủi một cách đáng tiếc. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên cố gắng giữ trạng thái này vĩnh viễn, bởi vì nó không phù hợp với rất nhiều công việc thực tế quan trọng mà ta cần để tâm. Nhưng chúng ta nên tận dụng tối đa điều này khi trạng thái này xuất hiện, và khai thác cái nhìn thấu đáo cho những thời điểm chúng ta cần nó nhất. Một phần quan trọng trong niềm vui của sáng Chủ Nhật chính là việc chúng ta nhận ra đó là một thời điểm hiếm hoikhác biệt thế nào.

*Le Corbusier (6 tháng 10 năm 1887 – 27 tháng 8 năm 1965) là một kiến trúc sư người Thụy Sĩ và Pháp nổi tiếng thế giới. Ông là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của trào lưu Kiến trúc hiện đại của thế kỉ 20. Tháng 7/2016,bảy công trình của ông được ghi vào danh sách các kỳ quan thế giới của UNESCO là “Đóng góp vĩ đại đối với phong trào hiện đại”.

Trạm Đọc

Theo The Book of Life