Trích đoạn cuốn sách "Khởi nghiệp từ khốn khó" độc quyền đăng trên Trạm đọc
---
Tôi thấy chán ngán... mệt mỏi vì hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng trăm nghìn cuốn sách viết về kinh doanh nghe thì hấp dẫn mà nội dung chẳng có gì. Phần lớn chúng nên được tóm gọn lại trong một vài trang nội dung đáng giá. Còn lại thì bỏ đi làm giấy vệ sinh cũng được.
Thật khó mà kể hết có bao nhiêu cuốn sách tôi đã đọc và cảm thấy “tẻ nhạt” đến mức cuối cùng đành gác chúng sang một bên. Chỉ có vài cuốn sách về kinh doanh là thật sự thú vị và đáng đọc từ đầu tới cuối.
Mục tiêu của tôi trong cuốn sách này là mang đến sự khác biệt và vượt trội hơn hẳn những cuốn sách viết về đề tài kinh doanh truyền thống cùng những tài liệu học thuật được sử dụng trong các tổ chức giáo dục, khác biệt và hấp dẫn từ những chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng. Sẽ không có những khái niệm lỗi thời cũng như bất cứ “phương pháp luận thực hiện kinh doanh tối ưu” nào trong cuốn sách này.
Cuốn sách được khơi nguồn từ một nền tảng cốt lõi. Tôi đã dành toàn bộ tâm huyết, kinh nghiệm và nguồn lực để biến cuốn sách thành một cẩm nang hữu ích nhất cho bạn. Và bạn chính là người quyết định liệu nó có thật sự hữu ích hay không.
Cuốn sách này nói về việc hiện thực hóa, loại bỏ những kẻ hoài nghi và tiến hành hành động.
Thứ nào bạn càng có ít thì càng trở nên quan trọng và bạn cần sử dụng nó khôn ngoan hơn. Điều này đúng với mọi thứ – tình yêu, thực phẩm, tiền bạc và thậm chí (hoặc đặc biệt) là giấy vệ sinh.
Đã bao giờ bạn đi vệ sinh xong xuôi thì nhận ra hết giấy không? Đừng phủ nhận! Bạn biết rõ tôi đang nói gì. Mẩu giấy vệ sinh còn sót lại vắt vẻo trên lõi giấy như đang thách thức, chế giễu bạn vậy.
Đây là một tình huống không hấp dẫn chút nào. Chỉ có hai hoặc ba lựa chọn. Bạn có thể gọi trợ giúp, CÁCH NÀY thì quá xấu hổ, nhưng cũng là một lựa chọn. Đương nhiên bạn có thể hạ mình, bỏ qua sự xấu hổ và cầu mong tìm thấy một cuộn giấy ở gần đấy. Điều đó thật kinh khủng, nhưng cũng là một lựa chọn. Lựa chọn cuối cùng, thường là lựa chọn tốt nhất, xử lý bằng những gì bạn đang có. Và khi áp dụng đầu óc kinh doanh vào giải quyết vấn đề, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra mình có nhiều hơn ba mẩu giấy.
Đây là hướng dẫn chi tiết. Bạn chọn phương án cuối cùng và quyết định nỗ lực thực hiện. Hãy thành thực: bạn có tiếng là sử dụng nhiều hơn ba mẩu giấy. Bạn sẽ thấy thứ gì đó bạn có thể… chờ một phút. A ha!!! Đúng vậy! Thùng rác! Giống như huấn luyện viên thể dục xuất sắc đang biểu diễn một cú xoay hai tay trên bục gỗ với đôi chân giang rộng, bạn đứng dậy và bước rộng hai chân ra. Chỉ… vừa đủ… rộng. Chân run lên vì sức căng, bạn liều mình móc ngón chân vào thùng rác và bắt đầu kéo. “Lại đây nào, lại đây nào”, bạn nhắc đi nhắc lại câu đó trong đầu.
Đã tới lúc kiểm tra kho báu mới tìm được: Một cái khăn xì mũi đã dùng. Tốt, rất tốt. Một cái tăm bông. Ồ, thật dã man! Có thể dùng được, nếu bắt buộc. Một vài miếng bông gòn. Được rồi, vẫn có thể xử lý. Và… chỉ nha khoa? Không đời nào! Bạn từ chối luôn chỉ nha khoa. Vậy là với ba mẩu giấy vệ sinh, vài miếng bông gòn, chiếc khăn giấy đã dùng và một ít chỗ sạch sẽ quanh cái tăm bông, bạn bước ra ngoài tươi như hoa, sẵn sàng đối mặt với thế giới. Đương nhiên, bạn không bỏ thêm giấy vệ sinh mới cho người tiếp theo. Hãy để họ tự xoay sở!
Câu chuyện không kết thúc ở đây. Lần tới khi vào nhà vệ sinh, bạn lập tức kiểm tra. Thấy có sẵn giấy, nhưng bạn xé thật ít. Dù vậy, chỉ vài tuần sau “sự cố hết giấy”, bạn quay về với cách hành xử cũ không mảy may suy nghĩ về việc đã từng bị rơi vào cảnh thiếu thốn như vậy. Chắc chắn, trước khi bạn lại rơi vào cảnh quần tụt xuống mắt cá chân và một cuộn giấy trống trơn, hãy cầu nguyện rằng lần này mình sẽ phải dùng tới chỉ nha khoa.
Bạn có nhận thấy những bài học khởi nghiệp đáng ngạc nhiên ở đây không? Trong những hoàn cảnh thử thách nhất, những khoảnh khắc trần tục nhất, chúng ta chứng minh được khả năng vô tận của mình trong việc lôi “những điều kỳ diệu” ra khỏi đống rác. Khi không thể đơn giản là đứng dậy và bước đi, chúng ta sẽ tìm được cách để hoàn thành công việc. Với ba mẩu giấy, một vài phế phẩm trong thùng rác và có thể là một cuộn bìa cứng đã bị xé nát, điều bất khả thi lại trở nên rất khả thi.
Khả năng thận trọng, suy nghĩ chín chắn và sáng tạo của chúng ta khi khan hiếm các nguồn cung thật sự rất đáng kinh ngạc. Nhưng thật trùng hợp là chúng ta sẽ nhanh chóng sử dụng và lạm dụng các nguồn lực khi biết mình có quá nhiều. Vấn đề ở đây chính là cách đầu óc chúng ta vận hành. Khi biết có sự dư dật trong một tình huống cụ thể (ví dụ, một cuộn giấy vệ sinh đầy), chúng ta chuyển hiểu biết này thành một nhận thức cẩu thả về sự dư thừa bất tận (ví dụ, một nguồn cung giấy vệ sinh vô tận ngay trong tầm với). Vì vậy, chúng ta lãng phí những gì mình có. Thậm chí tệ hơn, chúng ta không thèm kiểm tra để đảm bảo nó sẽ không hết. Chúng ta cứ mặc định rằng nó sẽ ở đó. Chúng ta ngồi xuống, làm việc của mình và SAU ĐÓ chẳng túm được thứ gì cả. Chết tiệt! Chuyện tồi tệ ấy lại xảy ra.
Bây giờ, sẽ ra sao nếu lần nào bạn ngồi xuống cũng chỉ có ba mẩu giấy vệ sinh còn lại? Khi thấy các nguồn lực luôn ít ỏi, bạn sẽ nhanh chóng thiết lập thói quen cẩn thận khi đi vệ sinh. Bạn sẽ phải đảm bảo thùng rác ở trong tầm với trước khi bắt đầu ngồi xuống. Bạn thậm chí còn thay đổi hành vi nhằm duy trì lâu dài những gì mình có, có thể tạo ra các “điểm dừng” khác trước khi trở về nhà. Lối tư duy, sự tập trung và hành động của bạn sẽ cùng thay đổi khi lường trước được việc có ít nguồn lực hơn để làm việc hoặc lau chùi.
Thành công của bạn hoàn toàn được quyết định bởi khả năng thoát khỏi lối mòn tiếp cận duy nhất mà tất cả những người khác đang làm. Thành công của bạn hoàn toàn được xác định bởi cách bạn vận dụng đầu óc, quản lý các nguồn lực quan trọng và quyết đoán hành động nhằm đạt được điều “bất khả thi” với nguồn lực truyền thống rất ít ỏi. Thành công ấy cũng không được xác lập bởi việc từ bỏ và chờ có thêm giấy mới, mà bởi việc tiến lên với những gì mình có. Những người quyết định thông tỏ hiểu biết này và vận dụng nó vào công việc của mình, là những người đáng tự hào: những doanh nhân giấy vệ sinh- DNGVS!
DNGVS KHÔNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ TƯ DUY THÔNG THƯỜNG
DNGVS không dành cho những người dễ nản lòng (hoặc cho những ai bụng dạ kém). Cuốn sách này dành cho những ai khao khát thành công trong kinh doanh, quyết tâm dù biết việc đó sẽ khó khăn. Nó KHÔNG dành cho những người muốn “thử” điều mới lạ chỉ để xác định tất cả các “vấn đề” và từ đó chứng minh họ đã đúng từ đầu. Bạn biết mình là ai. Và cuốn sách này chắc chắn không dành cho người nghĩ rằng chỉ cần một cuốn sách hay chuỗi tài liệu nào đó là có thể biến họ từ nghèo khó thành giàu có.
Cuốn sách này dành cho những người muốn thách thức hiện trạng. Nó dành cho người biết học hỏi, sử dụng những gì đã học được để khai thác thế mạnh của bản thân và sau đó nỗ lực với tất cả những gì mình có. Quan trọng nhất, cuốn sách này dành cho những người dám chịu trách nhiệm hoàn toàn về thành công hoặc thất bại của chính mình. Thành công trong kinh doanh không phải là việc luôn làm đúng, mà là sự quyết tâm. Vậy, bạn muốn mình luôn đúng hay muốn thành công? Tôi chọn thành công.
THÀNH CÔNG CỦA BẠN PHỤ THUỘC VÀO BẠN
Sự an toàn của sự nghiệp dài lâu với một công ty lớn đã biến mất từ lâu với hơi thở cuối cùng của Enron. Sự an toàn, niềm vui và mọi phần thưởng đều hiện hữu trong thế giới kinh doanh. Hãy nghĩ về điều này: Bạn không thể tin tưởng hay phụ thuộc vào bất kỳ ai ngoài chính mình. Và tôi dám cá bạn vốn đã có tất cả các kỹ năng cần thiết để bắt đầu – có thể bạn chỉ cần nhận thức tốt hơn về những gì mình đã có, cũng như một cú đá đít thật mạnh. Đó là công việc của tôi.
Đã đến lúc bạn cần nghe sự thật chứ không phải những lời bọc đường vô nghĩa hay công thức để đạt được thành công nhanh chóng. Việc khởi sự và xây dựng một công ty vô cùng khó khăn. Nó đáng sợ, tốn thời gian, dễ gây nản lòng và đôi khi làm xói mòn cả cuộc đời bạn. Chân thành mà nói, bạn có thể làm tổn hao và hủy hoại bản thân trên góc độ tài chính. Nhưng thảm họa tài chính sẽ thường không xảy ra nếu bạn không ngừng theo đuổi thành công của mình. Nếu biết tận dụng các thế mạnh, bạn có thể tạo ra một công ty nuôi dưỡng cả tâm hồn lẫn ví tiền của bạn, khiến bạn vui vẻ và tự do. Nếu bạn có đích đến, cuốn sách này chính là bản đồ đưa bạn đến đích đó.
Tôi không thể bước đi thay bạn. Bạn phải sẵn lòng thử những điều mới, thúc đẩy vượt qua các giới hạn được vạch ra cho bản thân và phát triển. Trách nhiệm với việc kinh doanh nằm trên đôi vai bạn. Những kẻ ngoan ngoãn phục tùng một ngày nào đó có thể được kế thừa thế giới nhưng họ chắc chắn không thể trở thành doanh nhân.
Trải qua hành trình xây dựng ba doanh nghiệp của riêng mình từ con số 0, hợp tác mở ra nhiều doanh nghiệp và nghiên cứu hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp khác, tôi đã phát hiện ra các điểm tương đồng ở những công ty thành công, tôi sẽ chỉ ra trong cuốn sách này. Trước tiên, tôi sẽ nói cho bạn biết một điều chắc chắn không phải là lối tư duy thông thường. Vì thế hãy phớt lờ những gì bạn đã được dạy ở trường kinh doanh, quên đi những gì bạn nghĩ mình đã biết về khởi nghiệp và từ bỏ phương thức quản lý tiền bạc mà bố bạn dạy. Một thế hệ doanh nhân mới và phương thức hoạt động mới đã xuất hiện.
Bạn đã sẵn sàng để hoạt động hiệu quả chưa?
---
Facebook, Google và YouTube đều vươn tới những thành công khó tin với tốc độ choáng váng. Những công ty này trị giá hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ hoặc hàng trăm tỷ đô-la. Điều đáng ngạc nhiên là khi khởi sự, các nhà sáng lập đều ở độ tuổi 20 và đã kiếm được số tiền khổng lồ. Thành công của họ thật đáng kinh ngạc vì thế họ thu hút được rất nhiều sự chú ý của truyền thông. Họ được đưa tin như những người “đỉnh của đỉnh”, xuất chúng của xuất chúng và là nền tảng của
nền kinh tế mới.
Trải nghiệm của tôi thì khác. Rất khác. Và sự khác biệt chủ đạo giữa câu chuyện của tôi và của những “Doanh nhân nổi tiếng” (DNNT)1 nằm ở cách ra mắt và xây dựng doanh nghiệp của mình, chúng ta sẽ nói về điều này sau. Thành công của các DNGVS thường ít được bàn luận, chứ đừng nói tới việc được đưa tin trên truyền thông. Nhưng chính các doanh nhân “hằng ngày” tiến chậm mà chắc này mới là những người tạo ra các công ty tuyệt vời và đạt được nhiều kết quả xuất sắc.
Google không “thực” vì nó không phải là một trải nghiệm điển hình. Tuy nhiên, doanh nghiệp của bạn cũng có thể đạt được thành tựu như vậy nếu bạn thật sự tin vào điều đó (chúng ta sẽ nói thêm về điều này ở phần sau). Nhưng không nên coi Google là con đường đi tới thành công, hãy coi nó đơn giản chỉ là một con đường.
Có rất nhiều con đường khác mà cả những người nổi tiếng và không nổi tiếng từng đi. Đó là những con đường của DNGVS. Họ bao gồm một số người nổi tiếng như Bill Hewlett & David Packard, những người đã khởi sự với 538 đô-la và một xưởng chế tạo trong ga- ra, để rồi tạo ra đế chế trị giá 100 tỷ đô-la của ngày hôm nay; một số người ít nổi tiếng hơn như Brian Scudamore của 1-800-GOT-JUNK?, anh ấy có một giấc mơ khi còn trẻ và biến nó thành một doanh nghiệp kinh doanh phế liệu hiện có doanh thu lên tới 200 triệu đô-la. Dave Packard, Bill Hewlett và Brian Scudamore đều là các DNGVS. Tôi cũng vậy. Và tôi hy vọng bạn cũng thế.
Tôi ở đây để kể cho bạn nghe câu chuyện của họ và của những người khác nữa cùng các bài học kinh nghiệm. Tôi ở đây để nói cho bạn biết vấn đề thật sự của việc kinh doanh thành công. Nó sưng phồng vì thất bại, ướt sũng những tiến độ, trầy da tróc vẩy vì sai lầm và dồn dập các thành tựu lớn.
Vậy tôi là ai mà nói về chuyện này? Tôi là một DNGVS. Hành trình của tôi là một cuộc chiến trong đường hầm, nhưng tôi đã học được cách thoát ra ngoài và thành công. Thường là vui thích, đôi khi lại khá vật lộn, cuộc phiêu lưu kinh doanh của tôi đặc biệt thú vị. Thậm chí tôi đã chuyển vợ con về một khu chung cư có nhiều người đã về hưu để tiết kiệm tiền – không có gì hào hứng ở đó cả, hãy tin tôi. Trừ khi bạn thích chơi đánh đáo và những người già nặng mùi.
Và tôi cũng đã mắc kẹt nơi bồn cầu một hay hai lần gì đó. Tôi đã phải làm việc 48 giờ liên tục, ngủ trong phòng họp của khách hàng để tiết kiệm hóa đơn khách sạn. Và khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn đang sử dụng chiếc bàn cũ mà tôi tìm mua được dù dư dả tiền để đến cửa hàng đồ nội thất cao cấp.
Điều kỳ cục là con đường của bạn sẽ giống của tôi hơn là Mark Zuckerberg. Nhưng tôi muốn bạn biết rằng thành công là hoàn toàn khả thi dù bạn đi theo con đường nào. Bạn không cần phải “lăn lộn đủ” mới đạt được chiến thắng; bạn có thể thành công chỉ với ba mẩu giấy vệ sinh. Và dù con đường đã chọn là gì, bạn cũng phải kiên trì đi theo nó bằng niềm tin mãnh liệt, sự tập trung hoàn toàn và nỗ lực hết mình.
Dưới đây là tóm lược về câu chuyện ba mẩu giấy của tôi với các DNGVS:
DOANH NHÂN NỔI TIẾNG |
CÂU CHUYỆN “BA MẨU GIẤY” CỦA MIKE |
6 tuổi – Bắt đầu kinh doanh công việc cắt cỏ bằng cách thuê các thiếu niên trong cùng khu dân cư làm việc. Mua cho bố mẹ một ngôi nhà. |
6 tuổi – Vẫn đang đeo bỉm. |
12 tuổi – Thuộc ban quản trị của một công ty đồ chơi lớn. |
12 tuổi – Bị đưa gấp tới bệnh viện vì nuốt đồ chơi. |
18 tuổi – Được các trường khối Ivy League tuyển nhưng từ chối để mở một công ty vốn đầu tư mạo hiểm. |
18 tuổi – Chọn một trường đại học dựa vào tỷ lệ nam sinh nhiều hơn nữ sinh. Nhập học và ngay lập tức bị nữ sinh từ chối. |
19 tuổi – Quản lý thành thạo một công ty nhiều triệu đô-la. |
19 tuổi – Thành thạo việc mở bia. |
21 tuổi – Bước ra ngoài công chúng. |
21 tuổi – Về nhà. |
24 tuổi – Nghỉ hưu. |
24 tuổi – Uống quá nhiều bia và mở một công ty riêng vì “bất kỳ tên ngốc nào cũng có thể làm được”. |
24 tuổi 1 ngày – Quay trở lại công việc. Sau đó là các buổi chúc mừng. |
24 tuổi 1 ngày – Mở một công ty mới, phát hiện ra rằng không phải tên ngốc nào cũng có thể làm được điều đó, rồi trở nên hoảng loạn. |
27 tuổi – Có thành công tuyệt vời khác vì mọi người đều mong đợi nó. |
27 tuổi – Nhượng lại công ty vì không còn lựa chọn nào khác. |
30 tuổi – Không còn xuất hiện trên tin tức vì hiện tượng “tre già măng mọc” trên tất cả các tiêu đề. |
30 tuổi – Tìm thấy niềm đam mê của mình, cho ra mắt một công ty khác, phát triển nhanh và mạnh. |
33 tuổi – Tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần để “tìm được chính mình”. |
33 tuổi – Tìm được chính mình. Sống đúng đam mê. Cuộc sống và việc kinh doanh đều tốt đẹp. |
36 tuổi – Viết sách về câu chuyện cuộc đời. Sách không bán. Làm việc cho một DNGVS. |
36 tuổi – Truyền cảm hứng cho một thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp mới – các DNGVS. DNGVS tiếp tục thuê những doanh nhân thất bại. |
Vậy những thành công của tôi là gì? Tôi có một danh sách thành tựu bắt buộc phải đạt được, nhưng quan trọng hơn, tôi đã phát hiện ra đam mê của bản thân và đang sống với nó. Tôi yêu thích việc cho ra đời các doanh nghiệp khởi nghiệp, biến chúng thành những doanh nghiệp xuất sắc với tốc độ nhanh chóng. Tôi thích những người im hơi lặng tiếng, yêu các anh hùng không được ngợi ca, yêu những người luôn quyết tâm theo đuổi mục tiêu nhưng có thể chưa được trao một cơ hội công bằng. Tôi thích giúp đỡ những người bị “cô lập”, chỉ cho họ thấy cách khai thác các thế mạnh bẩm sinh để có thể bước ra ngoài và kiên cường chiến đấu. Thiên hướng của cuộc đời tôi là cầm tay hỗ trợ những người lần đầu tiên khởi nghiệp để biến ý tưởng của họ thành các công ty hàng đầu trong lĩnh vực họ theo đuổi. Tôi yêu thích công việc này. Kết quả là, tôi cực kỳ hạnh phúc, có cuộc sống tuyệt vời và luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng. Tôi có được sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc cùng lúc. Với tôi, đây là thành công lớn nhất. Thế còn thành công của bạn là gì?
DANH SÁCH THÀNH TỰU BẮT BUỘC PHẢI ĐẠT ĐƯỢC
Trong trường hợp bạn không muốn tra Google về tôi, đây là tóm tắt những điểm nổi bật:
Năm 24 tuổi, tôi bắt đầu kinh doanh lần đầu tiên, một công ty tích hợp máy tính. Ngày 31 tháng 12 năm 2002, tôi bán công ty thông qua một giao dịch cá nhân. Hiện tại, nó là một công ty đang phát triển.
Ngày 1 tháng 1 năm 2003, tôi cho ra mắt một công ty mới. Vâng, ngay ngày hôm sau. Chỉ sau ba năm, công ty trở nên nổi tiếng trên toàn nước Mỹ và sau đó được một doanh nghiệp công lớn mua lại vào năm 2006.
Mùa hè năm 2005, tôi khởi sự công ty thứ ba, Obsidia Launch. Tên ban đầu của công ty là khác và ý tưởng ban đầu cũng vậy. Tôi đổi tên nó sau khi dành thời gian soi xét nội tâm của mình, phát hiện ra điều thật sự muốn làm và dần xây dựng ý tưởng về sở thích cũng như mục tiêu của đời mình. Dù rất thành công nhưng những công ty trước đó đều được xây dựng dựa trên những ý tưởng đầy hấp dẫn đối với thị trường mà không khai thác được tối đa tài năng và niềm đam mê. Công ty gần đây nhất của tôi có được tất cả những điều đó, tôi cảm thấy hạnh phúc.
Tôi đã đi theo con đường của một DNGVS, ban đầu không chủ tâm và không nhận thức được, nhưng theo thời gian, tôi đã có chủ đích với sự tập trung cao. Tôi bắt đầu coi trọng những niềm tin của mình, phát hiện cũng như khai thác các thế mạnh của bản thân và quan trọng nhất, tôi không ngừng tiến về phía trước, kể cả trong những thời điểm vô cùng khó khăn. Kết quả ư?
Mục tiêu của tôi không phải là khoe khoang mà đơn giản là để chỉ ra rằng nếu tôi làm được, bạn cũng vậy. Hơn nữa, hãy đảm bảo bạn không lẫn lộn giữa việc được truyền thông tiếp cận với việc là “con cưng” của truyền thông. Tiếp xúc truyền thông là một điều tuyệt vời – tôi hoàn toàn khuyến khích bạn tìm tới nó, như tôi đã làm. Trở thành một DNNT hoàn toàn khác với việc tiếp xúc đơn thuần; nó đòi hỏi những thành công siêu nhanh, như thể chỉ sau một đêm. Hiển nhiên DNNT là một nhóm cao quý. Nhưng họ không nên được nhìn nhận như nhóm độc nhất.
Bạn có thể và sẽ đạt được thành công nếu muốn. Có thể bạn chỉ cần thời gian để tạo dựng thành công của mình nhanh chóng. Đến cuối cùng, bạn có thể đạt được bất cứ mục tiêu mong muốn nào và bạn có thể làm điều đó bằng cách đi theo con đường của DNGVS.
Rõ ràng tôi đã không đi theo con đường của DNNT và hầu hết doanh nhân khởi nghiệp cũng vậy. Bạn cũng sẽ có khả năng bắt đầu việc kinh doanh của mình với ba mẩu giấy, một chiếc cánh và một lời cầu nguyện. Công việc của tôi là giúp bạn từ bỏ chiếc cánh và lời cầu nguyện. Công việc của bạn là thành công với ba mẩu giấy của mình.
Chúng ta cùng bắt đầu chứ?
Trạm đọc