Con người đến tuổi trưởng thành có khuynh hướng đi tìm một nửa còn lại của mình. Vì mình cảm thấy mình chỉ là phân nửa, phải có một phân nửa nữa, mình mới trọn vẹn. Một khi chưa tìm được, mình thấy buồn, thấy cô đơn lắm. Nhưng khi mình gặp được phân nửa kia rồi, cảm giác cô đơn đó còn không? Còn chứ sao không. Những lúc mình buồn, trong khi đang giận nhau, khi cơm không lành, canh không ngọt, nỗi buồn không biết tỏ cùng ai, thì cảm giác cô đơn quay trở lại. Cho nên chưa chắc tìm được một nửa của mình rồi, có người bầu bạn rồi, mình hết cô đơn. Chưa chắc. Bởi vì nếu chưa thẩm thấu được lẽ thật của cuộc đời thì chúng ta sẽ mãi mãi cô đơn. Khi đó, dù đang ở chốn đông vui, mình vẫn cảm thấy lẻ loi. Sống giữa một thế giới có biết bao người nhưng không có ai hợp với mình, không có ai giống một nửa của mình, không có ai vừa khớp với mình hết. Nhà thơ Xuân Diệu của Việt Nam có bài thơ Đơn sơ, có bốn câu thơ như thế này:
“Mùa xuân khó chịu quá đi thôi!
Cảnh đẹp làm em thấy lẻ loi,
Chim hót xui em nghe quạnh quẽ:
- Hay là anh đã bỏ em rồi?”
Cảm giác cô đơn của một người mất đi một nửa của mình là “nửa hồn thương đau” đó. (“Nửa hồn thương đau” là tên một ca khúc của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương.) “Nửa hồn” đó sẽ cảm thấy vô cùng lẻ loi, cho dù xung quanh họ là khung cảnh mùa xuân rất đẹp. Vào mùa xuân, không khí mát mẻ và thiên nhiên tươi đẹp, nhưng tại sao mình vẫn cảm thấy khó chịu? Vì cõi lòng mình bị nỗi buồn xâm chiếm, nên cho dù cảnh đẹp đến đâu cũng không làm mình lay động. Dù cảnh vật xung quanh mình thật đẹp, mình vẫn thấy lẻ loi. Bình thường, tiếng chim hót mình nghe vui tai, nhưng khi lòng mình đã bị nỗi cô đơn xâm chiếm thì “Chim hót xui em nghe quạnh quẽ”. (Xui tức là khiến.) Vì giờ đây, con chim có bầy có tổ, còn mình cô độc, một mình nghe nó hót thấy quạnh quẽ. Những con chim đang chuyền cành, hót líu lo cùng nhau, chỉ có mình cô độc, lẻ loi. Và bây giờ cô gái trong bài thơ mới biết tại sao sống giữa mùa xuân, thấy cảnh đẹp, nghe chim hót mà mình vẫn buồn bã, bởi vì “anh đã bỏ em rồi”.
Chúng ta sợ trở thành cô hồn lắm. “Cô hồn” ở đây không có nghĩa là hồn ma bóng quế, mà dùng để chỉ những tâm trạng sống mà không thấy có niềm vui, không thấy hạnh phúc. Mình nghĩ mình phải có người tri kỷ, mình nghĩ cuộc sống của mình phải làm sao cho thật sôi động náo nhiệt mới được. Cho nên mình sợ làm cô hồn. Mà có lẽ chúng ta lúc nào cũng cần có người ở xung quanh hết, cần có người để nói chuyện. Không có ai để nói chuyện, mình cảm thấy buồn lắm. Mình nói chuyện riết, nó trở thành một thói quen, một tập khí của mình. Có rất nhiều người thích “nấu cháo qua điện thoại”, có nghĩa là gọi điện thoại cho nhau, nói hết giờ này qua giờ khác, nói đến nỗi hết pin, lấy điện thoại khác để nói tiếp.
Nhà thơ Xuân Diệu còn có một bài thơ tên là Hỏi. Bài thơ chỉ có một chữ “hỏi”, nhưng trong đó chàng trai hỏi rất nhiều. Pháp Hòa nhớ bốn câu:
“Hằng ngày em nói bao lời
Với cha, với mẹ, với người chung quanh,
Với đường phố, với cây xanh;
Sao em chưa nói với anh một lời?”
Càng thương người đó, mình càng muốn người đó nói chuyện với mình. Chính vì vậy, chúng ta sống trong thế giới đông người mà vẫn thấy cô đơn. Cô đơn là do tâm trạng, cảm giác của mình. Còn cô độc là hoàn cảnh ở bên ngoài. Có những người sống trong hoàn cảnh cô độc và có tâm trạng cô đơn, nhưng cũng có những người sống giữa biết bao người mà vẫn cảm thấy cô đơn. Pháp Hòa xin hỏi quý vị, vậy thầy tu có cô đơn không? Gần đây, Pháp Hòa có đọc được một bài kinh trong kinh Tương Ưng Bộ. Bài kinh đó nói về một vị tỳ kheo ở trong chùa mà có tâm trạng cô đơn. Hồi xưa, vào thời của Phật, chư tăng sống ở trong rừng. Nói là rừng, nhưng không hoang vắng lắm, cũng có những nơi gần phố, giống như tu viện của mình ở đây. Ban đêm ở trong rừng mà nghe ở ngoài người ta tổ chức đại nhạc hội, trống kèn hò hét rất vui, vị tỳ kheo cảm thấy cô đơn. Trong kinh kể lại như thế này: Lúc bấy giờ có một cuộc lễ tổ chức suốt đêm ở Vesàli. Tỳ kheo ấy được nghe tiếng nhạc khí, tiếng cồng, v.v... đánh lên, tiếng ồn ào khởi lên, liền than thở, nói lên ngay lúc ấy bài kệ này:
“Chúng ta sống một mình,
Trong khu rừng cô độc,
Như khúc gỗ lột vỏ,
Lăn lóc trong rừng sâu,
Trong đêm tối hân hoan,
Như hiện tại đêm nay,
Ai sống đời bất hạnh,
Như chúng ta hiện sống.”
Có một vị chư thiên cũng đang lưu trú trong khu rừng đó. Thấy vị tỳ kheo này sống buồn bã như vậy, vị chư thiên này thương và muốn nhắc nhở, nên hiện ra trước vị tỳ kheo và đọc một bài kệ đáp lại bài kệ của vị tỳ kheo. Bài kệ như thế này:
“Ông sống chỉ một mình,
Trong khu rừng cô độc,
Như khúc gỗ lột vỏ,
Lăn lóc trong rừng sâu.
Rất nhiều người thèm muốn
Đời sống như ông vậy,
Như kẻ đọa địa ngục
Thèm muốn sanh thiên giới.”
Ông được sống trong rừng sâu, hạnh phúc như vậy, an vui như vậy, có gì để ông than nữa? Trên thế gian này, rất nhiều người thèm muốn được sống như ông, giống như những người bị đọa địa ngục mong mỏi được sinh lên thiên giới vậy.
Pháp Hòa xin hỏi quý vị ở đây, có ai có tâm trạng đó không, tâm trạng khi thấy mấy thầy đi tu thích quá, cũng muốn tu? Nhưng lỡ rồi, mà đâu phải lỡ một cái đâu, lỡ nhiều cái lắm. Cho nên vị chư thiên trong bài kinh mới nhắc nhở vị tỳ kheo: người tu cô độc nhưng không cô đơn. Tại sao không cô đơn? Vì người tu là người có một chí hướng có một hướng đi, có một lẽ sống cao đẹp. Tất cả chúng ta ai cũng cô độc hết, nhưng chúng ta phải sống như thế nào, hằng ngày phải thực tập như thế nào để chúng ta không có cảm giác cô đơn. Nếu chúng ta sống mà không đem lại ích lợi gì hết, sống mà không có an vui, không tận hưởng được những gì chúng ta đang có, thì chúng ta sẽ là người cô đơn. Còn nếu chúng ta sống trọn vẹn với những gì mình có thì sẽ không cảm thấy cô đơn.
Ví dụ như mình đi tu, mình từ bỏ những thú vui của thế gian, nhưng mình có niềm vui trong đạo. Niềm vui trong đạo bình dị, đơn sơ, nhưng nó có hoài, không bao giờ cạn. Bây giờ, ví dụ mình thích tiệc tùng mình muốn tổ chức tiệc ở nhà mình mỗi tuần một lần, nấu nướng mời bạn bè tới nhậu nhẹt, mình có khả năng làm như vậy không? Rồi sau khi khách khứa ra về, mình một mình dọn dẹp được không? Lâu lâu một lần thôi, phải không? Đó là cái vui của thế gian, bất quá lâu lâu vui một lần. Bất cứ niềm vui nào trong đời này cũng có ngày chấm dứt, lâu lâu mới có lại một lần. Pháp Hòa lấy ví dụ niềm vui ở trong chùa mình nha. Niềm vui của chùa là Chủ nhật nào mình cũng có tiệc. Chủ nhật nào cũng vậy, cứ đúng mười giờ rưỡi là ở dưới bắt đầu lắc chuông, ở trên này thì boong boong mấy chục tiếng, rồi mọi người mặc áo tràng, đi vào chùa cùng tụng một thời kinh, ngồi tâm sự chuyện đạo với nhau rồi đi xuống nhà dưới, tay bắt mặt mừng dùng cơm chay. Niềm vui đơn giản không? Rất đơn giản, mà tuần nào cũng có, không có tuần nào không. Niềm vui bình dị mà có hoài, không bao giờ dứt. Còn thú vui bên ngoài thì không có hoài được. Ví dụ, mình mở tiệc ở nhà, mặc dù mình chỉ mời mấy chục người bạn tới thôi, mà xong rồi mình dọn gần chết. Ở trong chùa cũng vậy, quý vị thử hình dung vào cuối ngày mỗi Chủ nhật, khi quý Phật tử đã ra về, quý thầy, quý cô, quý chú trong chùa dọn trong bao lâu? Dọn từ chiều cho đến tối. Chỉ riêng việc đi gom dép, cất lên kệ thôi cũng mất không ít thời gian, chỗ nào cũng có dép. Đó là chưa kể ly tách, chỗ nào cũng có ly tách. Cho nên lúc nào cũng có việc để làm, ngày thường cũng làm, cuối tuần cũng làm, bảy ngày một tuần, không có ngày nào nghỉ, nhưng nhiều việc mà vẫn vui, vẫn bình an. Vì mình biết rằng mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, mình sống mình làm đạo, mình đem lại lợi lạc cho mình và cho người. Cho nên làm gì có cô đơn. Nhiều khi Pháp Hòa ở trong phòng làm việc từ mười một, mười hai giờ đêm tới ba, bốn giờ sáng vẫn thấy vui. Giải quyết xong những công việc của chùa thì coi kinh, coi sách để chuẩn bị cho bài nói chuyện của mình vào ngày mai, ngày mốt. Hoặc Pháp Hòa ngồi thiền, niệm Phật. Không bao giờ thấy cô đơn.
Cho nên sở dĩ chúng ta có cảm giác cô đơn là vì chúng ta cứ chạy đi tìm những cái vui mà chúng ta cho là vui. Đó là những cái vui của đời, khó kiếm mà dễ mất. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên vui chơi, tiệc tùng, không phải vậy. Nhưng chúng ta phải thấy được lẽ thật để rồi khi có dịp vui chơi, có tiệc tùng thì chúng ta cứ tổ chức, nhưng xong rồi thì chúng ta cũng thấy lẽ thật, “đời là như vậy”, để không thấy cô đơn hay buồn bã. Khi thấy được lẽ thật thì lúc vui mình vui, và khi tiệc tan, mọi người ra về, chỉ còn lại một mình, mình không cảm thấy cô đơn.
Vào thời đức Phật, có một vị thầy sống một mình, đi khất thực một mình, về nhà ăn cơm một mình, ngồi thiền, tụng kinh một mình, làm gì cũng một mình hết. Một hôm, đức Phật gọi vị thầy đó lại, Phật hỏi: “Có phải thầy sống như vậy không?”. “Dạ đúng.” Phật khéo lắm, Phật nói thế này: “Thầy làm như vậy, tôi không nói là không đúng nhưng tôi có một phương pháp sống một mình hay hơn. Tôi xin chia sẻ với thầy”. Sống một mình là sao? Là không đi tìm quá khứ, không đau khổ về quá khứ, cũng không lo nghĩ về tương lai, mà an vui với hiện tại. Sống một mình là vậy đó. Chúng ta thường nghĩ sống một mình là phải đi lên núi, ở trong hang. Nhưng nhiều người ở trong hang mà không sống một mình được, vì thân ở trong hang mà tâm hướng về nơi khác – ngồi trên núi nhắm mắt mà nhớ về thành phố. Cho nên ý nghĩa của sống một mình trong kinh của đức Phật không phải là một mình bằng thân xác, còn tâm thì lo nghĩ đủ thứ chuyện. Vì vậy, đức Phật nói dù ở trong cốc một mình, đóng cửa không tiếp ai, nhưng sống như vậy vẫn là sống với nhiều người, không phải là một mình. Sống một mình không có nghĩa là trốn đời chạy lên núi, không phải vậy. Sống một mình ở đây có nghĩa là biết sống với hiện tại mà chúng ta đang có. Đức Phật dạy trong kinh Người Biết Sống Một Mình như thế này:
“Đừng tìm về quá khứ,
Đừng tưởng tới tương lai.
Quá khứ đã không còn,
Tương lai thì chưa tới.
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại,
Kẻ thức giả an trú,
Vững chãi và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp,
Cái chết đến bất ngờ,
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm,
Thì Mâu Ni gọi là
Người biết sống một mình.”
- Trích sách “Con đường chuyển hóa” của Sa Môn Thích Pháp Hòa