Google có đang làm chúng mình ngu đi không em?
Google có đang làm chúng mình ngu đi không em?
Xin em đừng vội hoảng sợ.
Anh biết A Space Odyssey là bộ phim viễn tưởng em yêu thích. Vậy thì hẳn em sẽ nhớ cảnh này, khi siêu máy tính HAL van nài anh chàng phi hành gia Dave Bowman - người chuẩn bị kết liễu HAL bằng việc ngắt các mạch kết nối tới trí tuệ nhân tạo của nó. “Đừng mà Dave. Dave, trí não tôi đang vận hành. Tôi có thể cảm nhận được nó. Tôi có thể cảm nhận được nó”.

 

Cái giọng van xin đều đều của HAL làm anh ớn lạnh

 

 

Em biết không, đôi khi anh cũng cảm thấy điều tương tự. Anh có thể chưa từng nói với em, nhưng trong suốt nhiều năm qua, anh vẫn luôn có một cảm giác bất an. Như thể có ai đó, hoặc một thứ gì đó đang trêu đùa với não anh. Sắp xếp lại các dây thần kinh, lập trình lại mọi ký ức, kiểu kiểu vậy. Trí não anh không thay đổi hoàn toàn, chí ít là anh thấy thế, nhưng rõ ràng nó đang chuyển biến từng chút một.

Anh không còn tư duy theo cách anh từng nghĩ. Anh có thể cảm nhận điều đó rất rõ mỗi khi đọc sách. Chắc em chẳng còn lạ gì những ngày tháng ngồi viết luận văn, khi anh chìm đắm trong hàng tá những cuốn tư liệu và nghiên cứu dày cộp. Anh sẽ nhanh chóng bắt nhịp được với giọng văn và mạch tư duy của họ, và dành hàng giờ liền suy tư về nó. Mọi chuyện diễn ra thật tự nhiên, dễ dàng như thể anh đang bước dọc bên em trên con đường ta vẫn đi mỗi sáng.

Nhưng giờ anh không còn được như thế nữa. Anh chán nản mỗi khi giở sách. Đôi mắt của anh chỉ giữ tập trung được trong tối đa là ba trang giấy. Anh thấy mình bồn chồn, bất an, anh không còn hứng thú. Anh bắt đầu đi kiếm thứ gì đó khác để làm. Trí não của anh giờ như con ngựa bất kham (hơi sến nhỉ, xin lỗi em), chỉ chực chờ anh làm tuột dây cương để lao đi nơi khác. Anh cảm thấy mình thật khổ sở, khi không thể làm tốt những việc anh đã từng.

 

Em ơi, anh mệt mỏi rồi

 

 

Nhưng xin em đừng quá lo lắng, anh biết chuyện gì đã xảy ra. Trong gần 10 năm qua (gấp đôi thời gian chúng mình quen nhau), anh đã dành rất nhiều thời gian trên mạng. Tìm kiếm, lướt mạng, rồi lại tìm kiếm và đóng góp (một chút, anh thấy mình cũng tử tế). Anh thấy Internet là một điều tuyệt diệu, em ạ. Những công trình nghiên cứu mà người ta từng mất hàng tuần trời để tra cứu trong thư viện, nay chỉ mất chưa đầy một giây để tìm ra. Anh không còn phải mỏi mắt kiếm tìm những tài liệu được viết dưới chân trang nữa. Vài kết quả tìm kiếm, vài đường link đính kèm và… Tada!

Anh sững sờ trước sức mạnh của Website và Google em ạ. Nó không chỉ giúp anh trong công việc mà còn ở mọi thứ trong cuộc sống. Gửi email, xem phim, đọc báo, nhắn tin cho em, hoặc chỉ đơn giản là lang thang trên đó. Chắc hẳn em cũng sẽ đồng tình với anh rằng Internet đã trở thành một phương tiện kết nối toàn cầu. Nó là nguồn cung cho gần như mọi thông tin mà chúng mình nghe, nhìn hay cảm nhận mỗi ngày. 

 

Google thật tuyệt diệu, và cũng thật đáng sợ

 

 

 

 

Đọc, hiểu và tiếp nhận

 

 

Anh nhớ mình cũng từng trích dẫn một câu nói của Clive Thompson trong bài luận rằng: “Một bộ nhớ silicon được vận hành hoàn hảo, sẽ tạo nên một lợi thế khổng lồ trong cách con người tư duy”. Nhưng giờ anh mới thấy rằng chính anh, và có lẽ là rất nhiều người khác, đang phải trả giá cho cái lợi thế khổng lồ đó. Nhà lý luận truyền thông Marshall McLuhan đã từng khẳng định ngay từ những năm 60 rằng truyền thông không chỉ là những kênh thông tin bị động. Nó cung cấp “nguyên liệu” để chúng ta suy nghĩ, nhưng đồng thời cũng định hình suy nghĩ của chúng ta. Internet cũng vậy. Nó làm chúng mình thui chột sự tập trung và suy niệm, em ạ.
 

Em có cảm thấy như anh không? Giờ trí não của anh cũng hệt như cái cách mà Google hoạt động: Những cơn sóng trào ồ ạt chứa đầy những ký tự, con chữ và câu văn. Anh đã từng là một người thợ lặn thong thả khám phá từng ngóc ngách của biển khơi thông thông tin. Còn bây giờ, anh thấy mình như một vận động viên trượt tuyết điệu nghệ. Anh lướt đi rất nhanh, nhưng không có một bông tuyết nào bám được vào anh cả (xin lỗi em, hôm nay anh hơi say nên có ví von không bình thường một chút).

Em có thấy như vậy không? Anh đã từng giãi bày nỗi phiền muộn này với vài người bạn trong nghề. Và ngạc nhiên chưa, họ cũng gặp phải tình trạng giống anh. Càng lướt web nhiều, bọn anh càng dễ nản trước những bài viết dài hơi. Em còn nhớ Scott Karp không nhỉ? Ông anh mọt sách mà sở hữu một blog về truyền thông online ý? Ông ý đã thừa nhận rằng mình không còn đọc sách nữa em ạ. Sốc chưa. “Lý do của việc tôi chỉ còn đọc thông tin qua mạng, không chỉ nằm ở việc cách đọc của tôi đã thay đổi (vì nó tiện lợi hơn) mà còn bởi tôi đã thực sự thay đổi cách TƯ DUY” - Scott đã viết như vậy đấy.

 

Có nhiều người đã từ bỏ sách giấy, anh hy vọng mình sẽ không như vậy

 

Thế còn chú Bruce thì sao? Bruce Friedman, giáo sư trường Y ở Michigan mà bọn mình gặp mấy lần trong bữa tiệc cuối năm ở nhà trưởng khoa ý? Lúc đó anh không thực sự nghĩ nhiều về những lời nói của ông ấy. Nhưng gần đây anh mới đọc được một bài viết mà ông chắp bút: “Giờ đây tôi hoàn toàn mất đi khả năng nắm bắt một bài viết dài, cho dù nó được in trên giấy hay đăng trên mạng”. Anh đã thử liên lạc với chú ấy hôm trước (kể ra anh cũng hơi rảnh thật, nhưng vì mục đích khoa học mà). May thay chú ý vẫn nhớ ra anh. Bruce nói rằng giờ đây lối tư duy của chú ấy đúng theo kiểu “chắp vá”, hệ quả của việc chỉ đọc lướt các bài viết từ rất nhiều nguồn khác nhau trên mạng. “Chú giờ không thể đọc nổi bộ Chiến tranh và Hòa bình nữa. Chú mất khả năng đó rồi. Kể cả một bài viết trên mạng dài quá bốn đoạn cũng làm chú thấy nản. Chú chỉ đọc lướt thôi”.

Dĩ nhiên mấy câu chuyện lặt vặt mà anh thu thập chẳng đủ để chứng minh điều gì. Em sẽ phản biện ngay, rằng chúng vẫn còn phải đợi những nghiên cứu dài hơi về ảnh hưởng của Internet đến nhận thức con người. Anh có một kết quả thú vị từ trường Cao đẳng Luân Đôn cho em đây. Người ta đã tổ chức một cuộc nghiên cứu kéo dài nửa thập kỷ, trong đó phân tích hành vi người dùng của hai trang web tra cứu khá nổi tiếng. Một của Thư viện Quốc gia Anh, một do Hiệp hội giáo dục Vương quốc Anh cung cấp. Anh không biết em đã từng sử dụng chúng chưa, nhưng anh thì chắc chắn là rồi. Họ phát hiện ra các trang này được xài theo kiểu “lướt sóng” thông tin vậy. Người ta nhảy từ website này sang dữ liệu khác, và hiếm khi (phải nói là cực hiếm khi) quay lại để xem những thông tin mình vừa lướt qua. Hầu hết đều không vượt nổi trang thứ hai ở mỗi cuốn sách. Cũng có nhiều người lưu lại một số bài viết dài, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy họ đã quay lại đọc nó. Người ta kết luận: “Rõ ràng khi ở trên mạng, người dùng không đọc thông tin theo cách truyền thống. Thực tế, có những dấu hiệu cho thấy rằng một hình thức đọc mới đang dần phổ biến, khi người dùng “duyệt dữ liệu” bằng cách kéo dọc theo các tít bài, lướt qua các nội dung và nhanh chóng rút ra kết luận họ cần. Internet gần như là một công cụ để họ trốn tránh cách đọc truyền thống”.

Anh thấy sợ hãi trước cái cách người ta biện bạch, rằng chúng ta ngày nay còn đọc nhiều hơn so với những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, thời mà ti vi được sủng ái hơn bao giờ hết. Phải, chúng ta đọc nhiều thật, vì báo mạng vẫn còn có chữ, và chúng mình vẫn gửi đi hàng trăm tin nhắn cho nhau mỗi ngày. Nhưng chúng mình có còn đọc-thực-sự như ngày xưa không? Anh và em liệu có còn cảm nhận, có còn suy nghĩ như thời trẻ đã từng?

 

Em có đang đọc, như khi xưa em đã từng?

“Hãy cho tôi biết bạn đọc gì, tôi sẽ nói được bạn là ai”, câu nói ấy đã lỗi thời rồi em ạ. Điều quan trọng không chỉ là thứ mình đọc, mà còn phải đọc ra sao nữa. Anh thấy sợ trước cách chúng ta tôn thờ hai chữ “hiệu quả” và “tức thời”. Nó làm ta không còn hứng thú với những gì phức tạp và dài hơi, vốn là một nỗ lực tuyệt vời của ngành công nghiệp in ấn thời kỳ trước. Chúng ta đang dần trở thành những kẻ “giải mã thông tin” đơn thuần, thay vì làm chủ và thẩm thấu nó. Khả năng đoán biết của chúng ta đang phá hủy sự logic trong tác phẩm, và biến chúng trở nên rời rạc.

Em có biết điều này không: Đọc vốn không phải là một bản năng tự nhiên của con người. Nó không được quy định vào trong gene của chúng ta như việc nói năng hay sinh đẻ. Chúng ta phải hiểu được cách hình tượng hóa các ý nghĩa thông qua con chữ để nắm bắt chúng. Đọc thực sự là một kỹ năng kỳ diệu. Và khi chúng mình đọc, truyền thông, báo chí hay mọi công cụ được sử dụng để đọc đều đóng một vai trò quan trọng, để định hình các mạch thần kinh dày đặc trong trí não. Ngay từ cách anh và em lấy bảng chữ cãi Alphabet để tư duy cũng đã khác so với một người Trung Quốc dùng chữ tượng hình. Nó không chỉ dừng lại ở cách suy nghĩ. Nó còn là cách anh ghi nhớ hôm nay em đã làm gì, diễn giải vẻ đẹp của em qua đôi mắt hay mô tả lại mùi hương trên mái tóc em. Ảnh hưởng của nó lớn đến vậy đấy. Và ai dám chắc, Internet sẽ không làm thay đổi chúng mình, như cái cách nó dần thay thế sách giấy và hàng loạt xuất bản phẩm khác trước đây?

 

Việc đọc nhào nặn nên lối suy nghĩ khác biệt của mỗi người, em có biết?

 

 

Trí não của chúng mình thực ra rất linh hoạt em ạ. Em đừng nên nghĩ rằng cái hệ thống chẳng chịt khoảng 100 tỉ neuron thần kinh đó sẽ vĩnh viễn theo em khi đạt đến tuổi trưởng thành. Em sẽ phải ngạc nhiên, khi anh chỉ cho em thấy những tác động ngoại cảnh có thể ảnh hưởng tới lối suy nghĩ của chúng ta như thế nào. Có một thuật ngữ được gọi là “công nghệ trí tuệ” - thứ công cụ có khả năng hỗ trợ chúng ta về mặt tinh thần, thay vì chỉ thể chất như những máy móc lao động xưa cũ.

Anh có thể lấy chiếc đồng hồ cơ làm một ví dụ điển hình. Ra đời từ thế kỷ XIV, những chiếc đồng hồ được nhà sử học Lewis Mumford mô tả là thứ công cụ “tách rời dòng thời gian khỏi những sự kiện của con người, góp phần xây dựng niềm tin vào sự độc lập của một đại lượng hoàn toàn có thể đong đếm chính xác”. Anh và em không còn phải ngồi chờ mặt trời lặn hay đến khi bụng réo lên mới đi ăn tối, mà hoàn toàn có thể thực hiện thói quen đó chính xác từng ngày. Đồng hồ là một thứ công cụ thật tuyệt diệu, và giờ đây người ta có máy tính để tiếp nối sự tuyệt diệu đó. Với sự hỗ trợ của Internet, giờ đây máy tính là bản đồ, là đồng hồ, là báo chí, máy đánh chữ, máy tính, điện thoại và hàng ti tỉ thứ công dụng khác được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Mỗi khi Internet tiếp nhận một thứ công cụ trung gian như thế, bộ mặt của nó lại thay đổi một chút. Anh sẵn lòng chỉ cho em nghe: Đó là những đường link đính kèm, những cửa sổ pop-up quảng cáo, những thông báo tin nhắn đẩy được cập nhật liên tục. Chúng có bao giờ làm em mất tập trung không? Nếu em lắc đầu, hẳn là em đang nói dối.

 

Quá nhiều tiện ích trên màn hình đang làm em mất tập trung

 

 

Ảnh hưởng của Internet không chỉ dừng lại ở màn hình máy tính. Em là cô gái thông minh, anh thừa biết em sẽ bĩu môi khi đọc đến dòng này, nhưng hãy nghe anh nói nhé. Khi lối tư duy của em dần bắt kịp với tốc độ và mạng lưới điên đảo của Internet, hẳn những phương tiện truyền thông còn lại sẽ khiến em nhàm chán. Và cứ thế, như một bản năng sinh tồn, ti vi, báo giấy, tạp chí sẽ phải phá bỏ những giới hạn của mình để níu chân em lại. Dưới mọi chương trình thời sự, sẽ có một dòng tin cập nhật với tốc độ nhanh gấp nhiều lần cô dẫn chương trình em đang nhìn ngắm. Ở góc mỗi chương trình sẽ có những logo quảng cáo của các nhà tài trợ. Báo chí dần đi theo xu hướng “càng ít càng nhiều”, đi kèm với những đoạn tóm lược ngắn gọn và phần mục lục bắt mắt. Em vẫn đọc báo The New York Times mà nhỉ? Hẳn em sẽ nhận ra từ tháng 3 năm nay, trang 2 và 3 của nó đã được tái thiết kế để trở thành phần tóm lược nội dung cho toàn bộ tờ báo. “Lối tắt” này - theo lời tay giám đốc thiết kế của The Times giải thích - sẽ giúp cải thiện hiệu suất đọc báo của độc giả, giúp họ có cái nhìn tổng quan về mọi diễn biến trong cái thời buổi thì giờ là vàng bạc. Em thấy không, ngay cả một cái tên quyền lực như The New York Times, nay cũng đã phải nhún mình theo luật chơi mới của Internet.

 

Tuyệt vời chưa, nay báo giấy cũng có shortcut!

 

 

Chưa từng có một hệ thống truyền thông nào lại đảm nhiệm nhiều vai trò trong đời sống, hay tác động mạnh tới suy nghĩ của chúng mình như Internet. Anh không phải là người đầu tiên, hay duy nhất nhìn thấy điều này. Nhưng ranh giới luân lý nằm ở đâu trong trí tuệ nhân tạo phức tạp của Internet, vẫn chưa ai có thể giải đáp.

 

 

Lợi dụng, hay bị lợi dụng?

 

 

Em biết không, khi công nghiệp hơi nước bắt đầu hình thành và phát triển, xu hướng hệ thống hóa đã được hình thành. Từ dây chuyền sản xuất, ngày nay hệ thống hóa đã phát triển thành các thuật toán trong công nghệ trí tuệ, mà tiêu biểu nhất là ở thánh đường quyền lực của Internet - Google. Tự xưng mình là một công ty được xây dựng trên nền tảng của khoa học đo lường, gã khổng lồ mà em và anh không thể sống thiếu đó đặt ra mục tiêu: “hệ thống hóa tất cả những thứ Google có thể làm”. Mỗi ngày, Google thu thập hàng triệu triệu bytes dữ liệu hành vi của chúng mình, và dùng chúng để cải thiện các thuật toán sao cho chính xác hơn. Vậy là từ hệ thống hóa những công đoạn chân tay, Google đã làm điều tương tự với hàng tỷ bộ óc trên thế giới này.

 

Google là kẻ tiên phong, và kẻ tiên phong sẽ làm chủ thế giới

 

 

Em đã thấy hứng thú hơn chưa? Anh sẽ kể thêm cho em nghe về câu chuyện thú vị của họ: Google tuyên bố sứ mệnh tối thượng của họ là “tổ chức lại toàn bộ thông tin của thế giới, giúp chúng có thể truy cập được từ khắp mọi nơi trên toàn cầu một cách hữu ích” bằng cách xây dựng “một công cụ tìm kiếm hoàn hảo”. Công cụ này được định nghĩa “hiểu chính xác ý bạn là gì, và gửi lại chính xác những gì bạn mong muốn”. Đối với Google, thông tin của anh, của em hay của tất cả mọi người trên thế giới này là một thứ hàng hóa đúng nghĩa. Một nguồn tài nguyên hữu dụng có thể được khai thác và xử lý với tốc độ công nghiệp. Càng tiếp cận được với nhiều thông tin, chúng ta càng dễ tận dụng nó, và sử dụng nó hiệu quả hơn.

Kết cục là gì em ơi? Hai gã điên khùng đó - Sergey và Larry - sẽ biến đứa con tinh thần của họ trở thành một trí tuệ nhân tạo. Một con HAL đúng nghĩa, được kết nối trực tiếp với não của chúng mình. Với bọn họ, công cụ tìm kiếm tối ưu sẽ là một thứ công nghệ thông minh như (hay thậm chí hơn cả) con người. Google đã nghĩ đủ nhiều và đủ giỏi, nó không cần chúng mình phải nghĩ hộ nó nữa.

 

Chúng mình ngu ngốc làm sao em ơi

 

 

Anh sợ, em ạ. Anh vừa ngưỡng mộ trước khả năng phi thường của hai người họ, lại vừa sợ hãi trước cái viễn cảnh con người chúng mình không còn là giống loài thống trị hành tinh. Anh thật hèn mọn, phải không em? Nhưng anh rùng mình khi nghĩ đến tốc độ xử lý nhanh như điện xẹt của Google. Ở một nơi mà sự lập trình đã đạt đến mức độ gần như hoàn hảo, một nhịp dừng lại sẽ trở thành sai sót không thể tha thứ. Sự suy ngẫm, hồi tưởng hay tư duy - tất cả mọi thứ mà trí não chúng mình vốn tự hào, nay đã trở thành lỗi thời cần phải thay thế. Có điều này anh xin cam đoan với em, Google không phải là kẻ chủ mưu duy nhất. Đó là cả một cơ chế vận hành kinh doanh của Internet đứng phía sau. Em click vào càng nhiều đường link, họ càng thu thập được nhiều thông tin về em, và sẽ lại có càng nhiều quảng cáo hiện lên sau đó. Điều cuối cùng mà bọn họ muốn là việc em sẽ dừng lại và ngẫm nghĩ về một điều gì. Click. Click. Click. Bọn họ chỉ cần có vậy.

Chúng mình chỉ là quân cờ trong tay các ông lớn công nghệ

Có thể anh chỉ là một gã thích lo xa. Em và anh thừa biết mọi thứ đều có hai mặt đối lập. Khi công nghệ được xã hội tôn vinh như bước tiến đến với tương lai, sẽ luôn xuất hiện những kẻ dè chừng về khả năng của nó. Cũng giống như Socrates lo ngại rằng sự ra đời của chữ viết sẽ tạo ra sự ỷ lại và trí nhớ con người sẽ nhanh chóng bị thui chột. Ông cũng cho rằng nếu không có sự định hướng rõ ràng, người đọc sách sẽ trở thành những kẻ hay chữ ngu xuẩn. Tưởng mình biết tất cả, nhưng thực sự lại không biết gì.

Khốn khổ thay những kẻ lắm chữ!

 

Anh nghĩ Socrates không sai. Internet ngày nay đang có những ảnh hưởng tiêu cực hệt như ông dự đoán. Cái bất cập ở đây là ông có phần thiển cận, khi không nhìn thấy hết được những lợi ích của việc đọc và viết. Rằng nó là cách dễ dàng để truyền bá thông tin, học hỏi kiến thức và thúc đẩy những sáng kiến mới, ở một cấp độ rất rộng mà truyền miệng không thể nào sánh được. Những định kiến tương tự cũng từng đến với sách báo, tạp chí và truyền hình. Và giờ đây là Internet.

Vì vậy anh cho rằng chúng mình không nên quá cực đoan về bất cứu điều gì. Internet không phải là một cuộc cách mạng xuất phát từ không khí. Nó là sự kế thừa và phát triển của nền công nghiệp xuất bản, của nền tảng thông tin và của khoa học kỹ thuật. Một phong cách đọc mới trên thế giới mạng đã và đang được hình thành, nhưng không có nghĩa nó sẽ phủ định hoàn toàn phong cách đọc truyền thống. Đọc chậm là điều cần thiết cho anh, cho em và cho chúng ta. Những khoảng lặng là cần thiết để cho ta thẩm thấu từng từ ngữ và tái tạo ý nghĩa của nó (với một quá trình rất phức tạp) vào trong trí não. Đó là quãng thời gian để chúng ta suy xét mọi thứ và hình thành nên những quan điểm riêng của chính mình, chứ không phải của ai khác. Đọc chậm, như nữ giáo sư Maryanne Wolf mà em ngưỡng mộ đã từng kết luận, không thể nào tách rời với việc suy nghĩ sâu sắc.

Ta cần thời gian để có thể thực sự hiểu và làm chủ thông tin

 

Khi Google và những người bạn tốt của gã dần lấp đầy những khoảng trống đó bằng thông báo và cửa sổ pop up, không chỉ chúng mình đang thay đổi, mà cả nền văn hóa thời đại cũng đang dần chuyển biến. Anh buồn cười quá đỗi khi đọc được lời ví von của nhà biên kịch Richard Foreman: “Chúng ta đang có nguy cở trở thành giống người ‘bánh kếp’ - cố gắng vươn mình dài và mỏng hết sức có thể để kết nối hết mạng lưới thông tin khổng lồ xung quanh mình - chỉ bằng một cú click”.

 

 

Tạm kết

 

 

Và trở lại với bộ phim A Space Odyssey mà em yêu thích. Không phải vô cớ mà cái phân cảnh mà anh nhắc đến ban nãy lại trở thành kinh điển. Sự sâu sắc kỳ quặc của nó, ám ảnh anh ở chính sự trái ngược đến rợn người. Siêu máy tính HAL - một thứ vốn được lập trình để trở thành công cụ, nức nở van xin người ta đừng kết liễu nó như một đứa trẻ con sợ mẹ. Và Dave - một nhân vật con người thực thụ, lại đang hành động chẳng khác gì một con robot chỉ biết làm theo thuật toán. Em ơi! Ở năm 2001, con người ta đã trở nên máy móc và lạnh lùng như thế. Còn chúng mình, những kẻ chỉ biết phụ thuộc vào máy tính để nhìn ra thế giới xung quanh, bao giờ đến lượt chúng mình trở thành nhân tạo?

 

Phỏng dịch từ The Atlantic

Vân Anh

Tags: