CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ 5.0: Điều Gì Đã Đem Triết Học Hy Lạp - La Mã Cổ Đại Đến Thế Kỷ 21
CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ 5.0: Điều Gì Đã Đem Triết Học Hy Lạp - La Mã Cổ Đại Đến Thế Kỷ 21
Thực tế là có rất nhiều người thuộc các cộng đồng Khắc kỷ của thế kỷ 21 cảm thấy rằng đối với một nền triết học, dù có bất cứ điều gì xảy ra ở các thế hệ sau hàng thế kỷ, mà có lẽ sẽ tiếp tục phát triển trong vài thập kỷ tới, những tiếng nói cổ xưa của nó vẫn sẽ còn âm vang một cách sống động.
Chủ Nghĩa Khắc Kỷ
(37 lượt)

 

Từ Chủ nghĩa Yếm thế đến Khắc kỷ

Chúng ta đang sống trong một thời đại nơi mỗi ngày đều không thiếu những điều mới lạ. Dù vậy, ít ai có thể đoán trước được rằng, một chủ nghĩa triết học cổ đại của Hy Lạp - La Mã bỗng dưng trở nên vô cùng phổ biến ở thế kỷ 21. 

Khắc kỷ, một chủ nghĩa triết học của Hy Lạp và sau đó là La Mã cổ đại, được hình thành từ khoảng thế kỷ 4 TCN, bởi một thương gia người Citium tên là Zeno. Duyên cớ đến với lý luận của Zeno khởi nguồn từ việc con thuyền buôn của ông bị một cơn bão đánh chìm trên đường đến Athens, mang theo tất cả hàng hoá chôn vùi dưới đáy biển. Chuyện kể Zeno vẫn đến được Athens. Tại đây, với vài đồng bạc lẻ còn sót lại trong túi, ông bước vào hiệu sách và mua một cuốn Memorabilia of Socrates của Xenophon. 

Làm thế nào để ta tìm được một con người như vậy?” - Zeno được cho là đã hỏi người bán sách như thế.

Thế là Zeno được chỉ đến chỗ của Crates, một triết gia của phái Khuyển nho (hay còn gọi là Chủ nghĩa Yếm thế). Những nhà Khuyển nho là một nhóm tách biệt khỏi các tầng lớp xung quanh Học viện của Platon và trường Lyceum của Aristote. Họ tuyên bố sống “thuận theo tự nhiên”, hoàn toàn xa lánh các quy ước xã hội và sống như loài chó (kynes) theo đúng nghĩa đen của từ này.

Vài năm sau, Zeno tự mở một ngôi trường của chính ông. Ông bắt đầu thuyết giảng trên bậc thềm của một nơi gọi là Cổng vòm sơn màu (Stoa) của Athens (sau này trở thành tên gọi của Chủ nghĩa Khắc kỷ là Stoicism, nghĩa là “dưới mái vòm”). Ngày nay, nơi này đã bị chôn vùi phân nửa, nửa còn lại của tàn tích bị bao quanh bởi các nhà hàng mới mọc lên.

 

 

Tóm lại, những điều này có liên quan gì đối với những người thuộc kỷ nguyên internet như chúng ta, nếu không phải để phục vụ cho các ngành nghiên cứu cổ điển?

Khi tôi (tác giả của bài viết này - Giáo sư Matthew Sharpe tại ĐH Deakin) giảng về các vấn đề liên quan đến khái niệm Khắc kỷ tại các hội nghị học thuật rằng triết học là một “cách sống”, kết quả tôi nhận được vô cùng đa dạng. Trong một số trường hợp, mọi người phản hồi với thái độ trịch thượng không buồn che giấu. Triết học vốn là về các khái niệm và truy tìm chân lý, nhưng ngày nay nó hay được xem như việc theo đuổi những lợi thế không chắc chắn trong một cuộc cạnh tranh ngày càng thu hẹp. 

Làm sao ông bạn biết được mình đang sống một cách có triết lý?” Trong một sự kiện, ai đó đã hỏi tôi một câu như thế. “Nói chung thì, ngay cả khi chúng ta đều tin rằng có một hình thức tu tập nào đó đã thực sự tồn tại, thì nó cũng không còn khả thi ở thời đại này,” những người khác nói thêm. 

Điều đáng chú ý là triết học Khắc kỷ bao gồm một nền tảng giải thích thế giới một cách có hệ thống, tuy nhiên nhiều mệnh đề của nó đã không còn phù hợp với hiểu biết ngày nay của chúng ta về thế giới tự nhiên.

Bản thân tôi cũng có một ấn tượng kỳ lạ với học thuyết Khuyển nho khi tôi nhận thấy làn sóng ngày càng phát triển của “Modern Stoicism” (Chủ nghĩa khắc kỷ hiện đại), “How to Be a Stoic” (Cách trở thành người khắc kỷ), “Daily Stoic” (Khắc kỷ hàng ngày), “Traditional Stoicism” (Chủ nghĩa khắc kỷ truyền thống) và các trang blog liên quan, danh sách email và các kênh Youtube từ năm 2013.

Tôi cho rằng việc hàng nghìn người đã viết, đọc và thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ nhờ các trang blog, tham gia các khóa học và tham gia các sự kiện hàng năm như Stoicon, chính là câu trả lời cho một vấn đề mang tính học thuật của Diogenes. Triết gia nổi tiếng nhất của phái Khuyển nho được cho là đã trả lời một vấn đề siêu hình học, đó là chúng ta không thể biết được tại sao một phong trào xuất hiện vậy.

Thế nên, bắt đầu với truyền thống triết học châm biếm nổi tiếng từ ngàn xưa, con chó già đứng dậy từ chiếc ghế bành và bắt đầu đi qua đi lại.

 

Tại sao lại là Chủ nghĩa Khắc kỷ?

 

Nhưng tại sao lại là Khắc kỷ, và tại sao lại ngay thời điểm này? Tôi thường xuyên đặt những câu hỏi như vậy cho những người nổi tiếng trong phong trào Khắc kỷ mới, và tốn kha khá thời gian để thăm dò các trang web và các câu chuyện của họ.

Cốt lõi của câu trả lời chắc hẳn nằm trong sự tương thích lâu dài đối với chuẩn mực của Khắc kỷ, đặc biệt khi nó đến với chúng ta qua các Khắc kỷ gia La Mã như Seneca, Epictetus, Musonius Rufus và Marcus Aurelius. 

Sự tương thích này phụ thuộc vào một vài quan sát và nguyên tắc rất đơn giản nhưng mạnh mẽ. Chúng khởi nguồn từ lời kêu gọi ngắn gọn của Epictetus rằng con người cần phải phân biệt được điều gì nằm trong tầm kiểm soát và điều gì thì không. Ở một mức độ nào đó, thật vô lý khi chúng ta lại buồn phiền vì những điều mà chúng ta chẳng thể thay đổi. Học cách buông bỏ những phiền não phi lý trí, và thay vào đó tập trung vào những thay đổi nằm trong tầm tay của chúng ta - những mong muốn, suy nghĩ và hành động ở hiện tại - để vừa đạt được sự thông thái về mặt triết học, vừa có được những lợi ích về mặt tâm lý.

Hãy tưởng tượng toàn bộ năng lượng mà chúng ta đã dùng để lo lắng bồn chồn về những gì người khác nghĩ, những gì họ đăng trên mạng xã hội, những gì họ nói, thích hay không thích về mình, những điều có thể sẽ xảy ra (hoặc không) trong tương lai và cả những gì không thể thay đổi trong quá khứ, tất cả, được giải phóng để chúng ta có thể hướng sự quan tâm đến những thứ mà chúng ta đang có ở hiện tại và có thể tác động. 

Suy nghĩ này sẽ đưa bạn đến gần hơn với những gì mà những nhà Khắc kỷ đã hứa hẹn, thông qua việc họ nhấn mạnh rằng tính cách bên trong (hay đức tính) của mỗi người là phần thưởng quan trọng nhất mà ai cũng có thể theo đuổi. 

Còn tất cả những thứ khác, những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát - từ danh tiếng đến danh vọng, quyền lực, tiền bạc hay bất cứ thứ gì khiến chúng ta phải đối mặt với sự ràng buộc và rơi vào tầm ngắm của một khối tài sản kếch xù - tất cả những thứ được họ xem là “có cũng được mà không có cũng chẳng sao”. Điều đó có nghĩa là, bản thân chúng không tốt cũng không xấu, và vì vậy, việc chúng ta có được hay mất đi những thứ này cũng không thể đổ thêm hay vơi bớt sự hạnh phúc của chúng ta. Chính sự đánh giá của chúng ta mới khiến chúng trở nên có quyền lực ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng những đánh giá này có thể được mài dũa lại bằng các lập luận, và được đúc kết lại thông qua thực hành và suy xét.

Theo ngôn ngữ ngày nay, chủ nghĩa Khắc kỷ được mô tả như là một trong những “phương pháp hack não” tốt nhất từng được nghĩ ra. Kết quả là, người ta chủ yếu biết về những “nhà hiền triết” phái Khắc kỷ là những người có khả năng chịu đựng “một cách triết học” những nỗi đau đớn, dù đó là việc mất đi thành phố, của cải, bạn bè, và thậm chí cả những người thân yêu. Danh tiếng này đã gán cho những ngôi trường Khắc kỷ hình ảnh khổ hạnh, của những tình huống mà họ thường “mỉm cười và chịu đựng”.

Từ Lời nguyện An tĩnh (Serenity Prayer) đến Shakespeare đến Roosevelt đến những tác giả hiện đại như Walt Whitman hay Tom Wolfe, Chủ nghĩa Khắc kỷ vẫn luôn là một trong những sợi chỉ xuyên suốt lịch sử mà nền văn hoá phương Tây đã dệt nên. 

Trong khi hầu hết chúng ta thường bắt gặp nhiều chủ đề về thế giới quan và thần học ngoại lai của Chủ nghĩa Khắc kỷ, thì đạo đức - một chủ đề lâu đời của chủ nghĩa này - lại ít được tiếp cận hơn. Phát hiện ra điều này đã khiến những nhà sáng lập của Cognitive Behavioural Therapy (tạm dịch: Liệu pháp Hành vi Nhận thức) áp dụng các nguyên tắc và phương thuốc của Khắc kỷ vào liệu pháp tâm lý thế kỷ 20, trước khi nó thật sự được hồi sinh ở thế kỷ 21 dưới tên gọi Chủ nghĩa Khắc kỷ. 

Để trở thành một người Khắc kỷ trong cuộc sống thì khó hơn nhiều so với việc nói trên lý thuyết. Và đây chính là điểm gợi ra các tranh luận và thực hành từ các nhóm khác nhau. 

 

Ngay lúc này? Bằng cách nào?

 

 

 

Trước đây, một triết gia người Đức, Hegel, từng chỉ trích Chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết học dành cho thời kỳ phi dân chủ hoá. 

Thực tế, chủ nghĩa này nổi lên sau khi các thành bang dân chủ, tự trị của Hy Lạp cổ đại trải qua giai đoạn suy thoái cuối cùng. Trong hoàn cảnh đó, nó hướng đến việc trao quyền cho các cá nhân trong một thế giới mà khi đó mọi thứ khác dường như đều đánh mất quyền tự quyết dưới ảnh hưởng của các vua Hy Lạp và Hoàng đế La Mã - những người có thể cướp lấy tài sản của người dân bất cứ lúc nào. 

Trên thực tế, thật sự đã có những vấn đề lịch sử đối với chủ nghĩa này. Tuy nhiên, ngày nay, có thể nó phát triển nhờ vào việc chúng ta đã nắm bắt được điều gì đó đáng chú ý từ Chủ nghĩa Khắc kỷ. Chúng ta đang tiến vào một thời kỳ mà nền hòa bình sau cuộc chiến Dân chủ - Cộng hoà dần trở nên căng thẳng. Trong khi đó, khả năng giám sát và mức độ an ninh của các tập đoàn và quốc gia trong thời đại internet hiện nay càng khiến vấn đề về quyền riêng tư trở nên đáng báo động.

Bản thân internet là nguyên nhân thực tế dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nhưng âm thầm của một triết học thực tiễn như Khắc kỷ, bên ngoài môi trường học thuật. 

Tính từ giai đoạn đầu, giữa và cuối của thời cổ đại mà các học giả đã phân chia, cộng với thời kỳ đầu của “Chủ nghĩa Khắc kỷ mới”,  cái mà chúng ta gọi là “Mái vòm (Stoa) thứ năm” hay “Chủ nghĩa Khắc kỷ 5.0” đã bắt đầu nhen nhóm. Lần này, chẳng có con thuyền nào bị đắm cả, nhưng nhóm người đầu tiên có liên quan đến sự hồi sinh này chắc hẳn không thể ngờ được nó sẽ phát triển nhanh đến như vậy. 

Theo Donald Robertson, tác giả cuốn The Philosophy of Cognitive-Behavioral Therapy: Stoic Philosophy as Rational and Cognitive Psychotherapy (tạm dịch: Triết học về Liệu pháp Nhận thức - Hành vi: Triết học Khắc kỷ như một Liệu pháp Tâm lý của Lý trí và Nhận thức):

Patrick Ussher, một nghiên cứu sinh tại Đại học Essex đã ứng dụng nó với một nhóm học viên đang cố gắng sống một tuần theo lời khuyên của Galen - bác sĩ của Marcus Aurelius. Chris Gill, giáo sư của Ussher tại khoa Cổ điển trường Essex đã tập hợp những người từng viết về chủ đề này, bao gồm cả tôi, Tim LeBon và Jules Evans. Chúng tôi gặp nhau và Tuần lễ Khắc kỷ (Stoic Week) đã ra đời. Có một video đã ghi lại buổi workshop đó, tại Exeter vào năm 2012. Đó chính là cách mà dự án về Chủ nghĩa Khắc kỷ Hiện đại của chúng tôi đã ra đời. 

Tính đến thời điểm của bài viết (2/2017), dự án này bao gồm một số nhóm (nhóm lớn nhất trong số đó có hơn 25.000 thành viên), trang Stoicism Subreddit (hơn 54.000 người đăng ký), danh sách các email nơi diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt về các chi tiết trong lý thuyết, vô số các blog về Khắc kỷ, một số nhà tư vấn Khắc kỷ, và hàng trăm video Youtube. 

Một trang có tên “Traditional Stoicism” (Chủ nghĩa Khắc kỷ Truyền thống) nhằm tách khỏi các nhóm “hiện đại” khác với quan điểm kiên quyết rằng, để sống theo các giá trị đạo đức Khắc kỷ, đòi hỏi một sự gắn kết đối với thế giới quan và thần học của Chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại. 

Ngoài ra còn có “Modern Stoicism” (Chủ nghĩa Khắc kỷ Hiện đại) và “How to be a Stoic” (Làm sao để trở thành một Khắc kỷ gia), nơi đăng những bài viết về các nhân vật, tài liệu và chủ đề của Chủ nghĩa Khắc kỷ, và sau này là sự xuất hiện của một chuyên mục nổi tiếng được đăng tải cách ngày - Lời khuyên Khắc kỷ. 

Một số nhóm lại khuyến nghị thêm các bài thực hành thiền và “chánh niệm” song song, hoặc áp dụng như một hệ quả của các bài tập Khắc kỷ, trong khi một số khác thì phản đối.

Sau đó, một trang web là “Daily Stoic” (Khắc kỷ mỗi ngày) đã gửi những bài thiền theo chủ đề Khắc kỷ đến email của những người đăng ký mỗi ngày: ví dụ như trích dẫn từ những nhà Khắc kỷ Hy Lạp và La Mã cổ đại, hay từ các tác phẩm văn học và triết học có liên quan đến Khắc kỷ. 

 

Không chỉ là triết thuyết, mà còn là một cách sống

 

Vì sao lại có nhiều cộng đồng trực tuyến về Khắc kỷ như thế? Đó là vì họ đến với nhau bằng niềm tin rằng Chủ nghĩa Khắc kỷ đã và đang là một phong cách sống với những giá trị cốt lõi được giữ gìn từ xa xưa. 

Về mặt này phải nhắc đến người tiên phong của họ, nhà triết học cổ điển và nhà sử học vĩ đại người Pháp, Pierre Hadot. Trong một loạt các tác phẩm được viết từ năm 1970, dựa trên quá trình theo học thần học và triết học, Hadot tin rằng cách duy nhất để hiểu những tài liệu của các Khắc kỷ gia cổ đại (và những người theo Chủ nghĩa Sử thi và Hoài nghi), đó là chúng ta phải có cùng một quan niệm triết học với họ về cái mà nhà Khắc kỷ gọi là “một nghệ thuật sống” (An art of living).

Rất nhiều văn bản, đặc biệt là các Khắc kỷ gia La Mã đang được quan tâm trong giai đoạn phục hưng này, đã đưa ra các phương pháp mà Hadot gọi là “các bài tập tinh thần”. Nó bao gồm các bài tập thiền, chẳng hạn, các học viên được khuyến khích hình dung mình đang đứng từ trên cao và nhìn lại hoàn cảnh của mình, nhằm tái tạo bối cảnh (với một góc nhìn rộng hơn) về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt. 

Trong cuốn Suy tưởng của vị hoàng đế La Mã Marcus Aurelius, có một loạt các đoạn trong đó ông áp dụng bài tập này và các bài tập khác cho bản thân: như thực hành ghi nhớ với lòng biết ơn, tất cả những ai đã đem lại điều có ích cho ông, và những gì ông mắc nợ mỗi người trong số họ; hoặc chuẩn bị tinh thần trước vào mỗi buổi sáng, rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với những người có thể chọc tức hoặc hiểu sai về ta như thế nào, và những tình huống không “như mong đợi của chúng ta”; hoặc nhớ rằng “cách trả thù tốt nhất là không trở nên giống như kẻ đã làm điều sai trái đối với bạn”, những người mà trong bất kỳ suy nghĩ và hành động nào cũng chỉ biết nghĩ đến bản thân họ.

 

 

Seneca nói với chúng ta rằng mỗi đêm, trước khi ngủ, ông sẽ dành thời gian để xem xét tất cả các hành động của mình trong ngày dưới ánh sáng của các nguyên tắc triết học Khắc kỷ. 

Việc nhận biết liệu một người có phải là Khắc kỷ gia hay không từng khá rõ ràng trong quá khứ. Tuy nhiên, ngày nay, những gì chúng ta nhìn thấy chủ yếu là một triết lý sống giúp con người tìm thấy sự bình yên trong thế giới bộn bề. Các học viên của trường phái Khắc kỷ sẽ thực hành các bài tập tinh thần và các bài tập khác hàng ngày, vào những mốc thời gian đã định, và theo cách thức đã được khuyến nghị, ví dụ như tuần “Sống như một nhà Khắc kỷ” (Live like a Stoic) được tổ chức từ 2012. 

Như Robertson đã giải thích về phương pháp thực hành Khắc kỷ của riêng mình: 

Tôi nghiên cứu khá nhiều văn học Khắc kỷ mỗi ngày… [và] Tôi cố gắng sống như một nhà Khắc kỷ. Tôi tắm nước lạnh vào mỗi sáng; nhịn ăn vào Chủ nhật; tập thể dục dựa trên các phương pháp Khắc kỷ vào buổi sáng. Mỗi sáng tôi chuẩn bị tinh thần cho những điều sắp xảy ra và xem xét lại một ngày của mình trước khi đi ngủ… Tôi cũng áp dụng phương pháp Nhìn từ Trên cao mỗi khi cảm thấy căng thẳng. Ngoài ra, Chủ nghĩa Khắc kỷ là tiêu chuẩn đạo đức của tôi, vì vậy theo một nghĩa nào đó tôi đang cố gắng áp dụng nó cho cả ngày và trong mọi tình huống.

Tất nhiên, không phải cá nhân nào ở thế kỷ 21 cũng như thế, nhưng các cộng đồng trực tuyến của Chủ nghĩa Khắc kỷ trong tương lai cũng sẽ sống đúng như kiểu triết học mà Robertson mô tả ở trên.

Thực tế là có rất nhiều người thuộc các cộng đồng Khắc kỷ của thế kỷ 21 cảm thấy rằng đối với một nền triết học, dù có bất cứ điều gì xảy ra ở các thế hệ sau hàng thế kỷ, mà có lẽ sẽ tiếp tục phát triển trong vài thập kỷ tới, những tiếng nói cổ xưa của nó vẫn sẽ còn âm vang một cách sống động. 

Thanh Trần

Có thể bạn quan tâm: CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ: Làm sao để sống một cuộc đời ý nghĩa và trọn vẹn?

 
Tags: