Năm 1934, Chế Lan Viên trọ học ở một ngôi chùa gần sông Thị Nại, thuộc thành Bình Định tại Trường Quốc học Quy Nhơn. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm cũng từ Quảng Ngãi vào học trường này. Tuy học cùng trường nhưng khác lớp, Nguyễn Viết Lãm học trước Chế Lan Viên một năm. Do cả hai đều yêu mến văn chương nên chỉ một lần gặp nhau là trở thành đôi bạn thân thiết ngay.
Theo hồi ký của Nguyễn Viết Lãm (Tạp chí Cửa Biển số 57-2001), tại trường cả hai đã tổ chức làm Tạp chí Hoa Sinh, mỗi số dày 60 trang, chép tay ra nhiều bản cho bạn bè đọc. Cũng tại đây là cái nôi hình thành bốn nhà thơ gọi là "Bàn thành tứ hữu". Sau mang tên là "Thái dương văn đoàn" gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan.
Trong 3 năm học ở Quy Nhơn 1934 - 1937, Chế Lan Viên đã làm thơ và xuất bản tập “Điêu tàn”. Những bài thơ đầu trước khi in thành sách, đã in trên Báo Ngày nay, Chế Lan Viên ký tên là Lan Viên, từng được Khải Hưng khen ngợi. Tập “Điêu tàn” ra đời được nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá cao: "như một niềm kinh dị". Nhóm thơ Quy Nhơn thời đó tự hào có Chế Lan Viên, một ngọn cờ mới.
Ngày ấy, Chế Lan Viên đẹp trai, khuôn mặt tròn, nước da trắng, mớ tóc xõa trên trán. Sau khi ra trường, Chế Lan Viên ra Đà Nẵng dạy học ở Trường tư thục Chấn Thanh. Từ nơi này Chế Lan Viên gặp một nữ sinh tên là Giáo, cô này rất yêu thơ văn. Hình như cô Giáo đọc thơ Chế Lan Viên in trên Báo Ngày nay, đã muốn làm quen với Chế Lan Viên nên mấy lần cô gửi thư cho Chế Lan Viên. Mến thơ nhưng chưa hẳn yêu người. Giữa hai người vẫn chỉ là tình cảm hâm mộ văn chương.
Thế nhưng, có một hôm, Thầy Hoan (tên Chế Lan Viên) bình giảng bài thơ "Bình Định", 1935 của Yến Lan. Bài thơ ấy, nội dung đã hay, nghệ thuật càng hay, nhưng vì thêm một lý do tác giả Yến Lan là bạn thân của thầy Hoan, nên thầy Hoan giảng càng say mê tâm huyết cốt truyền đạt các yếu tố nghệ thuật làm nên bài thơ hay của bạn mình tới học trò. Đặc biệt thầy Hoan giảng đến hai câu thơ:
Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc
Em nằm thương xanh biếc của trời buồn…
Đúng là tâm trạng của tình yêu, của thiếu nữ đang lớn, được thầy Hoan mở rộng trong bài giảng, khiến cô nữ sinh tên Giáo ở tuổi 17 cũng hút hồn theo câu thơ và theo cả thầy…
Sau một thời gian, cô Giáo đã yêu thầy Hoan nhưng mối tình của họ gặp sự cản trở của gia đình bên cô Giáo vì gia đình cô khá giàu có và thế lực ở Đà Nẵng. Vì yêu, Chế Lan Viên rời khỏi Trường tư thục Chấn Thanh cùng người yêu bí mật lên xe lửa về Nha Trang. Sau đó gia đình cô Giáo có lên Nha Trang tìm con. Nhưng Quách Tấn và Nguyễn Đình đã bố trí nơi ăn chốn ở cho cặp đôi Chế Lan Viên êm thấm.
Sau này, gia đình cô Giáo biết Chế Lan Viên là nhà thơ nổi tiếng, nên cha mẹ cô Giáo yên tâm. Một thời gian cặp đôi Hoan - Giáo mới yên tâm trở về Đà Nẵng "Châu về hợp phố". Ít lâu, Chế Lan Viên và cô Giáo sinh con gái đầu lòng, hai người thống nhất đặt tên là "Phan Thị Chấn Thanh" để kỷ niệm mối tình đầy lãng mạn, khởi nguồn từ ngôi trường tư thục có tên Chấn Thanh. Cô Giáo chính là người vợ đầu của nhà thơ Chế Lan Viên.
Thầy giảng thơ hay - lấy được người đẹp như Chế Lan Viên là chuyện vui trong làng giáo và làng văn nghệ. Sau này cuộc hôn nhân cô Giáo - thầy Hoan tan vỡ. Chế Lan Viên có những câu thơ rút ruột mà hay: “Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa/ Nhưng em còn quẩn mỗi câu thơ/ Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ...”.
Tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đem máy bay B52 ra bắn phá Hà Nội, hòng biến nước ta trở về thời kỳ đồ đá. Biết trước âm mưu này, nhiều cơ quan cùng nhân dân trên địa bàn Thủ đô đều phải đi sơ tán khỏi khu vực Hà Nội. Trong số ấy có cả một số nhà văn, nhà báo. Nhà văn Nguyễn Tuân năm đó đã cao tuổi nhưng ông không đi sơ tán cùng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, mà quyết định ở lại chiến đấu với B52 Mỹ bằng ... ngòi bút.
Đêm 24/12/1972, giặc Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sau khi máy bay Mỹ rút, nhà văn Thép Mới cùng nhà văn Nguyễn Tuân đến hiện trường chụp ảnh, viết bài. Trong 12 ngày đêm quần đảo Hà Nội, giặc Mỹ đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta. Gần một tuần sau, trên Báo Nhân dân đã đăng bài tùy bút của Nguyễn Tuân về sự kiện này với tiêu đề "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" - ngợi ca tinh thần chiến thắng B52 của quân và dân Thủ đô. Đồng thời lên án tội ác của đế quốc Mỹ. Nguyễn Tuân "trị" giặc Mỹ bằng ngôn ngữ văn chương trong các bài tùy bút, phóng sự chưa đã, ông còn đích thân tìm đến "khách sạn Hin-tơn", nơi giam giữ những giặc lái Mỹ. Ông hỏi người Trại trưởng trại giam này:
- Một ngày một "ông công tử bột" (ý nói phi công Mỹ) này được phát bao nhiêu thuốc lá?
Trại trưởng trại giam trả lời: - Thưa bác, một bao Tam Đảo, hoặc một bao Điện Biên bao bạc ạ!
Nguyễn Tuân hỏi lại: - Sao không phát cho chúng 17, hay 19 điếu?
Trại trưởng trại giam ngạc nhiên: - Thưa bác, 17 hay 19 thì cũng gần một bao!
Nhà văn Nguyễn Tuân mỉm cười: - Khác đấy ông ạ. Phát cho chúng nó một bao thì đơn vị là bao. Phát một bao chúng nó đòi 2 bao, 3 bao. Phát điếu thì đơn vị là điếu.
Nhấp một hớp trà rồi nhà văn rề rà, tỉa tót: - Cái bọn này nó giết người như rác. Cho nên phải dạy cho chúng nó thấm thía cái thân phận tù nhân đi xâm lược. Phát mỗi đứa một bao, nó đưa tay ra, bỏ luôn vào túi, mặt vẫn vênh. Còn phát 17 hay 19 điếu thì chúng nó phải bóc, phải đếm, phải chia nhau, lại có điếu lỏng, điếu tụt, rồi lại tranh nhau cái vỏ bao, rồi lại có thằng ăn gian nữa. Có thể mắng nhau, đánh nhau là chuyện thường. Phải để chúng bộc lộ hết cái hèn hạ, tầm thường của chúng nó ra chứ!
Nghe nhà văn Nguyễn Tuân nói vậy, anh Giám đốc trại giam vô cùng khâm phục:
- Thưa bác, bác là nhà văn mà lại giỏi chính trị quá!
Nguyễn Tuân vẫn tưng tửng:
- Cái chính trị trong văn chính là cái chính trị ghê gớm nhất. Nó là đường gờ-lu-cô chứ không phải đường sắc-ca-rô, nó là rượu đã chưng cất từ gạo lên chứ không phải là gạo!
Được nghe những điều "chỉ huấn" rất sâu sắc từ nhà văn Nguyễn Tuân. Hôm sau anh Trại trưởng trại giam đã áp dụng kiểu chia thuốc lá như thế. Tất cả những điều mà nhà văn Nguyễn Tuân dự đoán đều đã xảy ra: Ăn gian, không nhận điếu tụt, tranh nhau vỏ bao và ... đấm nhau.
Chuyện ba nhà văn, ba thời kỳ cất giấu bản thảo
“Cất” bản thảo dưới rãnh cày:
Nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954) rất sợ mất bản thảo. Cuối năm 1946, từ Hà Nội đưa gia đình lên Việt Bắc. Trên đường đi cụ cứ lùi lại phía sau, mặc vợ con gồng gánh lếch thếch đi trước. Thỉnh thoảng cụ lại tạt ngang vào cánh đồng đã cày, dúi cái gì đó vào giữa luống cày lật úp, rồi lại đi tiếp.
Thấy thế bà vợ nhà văn sốt ruột hỏi, ông trả lời động viên vợ con:
- Nhà và các con cứ gắng đi đi...
Mãi sau mọi người trong gia đình mới vỡ lẽ: Sợ Tây bắt được, lấy mất bản thảo, nên nhà văn phải tạm thời “cất giữ” nó dưới những luống cày phơi nỏ ấy.
Bản thảo giấu trong hầm bê tông:
Nhà văn Xuân Cang (họ Nguyễn) sinh năm 1932 tại Hà Nội. Ông có ngót 20 năm sống và viết ở khu gang thép Thái Nguyên. Thời kỳ đầu xây dựng khu gang thép, Xuân Cang đã có mặt, nhà văn công tác ở bộ phận Công đoàn, thư ký cho đồng chí Trần Bảo, một chiến sĩ cách mạng tiền khởi nghĩa, nhiều năm bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo. Nhà văn Xuân Cang luôn luôn “Bám sát” để nghe đồng chí Trần Bảo mỗi khi kể cuộc đời hoạt động của đồng chí đến đâu thì ghi đến đấy.
Những năm giặc Mỹ leo thang, phá hoại miền Bắc 1964-1972, Xuân Cang giấu bản thảo đó xuống dưới một cái hầm nhỏ, đổ bê tông, nắp đậy bằng cốt thép xi măng, phòng cháy. Sau này tập bản thảo in thành sách có tên là “Hạt máu” do Nhà xuất bản Lao động in 1970. Sở dĩ Xuân Cang, lấy tên “Hạt máu” là được đọc một câu thơ trong bài thơ dài của Tố Hữu “Ba mươi năm đời ta có Đảng” có câu “Đảng ta sinh ở trên đời, một hòn máu đỏ, nên ngày hôm nay”.
Bản thảo giấu vào hũ:
Nhà văn Phù Thăng, tên thật Nguyễn Trọng Phu, sinh năm 1928, tại Hải Dương mất năm 2008. Ông tham gia bộ đội, chống Pháp ở quân khu 3, thuộc trung đoàn 42. Là tác giả nhiều kịch bản phim, trong đó có kịch bản “Biển lửa” nổi tiếng. Sau khi viết tiểu thuyết “Phá vây” in 1964, người ta cho là sách có vấn đề, hữu khuynh tiêu cực. Ông về hưu năm 1988 sống ở quê nhà.
Trong thời gian sống ở quê, ông thường đi cày, trồng hàng mẫu lúa, những lúc có điều kiện, có cảm xúc ông lại viết tiểu thuyết. Viết đến hàng trăm trang, ông sợ mối mọt, chuột bọ nên bí mật cho bản thảo vào trong cái hũ sành, lấy lá chuối khô đậy nút. Nắp của hũ đậy bằng một cái ống bơ, như ống bơ người ta thường đong gạo. Bản thảo của nhà văn Phù Thăng cất vào hũ rượu, vì hũ rượu mà không có rượu bà vợ ông gọi là “hũ văn”.