Bạn có bao giờ nhìn thấy tiềm năng nơi các thành viên trong đội ngũ của mình?
Bạn có bao giờ nhận thức được năng khiếu độc đáo của những người xung quanh bạn?
Bạn có bao giờ nhìn thấy tiềm năng trong chính bản thân mình?
Để tôi tiết lộ với bạn một điều phi thường về năng lực của chúng ta. Não bộ của chúng ta cũng giống như mạng lưới giao thông của quốc gia. Giữa các điểm khác nhau có những con đường nối. Con đường nào không được đi qua nhiều sẽ có cỏ mọc và dần dần sẽ đi vào lãng quên. Những con đường nào được lui tới thường xuyên thì ngày càng được mở rộng, kinh tế ở vùng đó ngày càng phát triển. Bởi như nhà văn Lỗ Tấn từng khẳng định: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường mà thôi”. Năng lực không giới hạn chính là tài nguyên để con người khai thác, là “hũ thuốc” để con người lấy ra những “linh dược”, là “khẩu phần” mà Thượng Đế đã ban tặng cho chúng ta.
Cuốn sách “Kích hoạt tiềm năng” là kết quả nỗ lực của 4 tác giả Shawn Moon, Todd Davis, Michael Simpson, Roger Merrill - đều là chuyên gia cấp cao về cố vấn lãnh đạo và phát triển tài năng, từng chứng kiến cách những lãnh đạo tại hàng chục quốc gia khai phóng tiềm năng của cá nhân xung quanh họ. Phần lớn nội dung “Kích hoạt tiềm năng” được viết dựa trên kết quả của quá trình làm việc giữa 4 tác giả với hàng ngàn lãnh đạo trong 30 năm. Điều này cũng đủ khiến các lý lẽ và lập luận trong cuốn sách trở nên vững chắc. “Kích hoạt tiềm năng” có lối viết logic, chặt chẽ và sử dụng nhiều câu chuyện minh họa thú vị xen kẽ. Cuốn sách ra đời hẳn với mong muốn rằng, sẽ giúp các nhà quản lý xây dựng một đội ngũ xuất chúng dựa vào việc kích hoạt tiềm năng của các thành viên.
Cuốn sách được thiết kế với tất thảy 5 chương trong đó có 3 chương tập trung mô tả về “Cuộc trò chuyện khai mở”. Ở cuối mỗi chương đều sẽ có kết luận và những câu hỏi thảo luận mang tính đào sâu. Tuy rằng bạn có thể áp dụng thực hành phương pháp “Cuộc trò chuyện khai mở” này theo bất kỳ trật tự nào, ở bất kỳ địa điểm và thời điểm nào, miễn sao bạn phải luôn ghi nhớ “ngữ cảnh” của một “Cuộc trò chuyện khai mở”. Lạc vào nền văn hóa của cuốn sách này, bạn sẽ thu nạp được rất nhiều thuật ngữ mới, rất nhiều phương pháp và ý nghĩa mới trong phương cách lãnh đạo của mình.
Hãy thử nghĩ về những nhân viên trong công ty, những tài năng chưa từng được bùng cháy vì thiếu người đánh lửa. Vậy thì “Cuộc trò chuyện về tiếng nói” sẽ khơi lên ngọn lửa đó. Cuộc trò chuyện này sẽ đem lại một hiệu quả về việc khai phóng tiềm năng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sự thỏa mãn trong công việc, đến sự tận tụy và tận hiến, và đến chất lượng công việc mà là cả một nền văn hóa của doanh nghiệp.
“Cuộc trò chuyện về tính hiệu quả” chính là bí ẩn tiếp theo. Cuộc trò chuyện này rất khác so với kiểu đánh giá hiệu suất thông thường. Ở đây, nhà lãnh đạo buộc phải bỏ lại cái tôi để khích lệ nhân viên cùng sáng tạo với một mục tiêu chung. Mục đích của phương pháp này là tăng hiệu quả làm việc bằng cách đi đến một thỏa thuận chung trong thứ tự ưu tiên, quy trình và kể cả lòng tin.
Cuối cùng thì, không giống như chiếc la bàn như “Cuộc trò chuyện về tiếng nói”, không phải bảng ghi công như “Cuộc trò chuyện về tính hiệu quả”,”Cuộc trò chuyện về sự khai thông” giúp loại bỏ các chướng ngại trên đường để khai phóng trọn vẹn tài năng và tài năng đó sẽ đưa bạn đến đích của cuộc hành trình một cách thuận lợi trong niềm hân hoan chúng.
Tuy nhiên có một sự thật là, không phải tình huống cụ thể nào trong cuốn sách cũng áp dụng được vào thực tiễn đời sống. Vì vậy, bạn có thể coi chúng là công cụ và áp dụng ý tưởng riêng của bạn dựa trên những nguyên tắc cốt lõi đã được đúc kết trong chương 5.
Về cơ bản thì, bạn có thể coi 3 cuộc trò chuyện khai mở được đề cập giống như những chiếc chân của chiếc kiềng ba chân trong một tổ chức có hiệu quả. Chiếc kiềng sẽ không thể mang lại cho bạn những lợi ích tối ưu nếu thiếu đi một yếu tố nào. Bạn sẽ mắc sai lầm, tôi đoán là thế, vậy nhưng ai chẳng có lần đầu. Bởi trong chúng ta không ai có thể hoàn hảo đủ ở các mặt. Tuy nhiên, có đáng để tiếp thu không nếu sau khi bạn áp dụng những nguyên tắc giao tiếp trong cuốn sách này bạn sẽ trở thành người biết lắng nghe hơn, bạn sẽ nhìn nhận được tiềm năng ở mỗi thành viên trong đội ngũ, bạn sẽ cải thiện đáng kể chất lượng công việc mà nhóm bạn đang đảm đương, bạn sẽ là một nhân tố tiên phong trong việc tạo ra nền văn hóa giải phóng tài năng.
Thói quen chủ động áp dụng các nguyên tắc mà bản thân hiểu thấu đáo chính là cấp độ sau cùng của sự khôn ngoan. Thế nào rồi, bạn có muốn thử không, một bữa tiệc với rất nhiều háo hức đang chờ đợi bạn khai mở đằng sau trang sách đấy.
Triệu Đào Quỳnh An
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Làm thế nào để phân biệt một nhà quản lý tài ba và một nhà quản lý bình thường
Niềm vui dành cho sở thích, còn đau khổ dành cho công việc