Niềm vui dành cho sở thích, còn đau khổ dành cho công việc
Niềm vui dành cho sở thích, còn đau khổ dành cho công việc
Những câu hỏi như “Chúng ta thích làm gì?”, “Điều gì làm ta vui”... thường chỉ quan trọng trong thời thơ ấu, dù không nhiều. Nhưng càng ngày, những câu hỏi đó càng bị gạt sang một bên, nhường chỗ cho các thể loại bài tập, rồi sau đó chỉ còn xuất hiện vào những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ. Dần dà, ta hình thành một sự phân biệt cơ bản rằng: niềm vui dành cho sở thích, còn đau khổ thì dành cho công việc.
 Chúng ta hứng thú với hạnh phúc và niềm vui biết bao khi đến với thế giới này. Trong những năm đầu đời, chúng ta có rất ít hoạt động nhưng lại luôn biết cách tìm kiếm nguồn tiêu khiển và chạy theo những niềm vui của mình bằng sự trợ giúp của vài vũng nước nhỏ, mấy cây bút màu, quả banh, máy tính hoặc bất cứ thứ gì tìm thấy trong ngăn bếp. Nếu có thứ gì gây bực bội hoặc trở nên nhàm chán, ta chẳng ngại đi tìm một nguồn vui mới - và có vẻ chẳng ai bận tâm quá nhiều đến chuyện đó cả.

Sau đó, đến độ 5 hoặc 6 tuổi, bỗng dưng chúng ta biết đến một thế giới đáng sợ hơn, được vận hành bởi cái gọi là “Quy Tắc Nghĩa Vụ”. Thực tế này cho chúng ta biết rằng có một số việc, thực ra là khá nhiều, mà chúng ta buộc phải làm, không phải vì yêu thích hay vì hiểu được ý nghĩa của nó, mà là bởi vì người khác (những người rất đáng sợ, quyền lực và bự gấp 3 lần chúng ta) muốn chúng ta làm thế. Và rồi những người lớn giải thích đi giải thích lại một cách cứng nhắc rằng chúng ta sẽ kiếm được tiền, sẽ mua một căn nhà và đi du lịch sau khoảng 30 năm nữa. Nghe có vẻ khá là quan trọng.

Chúng ta luôn có rất biết cách tìm niềm vui khi còn là trẻ nhỏ

Nếu có một ngày chúng ta về nhà, khóc lóc với bố mẹ rằng mình chẳng muốn làm bài tập ngày mai về ngọn núi lửa nào đó, hẳn là họ sẽ giảng cho chúng ta nghe về NGHĨA VỤ. Có thể họ sẽ mất kiên nhẫn và nổi giận nữa, cộng thêm nỗi sợ hãi khi nói về việc chúng ra sẽ chẳng thể nào tồn tại trong thế giới người lớn nếu không trở thành một kiểu người có đủ trách nhiệm để hoàn thành một bài tập đơn giản về dung nham, mà thay vào đó lại muốn xây một ngôi nhà trên cây. 

Những câu hỏi như “Chúng ta thích làm gì?”, “Điều gì làm ta vui”... thường chỉ quan trọng trong thời thơ ấu, dù không nhiều. Nhưng càng ngày, những câu hỏi đó càng bị gạt sang một bên, nhường chỗ cho các thể loại bài tập, rồi sau đó chỉ còn xuất hiện vào những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ. Dần dà, ta hình thành một sự phân biệt cơ bản rằng: niềm vui dành cho sở thích, còn đau khổ dành cho công việc.

Cũng chẳng có gì bất ngờ khi sự phân biệt này trở nên cực đoan hơn sau khi chúng ta tốt nghiệp Đại học. Chúng ta ít khi nào tự hỏi bản thân một cách dứt khoát rằng chúng ta muốn làm gì với cuộc đời mình, công việc gì có thể khiến chúng ta vui vẻ trong những năm còn lại? Chúng ta không học cách suy nghĩ như vậy, nhất là khi những Nguyên Tắc Nghĩa Vụ đã thống trị khoảng 80% thời gian chúng ta sống trên Trái Đất và nó dường như đã trở thành bản chất thứ hai của con người. Chúng ta bị thuyết phục rằng một công việc tốt đồng nghĩa với việc nó buồn chán, áp lực và phiền phức. Nếu không thì ai lại muốn trả tiền cho chúng ta làm việc?

Lối suy nghĩ đầy này sở dĩ ngày càng trở nên phổ biến bởi vì chúng ta tin rằng đó là lựa chọn an toàn trong thế giới đắt đỏ và cạnh tranh khốc liệt này. Nhưng liệu một cuộc sống với vô vàn trách nhiệm và nghĩa vụ có thể đem lại cho chúng ta sự đảm bảo như mong đợi? Một khi hoàn thành việc học, Nghĩa Vụ sẽ nổi lên như một trách nhiệm tuyệt đối và ngụy trang thành một đức tính. Nhưng ngay cả Nghĩa Vụ cũng có thể phát triển theo hướng nguy hiểm, cụ thể với hai lý do sau:

Thứ nhất, trong nền kinh tế hiện đại, những thành tựu lớn chỉ đến với những người biết cống hiến hết mình và có sáng tạo phi thường trong công việc. Để làm được điều này tất nhiên họ cần thật sự yêu thích công việc của mình ở mức độ lớn hơn nhiều so với tình trạng thường xuyên cảm thấy kiệt sức và khó chịu. Chỉ khi tìm thấy động lực từ bên trong bản thân, chúng ta mới có thể sản sinh ra một nguồn năng lượng lớn và trí tuệ đủ để tỏa sáng giữa một đám đông đầy tiềm năng. Nếu công việc hóa ra chỉ như một danh sách các nghĩa vụ cần phải hoàn thành, sớm muộn gì nó cũng sẽ mất cân bằng và trở nên thiếu hụt nếu đem so với những gì được thúc đẩy bởi đam mê.

Thứ hai, những người đặt nền tảng công việc dựa trên niềm vui của chính mình, thường có cái nhìn sâu sắc hơn về việc tạo niềm vui cho người khác - bao gồm đối tượng khách hàng và người tiêu dùng mà hiện nay doanh nghiệp nào cũng nhắm tới. Và cách tốt nhất để làm hài lòng các “khán giả” của mình, chính là sử dụng những cảm xúc tích cực, mới mẻ có sẵn trong con người mình.

Nói tóm lại, niềm vui vốn không tỉ lệ nghịch với công việc. Ngược lại, nó mới chính là thành phần mấu chốt để có được một sự nghiệp thành công.

Nếu công việc chỉ như một danh sách các nghĩa vụ cần phải hoàn thành, sớm muộn gì nó cũng sẽ mất cân bằng

Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng việc hỏi bản thân thực sự muốn làm gì mà không cân nhắc đến lợi ích trước mắt hoặc lâu dài về tiền bạc hay danh tiếng, là đi ngược lại mọi giả định mà chúng ta đã được dạy về một cuộc sống ổn định và an toàn. Điều này thật đáng sợ. Phải có cái nhìn sâu sắc và sự trưởng thành để bám vào sự thật, đó là: chúng ta chỉ có thể phục vụ người khác theo cách tốt nhất, và đóng góp cho xã hội nhiều nhất khi chúng ta bộc lộ khía cạnh sáng tạo nhất và bản chất chân thực nhất của bản thân vào công việc. Nghĩa vụ có thể đảm bảo cho chúng ta một nguồn thu nhập cơ bản, nhưng những thành tựu lớn trong công việc lại luôn đến từ sự chân thành và vui vẻ nơi người lao động.

Ayn Rand - nhà văn và triết gia theo chủ nghĩa khách quan, đã nói lên tầm quan trọng của việc phát triển tính cá nhân trong tác phẩm nổi tiếng từ những năm 40, rằng: “Quyền đầu tiên của con người trên trái đất này là quyền có cái tôi. Bổn phận đầu tiên của một con người là bổn phận với chính mình. Nguyên tắc đạo đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống thay anh ta.” (Trích: Suối nguồn, Ayn Rand)

Trong khi hầu hết mọi người đang chịu đựng sự chi phối của Nguyên Tắc Nghĩa Vụ, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta thử tạo ra một lối rẽ. Nghe hơi xui xẻo nhưng hãy tưởng tượng rằng mình đang nhìn cuộc đời khi nằm trên giường bệnh. Ý niệm cái chết đang ở rất gần có thể giúp chúng ta vượt qua những nỗi sợ hãi phổ biến: Người khác đang nghĩ gì về mình?. Một viễn cảnh về sự kết thúc sẽ nhắc nhở chúng ta rằng có một nghĩa vụ còn cao hơn cả nghĩa vụ đối với xã hội: nghĩa vụ đối với bản thân, với tài năng, sở thích và đam mê của chúng ta. Ngắm nhìn cuộc đời trên chiếc giường bệnh có thể giúp chúng ta nhận ra được sự bất ổn và nguy hiểm tiềm ẩn trong hành trình tưởng chừng vô cùng hợp lý kia.

Thanh Trần | Theo theschooloflife

  >> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Chúng ta thực sự tìm kiếm điều gì: Thấu hiểu bản thân để đi tìm hạnh phúc

Lắng nghe cơ thể: cách bạn hiểu và yêu sự sống mà mình đang có

Hạnh phúc trong hôn nhân, chỉ yêu thôi là chưa đủ

Tags: