“Gọi em bằng tên anh”: Khúc bi ca chân thành và cảm động về tình yêu giữa hai chàng trai trẻ
“Gọi em bằng tên anh”: Khúc bi ca chân thành và cảm động về tình yêu giữa hai chàng trai trẻ
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Mỹ André Aciman “Gọi em bằng tên anh” gây ấn tượng với độc giả bởi câu chuyện tình yêu nồng nhiệt, đắm say nhưng cuối cùng không đi tới đâu giữa Elio và Oliver. Mối tình đồng tính nên thơ ấy đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên và bộ phim này cũng vinh dự giành Tượng vàng ở hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất trong lễ trao giải Oscar lần thứ 90 (năm 2018) vào tối chủ nhật (4/3) theo giờ địa phương, tại nhà hát Dolby, Hollywood (Mỹ).
Ngay từ những trang đầu, nhân vật Elio đã trải lòng kể về câu chuyện của một thời đã xa: “Tôi nhắm mắt lại và trở lại nước Ý vào nhiều năm trước, bước dọc con lộ rợp bóng cây, nhìn anh xuống xe taxi, áo sơ-mi xanh dương thùng thình, cổ áo rộng phanh ra, kính râm, mũ rơm, chỗ nào cũng thấy da… Có thể câu chuyện đã bắt đầu ở ngay nơi đó, ngay lúc đó”. Đương nhiên, đọc những dòng này, chúng ta có thể hiểu, “Giờ đây, tôi không sống ở Ý, tôi không còn là một chàng trai trẻ tuổi và điều tôi sắp kể ra đây đã xảy ra từ rất lâu”.

 

Câu chuyện hư cấu bắt đầu khi Oliver, một giảng viên 24 tuổi ở Columbia (Mỹ) đến dinh thự của nhà cậu Elio tại Ý trong 6 tuần để sửa lại bản thảo cho cuốn tiểu thuyết sắp xuất bản của mình. Mối tình lãng mạn nhưng đầy khắc khoải giữa con trai chủ nhà - chàng thiếu niên 17 tuổi, nhạy cảm, yêu âm nhạc Elio với vị khách trọ, hơn cậu tới 7 tuổi, Oliver dần nảy nở giữa khung cảnh mùa hè nước Ý tràn ngập ánh nắng ấm áp, cổ kính và rất đỗi nên thơ với hồ nước trong xanh, thảm cỏ rộng lớn, hay khu vườn đầy trái đào, mơ chín ửng và những triền đồi ngập hướng dương.

Tác giả André Aciman cố gắng xây dựng nhân vật Elio với vẻ thông minh, ngây thơ còn Oliver lại là người có vẻ ngoài điển trai, bình thản, tỉnh bơ, đầy lôi cuốn. Dù cuộc tình của họ chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 6 tuần ngắn ngủi nhưng dư vị của những cảm xúc mãnh liệt, thăng hoa giữa hai người sẽ theo họ mãi về sau.

Chẳng hiểu vì sao mùa hè cũng dài như mùa đông nhưng người ta cứ luôn cho rằng, mùa đông thì dài lê thê còn mùa hè thì thật ngắn ngủi. Và có lẽ vì thế, cuộc tình giữa mùa hè của Oliver và Elio diễn ra thật vội vã, gấp gáp. Họ sốt sắng lao vào nhau, như con thiêu thân bay vào biển lửa, mê đắm trong những cảm xúc dâng trào như thể đây mới là tình đầu của họ, yêu như chưa từng được yêu. Và người đọc cảm nhận rằng, dường như, tình yêu của tuổi trẻ là phải thế: dạt dào, điên cuồng và thẳm sâu. Họ cùng nhau ngồi bên chiếc bàn gỗ, dưới chiếc ô không che nổi cái nắng chói chang của miền Nam Âu, cùng đi câu cá, đạp xe, tranh luận về những nhà soạn nhạc, trao nhau những nụ hôn nồng say, ngây ngất trong cái đêm “anh trở thành tôi và tôi trở thành anh”, gọi tên người mình yêu bằng chính tên mình, nằm dài trên giường và mở toang cửa sổ tràn đầy ánh sáng.

Với Elio, ngăn ánh sáng chiếu vào phòng là một tội ác, nhất là khi Elio không thể có được thứ ánh nắng đó suốt đời. Điều này cũng tương tự như việc cậu không thể có Oliver đến trọn đời. Phải chăng vì thế mà Elio thầm cầu nguyện: “Hãy để mùa hè đừng bao giờ kết thúc, hãy để anh ấy đừng bao giờ ra đi, hãy để tiếng nhạc cứ vang lên mãi mãi”.

Elio từng thổn thức rằng: “Tôi muốn anh đi khỏi nhà chúng tôi để mà dứt tình với anh. Tôi cũng muốn anh chết là vì nếu tôi đã không thể dừng tương tư anh và lo lắng chuyện khi nào tôi mới lại gặp anh thì ít ra cái chết của anh sẽ chấm dứt điều này. Thậm chí tôi những muốn chính tay giết anh để cho anh biết sự hiện hữu của anh làm phiền tôi thế nào… Nếu tôi không giết anh thì tôi sẽ khiến anh tàn tật cả đời, để anh ở lại với chúng tôi trên chiếc xe lăn và không bao giờ về Mỹ nữa. Nếu anh ngồi xe lăn, tôi sẽ luôn biết anh ở đâu và dễ tìm anh". Nhưng Oliver sẽ ra đi, để rồi “những hẹn hò từ nay khép lại”. Chuyện tình giữa họ hoá ra cũng chẳng khác nào giấc mộng đêm hè.

Hôn nhân đồng tính ở thập niên 1980 vẫn là một đề tài cấm kỵ, hai người đàn ông yêu nhau thì làm sao có thể trọn vẹn đến với nhau được đây! Oliver chỉ còn biết tiếp tục cuộc đời mình, trở thành cha của đứa con trai và trở lại khu biệt thự, nơi tình yêu của anh đã thay đổi một con người, vào những ngày lễ.

15 năm sau, số phận lại sắp xếp để họ gặp nhau thêm lần nữa. Cả trời kỷ niệm cùng những nhớ thương chợt ùa về trong tâm trí hai người. Với Elio, cậu muốn Oliver hiểu rằng, “Chẳng có gì thay đổi kể từ lần cuối anh ở đây, chốn thiên đàng của anh vẫn nguyên đó, cánh cổng lệch nghiêng dẫn ra bãi biển vẫn cót két, thế giới vẫn y nguyên như khi anh ra đi”. Và khi hai người tới khu đất trống khô cháy, hoang phế, Oliver đã thốt lên rằng, “Tới rồi, xem rồi”. Đó là cách anh chứng tỏ mình cũng chưa bao giờ quên những tuần lễ bên nhau đẹp đẽ giữa hai người.

Trên mặt sau của tấm bưu thiếp in hình cái gò, nơi họ trao nhau cái hôn đầu, Oliver viết: Cor Cordium, từ này có nghĩa là “trái tim của những trái tim”. Đây cũng là dòng chữ được khắc trên bia mộ của thi sĩ người Anh Percy Shelley (1792-1822), một trong những tượng đài của phong trào lãng mạn châu Âu. Khi Shelley qua đời, toàn bộ cơ thể ông đã bị hoả thiêu, trừ trái tim ông là thứ duy nhất còn nguyên vẹn. Nếu liên tưởng đến chuyện tình giữa Elio và Oliver thì mối tình mùa hè giữa họ có thể đã bị “hoả thiêu” nhưng trái tim mùa hè thì vẫn đập gấp gáp như những ngày họ cùng nhau dạo bước khắp thành Rome, ngân nga hết bài hát này đến ca khúc khác cho đến khi bình minh ló rạng.

Theo vòng quay đều đặn, không ngừng của bánh xe thời gian, mùa hè nồng nhiệt trôi qua, Oliver đã ra khỏi căn nhà và đi ra hẳn cuộc đời Elio nhưng trái tim họ dường như vẫn nán lại bên nhau. Mà trái tim sẽ không bao giờ bị “hoả thiêu trên giàn lửa”. Đúng như lời Michael Upchurch (The Seattle Times), chuyện tình giữa Oliver và Elio là “một câu chuyện tình yêu vĩ đại…, mỗi đoạn văn, mỗi cơn đau, mỗi cơn sóng xúc cảm trong cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ này đều chân thật”.

Sách nổi bật của năm, New York Times (2007)

Sách hay nhất năm, Publishers Weekly (2007)

Sách Hư cấu hay nhất năm, Washington Post (2007)

Sách yêu thích của năm, Chicago Tribune (2007)

Sách yêu thích của năm, Seattle Times (2007)

Minh Phương

Tags: