Cuộc sống bi kịch của những nhà văn đồng tính nổi tiếng
Cuộc sống bi kịch của những nhà văn đồng tính nổi tiếng
Họ đều có đặc điểm chung là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, vượt qua mọi định kiến xã hội, tạo nên những tác phẩm vĩ đại cho lịch sử văn chương thế giới.

 

Oscar Wilde

 

Oscar Wilde (1854-1900), nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn nổi tiếng của Ireland, tác giả của những tác phẩm như Lady Windermere’s Fan, The Importance of Being Earnest, The Picture of Dorian Gray, The Happy Prince… Bên cạnh những thành công về sự nghiệp, Oscar Wilde có một cuộc sống riêng tư đầy bi kịch.

Cũng giống như những người đồng tính cùng thời với ông, Wilde tìm cách trốn chạy “căn bệnh” của mình bằng một đám cưới năm 1884 với Constance Mary Lloyd. Cuộc hôn nhân nhanh chóng cho ra đời hai đứa con trai vào năm 1885 và 1886. Nhưng việc áp dụng cuộc hôn nhân như một phương thuốc chữa bệnh của nhà văn hoàn toàn thất bại.

Vào khoảng năm 1887, trong thời gian làm việc cho tạp chí Society Magazines ở London (Anh), Oscar Wilde phải lòng một biên tập viên trẻ tên là Alsager Vian. Nhà thơ thường xuyên viết thư cho Vian, mời mọc anh đến nhà ông để “hút thuốc và uống rượu Italy”.

Năm 1891, Oscar Wilde gặp Alfred Douglas. Hai người yêu nhau đắm đuối và không giấu giếm quan hệ đồng tính luyến ái của họ. Cha của Alfred là John Sholto Douglas, Hầu tước Queensberry, không chấp nhận mối quan hệ và nhiều lần gây sự với Oscar Wilde. Việc này dẫn đến vụ kiện tai tiếng Queensberry. Oscar Wilde bị kết án 2 năm tù khổ sai vì “tội” quan hệ đồng giới.

Chính trong cảnh tù tội bi thảm đó, Wilde đã viết 2 tác phẩm thuộc loại hay nhất của ông, đó là Khúc ballade ở nhà tù Reading và De Profundis.

 

Oscar Wilde có một cuộc sống riêng tư đầy bi kịch.

 

 

Virginia Woolf

 

Virginia Woolf là một nhân vật có tầm ảnh hưởng của xã hội văn học London thế kỷ 20. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà bao gồm Đêm và ngày (Night and Day, 1919), Căn phòng của Jacob (Jacob’s Room, 1922), Bà Dalloway (Mrs.Dalloway, 1925), Đến ngọn hải đăng (To the Lighthouse, 1927), Orlando (1928), Một căn phòng riêng (A Room of One’s Own, 1929), Những đợt sóng (The Waves, 1931), Ba đồng tiền vàng (Three Guineas, 1938).

Năm 1912, Virginia kết hôn và đã có những năm tháng hạnh phúc với Leonard Woolf - "chàng Do Thái không một xu dính túi". Nhưng ngoài chồng, nữ văn sĩ nổi tiếng còn lao vào cuộc phiêu lưu tình cảm đồng tính với Vita Sackville-West.

Virginia Woolf và VitaSackville-West gặp nhau vào khoảng năm 1922. Vì thường xuyên ở xa nhau nên tình yêu của họ chủ yếu biểu hiện qua những bức thư nồng nàn và say đắm.

Vita Sackville-West, kém Virginia Woolf 10 tuổi, là một nhà thơ tài hoa và có đời sống riêng tư phức tạp. Tình yêu, dưới danh nghĩa tình bạn của hai người kéo dài suốt hơn 2 thập kỷ, từ đầu những năm 1922 cho tới 1941 - khi Woolf gieo mình xuống sông tự vẫn.

 

Virginia Woolf và VitaSackville-West

 

Thomas Mann

 

Năm 1905, Thomas Mann cưới vợ, sinh 6 người con (trong đó có ba người sau này cũng trở thành nhà văn). Cuộc hôn nhân không phải là cách giải quyết cho ông về vấn đề đồng tính. Thực ra, tình yêu duy nhất, nóng bỏng nhất và dai dẳng nhất trong cuộc đời dài cần mẫn của Thomas Mann là tình yêu dành cho các chàng trai vị thành niên.

Chỉ có thân thể và tâm hồn của các chàng thiếu niên là thực sự tạo cảm hứng cho Mann. Song ông đã dùng ý chí của mình để đè bẹp khuynh hướng này khiến nó không bao giờ được phát lộ thành hành động thực tế.

Đó cũng là một đề tài mà Mann say mê thể hiện trong sáng tác của mình, tiêu biểu là Der Tod in Venedig (Cái chết ở Venezia, 1913) - một trong những truyện dài xuất sắc của văn chương thế giới.

Thế chiến thứ nhất đã đẩy nhà văn vào một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Ông viết tập kí 600 trang Betrachtungen eines Unpolitischen (tạm dịch: Những suy ngẫm ngoài chính trị, 1918) trong thời gian này.

Sau chiến tranh ông trở lại với văn học nghệ thuật, hoàn thành một trong những đỉnh cao sáng tác của mình là Der Zauberberg (tạm dịch: Ngọn núi phù thủy). Năm 1929 ông được nhận giải Nobel, chủ yếu vì bộ tiểu thuyết vĩ đại Buddenbrooks (Verfall einer Familie).

Ngoài giải Nobel, ông được cả Đông và Tây Đức trao tặng giải Goethe năm 1949 và bằng danh dự của Đại học Oxford và Đại học Cambridge.

Thomas Mann chỉ thể hiện tình cảm đồng tính trong những sáng tác của mình.

 

André Gide

 

André Paul Guillaume Gide là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỷ 20, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1947.

Gide sinh ra vốn là đứa trẻ nhạy cảm, sống bản năng. Ông gặp nhiều nhiều bão táp trường đời: Mất cha từ nhỏ, chiến tranh liên miên, bệnh tật và đặc biệt là cú sốc năm 26 tuổi, khi ông phát hiện ra mình là người đồng tính.

Trước đó, Gide đã mối tình lãng mạn kéo dài với cô em họ Madeleine Rondeaux từ khi ông mới là cậu bé 12 tuổi. Về sau, ông vẫn trân trọng và cưới Rondeaux nhưng đồng thời chạy theo những mối tình đồng giới, trong đó có cậu thiếu niên 15 tuổi, Allégret.

Như con thiêu thân, Gide lao vào những cuộc sa đọa và không ngần ngại phô bày trên trang giấy. Năm 1926, tiểu thuyết Les Faux-monnayeurs (Bọn làm bạc giả) ra đời mang lại nhiều thành công cho ông. Đó là một đóng góp thực sự vào sự phát triển thể loại tiểu thuyết.

Một năm sau khi xuất bản truyện vừa Thésée (Theseus, 1946) - mà ông coi như một bức di thư văn học - André Gide được bầu làm Giáo sư Danh dự trường Đại học Oxford và được tặng giải Nobel năm 1947.

Năm 1950, André Gide xuất bản tập cuối cùng của bộ Journal (Nhật kí). Ông mất năm 1951 ở Paris.

Andre Gide, chủ nhân giải Nobel văn học năm 1947

 

Colette

 

Colette là một trong số những tên tuổi tài năng nhưng cũng vô cùng tai tiếng của văn chương cổ điển Pháp.

Colette có một mối tình đồng tính lãng mạn với nữ hầu tước Mathilde de Morny, biệt danh Missy.

Năm 1907, Colette và Morny cùng diễn xuất trong một vở kịch câm tựa đề Rêve d'Égypte (tạm dịch: Giấc mộng Ai Cập) ở Moulin Rouge. Nụ hôn trên sân khấu của họ gần như gây ra một cuộc náo loạn, đến nỗi người ta phải gọi cảnh sát tới để lập lại trật tự.

Do vụ bê bối này, buổi trình diễn tiếp theo của vở Rêve d'Égypte đã bị cấm, và họ đã không có thể sống chung với nhau một cách công khai.

Trong thời gian này, Colette cũng có quan hệ khác giới với nhà văn Ý Gabriele d'Annunzio.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Colette vẫn ở lại Paris khi Đức Quốc xã chiếm đóng và tiếp tục viết “bởi vì, bà nói rằng bà phải kiếm sống”. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà, Gigi, được viết trong thời gian này.

Những năm cuối đời, bà phải di chuyển bằng xe lăn, và được Goudeket – mà bà gọi là “một vị thánh” – chăm sóc. Khi qua đời, Colette đã để lại tổng cộng 50 tiểu thuyết đã xuất bản, trong đó nhiều quyển mang đậm tính chất tự truyện.

Nhà văn cá tính Colette với đời sống bản năng, cuồng nhiệt.

 

Arthur Rimbau

 

Arthur Rimbaud sinh năm 1854 tại Charleville, là con trai của một sĩ quan quân đội Pháp.

Năm 1871, Rimbaud gửi những bài thơ đầu tiên của mình cho Verlaine (trong đó có cả bản thảo tập thơ nổi tiếng Con tàu say). Ấn tượng trước giọng thơ tài hoa và sáng tạo của tác giả trẻ (Verlaine hơn Rimbaud 10 tuổi), Verlaine đã viết thư mời Rimbaud đến nhà mình.

Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khởi đầu cho mối quan hệ đầy sóng gió, một mối tình đẩy hai người đến chỗ bị xã hội xa lánh và khinh ghét.

Mối tình giữa hai thi nhân nổi tiếng không thoát khỏi ánh mắt hiếu kỳ của dư luận. Không dễ dàng được chấp nhận, họ đã quyết định rời Paris, đến London tận hưởng cuộc sống như những người bạn đi du lịch cùng nhau.

Sau gần 2 năm chịu đựng thói giận dỗi và những cơn nóng nảy vô cớ của Rimbaud, năm 1873, Verlaine bỏ rơi “bạn tình” ở London, một mình đến Brussels (Bỉ). Rimbaud sống trong cơ cực, khủng hoảng và cuối cùng mất vì bệnh ung thư xương.

Cuộc đời bi kịch của họ càng khiến cho năng lực sáng tạo nghệ thuật trở nên mãnh liệt. Cả Verlaine và Rimbaud đều là những nhà thơ kiệt xuất trong lịch sử thơ ca nhân loại.

Hai thiên tài thơ của thế giới, với mối tình nồng nhiệt nhưng đầy bi kịch.

Theo Zing News

 

 

Tags: