Editor's Choice: Sách hay fiction tháng 9
Editor's Choice: Sách hay fiction tháng 9
Những cuốn sách văn học đáng đọc trong tháng 9, do biên tập của Trạm Đọc tuyển chọn.

1. 5 tác phẩm của Mario Puzo (Đông A và NXB Văn học ấn hành)

 

 

Nếu “Bố già” làm bạn say mê, làm bạn phải thay đổi cách nhìn về cuộc đời này; thì những tác phẩm còn lại của Puzo sẽ nối dài những cảm xúc bất tận đó.

 

Mario Puzo là thiên tài trong việc dựng lên những thế giới ngầm chằng chịt, những con bạch tuộc tội ác len lỏi vào mọi ngóc ngách của chính quyền, đời sống, bằng những âm mưu thủ đoạn tàn độc nhất. Ở đó thiện ác như bị xóa nhòa, đúng sai không phân biệt nổi, mà chỉ có con người và sự sinh tồn của hắn giữa những làn đạn.

 

Chính cái khung cảnh sắt và máu ấy làm chúng ta phải suy nghĩ lại về những tiêu chuẩn trong cuộc sống, đâu là phẩm hạnh, đâu là chính nghĩa, và quan trọng nhất là làm thế nào để sống tiếp trong một xã hội tàn bạo như thế.

 

Bộ 5 tác phẩm mà Đông A tái bản lần này sẽ cho chúng ta trải nghiệm thiên tài của Puzo qua nhiều kiểu người (từ chàng Robinhood thời hiện đại – Đất máu Sicily; đến những ông trùm muốn “hoàn lương” trong một thời đại không còn đất sống cho mafia kiểu cũ – Ông trùm cuối cùng; và cả đến những âm mưu tội ác bị thao túng bởi giáo hội – Cha con giáo hoàng), từ đó dựng lên một bức tranh đa diện nhất về thế giới bí ẩn nhất – thế giới của mafia Ý.

 

2. Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình (Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ ấn hành)

 

 

Vẫn với giọng văn quen thuộc của Nguyễn Nhật Ánh, vẫn với những rung động đầu đời của tình yêu thuở hoa niên, truyện dài này thay vì những dang dở đầy chất thơ, đã bắt đầu nói đến những điều đời thường hơn: bà mẹ đơn thân, chàng trai với những toan tính dục vọng,… Nhưng truyện vẫn rất Nguyễn Nhật Ánh khi ông luôn tin tưởng vào con người, vào những điều tốt đẹp mà tình yêu đem lại.

 

Điều đặc biệt nữa, thay vì lối kể truyện đơn tuyến, tác giả chọn ba tuyến kể truyện song hành cùng nhau. Đây cũng là cách tác giả cho độc giả của mình thấy một cuộc đời “phức tạp” hơn, có nhiều lựa chọn đớn đau hay trầm buồn mà tình yêu phải trải qua, để rồi trưởng thành hơn trong cả biến cố nội tâm lẫn thử thách cuộc đời.

 

Dù ít nhiều lạ lẫm, nhưng nếu bạn yêu thích “Mắt biếc”, “Hạ đỏ”, “Buổi chiều Window”,… bạn vẫn nên trải nghiệm một Nguyễn Nhật Ánh “lạ mà quen”.

 

3. Lâu đài sói (Hilary Mantel, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành)

 

 

Cuốn tiểu thuyết lịch sử này đã đem đến giải Man Booker cao quý cho nữ tiểu thuyết gia Hilary Mantel.

 

Lâu Đài Sói là cuốn tiểu thuyết lịch sử được đặt tên theo tòa lâu đài của dòng họ Seymour ở Wiltshire lấy bối cảnh năm 1500 - 1535. Cuốn sách là tác phẩm lịch sử giả tưởng mô tả lại sự trỗi dậy quyền lực của Thomas Cromwell (người luôn được sách lịch sử nhắc đến như người đặt nền móng đầu tiên cho Chủ nghĩa Tư bản đầu thế kỉ XVI) dưới thời đại của Henry VIII nhờ cái chết của Sir Thomas More.

 

Như một Dumas của thời hiện đại, Mantel kể lại những sự kiện lịch sử trong một mê cung của dục vọng, tình ái, âm mưu, đức tin,…Cromwell hiện ra đa diện nhất thay vì những định kiến lịch sử luôn gán cho ông. Và cũng chính bởi khả năng khắc họa lại một con người vĩ đại trong mê cung của biến chuyển thời đại, mà cuốn tiểu thuyết vô cùng “đương đại” – thể kỉ XXI bất trắc của những tay chơi lớn luôn ở đằng sau bóng tối.

 

4. Dưới mắt tôi (Trương Chính, Tao Đàn và NXB Văn học ấn hành)

 

 

Tại sao lại là “DƯỚI mắt tôi”?

 

Cuốn sách này thể hiện cái nhìn của Trương Chính, một nhà phê bình còn rất trẻ lúc bấy giờ về những hiện tượng văn học lớn của tiểu thuyết Việt Nam trước 1945: Bỉ vỏ, Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh – Khái Hưng,… Nhưng khác với “Thi nhân Việt Nam”, nơi tác giả như một người bạn chân tình nhiệt thành giới thiệu từng bài thơ; Trương Chính thể hiện cái nhìn quyết liệt của mình vào từng điểm hay dở của tác phẩm – tác giả, từ đó cấp cho độc giả một cái nhìn sắc nét và dứt khoát về một nền văn học còn non trẻ.

 

Nếu bạn muốn có thêm một tham khảo về tiểu thuyết Việt Nam trước 1945, “Dưới mắt tôi” là cuốn sách bạn nên thưởng thức, cả ở nội dung lẫn cái giọng văn của người trẻ tuổi dám đặt cả một nền văn học “dưới” mắt mình.

 

5. Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng, Tao Đàn và NXB Văn học ấn hành)

 

 

Không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết sự tuyệt vời của tác phẩm kỳ lạ này.

 

Nhân vật chính là một phụ nữ có chồng mất trong một tai nạn. Chị không muốn sống nữa và quyết định tìm đến cái chết. Một cái chết chủ động, và người định chết cũng không biết bao giờ mình sẽ chết và chết theo cách nào.

 

Chị đi khắp Châu Âu trên những chuyến tàu, và trong suốt chuyến đi ấy những bất ngờ được khơi mở liên tiếp, lúc là một dòng chữ, lúc là một tung tích bí ẩn, lúc là một ngôi nhà kì bí. Tất cả đều vô định, vô định như chính những ký ức mà chị muốn tìm về và mất đi.

 

Hành trình đó chỉ là một biểu tượng cho hành trình đi sâu vào nội tâm của nhân vật chính. Nỗi cô đơn, sự hoang mang, đi đến tận cùng nó, lạ thay, lại là những cảm xúc ấm áp, là cần thấy một gắn kết, dù mơ hồ nhất.

 

Và quan trọng nhất, mỗi câu trong tiểu thuyết này (thật khó mà phân loại “Và khi tro bụi”) là một câu thơ, một chiêm nghiệm vừa đau đớn vừa minh triết về cuộc sống. Một thứ tiếng Việt tuyệt vời.

 

 

*Khi nhập email và bình chọn bạn sẽ có cơ hội nhận được 01 cuốn sách mà Trạm Đọc giới thiệu trong tháng tới!
Bạn thích cuốn sách văn học nào nhất trong những cuốn sách Trạm giới thiệu?
Email:
Bộ sách của Mario Puzo
Ngày xưa có một chuyện tình
Lâu đài sói
Dưới mắt tôi
Và khi tro bụi
 

 

* Đọc thêm: Danh mục sách hay non-fiction tháng 9 do Ban biên tập Trạm Đọc tuyển chọn. 

 
Trạm Đọc (Read Station)
Tags: