Editor's Choice: Sách hay non-fiction tháng 9
Editor's Choice: Sách hay non-fiction tháng 9
Những cuốn sách phi hư cấu đáng đọc trong tháng 9, do biên tập của Trạm Đọc tuyển chọn.

1. Trai nước Nam làm gì (Hoàng Đạo Thúy, Nhã Nam và NXB Hà Nội ấn hành)

 

Cuốn sách này được xuất bản lần đầu năm 1943 khi đất nước đang ở đêm trước của cuộc Cách mạng lớn. Bằng văn phong đầy lôi cuốn và tâm huyết, tác giả vẽ ra một con đường mới cho lớp thanh niên “Băn khoăn đứng trước đôi dòng nước” – trở thành một cá nhân mạnh để xây dựng đất nước hay cứ mãi chìm đắm trong ăn chơi hưởng lạc của xã hội thực dân tăm tối.

 

Cuốn sách một mặt phê phán những thói hư tật xấu mà thanh niên cần tránh, mặt khác chỉ ra những phong cách sống mới làm sao “tu thân, tề gia, trị quốc” trong thời đại “mưa Âu gió Mỹ”.

 

Hoàng Đạo Thúy vừa sinh ra trong một gia đình Nho học, vừa tiếp thu lối tân học nên cách nhìn nhận việc thanh niên phải hành động như thế nào vừa có cái khẳng khái của bậc trượng phu vừa có cái thực dụng của nhà cải cách xã hội. Dù nhiều quan điểm đã không còn thích hợp, nhưng hầu hết những lời trách lời khuyên của cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị với thanh niên ngày nay.

 

Trích đoạn:

 

“Lâu nay mình quen dựa dẫm; ở nhà dựa dẫm đã thành thói, ra ngoài lại dựa dẫm nữa, ta đã đến chỗ cho mình là không tự mình làm được việc gì cả. Lẩn việc cho là không, trốn trách nhiện cho là láo. Thành tính rồi thì nguy lắm. Ta phải chọn việc mà làm. Làm việc nhỏ cũng thật cho xong việc nhỏ, dần dần quen đi thì việc nhớn cũng có đủ gan mà làm được. Mình yếu mình khổ, hay kể lỗi mình đã, đừng đổ tại số, tại người, tại trời. "Người quân tử không oán trời, không giận người".

 

Đã trốn trách nhiệm quen thì còn tí chí nào chỉ hay lo cho mình thôi. Tiến bậc nữa đến vợ con là cùng, Hay quên rằng nước có một phận là chính mình với các xấu, cái hay của mình.”

 

 

2. Einstein: Cuộc đời và vũ trụ (Walter Isaacson, Alphabook và NXB Thế giới ấn hành)

 

Được coi là chuyên gia hàng đầu về viết tiểu sử trên thế giới, Isaacson tiếp tục cống hiến cho độc giả một câu chuyện vô song về cuộc đời nhà khoa tài hoa Einstein. Đã có nhiều cuốn tiểu sử hay cả tiểu thuyết về ông, nhưng chỉ đến Isaacson tất cả những mặt đa dạng nhất của Einstein: nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị, nhà giáo dục,… đã hòa quyện vào nhau thành một chân dung duy nhất.

 

Dù nói về những vấn đề vĩ mô nhất, qua những biến động lịch sử khổng lồ của thế kỷ XX, ta đều thấy Einstein hiện ra đời thường, nhân văn. Chính niềm tin bất diệt của ông vào tri thức, vào bản chất tốt đẹp của con người, và giáo dục chân chính đã giúp ông dẫn dắt nhân loại đến những chân trời mới. Cuốn sách này là một kiệt tác bởi nó dựa vào những chi tiết nhỏ nhất để khắc họa con người khổng lổ nhất.

 

 

3. Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa (Vĩnh Sính, Dtbook và NXB Khoa học Xã hội)

 

Tác phẩm này đã đoạt giải Sách Hay 09/2015 cho hạng mục sách nghiên cứu. Nhưng đây không phải một cuốn sách nghiên cứu khô khan, mà tác giả đã viết về lịch sử vừa sinh động vừa chặt chẽ, vừa thâm trầm vừa duyên dáng.

 

Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa được chia làm ba phần: phần 1 gồm những tiểu luận về giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản; phần 2 gồm hai công trình dịch thuật và khảo cứu của Vĩnh Sính: 1) An Nam cung dịch kỷ sự của di thần nhà Minh Chu Thuấn Thủy, đến Đại Việt (cụ thể là Đàng Trong) vào thế kỷ XVII và 2) Lối lên miền Oku của thi hào Nhật Bản Matsuo Basho (Tùng Vĩ Ba Tiêu; 1644-1694) - người có công định hình thơ haiku; phần 3 là Phụ lục nguyên bản chữ Hán tập An Nam cung dịch kỷ sự, Di cảo của Bùi Mộng Hùng đọc bản dịch Lối lên miền Oku của Vĩnh Sính và hình ảnh.

 

Điều đáng chú ý là ở mỗi bài viết, dịch phẩm, tác giả đều chỉ ra điểm tương đồng và dị biệt của văn hóa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh của chúng. Sự giống và khác ấy vừa giải thích những biến động lịch sử đã qua một cách thấu đáo, vừa chỉ ra những bài học mà cho đến nay vẫn còn đầy tính lịch sử. Đặc biệt tác giả nhấn mạnh mối tương quan văn hóa của Việt Nam và Nhật Bản trong mối quan hệ với Trung Quốc, những lựa chọn khác nhau của từng nước đã định hình lên lịch sử của họ như thế nào.

 

(Trạm Đọc sẽ gửi tới độc giả một bài điểm sách sâu về chủ đề thú vị này trong thời gian tới.)

 

 

4. Nhập môn Lý thuyết trò chơi (Fiona Carmichael, Ban tu thư ĐH Hoa Sen và NXB Hồng Đức ấn hành)

 

Chúng ta đã xem bộ phim “A beautiful mind” và có biết đến “Lý thuyết trò chơi” trong bộ phim. Vậy lí thuyết đó là gì, tại sao nói lý thuyết trò chơi có liên quan rộng khắp từ việc chúng ta chọn mua hàng cho đến những chiến dịch chính trị lớn?

 

Cuốn sách trả lời câu hỏi đó tốt nhất có lẽ là Nhập môn Lý thuyết trò chơi của Fiona Carmichael. Cuốn sách không quá tập trung vào khía cạnh toán học của vấn đề, mà tập trung vào tính logic của vấn đề, từ đó cho ta hiểu “Tại sao tôi lại ra quyết định này”. Bất kỳ quyết định nào dù nhỏ bé cá nhân, hay trọng đại quốc gia đều chỉ là “trò chơi” mà trong đó chỉ những tay chơi lớn, hiểu quy luật, mới hoàn toàn có thể đi đến thắng lợi cuối cùng.

 

Cuốn sách còn đem lại những gợi ý quan trọng, những cảm hứng ban đầu để người học có thể đi sâu vào thế giới tri thức phức tạp mà đầy thú vị của “Lý thuyết trò chơi”.

 

 

5. Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 2): Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn, trở thành, khác biệt

 

Vụ việc tấm tôn đã cướp đi sinh mạng của một cháu bé đã lám dấy lên dư luận phản đối những nghề nghiệp “bên lề xã hội” như chở tôn bằng xe tự chế. Nhưng câu chuyện thực sự đằng sau những nghề nghiệp ấy, con người ấy là gì, vụ việc đó là bề nổi của một biến động đô thị nào thực sự đằng sau?

 

Cuốn sách này không phải một nghiên cứu bách khoa nhằm giải quyết “đến nơi” hay “tổng thể” về những người “thiểu số” ở đô thị. Sự thiểu số này, từ những người công nhân, mưu sinh nhọc nhằn, đến người đồng tính nam, phản ảnh những vấn đề lớn hơn bản thân nó rất nhiều, kêu gọi những nghiên cứu xã hội phức tạp hơn, nhưng đọc từng nghiên cứu, sẽ giúp độc giả thêm “ngỡ ngàng” về những điều từng diễn ra trước mắt mình, một câu chuyện đơn lẻ nào đó ở một góc phố, chứa đựng ko chỉ vấn đề nhân sinh của mỗi cá nhân, mà còn cả chuyển biến khi đau đớn khi hi vọng về những lựa chọn của “thiểu số” trước những đô thị ngày càng “vô hồn”.

 

Các bạn hãy đọc mục lục, cảm nhận, và mong các bạn sẽ cầm cả cuốn sách trên để cảm nhận cuộc sống đang chảy xung quanh mình

 

Những viễn tượng khác trong nghiên cứu về người thiểu số - Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Quang Huy

 

Hành trình mưu sinh trên đất khách: sinh kế và bản sắc - Lê Anh Vũ

 

Đồng tính nam - lựa chọn và dấn thân - Trần Thanh Hồng Lan

 

Trở thành công nhân - Nguyễn Quang Huy

 

Du cư trong tâm tưởng và tái thiết lập lãnh thổ tâm hồn - trải nghiệm của nguời thiểu số về đời sống gia đình trong cộng đồng mộ đạo - Nguyễn Đức Lộc

 

Thân phận đồng cô và giới tính tôn giáo - Bùi Quốc Linh

 

Sự đọc bình dân tiểu thuyết ngôn tình - Hoàng Phong Tuấn

 

Tìm kiếm ý nghĩa, xây dựng bản sắc: trải nghiệm thú chơi gà chọi của người dân ở một làng lên phố tại Hà Nội - Nguyễn Anh Tuấn

 

Tự sự như là tiến trình nội tại hóa nghịch biện của chủ thể tính đương đại - Phạm Văn Quang

 

Tương tác, đối thoại thông qua kinh nghiệm sống và sự kiến tạo ý nghĩa xã hội của chứng điếc - Nguyễn Thị Ngọc Tú

 

Các đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của người Khmer thiểu số ở đô thị - Đinh Lư Giang

 

 

Bạn thích cuốn nào nhất trong 5 cuốn sách được Trạm Đọc giới thiệu tuần này?
Trai Nước Nam làm gì?
Einstein: Cuộc đời và vũ trụ
Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa
Nhập môn Lý thuyết trò chơi
Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 2)
Sage Quotes
 

 

* Đọc thêm: Danh mục Sách hay fiction tháng 9 do Ban biên tập Trạm Đọc tuyển chọn.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Tags: