Khai thác chiến tranh từ những góc nhìn khác: Những cuốn sách viết từ hậu chiến
Khai thác chiến tranh từ những góc nhìn khác: Những cuốn sách viết từ hậu chiến
Mạnh mẽ và day dứt, những cuốn sách ra mắt vào thời kỳ hậu chiến với người chắp bút ở mọi độ tuổi, mọi tầng chiêm nghiệm, sẽ cho thấy những nét phong phú khác của một lịch sử Việt Nam thời kỳ biến động đầy thương đau và oai hùng.

Cậu thanh niên hai mươi tuổi ra mắt cuốn sách về thời kỳ Chiến tranh miền Nam Việt Nam, vào năm 2016. Một người vốn xuất thân là kỹ sư điện thả mình trong những dòng viết tự nhiên, chân thực đến ám ảnh về quá khứ. Một bác sĩ quân y người Mỹ rỏ nước mắt cho những mất mát của Việt Nam trong cuộc chiến phi nghĩa kéo dài... Tất cả những con người ấy viết nên một phần lịch sử mà ta không nên bỏ qua khi nhắc tới những năm tháng đau thương của lịch sử Việt Nam.

1. Mộ phần tuổi trẻ - Huỳnh Trọng Khang

1968, Sài Gòn, một buổi trưa mùa xuân rát bỏng, có hai kẻ đã ném vào đó tuổi thanh xuân lộng lẫy của mình, để tất cả chỉ còn lại tàn tro.

Con trai trung tướng cộng hoà, gã sinh viên ban Triết đã sống như một "thằng khốn". Anh ta chẳng phe phái, chẳng chiến đấu, chỉ mải mê đi tìm niềm vui cho mình giữa bão táp lịch sử. Trốn chạy vào rượu, đuổi theo ham muốn thể xác hoặc vùi đầu vào sách. Trên hết là tình yêu, giữa những cuộc chiến là tình yêu, cái cõi lung linh mà anh ta tin rằng bất khả xâm phạm, nơi anh ta tìm thấy ý nghĩa của tồn tại, nơi cứu rỗi anh ta khỏi mặc cảm tội lỗi và lưu đày trên chính quê hương mình. Nhưng ngay cả những pho tượng cũng không vô tội trên mảnh đất này, thì con người liệu có thể quyết định được số phận của mình hay chăng?

Mộ phần tuổi trẻ, khi ra mắt, tạo bất ngờ sâu sắc tới độc giả: tác giả của một cuốn sách đầy yếu tố lịch sử những năm 1960 - 1970, quằn quại trong biến động thời cuộc, lại chỉ mới hai mươi tuổi!

Nguồn ảnh: Zingnews

Chọn viết về một quá vãng biến động, với lối viết già dặn nhuần nhuyễn chạm đến những tầng sâu cảm xúc, thật ngạc nhiên khi Huỳnh Trọng Khang là một cây bút thật trẻ, thật mới, chưa từng xuất hiện nhưng hứa hẹn nhiều sự bùng nổ sau này. Mặc dù không quá giá trị về mặt lịch sử, cuốn tiểu thuyết của Huỳnh Trọng Khang vẫn là một tác phẩm đáng đọc. Giữa chiến tranh là tình yêu. "Đọc 'Mộ phần tuổi trẻ', có thể nhận ra cả văn hóa Sài Gòn trước 75 luân chuyển trong huyết quản của tác giả, mặc dù anh sinh sau mốc ấy đến 21 năm." (Quân Khuê)

2. Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)

Nguồn ảnh: sachdenroi.com

Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng.

Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người. Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, "Nỗi buồn chiến tranh" có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

3. Rừng đói - Nguyễn Trọng Luân

Không thể tưởng tượng thời ấy người lính ra trận, vào chiến trường đánh giặc lại đơn giản đến mức: “Mỗi đại đội hơn trăm lính mà chỉ có một tờ giấy phê đúp ghi trích ngang. Sinh mạng nguồn gốc một con người đọc chỉ chưa hết 5 giây đồng hồ... Người sĩ quan nhận quân gấp cẩn thận mảnh giấy đút vào túi mìn Mo, vỗ vỗ mấy cái như an ủi hơn trăm mạng người yên tâm yên tâm mà chiến đấu”. Giá mà thời ấy, trên cổ mỗi người lính có thêm một thẻ bài bằng in nốc, to chỉ như đầu ngón chân cái, ghi số lính vào thì sau chiến tranh đã nhẹ bớt nước mắt trong những cuộc tìm kiếm trùng trùng gian nan. Rừng đói không chỉ thuộc về những người lính sinh viên mót sắn mà cả những người lính gái học hành dở dang, nhảy núi, xung vào đội quân gùi thồ phục vụ chiến trường. Có trăm ngàn nỗi sợ hãi. 

Không thể tưởng tượng nổi tiểu đoàn lính sinh viên đi mót sắn ở chiến trường khốc liệt, nhưng họ cũng bị đói. Đói cơm. Đói rau. Đói thịt. Đói cá. Đói không có chất béo chất đạm, nên mồ hôi người lính cũng không mặn, nước đái không khai. Ăn canh mộc nhĩ, bụng sôi èo èo. Tiêu chuẩn một lạng gạo, một ngày, gùi vài chục cân sắn, đi về vài chục cây số, dạ dày teo tóp, mặt xanh nanh vàng, chân run, mắt hoa. Đói, người lính trẻ chỉ nghĩ đến việc đi kiếm ăn, có cái gì ăn được là cho vào miệng để tồn tại, để sống mà trở về... với bố mẹ, quê hương: Bắn sóc, đánh cá bằng lựu đạn, lấy mật ong, ăn búng báng, lá bứa, cháo môn thục... Nguyễn Trọng Luân có những đoạn viết về tình cảm đồng đội lúc hiểm nghèo rất quặn thắt, buốt giá. Ông kể về anh lính sinh viên Đinh Ngọc Sỹ ngửa mặt lên giời, nước mắt ròng ròng, kêu than trong bất lực, tuyệt vọng: “Ối ông giời ơi thương thằng Khoái với, cho chúng con bắn được con thú rừng cho nó miếng thịt để nó đi.” Đêm, người lính bắn được thú rừng thật. Con mang bị vặt lông, nấu cháo. Mừng rỡ, bưng cháo thịt nóng hổi đến cho Khoái ăn thì anh đã chết. Chết vì sốt rét ác tính. Chết vì bụng lép kẹp đói. Đêm ấy, dù đói những người lại không ai nuốt nổi. Cháo mang còn nguyên, ê hề. Ai cũng “no”. Chỉ rừng đói.

(theo vanvn.net)

4. Tướng về hưu - Nguyễn Huy Thiệp

Khi mới xuất hiện vào năm 1987, những tựa truyện trong tuyển tập truyện này của Nguyễn Huy Thiệp đã gây chấn động cả nước. Được viết bằng văn xuôi ngắn gọn, thản nhiên, nó thể hiện nỗi tuyệt vọng của một vị tướng già, người sau nhiều năm cống hiến cho đất nước, bị xa lánh bởi sự trống rỗng của xã hội mà ông đã nghỉ hưu tại, và cuối cùng bỏ trốn. Nguyễn Huy Thiệp khơi phá các chủ đề tương tự trong các câu chuyện tiếp theo, từ Cún, câu chuyện cảm động về một người ăn xin tàn tật, đến Giọt máu, lịch sử đen tối của một gia đình trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và cách mạng. Với cả thảy tám câu chuyện, bộ truyện này cung cấp cái nhìn sâu sắc chưa từng có về một xã hội đang cố gắng vượt qua và thấu hiểu những năm đau đớn và xung đột.

5. Không thể chuộc lỗi - Allen Hassan

Năm 1968, bác sĩ Allen Hassan là một trong số gần 200 bác sĩ Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi nhân đạo của Hiệp Hội Y học Mỹ trong chương trình bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam. Lên đường đến việt nam vào thời điểm vài tháng sau cuộc tổng công kích và nổi dậy của quân và dân Việt Nam trong Tết Mậu Thân, khi mà những cuộc trả đũa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Mỹ đã làm cho chiến sự ngày càng một ác liệt hơn, bác sĩ Allen Hassan đến Quảng Trị với nhiệm vụ của một bác sĩ dân sự chăm sóc và điều trị cho dân thường trong tỉnh.

Tỉnh lỵ Quảng Trị chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng 35 km đã trở thành vùng tâm điểm của cuộc chiến từ hai phía. Do vậy mà tuy dân số thị xã Quảng trị thời bấy giờ chỉ ước khoảng 35.000 dân nhưng đã có đến hơn 87.000 lính thủy quân lục chiến thuộc Quân đoàn I trú đóng tại trung tâm thị xã và các khu vực lân cận. Và hiển nhiên, nơi đây đã trở thành vùng giao tranh ác liệt cả ngày lẫn đêm với xe tăng, xe bọc thép, phi pháo, bom đạn rải thảm không chỉ nhằm vào đối phương mà phần lớn người dân thường đã phải gánh chiụ những hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Bệnh viện tỉnh Quảng trị đã trở thành nơi thường xuyên tiếp nhận binh lính, các nạn nhân chiến tranh gồm phụ nữ, người già và trẻ em bị thương vong bởi bom đạn và các cuộc giao tranh , càn quét khốc liệt, đẫm máu của quân lực Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ.

Đọc những trang viết mà bác sĩ Allen Hassan hồi tưởng lại thời điểm làm nhiệm vụ chữa trị, cứu người tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị, chúng ta luôn bắt gặp những cảm xúc thương cảm, bất lực xen lẫn niềm căm phẫn tột độ với tư cách một con người, một bác sĩ với lời thề Hippocrates trước nỗi đau của đồng loại và tội ác chiến tranh do người Mỹ nhân danh tự do, nhân danh niềm kiêu hãnh của nước Mỹ đã gây nên cho dân tộc và đất nước Việt Nam vốn nhỏ bé và hiền hòa này.

Bác sĩ Allen Hassan và buổi ra mắt cuốn sách

Không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thảm kịch mà ông đã nhìn thấy hoặc âu lo về những người mà mình sẽ chữa trị trong ngày, đêm đến Allen Hassan thường xuyên không ngủ được và luôn trăn trở

Có quá nhiều thường dân vô tội bị thương. Người già, phụ nữ, trẻ em, những nạn nhân vô tội của các vụ ném bom ồ ạt, tàn nhẫn của Mỹ. Suy tưởng về tất cả những nạn nhân chết và bị thương làm cho tôi xúc động sâu sắc, âm thầm, lặng lẽ khóc một mình vào những giờ sáng sớm…

Trạng thái buồn bã, mệt lử, khóc trong đau đớn… đã thường xuyên hiện hữu trong suốt ngày tháng bác sĩ Allen Hassan phục vụ tại Việt Nam. Và không những thế, nó đã trở thành cơn ác mộng đeo đuổi và ám ảnh suốt cuộc đời ông cho đến hơn 40 năm sau.


Trước mặt tôi là khoảng 40 em bé Việt nam đang quằn quại giãy chết. Đa số còn rất bé, đứa lớn nhất có lẽ chỉ chừng năm tuổi. Tất cả các bé đều mang băng buộc cánh tay và đang cố chống chọi với cái chết. Nhiều bé cố cựa quậy chân tay trong khi máu vẫn rỉ ra từ những vết thương tròn, nhỏ trên đầu – những vết thương không được chữa trị, và có thể không còn cứu chữa được nữa. Chúng đã bị bắn ngay vào đầu! Tôi hình dung ngay ra cảnh những em bé này bị sắp thành hàng rồi bị bắn như kiểu hành quyết…

Đọc những dòng mở đầu tập sách: “Một buổi chiều tháng năm – Những chiếc cáng chất đầy xác trẻ thơ”, bạn đọc ắt hẳn cũng như tôi, sẽ liên tưởng ngay đến sự kiện thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi) ngày 16/3/1968 (trước thời điểm thảm sát trẻ em do bác sĩ Hassan kể lại này gần hai tháng) với 500 người đã bị giết chết: “Đàn ông, đàn bà, trẻ em không vũ khí, một số đã bị dồn xuống một hố sâu và bị bắn chết, xác chồng lên nhau”.

Nhân danh một nước lớn, nhân danh cho cái gọi là chủ nghĩa tự do, công lý nhân quyền, nước Mỹ luôn muốn thể hiện vai trò của người đứng ra sắp đặt, dàn xếp trật tự thế giới và sẵn sàng trả đũa, trừng phạt – ngay cả bằng những vụ thảm sát rùng rợn như thế - với những gì gọi là “ lệch chuẩn” theo quan điểm, góc nhìn của chính quyền Mỹ.

Trong những năm tháng chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại, tội ác và bài học về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam tiếp tục được che giấu, bưng bít. Tuy rằng nước Mỹ luôn tự hào về dân chủ, tự do, nhân quyền… song nước Mỹ sẵn sàng lãng quên, xóa bỏ những gì mà họ đã gây ra cho người khác như những tội ác trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trạm Đọc sưu tầm

 

>>  CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cuốn theo chiều gió - Tình yêu giữa những đổi thay lịch sử

Sự biến đổi năng lượng trong dòng chảy phát triển của lịch sử nhân loại

Nhân loại, một lịch sử đầy hy vọng

Khoảng cách thế hệ và những đứt gãy vô hình