Cuốn theo chiều gió - Tình yêu giữa những đổi thay lịch sử
Cuốn theo chiều gió - Tình yêu giữa những đổi thay lịch sử
Đọc sách, ta hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử của nước Mỹ, hình dung được cuộc sống của người Mỹ hồi xưa, cũng như phần nào thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của họ, và bồi hồi suy ngẫm về bao nhiêu câu hỏi trong cuộc đời này...

Danh sách các tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới không quá dài, nhưng không phải ai cũng đủ “can đảm & siêng” để đọc hết, dù chỉ một lần. Tôi cũng thế. Dù được dán nhãn ‘kinh điển’, khá nhiều tác phẩm trong danh sách này không hề dễ đọc: dài (đa phần là rất dài!), khó hiểu (do chúng được viết bởi nhiều tác gia thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, thuộc nhiều thời đại khác nhau), nội dung liên quan tới nhiều bối cảnh xã hội (văn hóa, xã hội, tôn giáo) đôi khi rất xa lạ với người Việt. May thay, Cuốn theo chiều gió tuy có dài (bản dịch tiếng Việt mà tôi có trong tay được NXB Văn học in làm 2 tập năm 1997, tổng cộng hơn 1.400 trang!) nhưng so với nhiều cuốn trường thiên tiểu thuyết khác nó vẫn dễ đọc hơn chút ít. Vì sao? Vì tuy là tiểu thuyết lịch sử, song nó được lồng trong một câu chuyện tình… tay tư, kèm theo bối cảnh chiến tranh – nội chiến Mỹ 1861-1865, đồng thời câu chuyện cũng thiên về hành động và nhiều nút thắt kịch tính (tuy những trang về suy tưởng, tâm lý nhân vật, hay tả cảnh tự nhiên cũng không ít và không kém xuất sắc!), khiến độc giả dễ bị cuốn hút hơn.

cuon-theo-chieu-gio-1

Đây là cuốn tiểu thuyết duy nhứt của nữ văn sĩ Mỹ Margaret Mitchell (1900-1949), xuất bản lần đầu năm 1936, giành giải Pulitzer năm 1937, chuyển thể thành phim cùng tên năm 1939 (bộ phim này thì quá ư nổi tiếng rồi, hình như giành mấy giải Oscar luôn!). Tác giả cũng sanh trưởng và lớn lên ở ngay thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia – một trong hai địa điểm chính trong bối cảnh cuốn tiểu thuyết của bà. Cả bên nội (gốc Scotland) và bên ngoại (gốc Ireland) của bà Mitchell đều là dân Georgia, ông nội và ông ngoại của bà đều tham gia quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến! Có thể nói bà Mitchell đã viết một cuốn tiểu thuyết… vô cùng liên quan tới bản thân, gia đình, dòng họ và quê hương Atlanta, Georgia yêu mến của bà.

Nội dung chính của câu chuyện diễn ra trong tầm 12 năm (1861-1873), xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Scarlett O’Hara từ khi còn là một thiếu nữ 16 tuổi tại trang trại Tara của gia đình, cho tới khi trưởng thành, lấy 3 đời chồng và có 3 đứa con. Giai đoạn này chính là lúc diễn ra cuộc nội chiến Mỹ 1861-1865 giữa hai miền Nam Bắc, với lí do chính là bất đồng về vấn đề giải phóng nô lệ: 25 tiểu bang miền Bắc ủng hộ chánh quyền Liên bang của tân Tổng thống Lincoln về việc giải phóng nô lệ da đen, trong khi 11 tiểu bang miền Nam chống lại và quyết định ly khai lập thành Liên minh miền Nam (Confederacy). Georgia là một trong các tiểu bang miền Nam, nơi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào các đồn điền trồng bông vải, tận dụng sức lao động của nô lệ da đen trong một xã hội trật tự theo lối xưa, trọng tình nghĩa, thứ bậc, khá gần với kiểu phong kiến châu Âu. Các tiểu bang miền Bắc có nền kinh tế thiên về công nghiệp, hướng theo lối làm ăn tư sản. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi Lincoln – một người miền Bắc – thắng cử tổng thống năm 1860, và cuộc nội chiến duy nhứt trong lịch sử Mỹ đã diễn ra, với thất bại sau cùng – hoàn toàn hợp logic – thuộc về phe miền Nam: họ yếu thế hơn hẳn, xét về dân số, quân số, tiềm lực kinh tế, sức mạnh quân sự v.v…

Đầu thế kỷ XX, một phụ nữ ở tuổi 35-36 mà viết được 1 cuốn tiểu thuyết lịch sử dài dằng dặc và rất ‘chắc tay’ như Mitchell quả là hiếm. Tôi đọc và bị cuốn hút từ đầu chí cuối, khi tác giả liên tục tạo ra những tình huống thắt và mở nút đầy kịch tính, dù câu chuyện diễn ra trên bối cảnh không gian và thời gian rộng lớn. Cuộc nội chiến Mỹ được kể lại rất sinh động từ góc nhìn của những người dân miền Nam – phe thua cuộc: ban đầu họ tự tin tới mức ngạo nghễ, xem thường đối phương từ ngay cách gọi khinh miệt ‘bọn Yankee’, coi chiến thắng là điều tất nhiên và … rất mau lẹ (thanh niên đua nhau đăng lính vì sợ…hết giặc mà đánh!); sau đó dần dần từ quan tới lính tới dân đều nhận ra thất bại là không thể nào tránh khỏi, nhưng vẫn nỗ lực hết mình trong một cuộc ‘chiến tranh nhân dân’ đầy hào khí. Những suy nghĩ, những sinh hoạt của người Georgia trong giai đoạn này được miêu tả vô cùng sinh động và kĩ lưỡng, qua nhiều câu chuyện về nhiều nhân vật khác nhau: thanh niên, phụ nữ, người già, người nô lệ da đen.

Thất bại của miền Nam chính là thất bại của cái cũ, cái quá khứ tươi đẹp mà nhiều người luyến tiếc, trước cái mới mạnh mẽ hơn, hợp thời hơn, không chỉ là trong kinh tế mà còn là trong xã hội, trong văn hóa và lối sống. Nước Mỹ nửa cuối thế kỷ XIX, sau gần một trăm năm lập quốc, đã tiến mạnh về trước với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thô bạo gạt về sau mọi ‘tàn dư’ hay ‘hào quang’ của quá khứ phong kiến Âu châu, mà đại diện là phe thủ cựu miền Nam – những người ủng hộ chế độ nô lệ, với niềm tin rằng người da trắng thượng đẳng hơn người da đen, và do đó có quyền sử dụng nô lệ cũng như trách nhiệm ‘chăm lo cho nô lệ cả phần hồn và phần xác’. Trên phương diện lịch sử, cuốn tiểu thuyết này cung cấp cho độc giả cái nhìn cận cảnh của cuộc nội chiến Mỹ, rất nhiều màu sắc, vô cùng ấn tượng. Giai đoạn sau cuộc chiến – được đặt tên trong các sách lịch sử là ‘thời kỳ Tái thiết’ – cũng được miêu tả cực hay, cực tinh tế. Đâu phải như chúng ta tưởng rằng người Mỹ xử lí cái kết của cuộc nội chiến một cách đẹp đẽ, thân ái, trên tình đồng bào, không tàn sát đối phương khi họ đã quy hàng! Nhiều năm sau khi miền Nam đã bị đánh bại, cái hố sâu ngăn cách giữa hai miền vẫn còn, việc đối xử của chính quyền thắng trận với các tiểu bang thua trận cũng gây ra vô số vấn đề phức tạp, dẫn đến phản ứng của dân miền Nam khi lập ra đảng Klu Klux Klan (hồi xưa tui cứ tưởng băng đảng này là nỗi hổ thẹn của người da trắng cực đoan, khi họ tàn sát người da đen, đọc ‘Cuốn theo chiều gió’ mới hiểu thêm ít nhiều về họ!) Độc giả Việt Nam không thể không liên tưởng cuộc nội chiến này với cuộc chiến tranh 54-75 tại quê hương, với bao điều nảy sinh trong tâm trí…

Không chỉ hay về mặt ‘tiểu thuyết lịch sử’ (đây có thể coi là một sử thi về Atlanta, về bang Georgia hay về toàn Mỹ quốc trong giai đoạn 1861-1865), ‘Cuốn theo chiều gió’ còn là một tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tình cảm xuất sắc. Phong cảnh Georgia với những cánh đồng bông, những vùng đất đỏ mênh mông, với cây cối xanh tươi, sản vật trù phú (đúng kiểu ‘dễ sống’, ‘đất lành chim đậu’!) được nữ văn sĩ dành nhiều trang sách để mô tả từng li từng tí, với niềm yêu thương vô bờ bến! Những cảnh sanh hoạt, tiệc tùng, lễ hội, ăn uống… của người Mỹ thế kỷ XIX cũng được tả rất kĩ, rất hay. Và tất nhiên không thể không nói tới câu chuyện tình tay ba, tay tư đầy rắc rối và qua nhiều ‘chương hồi’ của nhóm các nhân vật chánh: Scarlett, Rhett, Ashley, Melanie – mỗi người một vẻ, mỗi người đều có tâm lí và hành động vô cùng phong phú. Độc giả mê chuyện tình có thể tìm thấy trong tác phẩm này rất nhiều đoạn phân tích tâm trạng của con người khi yêu, khi cưới, khi giận hờn, cũng như sự va chạm của những quan niệm sống khác nhau trong những mối quan hệ tình yêu và hôn nhân – tất cả vẫn còn rất đúng, rất ‘hợp thời’ dù bối cảnh câu chuyện đã cách nay gần hai thế kỷ.

Tôi nghĩ cảm xúc lớn nhứt của văn sỹ khi viết bộ tiểu thuyết này có lẽ là nỗi hoài nhớ khôn nguôi về một quá khứ vàng son của Georgia, của miền Nam nước Mỹ thời xưa. Dù mọi thứ đã không còn, đã ‘cuốn theo chiều gió’ như chính tựa đề sách, con người vẫn luôn có xu hướng luyến tiếc quá khứ, và đó âu cũng là điều phổ biến và dễ hiểu. Đọc sách, ta hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử của nước Mỹ, hình dung được cuộc sống của người Mỹ hồi xưa, cũng như phần nào thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của họ, và bồi hồi suy ngẫm về bao nhiêu câu hỏi trong cuộc đời này, những câu hỏi mà con người từ cổ chí kim từ Đông sang Tây đều thắc mắc đi thắc mắc lại, những câu hỏi về tình yêu và hạnh phúc!

Nguyen Duong Hieu

 

>>  CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những vết nhơ của con người

Của chuột & người & cái lỗ thông hơi

Nhân loại, một lịch sử đầy hy vọng

Những lời bộc bạch của Khỉ Shinagawa

Tags: