Và tôi cảm động ở những chỗ anh chàng Lennie chốc chốc lại đế thêm vào câu chuyện cái sở thích nuôi một đàn thỏ.
Lennie thích sờ tay vào những thứ mềm mại, thậm chí là một con chuột chết. Cho nên, sau tất cả những gì có thể gầy dựng, phải cho tay anh ta chạm vào một thứ êm ái, tuyệt nhất là thỏ.
Đời, chỉ cần vậy thôi là mãn nguyện rồi.
Sinh sau John Steinbeck một năm, và mất trước John Steibeck đúng một năm, văn hào người Nhật Yamamoto Shugoro (1903-1967) viết truyện ngắn Nhà có bể bơi cũng với chủ đề tương tự. Đó là câu chuyện về hai cha con gã ăn mày khác thường.
Trên bước đường thất thểu nhặt nhạnh xin ăn hay mỗi khi trở về túp lều tạm bợ, họ lại bàn bạc chuyện xây một ngôi nhà. Cuối cùng, sau tất cả, thằng bé con thêm vào ngôi nhà một hạng mục: cái bể bơi. Lẽ dĩ nhiên, người cha gật đầu cái rụp.
Bởi lúc này, cậu bé trải qua một trận ốm do ăn đồ ôi thiu, bị tiêu chảy nhiều ngày dẫn tới kiệt sức. Nhưng rồi, cũng như anh chàng to con ngờ nghệch Lennie, cậu bé ăn mày dễ thương kia cũng đã từ giã cõi đời khi ước mơ vẫn chỉ là... mơ ước.
Câu chuyện về ước mơ ở hai đất nước vĩ đại là câu chuyện ngỡ như xa xôi tít mù, nhưng dường như cũng là chuyện muôn đời ở bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là với một nước nghèo như Việt Nam.
Tôi chưa từng được đọc một tác phẩm của một nhà văn Việt Nam với chủ đề tương tự, nhưng tôi biết những câu chuyện na ná vậy ở xứ sở này rất nhiều.
Mỗi ngày trên đường phố nhìn những người bán hàng rong, những người bán vé số dạo, tôi như đọc được trong ánh mắt họ một nỗi buồn thẳm sâu về tương lai của mình. Vào một buổi sớm mai trời se sắt lạnh, tôi thấy một người mẹ trẻ ẵm đứa con bé xíu, nhưng bàn tay vẫn chìa ra một xấp vé số.
Ads by AdAsia
Đi dọc trên hè phố, chốc chốc người mẹ trẻ ấy dừng lại, nhìn thật lâu vào gương mặt đứa con, miệng như thì thầm điều gì, thật âu yếm, nhẹ nhàng. Khi tôi đột ngột xuất hiện thì cô như bừng tỉnh, rất nhanh, chìa xấp vé số ra mà chưa kịp cất nên lời.
Người mẹ trẻ kia đã thì thầm điều gì với đứa con bé bỏng còn đang say ngủ của mình?
Tôi không biết. Nhưng tôi chắc là cô không dám vẽ cái ước mơ về một trang trại có đàn thỏ, ngôi nhà có bể bơi, thậm chí là một căn nhà cấp bốn ở thành phố này. Có chăng là ước mơ được quay trở về căn nhà quê cũ, nơi có giếng nước, mảnh vườn.
Và mỗi khi nghĩ tới giấc mơ ngôi nhà, tôi lại bị ám ảnh về cái chết của đôi vợ chồng trẻ bán bánh mì người Quảng Ngãi trong một căn phòng trọ không có cửa sổ ở Bình Dương. Tranh thủ tự sửa chiếc xe máy và để xe chạy rô-đa trong lúc ngủ, người chồng không ngờ thán khí đã giết chết cả mình lẫn vợ.
Tôi cứ nghĩ mãi về một căn phòng bịt kín, không một ô cửa sổ, một lỗ thông gió. Tôi cứ nghĩ mãi về cái chết của đôi vợ chồng trẻ trong tiếng chạy rè rè của chiếc xe máy cũ. Và họ chết đi để lại nơi quê nghèo kia những đứa trẻ mồ côi, bơ vơ, nhói lòng.
Mai này, nếu có vào Sài Gòn nhập bọn với cánh ăn mày hay bán vé số, đánh giày... chắc chắn chúng sẽ sầu tủi vì không có mẹ cha để cùng vẽ ngôi nhà ước mơ. Hoặc sau này, nếu may mắn thành tài, thành đạt, có nhà lầu xe hơi thì họ cũng không còn cơ hội báo hiếu.
“Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”. Đó là câu thơ của Robert Burns mà John Steinbeck lấy làm đề từ cho cuốn Của chuột và người.
Oái ăm thay đây là sự “hoàn hảo của giấc mơ”. Vậy thì, nên chăng, dù không bị đánh thuế, đừng mơ những điều mang tính hoàn hảo nữa.
Hãy cứ mơ một điều nhỏ bé: một căn phòng có cái lỗ thông hơi.
TRẦN NHÃ THỤY (Báo Tuổi Trẻ)