"Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ," Phụ nữ có được lên tiếng?
Thế giới đã có bao nhiêu sách viết về chiến tranh, nhưng tất cả những gì chúng ta biết về chiến tranh là do những người đàn ông kể. Chúng ta là tù binh của những hình ảnh “đàn ông” và những xúc cảm “đàn ông” về chiến tranh, còn phụ nữ thì vẫn mãi náu mình trong im lặng,

Như nhà nghiên cứu Việt Thanh Nguyễn viết trong cuốn Nothing ever dies, chiến tranh diễn ra hai lần, lần thứ nhất trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức. “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là một tuyển tập các câu chuyện về những trải nghiệm đau thương đầy cảm động của phụ nữ trong chiến tranh thế giới thứ 2, nơi hồi ức của họ vẫn là bãi chiến trường không hòa hoãn.

Cuốn sách cho phụ nữ quyền được nói, để họ kể những câu chuyện, sống động và đầy chi tiết, về cuộc sống trong chiến tranh, từ tâm sự của những cô bé thiếu niên lớn lên trong thời chiến, máu kinh chảy ròng ròng, tới câu chuyện của những thiếu nữ với tình yêu lãng mạn nhưng cũng đầy bi thương, tới những lời kể đẫm nước mắt của những bà mẹ, có người bịt mũi cho con chết, có người sát muối vào người con để đi giao liên. Đời sống riêng tư cũng như tập thể phô bày trên trang giấy, không chỉ tố cáo tội ác chiến tranh, không chỉ là tấm gương anh hùng của những cô bé xung phong trốn nhà ra trận dù thiếu tuổi vì căm thù phát xít, mà chúng mang đậm âm hưởng nữ quyền, khi cho phụ nữ quyền được cất tiếng, được là chủ thể độc lập, ở mảng tự sự hư cấu lẫn phi hư cấu viết về chiến tranh, vốn là độc quyền của nam giới. Không còn chỉ là người phụ nữ hậu phương đợi người ra trận trở về, đây là những câu chuyện của những cô gái ở đầu chiến tuyến, phá vỡ và thách thức thế thượng tôn chiến tranh là dành cho đàn ông.

Cuốn sách như một tập hợp những mảnh ghép, những “montage” về mặt tự sự, thông qua các buổi phỏng vấn mà các nữ cựu chiến binh, dưới hình thức độc thoại, được bộc ra toàn bộ những trải nghiệm của bản thân, được cung cấp tiếng nói (và chữ viết) cho những ký ức hậu trong và hậu chiến. Cuốn sách là một đóng góp vô giá, vào dòng văn học hậu chấn thương, nơi các nhà nghiên cứu có thể không chỉ tập trung vào những nối ám ảnh không thể xoa dịu cho chiến trận mang lại, những vết thương vĩnh viễn không thể chữa khỏi, mà còn vào những tái hòa nhập và di chứng trong thời bình. Quan trọng hơn, những tiếng nói từ ký ức này còn vạch ra một sự thật bất khả xâm phạm, đó là trong khi chiến tranh dường như xóa nhòa “tính nữ” từ ngoại hình tới bản thể người nữ: phụ nữ phải cắt bím tóc, phải mặc quần, không được phép hát hò hay trang điểm, tới mất cả chu kỳ kinh nguyệt, nhưng không thể giết chết được một ham muốn quá đỗi giản dị và đầy gợi cảm, được tô lông mày hay cài hoa ngay trên chiến địa.

 

 

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ nằm giữa lằn ranh giữa báo chí và văn chương, mà có một thuật ngữ dành cho thể loại này, đó chính là “báo chí văn chương.” Người đọc Việt Nam ít nhiều đã làm quen với Máu lạnh của Truman Capote (Nhã Nam, 2011), hay gần đây là Catalonia – Tình yêu của tôi (Alphabooks, 2013) sẽ hiểu được sự vận hành của thể loại này. Bằng những nghiên cứu sâu, những phỏng vấn kỹ càng, người viết cung cấp một cách nhìn chính xác dựa trên sự thật, tập trung vào những con người cụ thể tình huống cụ thể, cảm xúc cụ thể. Cuốn sách này của Svetlana Alexievich là một minh họa điển hình cho lối viết văn chương hòa quyện các số phận riêng tư mà vẫn giữ được chức năng phô bày sự thật.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là nơi giằng co giữa hai thế lực vô hình, cạnh tranh nhau quyết liệt, nhưng không loại trừ lẫn nhau. Do sự tập hợp có phần dàn trải, những gương mặt phụ nữ, trong cái khung bao gồm một loạt (gần 200) các câu chuyện về tình yêu, tang thương, chiến tranh, chết chóc, hy sinh, đau khổ, được đóng vào với nhau, trên bình diện lớn, đã dần có xu hướng bị nhòa đi. Chúng kéo nhau, dồn lại, tạo thành một mảng lớn, như những mảng tường ghi tên các liệt sỹ, như mảng tường các khuôn mặt những người được tưởng nhớ, ở các đài tưởng niệm. Chúng dần tự xóa gương mặt, xóa hết nhân dạng, tên tuổi. Các cô gái dần câu rút thành một tập hợp không có một khuôn mặt. Và chính hiệu ứng này, phản ứng rõ ràng nhất, sự tàn bạo và vô nghĩa lí của chiến tranh, khi trong một nỗ lực khủng khiếp, nó cố biến mọi tên tuổi, mọi con người, mọi cái chết, thành vô danh. Nhưng ai thì vô danh, trong cuộc đời này?

Trên một lực đẩy khác, cuốn sách lại như một đài tưởng niệm riêng lẻ bằng ngôn ngữ, luôn nhắc nhớ, ở từng câu chuyện, từng lời kể với giọng kể không thể gần gụi, chân thực hơn, riêng tư hơn, cụ thể hơn về những cuộc đời đã bị thay đổi, khốc liệt và vĩnh viễn, bởi chiến tranh. Đó là những gương mặt con người bình thường, và những khuôn mặt làm nên lịch sử, như chính lời trong truyện, “Cuộc sống con người trở thành lịch sử và lịch sử được cắt ra thành hang ngàn cuộc đời con người. Người ta bắn và người ta chết, người ta có lòng tin và người ta vỡ mộng; và cùng lúc, người ta muốn tô lông mày, ít ra thì khi ngủ cũng mặc một chiếc áo cánh phụ nữ mỏng.”

 

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - Một tác phẩm của tác giả Svetlana Alexievich - Nobel văn chương 2015, bản dịch đầy đủ nhất từ trước tới nay, không cắt gọt, không kiểm duyệt của chính tác giả do dịch giả Nguyên Ngọc dịch mới hoàn toàn. Đặt mua ngay tại: https://goo.gl/btgmdf

 

Trạm Đọc

Theo Bên phía nhà Z