Những Giá Trị Nhân Văn Về Tình Yêu Của Pu-skin Trong
Những Giá Trị Nhân Văn Về Tình Yêu Của Pu-skin Trong "Tôi Yêu Em"
Tình yêu không cần phải hoàn hảo, nó chỉ cần chân thật.

A.X. Pu-skin được mệnh danh là “mặt trời của thi ca Nga”. Người ta biết đến ông với những tác phẩm thơ tình chứa đựng những giá trị, triết lí về tình yêu. Tình yêu trong thơ Pu-skin luôn ẩn chứa những điều khó nói, đa phần là tình cảm từ một phía, tình cảm không nói ra nhưng là thứ tình cảm mãnh liệt, sâu đậm và chân thành. Ông để lại trong lòng những người mến mộ các tác phẩm như Hết rồi, tự thú…tuy nhiên có lẽ đọng lại trong lòng bạn đọc là những lời thơ chứa đựng những cung bậc cảm xúc khác nhau của tình yêu là tiếng thơ của “Tôi yêu em”. Bài thơ đã phá vỡ mọi rào cản về lòng căm phẫn, đớn đau, tình yêu đơn phương để có thể trở nên chân thật và chứa đựng những điều chân thành nhất từ trái tim dám yêu, dám vì tình yêu không được đáp đền ấy mà có thể cầu mong những điều tốt đẹp đến đối phương.

“Tôi yêu em” là dựa trên tình cảm thật của Pu-skin đến Anna người con gái ông yêu và muốn cưới làm vợ. Thứ tình cảm cháy bỏng, da diết ấy không được cô chấp nhận, nên ông đành rút lui và ôm mối tình đơn phương này, giữ lấy riêng mình. Người con gái trong bài thơ được hình tượng hóa thành giai nhân với những yếu tố lãng mạn đan xen vào, khiến tác phẩm trở áng thơ tình được yêu thích.

Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai,

Mở đầu những câu thơ của “Tôi yêu em”, dường như tiếng lòng yêu thương ấy chỉ xuất phát từ trái tim của “tôi”. Thực bởi vì “tôi” yêu “em” da diết, con tim như ngọn lửa kia, dẫu chính tôi đang nghi hoặc chính tình cảm ấy. “Chừng có thể” – cụm từ không xác định, có chút mơ hồ, dè dặt nhưng lại là cách diễn đạt cho trái tim yêu nhưng không dám nói. Tiếng lòng của một con người tha thiết mong được yêu đến thế nào. Trong hai câu thơ đầu đó là tình yêu nồng nhiệt, như sức mạnh của ngọn lửa, cứ thôi thúc “tôi”, nhen nhói trong “tôi”. Tình cảm ấy là thứ cảm xúc khởi nguồn từ con tim yêu chân thật, một thứ tình yêu bền bỉ, kiên trì cho nên những câu thơ phần nào thể hiện được nội tâm của Pu-skin trong tình yêu.

Ta dễ dàng bắt gặp tình cảm nồng nhiệt, cháy bỏng qua những câu thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh trong bài thơ tháng Năm như:

Tình yêu như tháng Năm
Mang gió nồng nắng lửa
Lòng anh là đầm sen
Hay là nhành cỏ úa?

Ấy vậy khi chuyển qua hai câu thơ sau:

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tình yêu ấy mang nỗi trăn trở của “tôi”, yêu em là từ phía con tim tôi, không vị kỉ, không oán trách em hờ hững. Tình yêu ấy từ phía tôi không cần có sự can dự của em, vì nó là tình cảm từ tôi, từ trái tim tôi, không phải để em thêm bận lòng, suy nghĩ thêm nữa. Đó là trái tim yêu cao cả, yêu em,luôn hướng về phía đối phương, trong lòng yêu thương sâu đậm đến đâu, vẫn không muốn trái tim người kia bị ràng buộc. Cả hai có những khoảng trời riêng của mình, không bị ràng buộc. Tác giả viết “nhưng không để em bận lòng thêm nữa”, thể hiện lên tình yêu chẳng cần phải van xin hay ích kỷ cưỡng cầu thứ tình cảm vốn không thuộc về mình của nhân vật trữ tình. “Tôi” yêu em nhưng không ép buộc em vào thứ tình cảm chỉ của riêng tôi, muốn em tự do với khoảng trời của mình, để em không phải “gợn bóng u hoài”. Qua đó thể hiện lên một tình yêu cao thượng, dám vì người mình yêu, nhận lấy những phiền muộn cho riêng mình.

Lời thơ trong “tự hát” cũng mang nỗi niềm, da diết, cũng chứa những cảm xúc yêu thương đến vậy:

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

Yêu và được yêu là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Một tình yêu thực sự hoàn hảo khi cả hai trái tim có sự đồng điệu về tâm hồn, cả hai toàn tâm toàn ý. Nhưng khi con người ta yêu, có gì đâu là dại khờ, ngộ nhận. Yêu chỉ biết đấy yêu là mong chờ, là cháy bỏng thiết tha. Yêu là khi biết học cách hi sinh vì tình yêu, không vị kỷ, vì tình yêu, vì người yêu, chẳng gò ép hay cưỡng cầu ai phải chấp nhận điều người ta không muốn.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,

“Tôi yêu em” như một điệp khúc lặp đi lặp lại, trải dài suốt bài thơ. Những câu thơ tiếp theo là tình yêu của tôi đến em, có chút “rụt rè”, nhưng đan xen cả những cảm xúc của sự ghen tuông. Đó là những cảm xúc rất đỗi bình thường của một trái tim yêu, “tôi” cố kìm nén những cảm xúc của mình, nhưng có khi nó lại là nỗi “hậm hực” ở trong lòng. Ai yêu mà không có giây phút ghen tuông đối phương. Tình yêu vốn là vậy, vốn đa cung bậc cảm xúc, có hờn, có ghen. Ấy mới là tình yêu! Nhân vật trữ tình “tôi” cũng không thể thoát khỏi cảm giác bị giày vò, khổ sở vì tình yêu đơn phương của mình đến vậy!

Con người khi điên cuồng trong tình yêu thường ích kỷ, chỉ nghĩ tình yêu phải thuộc về mình, tuy nhiên qua hai câu thơ tiếp theo

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em

Ta thấy được Pu-skin cho người đọc thấy được giá trị nhân văn, cao đẹp trong tình yêu của mình. Nhân vật trữ tình cho dù rất yêu cô gái, cho dù bị từ chối tình cảm nhưng “tôi” vẫn thể hiện rằng mình chân thành, nhúng nhường và có một tâm hồn cao thượng trong tình yêu. Điệp khúc “tôi yêu em” vẫn tiếp tục và kéo dài trong suốt mạch thơ làm cho những câu văn thêm chân thành và đằm thắm hơn. Ta có thể thấy được nhân vật trữ tình “tôi” ở đây chế ngự và cống hiến cho một tình yêu đích thực thế nào. Tình yêu vị tha và cao cả, tình yêu của sự chân thành, nhưng không kém phần nồng nàn. Tưởng chừng nhưng hai câu kết là sự tiếp nối những hậm hực, ghen tuông. Ấy vậy thật bất ngờ, Pu-skin đã kết lại bằng câu “Cầu được cho em được người tình như tôi đã yêu em”. Có lẽ chỉ có thể nhìn thấy ở trái tim yêu dám đánh đổi, dám hi sinh mới có thể thốt lên câu nói như vậy, phải chân thành và yêu người con gái ấy thế nào thì “tôi” mới dám từ bỏ để đổi lấy hạnh phúc của “em”. Bởi có lẽ “tôi” luôn muốn hướng tới hạnh phúc, khao khát được dâng hiến, chỉ cần người mình yêu hạnh phúc là mãn nguyện hơn thảy. Một lời chúc kết thúc bài thơ nhẹ nhàng, đủ chứng minh cho ta thấy giá trị nhân văn ra sao của tình yêu từ Pu-skin.

Nghệ thuật đối lập trong bài thơ đã làm nổi bật lên những khía cạnh, cung bậc cảm xúc khi yêu trong nhân vật trữ tình, đó cũng là những cảm xúc nói chung của những kẻ si tình vì yêu. Lúc yêu nồng nàn, cháy bỏng, khi rụt rè, mà có lúc hậm hực, ghen tuông, nhưng vẫn chân thành và đằm thắm. Có vậy mới là tình yêu, nhưng có lẽ điều làm nên giá trị cho “Tôi yêu em” đấy chính là thông điệp mang đậm tính nhân văn mới mẻ mà Pu-skin muốn gửi đến người đọc về tình yêu  một tình yêu chân chính. Tình yêu luôn cần sự thấu hiểu, đồng điệu về tâm hồn, hơn hết tình yêu đó phải có sự hài hoài giữa những cảm xúc, không thật sự quá ghen tuông mù quáng, nhưng cũng không quá cứng nhắc, mà nồng nàn, chân thành!

Tác giả: Trịnh Minh Phượng – Nguồn: Văn học 365

Tags: