Truyện của Nguyễn Ngọc Tư nào tôi cũng tôi thấy buồn, cái chất buồn lạ lắm. Những cái chỗ buồn nhất của truyện rỉ rê chảy trên giấy theo một cách chậm rãi nhất, dửng dưng nhất. Tư cứ kể ngang xương, chưng hửng vậy đó, ta đọc xong bị hẫng một khúc ruột.
Nguyễn Ngọc Tư chẳng nói buồn cho ai, tội cho ai bao giờ, như cô xuất hiện giữa đời họ là một người ghi chép, chỉ vậy thôi. Nhưng những gì cô chép ra, gọn, sắc, nặng và luôn ngồn ngộn hình ảnh. Tư không nói với ai chị Hoài lấy phải người mình không thương nên tội lắm, Tư kể những vết bầm trên mắt chị, kể những buổi chị đi chợ về đứng tần ngần trước nhà người cũ. Tư cũng đâu có nói anh Hết đáng thương lắm phải nhìn người con gái mình yêu thương lấy người đàn ông khác, Tư chỉ kể anh đánh cờ, đưa chốt sang sông mà rớt nước mắt. Tư chỉ chép lại câu ảnh nói vậy nè : "Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về". Đọc mà thương đến điếng lòng. Nhiều chữ Tư viết, mấy lần lướt qua, mấy lần nhớ lại, sống mũi tôi lại cay.
Nhiều lúc tôi tự hỏi lòng cô Tư làm bằng gì mà nặn ra được nhiều cái trớ trêu và chênh vênh đến vậy. Quyển Sông của Tư cũng là một hỗn hợp những mảng đời như thế, chỉ có là những mảng ấy không rời rạc, mảng to, mảng nhỏ đều gắn với một dòng sông và một con người quăng đời mình vào dòng sông ấy.
Câu chuyện bắt đầu khi Ân, một nhà báo trẻ, sau khi chịu thương tổn quá lớn vì người yêu đồng tính đi lấy vợ, đã quyết định cùng hai người bạn đồng hành không hề quen biết từ trước, đi ngược sông Di để thực hiện một chuyến du khảo. Ân trốn cuộc đời bằng cách lựa chọn một dòng sông để thả trôi chính mình. Cuộc đi của anh với những gì anh chứng kiến, trải nghiệm đã nhập nhằng cùng với những gì anh bồi hồi từ quá khứ. Tất cả trôi và câu chuyện cũng trôi theo đó.
ẢO
Sông Di. Con sông bước ra hoàn toàn từ trí tưởng tượng, đến cái tên cũng như lấy từ miền kì ảo xa xôi nào đó. Từ khi “tâm trạng…bở như dưa gang chín rục” của Ân bắt đầu trôi trên sông, cũng là lúc mà rất nhiều những mảnh chuyện lẫn lộn hư thực gối đầu nhau trôi nhan nhản qua trước mắt, nhiều khi chưa kịp ủ ê cho người này đã phải xót lòng vì kẻ khác. Mà mấy chuyện đó, chuyện nào cũng bắt đầu bằng những cái tên địa danh, tên dân tộc, tên lễ hội nghe lạ quắc, nghe ảo hoặc như ở xứ huyền huyễn nào đó: Mù Sa, Tầm Sương, Vĩnh Thuyên,... Và rồi những cái tên ấy mớm những tưởng tượng, kích thích người đọc bằng khói mơ, sương mộng.
Sự tưởng tượng quá phong phú , với những hình ảnh quá ảo hoặc khiến Sông của Tư như có hơi men. Ma mị như bức tượng người con gái cuối cùng của dân tộc Ủ với đôi môi nhuộm đỏ bằng máu hận của người cha, đàn ông mất ngủ còn đàn bà mất mạng vì nó. Ảo sầu như cô gái có khả năng phát hiện ra ốc quý vì nghe được tiếng chúng hát. Cô gái sẽ mất khả năng ấy nếu có gần gũi xác thịt với bất kì ai, người yêu cô biết sự thật đó và người yêu cô cũng biết anh cần làm giàu bằng những con ốc đó. Thơ như vậy, giả như vậy, nhưng đọc không phải để trầm trồ, đọc không phải để ngạc nhiên, nghi hoặc, mà cũng không biết đọc để làm gì nữa . Vì lỡ đọc rồi lặng luôn, lỡ đọc rồi trôi luôn, say mèm vì chữ, cõi lòng ướt nhẹp vì chữ để rồi dấy lên chút hoan hỉ vì biết lật trang sau vẫn còn chữ.
THỰC
Nhưng mà khói mơ thì vẫn cay mắt, sương mộng thì vẫn lạnh lòng. Ảo thì vẫn phải còng lưng địu những cái thực nặng nề. Sông Di bước ra từ tưởng tượng cũng không thoát khỏi được kiếp long đong của hiện thực, cũng phải chảy qua những miền đất trần trụi, khô róc và xa xót bởi hiện thực. Tôi rất mê cái cung cách tưởng tượng này của Tư.
Ở hạ nguồn có những mảnh đất, những ngôi nhà, thậm chí cả những vạt rừng, ngôi miếu đột nhiên sạt xuống sông, hấp hối trôi rồi chìm dần, người trên bờ đứng trông người trên sông leo tận đọt dừa vẫy vẫy cho đến khi cái đọt dừa ấy cũng mất hút vào lòng sông…Hình như đi xa hơn nữa sẽ gặp những người già còm cõi tìm về hội “tắm lu” để đong lại những xưa cũ, lặn lội đến nơi thì quặn lòng chưng hửng cái hội đó đâu mất rồi, bãi đất trống mở hội giờ đây trở thành nơi người ta xây những khách sạn cao tầng, những trung tâm thương mại sầm uất, còn cái hội đó thì nghe đâu người ta đem cho “diễn” ở quảng trường.
Đem theo những ngơ ngác, bải hoải lên đến thượng nguồn sông sẽ gặp người dân tộc Đào vì ham lợi, bán dần bán mòn cho một dân tộc lớn khác từ những thứ kì cục như lá khô, con đĩa đến những cây gỗ quý đến cái cột nhà của ngôi nhà sàn thiêng liêng, rồi từ một thời trù phú héo úa thành một cộng đồng nghèo, nghèo đến mức đẻ con ra để bán mà sống qua ngày…Tất cả đều mang dáng dấp của những thứ ta đã từng thấy, và có lẽ đã từng dửng dưng, thờ ơ ngoài đời thực. Có phải đi trên những con sông thật, không chịu nổi những phũ phàng, hững hỡ của đời nên Tư mới cho ta lặn lội trên con sông ảo đó, có thấy đời buồn thì lòng cũng đỡ tần ngần, tiếng thở dài cũng đỡ chênh chao.
VÀ NHỮNG LÊNH ĐÊNH…
Nếu bạn thích một câu chuyện đầy kịch tính, nếu bạn muốn nghiền nát bí ẩn, nuốt một cách đầy rạo rực rồi ợ lên cảm giác vỡ òa, thì có lẽ bạn sẽ đuối giữa chừng khi đọc Sông. Dù Sông bắt đầu bằng những thứ tưởng như bí ẩn, nhưng men theo con sông ấy mới nhận ra đến cuối cùng không có gì ngoài những lênh đênh.
Một Ân với câu chuyện tình đã dang dở mà yêu lụy vẫn tiết chất đắng vô vọng trong lòng, quyết định biến mất vào sông để rồi va vào toàn những vô vọng, mòn mỏi khác. Một Bối thiếu thốn tình thương, bày trò mất tích để chờ người đi tìm mình, để được thấp thỏm hi vọng ủi an rằng còn có ai đó trên đời nhớ đến mình. Một Xu chai lì vì đau thương từ nhỏ, giờ đây bạt đời, dửng dưng tất cả. Một cô nàng nhà văn sống như ngựa hoang, hưởng mọi lạc thú trong ngang tàng để rồi đời cheo leo, kiệt quệ vì giấc ngủ bỏ rơi.
Mọi thứ đều lênh đênh, đều chạy trốn một sự vực dậy. Những tin nhắn đầy nhung nhớ của người tình cũ, Ân chắt chiu từng dòng nhưng vẫn bơ hờ vì mình đâu chờ đợi những con chữ. Những cuộc gọi điện thường xuyên của mẹ, kể về mẹ , kể về những điều mẹ làm cho Ân, kể về những điều mẹ muốn Ân làm cho mẹ. Nhưng những câu kể đều kết thúc bằng dấu chấm đã bị triệt mầm, chẳng thể nào mọc nổi cái móc để thành dấu chấm hỏi, để mẹ hỏi Ân một câu : "Dạo này con thế nào?”
Không ai hỏi ai những câu như vậy trong truyện, cũng không ai dám động viên hay làm bờ vai cho ai dựa vào, có phải vì mỗi một con người dù bề ngoài tươi mơn mởn ra sao, đều đã quá tàn tạ bên trong. Còn ta, không hư tàn, không thương tổn sao cũng chẳng thể có đủ can đảm để nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn cho họ. Có phải vì sông Di, có phải giọng văn ảo hoặc làm mụ mị lòng ta hay vì sâu trong chính mình, ta nhận ra mình là ai đó trong những mảnh đời trôi sông kia?